link tải gowin99 mới nhất

Mười năm một quãng đường người xót xa

Nhân đọc tập “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2023.

Tôi đã đọc thơ Hoàng Đình Quang từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường và ấn tượng với thơ anh bởi có điều gì đó luôn đọng lại và giăng mắc vào lòng người, hồn người. Thơ Hoàng Đình Quang không mới nhưng độc đáo ở chỗ là anh biết cách tạo dựng hình ảnh, câu chữ, tứ thơ để tạo nên bài thơ hay. Muộn mằn là một trong số những bài thơ mà tôi thích, đến độ thuộc lòng và đó cũng là lý do vì sao tôi luôn dõi theo hành trình thơ của Hoàng Đình Quang.

b01-tho-muoi-nam-1700360235.jpg

“Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang

 

Có một ngã ba nào đó trong đời/ Anh để lạc mất người con gái ấy/ Lòng rợi rã anh ngoảnh đầu trở lại/ Thời gian ơi, bụi bạc phủ trắng đầu.// Em cười nơi nào, em khóc nơi đâu?/ Tấm áo xanh ơi, mái tóc choàng vai hỡi/ Bát cơm tấm mười lăm năm vẫn đợi/ Tiếng nước râm ran trong buồng tắm buổi chiều// Và mỗi ngày trên ghế đá tình yêu/ Đôi bạn trẻ có thấy gì trong đó?/ Chúng tôi giấu một mối tình dưới cỏ/ Tiếng dế miên man trong kí ức dại khờ!// Cả một đời người những nắng cùng mưa/ Dẫu băng bó vết buồn khôn se miệng/ Vòm hoa giấy trước căn nhà số chín/ Xạc xào bay trong chiều gió im lìm.// Còn bây giờ tất cả đã lặng im/ Ve mùa hạ mặc áo hồng số phận/ Anh đem nỗi dại khờ ra ngồi đếm/ Vết muộn mằn chi chít tuổi hoa niên!

Thời gian sau đó, dường như Hoàng Đình Quang ngày càng ít làm thơ. Sau tập Hát chẳng theo mùa (2009), không thấy anh in tập thơ nào nữa và cũng ít thấy công bố thơ.Mãi đến năm 2023, Hoàng Đình Quang in tập thơ mới, Thơ mười năm. Sau chừng ấy năm “vắng bóng”, nhà thơ có thời gian để chiêm nghiệm về cuộc đời, về thế sự nhân sinh. Vì thế, khi xuất hiện trở lại chắc chắn anh sẽ đem đến cho bạn đọc những bài thơ chắt lắng hơn, giàu chất suy nghiệm hơn.Mở đầu thi tập, nhà thơ Hoàng Đình Quang đã tự giãi bày:

Mười năm rồi ta sống những đâu đâu

Để trước mặt mười năm day dứt

Ta sống giữa hai khoảng đời ép chặt

Ngẩn ngơ nhìn bốn phía vẫn vô tâm.

56 bài thơ trong Thơ mười năm chính là những nỗi niềm suy tư của Hoàng Đình Quang về đời, về người, về những gì anh đã trải nghiệm, gom nhặt trong suốt hành trình sống của đời mình. Ở đó có những niềm vui nhỏ, có một khoảng thời gian sống hạnh phúc bên “em”, sự hân hoan khi được gặp lại “mình”, khi trở về quê xưa, gặp lại bạn cũ... nhưng cái chủ đạo xuyên suốt trong tập thơ này của Hoàng Đình Quang vẫn là giọng trầm buồn, ngẫm ngợi với nhiều nỗi niềm thao thức, trăn trở thường trực và dường như tất cả vẫn ở lưng chừng, dang dở, có gì đó hụt hẫng, tiếc nuối, xót xa...

