Nhân dịp Quốc tế Thiếu Nhi 1/6, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn Musical Show “Giấc mơ của Bờm”. Kịch bản văn học: Thiên Ân; kịch bản âm nhạc: nhạc sĩ Trần Lệ Chiến - An Hiếu; đạo diễn: NSƯT Lê Ánh Tuyết, các nghệ sĩ đã mang đến cho các em thiếu nhi một vở diễn hấp dẫn, đậm tính nhân văn và giáo dục sâu sắc.
Mượn tích câu chuyện dân gian “Thằng Bờm”, “Giấc mơ của Bờm” kể về cậu bé Bờm mồ côi cha mẹ, gia cảnh nghèo khó nhưng ham học và có tấm lòng bao dung, lương thiện, bị lão Phú ông mưu mô, ít học, thích khoe khoang, sống trịch thượng, cậy quyền uy hà hiếp. Bằng trí thông minh nhạy bén, tấm lòng vị tha cùng sự giúp đỡ của những người bạn tốt, Bờm đã khiến lão Phú ông nhận ra bài học thích đáng về lòng tham và sự gian ác của chính mình. Tuy được xây dựng dựa trên cốt truyện dân gian hết sức quen thuộc với người dân Việt Nam nhiều thế hệ nhưng vở diễn đã thể hiện một cách sâu sắc nội dung thông qua các ca khúc, lời thoại, diễn xuất và âm nhạc.
Đạo diễn Lê Ánh Tuyết đã rất khéo léo khi xây dựng đa dạng các tuyến nhân vật, nổi bật nhất là tuyến nhân vật phản chiếu gồm cô bói và các bạn của Bờm. Họ là những nhân vật đại diện cho cái thiện, lòng bao dung trắc ẩn. Tiếng nói, lời thoại của họ xuất hiện gián tiếp làm nổi bật lên phẩm chất, giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân vật chính, đồng thời lên án, phê phán những thói hư, tật xấu, đi ngược lại với đạo lý của nhân vật phản diện là Phú ông và Phú bà. Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết chia sẻ: “Bằng ngôn ngữ hiện đại về âm nhạc, ngôn ngữ hình thể thông qua các động tác múa, cùng với trang phục, bối cảnh… các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ đã thể hiện vở diễn “Giấc mơ của Bờm” một cách gần gũi, đầy tính nhân văn, mang đến cho các em thiếu nhi món quà tinh thần hấp dẫn”.
Về nội dung, vở diễn khai thác triệt để các chất liệu trong ca dao, dân ca, đồng dao,.. xây dựng lời thoại, âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn sân khấu kết hợp với các trò chơi dân gian phổ biến của Việt Nam bao đời nay như: bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, nhảy dây, kéo cưa lửa xẻ, oẳn tù tì hay đánh trận giả,… nhằm “vẽ” lên các khung cảnh sinh hoạt, lao động ở làng quê đầy trực quan, sinh động.
Nhắc đến “Bờm” là nhắc đến một nội dung câu chuyện trào phúng, hài hước, châm biếm; đặc biệt, đây là sản phẩm giáo dục hướng tới đối tượng thiếu nhi, bởi vậy mà ánh sáng được dàn dựng trên sân khấu cũng mang màu sắc tươi sáng, rực rỡ, chủ yếu thuộc gam màu nóng như vàng, cam, đỏ - những sắc màu thu hút và kích thích khả năng khám phá, trí tưởng tượng và tư duy ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có những cảnh ánh sáng chuyển sang gam màu lạnh với màu xanh dương, đèn rọi nhân vật và những làn khói trắng nhằm diễn tả tâm trạng trầm buồn, tính chất tự sự, độc thoại của nhân vật chính.
Về âm nhạc, đây là yếu tố then chốt, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt góp phần tạo nên sự thành công cho Musical Show mang phong cách nhạc kịch. “Giấc mơ của Bờm” sử dụng đa dạng các thể loại âm nhạc từ nhạc hiện đại đến nhạc dân gian đương đại và thuần dân gian như: rap với “Rap đổi quạt”; hát ru với “Mẹ hát ru”; xẩm với “Cái sự ở đời”; đồng dao với “Đồng dao Bờm”, “Gọi trâu”, “Rồng rắn lên mây”, “Bịt mắt bắt dê” - do các nhạc sĩ Lê Đình Hoàng Sơn, Trần Lệ Chiến, An Hiếu, Tuấn Nghĩa sáng tác. Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cho biết: “Vở diễn sử dụng nhiều ngôn ngữ âm nhạc khác nhau, từ hát nói đến dân gian đương đại, còn có cả múa võ… nên ê-kíp chọn “Giấc mơ của Bờm” là một Musical Show chứ không phải là nhạc kịch. Bởi nhạc kịch phải có Aria, nếu đưa một vở nhạc kịch đến với các em sớm và hàn lâm quá sẽ khiến các em khó tiếp cận. Trong khi đó, việc thực hiện vở diễn dưới hình thức Musical Show với nhiều ngôn ngữ âm nhạc sẽ giúp các em dễ tiếp cận hơn, từng bước nuôi dưỡng và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ về nghệ thuật, âm nhạc cho các em thiếu nhi”.