Đọc bài Nhân dân (I), người đọc sẽ nhận ra rất nhiều điều mà nhà thơ Hoàng Đình Quang ký gửi vào đó. Đọc lên, ngẫm lại, cảm giác có gì đó nhói đau. Nhưng biết làm sao được trước bao bất cập vẫn hiển nhiên tồn tại và vẫn đang từng ngày từng giờ diễn ra như thế! Hoàng Đình Quang đặt ra giả thiết và nghĩ về kết quả của nó. Nhưng ẩn sau những kết quả “đẹp” là biết bao câu hỏi đặt ra về vấn đề sống còn, về vận mệnh của đất nước cần phải đặc biệt lưu tâm.Nói cách khác, đó chính là lời cảnh tỉnh. Bởi muôn đời nhân dân là gốc rễ, mọi việc phải từ nhân dân mà ra, có nhân dân mới làm nên việc lớn. Ông bà ta từng có câu: “Quan nhất thời, dân vạn đại”là vậy.

Thơ Hoàng Đình Quang là thơ của sự biểu lộ tâm trạng, kết cấu hình thức mang tính tự sự. Kiểu kết cấu tự sự ở thơ anh thường biểu hiện ngay ở câu mở đầu bài thơ: Mỗi ngày ba bữa cơm chay/ Em ơi!/ Còn chén rượu này!/ Uống đi (Ngày thứ 35); Chiều tháng Chạp, em về muộn thế/ Người lấn chen, anh biết chợ đông (Chiều tháng Chạp); Trăm năm đã lỡ làng rồi/ Mười năm một quãng đường người xót xa (Trăm năm và mười năm); Dưới bầu trời này, tôi đứng chống cán cuốc/ Mà nghe buồn bã chạy dọc sống lưng (Bài ca lưu ly)...; Những con thiêu thân cứ quấy rầy bóng tối/ Sao không thương những ngọn đèn cháy vội (Tự luận); Tôi đã thành cổ tích của riêng tôi/ Sao có thể nói cùng ai được nữa (Cổ tích của riêng tôi); Những ngôi mộ đã không còn mới nữa/ 40 năm mưa nắng đã cũ rồi (Mẹ Trường Sơn)...

Thơ Hoàng Đình Quang thường đề cập đến những vấn đề của cuộc sống thường ngày, những nghiệm suy, trăn trở về cái đã qua và cả những thứ đang hiện hữu. Thơ anh không nói nhiều đến những gì cao siêu, hư ảo, to tát mà hướng về đời sống, tình cảm, tổ ấm... bằng một cái tôi trữ tình da diết, đậm chất suy tư của một người từng trải.

Ta biết/ Ăn nhiều cũng không hề lớn/ Làm nhiều cũng chẳng thể giàu/ Uống mãi mà chưa hết rượu/ Ai bảo nhân gian bể dâu? (Bài ca lưu ly).

Thơ Hoàng Đình Quang bị bủa vây bởi những nỗi buồn, nỗi buồn đến từ nhiều phía, nỗi buồn đã ăn sâu vào tiềm thức, ăn sâu vào trong huyết mạch. Vì thế, xuyên suốt tập thơ chủ đạo vẫn là giọng trầm buồn, vừa tâm tình thủ thỉ, vừa trữ tình sâu lắng và cũng không kém phần cay đắng xót xa.Tôi giác ngộ: chỉ mình tôi có lỗi/ Chức vụ, quyền năng chẳng sai sót bao giờ/ Tôi im lặng bởi vì tôi biết rõ/ Với dân lành tiếng nói chỉ vu vơ//... //Rồi cứ thế, từng ngày, từng ngày một/ Vòng quanh ta nhốn nháo cõi không người/ Quay trở lại với ngôi nhà bé nhỏ/ Ta vận hành cõi tạm, kiến ong ơi! (Tôi đang cố chắt chiu từng chút một).

Có nhiều điều được nhà thơ đề cập đến trong tập sách nhưng có lẽ nhân vật trữ tình emđược nói đến, nhắc đến bằng một tình cảm đặc biệt nhất. Vết thương lòng, nỗi mất mát, chông chênh ập đến là anhđã vĩnh viễn mất em. Những kỷ niệm thuở nào, những việc em làm vẫn luôn hiện diện và làm cho anh càng thêm day dứt, nghẹn ngào. Em vẫn lam làm, xăng xái dường kia/ Vui vẻ cằn nhằn cha con anh bề bộn/ Gần nửa năm rồi, anh cầm lên đặt xuống/ Không nỡ cất đi từ cái lược chải đầu!// Năm ngoái nhà mình, tết mới có con dâu/ Luẩn quẩn mẹ con, thì thầm to nhỏ/ Mẹ dạy con bày bàn thờ tiên tổ/ Bài học năm nay trước di ảnh mẹ chồng!//Em có buồn, em có nhớ anh không?/ Đêm nghe tiếng chân em,/ mà không nhìn thấy mặt/ Anh ngồi lặng giữa buổi chiều tháng Chạp/ Phố đã lên đèn, anh đợi cửa, chờ em! (Chiều tháng Chạp).

Tình nghĩa thủy chung, sự bao dung sâu sắc cộng với cốt cách và bản lĩnh của người đàn ông đã giúp anh nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Dẫu biết rằng: “Không có em, anh ở đâu cũng xa nhà” .

Thời gian theo em về cõi Ngân Hà/ Để lại cho anh tàn hương cong cháy đỏ/ Hoa cúc trên bàn càng vàng càng nhớ/ Thay hoa vào, bình hoa trắng bình hoa.// Không có em, anh ở đâu cũng xa nhà/ Sau lưng anh khoảng trống lần trải thảm/ Anh thề sẽ Biển Đông kia tát cạn/ Sợi dây gầu buông thõng phía không em.// Lại sáng/ Lại ngày/ Lại tối/ Lại đêm/ Có cái mới không làm sao cũ được/ Có cái cũ tưởng rằng đang phía trước/ Cứ chập chờn lơ lửng ở chân mây./ Không thể cả tin cuộc đời mỏng manh này/ Vững chãi nhất cũng đã từng sụp đổ/ Anh không dám một mình đi bước nữa/ Thay hoa rồi bình hoa trắng bình hoa (Đi bước nữa).

Những câu thơ man mác như tiếng thở dài của lòng mình, Hoàng Đình Quang thấm thía sự mất mát của đời người. Sự sống - cái chết, có - không, được - mất... dưới cái nhìn của anh đầy nhân văn, sâu sắc.

Nhà thơ không thể nào nguôi quên, nỗi nhớ cứ chất chồng lên nhau trở thành nỗi khắc khoải, lo âu; muốn níu kéo, gìn giữ những cái mà anh vẫn luôn hy vọng, tin tưởng, tôn thờ.Nhưng thực tại phũ phàng và anh đã gọi em trong sự thảng thốt tái tê. Bây giờ em ở nơi đâu?/ Âm dương giàn giụa nhịp cầu khói hương/ Giấy tiền rải trắng vệ đường/ Những ngôi mộ lặng im nhường lối đi!//... //Bóng hình nặng nỗi đăm chiêu/ Chân hương đỏ những buổi chiều cô đơn/ Đêm khuya động tiếng chập chờn/ Trong chiêm bao thắp nỗi buồn vào anh! (Thanh minh).

Với nhà thơ Hoàng Đình Quang, anh luôn mong muốn có được hạnh phúc nhỏ bé, dung dị thường nhật như bao người. Nhưng thực tại điều mong muốn ấy lại không thể nào có được.

Tôi thèm nghe tiếng bát đũa xô nghiêng/ Thèm gắp đũa dưa cà, mắm muối/ Bùi ngùi nhớ bát canh chiều đã nguội/ Sao xát lòng nghe tiếng gọi “Ai ơi”.// Ai ơi, về ăn cơm!/ Ngày đã cạn lắm rồi/ Sào đã gác bên kia dòng tan tác/ Đôi đũa ấy một chiếc kia đã lạc/ - Ai ơi về.../ Im lặng quá./ Ai ơi! (Ai ơi, về ăn cơm).

Nếu cái tôi đời tư, thế sự đem đến cho người đọc sự cảm thông, chia sẻ nỗi niềm của nhà thơ và sự ngẫm ngợi xót xa trước những điều không hay xảy ra thì cái tôi chiêm nghiệm, triết lý giúp người đọc thẩm thấu một cách trọn vẹn về thơ Hoàng Đình Quang.

Bao nhiêu triều đại xoay vần/ Đời người ai biết trước lần được thua!/ Chiêm mùa đất thụt đồng chua/ Vua đi cày thật, ai đùa làm vui?// Con trâu bước bước ngậm ngùi/ Sống nhờ cỏ rả, chết vùi rạ rơm/ Kéo cày lật đất thành cơm/ Trước Vua Chúa kéo tiếng thơm ngàn đời//  Tịch Điền lễ hội mà chơi/ Quanh năm lam lũ cho trời xót xa.../ Muôn năm Vua của nước nhà/ Xắn quần xuống ruộng cày ba luống cày// Sử xanh còn đến hôm nay/ Vua đi cày để dân cày làm dân!... (Vua đi cày).

Thơ Hoàng Đình Quang thể hiện rõ nét tính chất trữ tình ở cách cấu tứ bài thơ dựa trên những cảm xúc, tâm trạng. Từ cảm xúc của tâm hồn là nỗi nhớ đến em, sự cách biệt nghìn trùng đang giằng xé tâm can, Hoàng Đình Quang tạo tứ thơ thể hiện tình cảm vợ chồng sâu nặng, nghĩa tình trong bài Trăm năm và mười năm: Trăm năm đã lỡ làng rồi/ Mười năm một quãng đường người xót xa/ Âm thầm mình nói cùng ta/ Những đêm trắng, những chiều tà đẫm sương!// Mười năm mưa nắng đoạn trường./ Mình đi mình ở - mình vương vấn mình!/ Khóc cười - một cõi phù sinh/ Ta về cất giữ bóng hình ngày xưa// ... // Mình về với cõi bình yên/ Trăm năm còn giữ lời nguyền trăm năm/ Ta theo bóng bước âm thầm/ Nén hương để khói mười năm dặn dò!

Giọng thơ xuyên suốt trong tập Thơ mười năm là giọng đồng cảm, yêu thương với cái tôi buồn, cô đơn, khắc khoải. Nhà thơ đã dành sự ưu ái, quan tâm, đồng cảm sâu sắc với số phận người phụ nữ.Em, Mẹ, Người đàn bàlà những nhân vật trữ tình đặc biệt. Em ơi đừng đi!, Người đàn bà bên kia sông, Em ở nơi nào, Mẹ Trường Sơn, Người đàn bà với chiếc ô hoa, Những người mất tích, Bài ca lưu ly... là những bài thơ có sức rung cảm sâu xa trong tâm hồn người đọc.

Đọc hếtThơ mười năm, có lẽ người đọc sẽ hiểu vì sao mà thơ Hoàng Đình Quang trầm buồn đến thế. Hình ảnh em/ người vợ tào khang đã về miền cỏ hoa để lại cho anh nỗi sầu thăm thẳm, không gì có thể lấp đầy được. Để rồi chừng ấy năm, nhà thơ “sống giữa hai khoảng đời ép chặt”. Mười năm với bao biến cố, đổi thay, mười năm là cả một khoảng trống đến tái tê lòng. Nhân vật trữ tình anh cố nén vết thương lòng, sống trọn vẹn thủy chung với em; cho dù em đã là người thiên cổ.Lá mùa thu không rụng hết bao giờ/ Em vẫn thế, chỉ khác là em khác/ Và còn lại một vòng hoa ký ức/ Đã quay về trước cửa đứng ngẩn ngơ!// Mười năm rồi ta sống với như xưa/ Mười năm nữa, mười năm sau cứ thế/ Không ngừng hỏi những con thuyền đơn lẻ/ Vẫn trở mình tìm mảnh ván ngày xưa! (Mười năm).