Để yếu tố “kịch” và yếu tố “nhạc” ăn khớp và phù hợp với nhau, các nhạc sĩ, nghệ sĩ phối khí đã dày công nghiên cứu và lên ý tưởng ngay từ khi có kịch bản văn học. Các phân cảnh cậu bé Bờm và các bạn xuất hiện - những nhân vật mang tâm hồn ngây thơ, trong sáng, thông minh, đại diện cho cái thiện, âm nhạc sử dụng điệu thức trưởng mang màu sắc tươi sáng, tiết tấu nhanh, mạch lạc. Trong khi đó, phân cảnh Phú ông, Phú bà xuất hiện - những nhân vật đại diện cho cái ác, âm nhạc lại được chuyển sang điệu thức thứ, màu sắc u tối, các nhạc cụ và tiết tấu được khai thác cũng thể hiện sự dữ dằn, châm biếm. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ phối khí cũng hết sức tinh tế trong quá trình sáng tạo các bản phối. Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ phối khí Minh Dương cho biết anh đã thu âm tiếng cười của con và dùng làm âm thanh nền trong đoạn nhạc Bờm và các bạn cười đùa. Ngoài ra, các nhạc sĩ cũng thu âm thanh trực tiếp từ những dụng cụ sinh hoạt đời thường như tiếng guốc mộc, tiếng những thanh tre gõ vào nhau, tiếng gõ mâm đồng,… đem lại những âm thanh chân thực nhất đối với khán giả.
Về vũ đạo, vở diễn dàn dựng kết hợp đa dạng các thể loại như hip hop, múa đương đại, múa thuần dân gian và nổi bật hơn cả khi đưa nghệ thuật múa bóng vào tác phẩm. Múa bóng hay còn gọi là shadow dance là loại hình nghệ thuật kết hợp giữa ngôn ngữ hình thể, âm nhạc và hiệu ứng thị giác để thông qua đó bày tỏ nội dung câu chuyện. Trí tưởng tượng cùng hình hoạ bằng cơ thể đó khiến người xem khó phân biệt đâu là hình, đâu là bóng và hiệu ứng kỹ thuật số. Tiết mục múa bóng “Gặp mẹ trong mơ” cũng là tiết mục tâm đắc và nổi bật nhất của biên đạo Nguyễn Vũ Khánh nói riêng và ekip thực hiện vở diễn nói chung. “Đoạn đặc tả giấc mơ gặp mẹ của Bờm vừa như trò chơi quen thuộc của trẻ thơ, vừa mang tính biểu tượng vô cùng sâu sắc. Cá nhân mình liên tưởng đến chiếc bóng trong “Chuyện người con gái Nam Xương” và vì thế cảm giác Chạm cực kì mạnh mẽ” - Khán giả Yên Khương chia sẻ.
Có thể nói, một tác phẩm nghệ thuật thành công không chỉ đáp ứng nhu cầu về mặt giải trí mà còn cung cấp cho con người ta về tri thức, nhận thức và giáo dục. Chỉ trong vòng 1h15p phút nhưng “Giấc mơ của Bờm” đã vẽ lên được toàn cảnh bức tranh nông thôn Việt Nam xưa đẹp và bình dị, nơi đó có những con người hiền lành, chất phác, chăm chỉ và lương thiện, nơi mà cái thiện chiến thắng cái ác, sự thông minh chiến thắng sự ranh ma, gian trá. Thông qua “Giấc mơ của Bờm” các em nhỏ học được cách đối đáp, ứng xử, cả với điều đẹp và không đẹp trong cuộc sống. Đồng thời vở diễn cho ta thêm hiểu biết về các loại hình nghệ thuật văn học, âm nhạc của Việt Nam, để từ đó ta thêm yêu, tự hào và biết cách lan toả rộng rãi hơn nữa đến cộng đồng trong nước và quốc tế. Đó cũng chính là thông điệp, là tâm huyết mà các nghệ sĩ gửi gắm trong “Giấc mơ của Bờm”.
Một số hình ảnh khác: