Ngày ấy đã sắp tết, chúng tôi vẫn hành quân ra trận. Thật diễm phúc, một buổi chiều kia, chúng tôi tới một hang đá của các em TNXP. Tay bắt mặt mừng, nói cười ríu rít. Nhiều thằng đã khấp khởi mừng thầm, nhìn những ánh mắt cứ lung linh như sao trời thế kia, thể nào tối nay chẳng được “tí táu tí mẻ” bõ bao ngày lội suối băng rừng
Thế nhưng ngặt một nỗi, khi đã “cơm no rượu say” rồi, lính ta mới tỉ tê rủ các em vào rừng tâm sự, thì em nào cũng lắc đầu quầy quậy. Hỏi cớ làm sao mà các em vô tình như vậy, sống chết ở đây tính từng phút từng giây các em ơi, thì các em mới thút thít cho hay kỷ luật của trung đội nghiêm lắm, khi màn đêm buông xuống, cấm một ai được ra khỏi hang, trừ phi lên mặt đường làm nhiệm vụ. Đây đã là nguyên tắc bất biến từ khi có một nữ quân nhân tên là Hằng đươc Binh trạm điều về làm trung đội trưởng. Vóc người cao to, thuộc diện “gái một con trông mòn con mắt”, cánh lái xe, cánh công binh…, thằng nào có vợ nhìn thấy trung đội trưởng cũng đều nuốt nước bọt ừng ực.
“Thế thì còn nước mẹ gì nữa nhỉ". Lính ta thằng nào thằng nấy tiu nghỉu, nhìn nhau hậm hực thốt lên. Nhưng trong cái khó bỗng ló cái khôn, anh em mới sực nhớ tới Tín, thằng vừa đẹp trai, vừa dẻo miệng, cây tán gái số một của đơn vị từ thuở đóng quân ở hậu phương. Tất cả mới nhấm nháy to nhỏ bảo Tín là, mày hãy “hy sinh thân mình” vì anh em đi, mày phải trổ tài tán cho đổ bà Hằng, sao cho bà ấy đê mê đi, chẳng còn biết trời đất trăng sao gì nữa, để lính ta cứ từng thằng dẫn “đồng hương” vào rừng tỉ tê…
Đúng là danh bất hư truyền, thằng Tín quả là hết sức xứng đáng với sự tin cậy của mọi người. Dù nó kém trung đội trưởng Hằng vài ba tuổi, thế nhưng ngồi bên chị Hằng, nó cứ lả lơi với bà chị ngọt sớt. Rồi không hiểu bằng cách nào, nó nắm ngay được điểm nhạy cảm nhất của người đàn bà khó đăm đăm này là mê hát quan họ, mê mồng tơi, với khoản hát quan họ thì có thể ngồi hát thâu đêm suốt sáng. Mà bài bà chị mê nhất là “Bèo dạt mây trôi”. Câu hát giống như nỗi lòng của Hằng thương nhớ chồng nơi xa vời Tín rút cây sáo từ trong ba lô ra, bắt đầu véo von. Phải nói tiếng sáo thằng này là hết sức đểu giả, cứ như mật ngọt rót vào tai người. Sau đoạn sáo mở đầu, Hằng cất lên tiếng hát. Chẳng ai tin nổi đấy là tiếng hát của một nữ tướng luôn giữ gương mặt như sắt như thép, bởi tiếng hát như mây bay, gió thổi, như tiếng dòng sông con suối, xôn xao, miên man. Nhất là mỗi khi giọng hát vút bay cao, lại thêm tiếng sáo của Hoàng Tín cũng tí tách bay theo uốn lượn… Hình như càng hát càng say, tiếng hát tiếng sáo càng thêm hòa quyện, quấn quýt như mây và núi, như biển và bờ không thể rời nhau. Rồi đến lúc, xem ra "bên trong âu yếm có chiều lả lơi", thằng Tín mới giả vờ ngả lưng, ngoẹo đầu, tựa vào vai Hằng để “gây sự”. Nhưng xem ra trung đội trưởng lại chẳng mảy may cảm xúc gì, chẳng chú ý gì tới “Chứ đứa khác là cầm chắc rủ được vào rừng rồi" - Tín thầm nghĩ. Sau này mới biết đêm ấy bà Hằng cũng “say” lắm, nhưng vì đang có chồng nên không dám tơ lơ mơ gì…
Sáng hôm sau chúng tôi lên đường, chị em rủ nhau dậy sớm để đun bếp, nắm sẵn cơm, tiễn đưa hết sức lưu luyến, có đủ cả nước mắt ngắn nước mắt dài. Lại còn tặng khăn tay, giấy poluya viết thư nữa. Tín cũng muốn tìm trung đội trưởng Hằng để bắt tay giã từ, nhưng chị em nói Hằng đã lên mặt đường từ nửa đêm rồi…
Khi phân về các khẩu đội, thế nào tôi và Tín lại cùng được về khẩu đội 3 đại đội 11 do hạ sỹ Công Chính là khẩu đội trưởng. Cuộc sống của người lính nơi chiến trường cuốn hút chúng tôi, khiến chẳng có lúc nào có dịp tìm hiểu xem các cô gái TNXP đèo Cô Tiên bây giờ thế nào, có mối tình đẹp nào giữa cánh pháo thủ chúng tôi với những nàng tiên nơi ấy hay không, và nữ trung đội trưởng Hằng “hắc xì dầu” lúc này ra sao…
Cho đến một lần, Tín lên cơn sốt rét nặng phải võng đi trạm xá mất đến một tuần, khi về nó rầu rĩ nói với tôi:
- Thu Hằng hy sinh rồi cậu ạ
Tôi cũng thấy choáng váng:
- Thế à? Sao mày biết?
- Tao nằm trên trạm xá, bên cạnh một thằng lái xe cũng bị sốt rét, nó kể với tao. Đêm ấy ở đèo Cô Tiên có một đoàn xe bị đánh cháy, bà Hằng đã chỉ huy trung dội lao vào dập lửa cứu đoàn xe, và bà ấy bị trúng đạn hy sinh. Đơn vị đã mang bà ấy về hậu phương rồi….
Chúng tôi cùng lặng đi thương xót. Và đêm ấy lần đầu kể từ khi về khẩu đội, tôi thấy Tín lấy cây sáo trong ba lô ra, ngồi lên bờ công sự. Nó cất lên tiếng sáo. Những điệu quan họ đầy nhớ thương, làm lính ta nghe nó cứ ngây ngất. Riêng tôi hiểu Tín đang thổi lên tiếng lòng mình nhớ nhung một người con gái xinh đẹp, dũng cảm và nồng nàn tình yêu quan họ đã không còn nữa. Tự lúc nào những dòng nước mắt bỗng dào ra trên má của tôi…
*
Mùa mưa năm ấy, vì không hoàn thành chỉ tiêu đưa hàng lên phía trước, binh trạm chúng tôi buộc phải chuyển từ vận chuyển cơ giới sang vận chuyển thô sơ, đưa hết tất cả lính tráng, TNXP của cả BT (Binh trạm) đi gùi đạn, gùi gạo. Tất nhiên chúng tôi cũng phải xách ba lô đi gùi.
Bỗng một hôm thằng Tín nhận được lệnh triệu tập của chính trị viên tiểu đoàn. Sợ vãi linh hồn vì không biết có sự tình gì, hay vạ miệng có lúc nào đó leo đèo lội suối mệt nhọc lỡ văng vài câu mất quan điểm lập trường nhỉ?
Nhưng may thay lại thấy chính trị viên tươi cười:
- Từ ngày mai cậu sang nhiệm vụ mới, ngày ngày lên đỉnh dốc Yên Ngựa cứ đứng mà thổi sáo phục vụ anh em nhé !
Ngay sáng hôm sau, trên sườn đèo Yên Ngựa có con đường mòn gùi gạo đi qua, Tín hăng hái đứng thổi sáo hết bài này qua bài kia. Lính ta bất ngờ được phục vụ như thế, hoan nghênh nó lắm. Mà phải nói thằng này xứng là một tài năng nghệ thuật.
Thế rồi một bất ngờ xảy ra. Môt hôm đang réo rắt khúc Anh vẫn hành quân, thì một nhóm các o TNXP gùi gạo đi qua bỗng hét toáng lên "Quan họ đi anh ơi”. Thằng Tín thổi ngay Ngồi tựa mạn thuyền "theo yêu cầu thính giả". Khi tiếng sáo dứt, các o lại gào lên: “Nữa đi, nữa đi”. Ừ thì nữa, Tín lại thổi tiếp mấy khúc quan họ liền, làm các cô gái cứ như chết mê trong tiếng sáo ấy…
Bỗng một người phụ nữ trùm áo mưa kín mít đi tới:
- Nghệ sỹ sáo có nhận ra tôi không.? Anh Tín có nhớ đèo Cô Tiên không? Mấy hôm nay nghe tiếng sáo của anh thấy xốn xang quá, nên hôm nay đánh liều hái bó hoa rừng tặng anh, mời anh có dịp thì đến thăm chị em trung đội chúng tôi đóng quân cũng ngay gần đây…
Trời ơi, Hằng, chị Hằng TNXP.Tín đầy bàng hoàng, xúc động. Nghĩa là chị vẫn còn đây!" Đúng là đợt ấy, tôi bị thương nặng. Nhiều người cũng tưởng tôi đã chết. Nhưng chỉ bị thương thôi. Về viện hậu phương điều trị hai tháng là khỏe, thế là lại khóac ba lô trở ngay vào mặt trận"
Tiếng sáo như càng bay bổng, như càng miên man hơn.Và sẩm tối, nó mò ngay đến khu lán trại của Hằng. Các em TNXP đón tiếp mình hết sức nhiệt tình. Mời cơm mời nước xong, túm tụm bên nhau hò hát. Chỉ tiếc đàn ông chỉ có mình nó, mà các em thì tới mấy chục, đâm ra âm thịnh dương suy, không được hài hòa lắm. Hát chán chê mê mỏi, nó xin về để sáng mai còn làm nhiệm vụ. Hằng bấm đèn pin đi tiễn mình một quãng, và hẹn ngày hết chiến dịch vận chuyển này, trước lúc trở về đơn vị, thể nào cũng phải găp lại nhau.
Khi chiến dịch kết thúc, cái tối trước khi đơn vị nào về bản doanh của đơn vị ấy chuẩn bị cho mùa khô chiến dịch, Tín hăm hở ra bờ suối nơi đã hẹn hò Hằng. Và thay vì tâm tình, Tín lại rút cây sáo ra véo von thổi thay cho nói bằng lời, để Hằng ngồi bên cứ se sẽ hát theo.
Thế nhưng mới hát được mấy câu đầu của Bèo dạt mây trôi, Hằng bỗng nghẹn lại, bất chợt ôm mặt rưng rưng khóc, Tín hoảng quá, lay lay vai Hằng, chẳng hiểu vì sao nó lại gọi Hằng bằng em:
- Hằng, Hằng ơi… Em làm sao vậy?
Nghe từ em, Hằng sững sờ nhìn Tín, rồi ôm choàng lấy Tín:
- Chồng em hy sinh rồi anh ạ… Em mới được tin mấy tháng nay mà chưa dám nói với ai.
Hằng lại nấc lên. Tín quá xúc động, ôm choàng lấy Hằng, để những dòng nước mắt của Hằng ướt đẫm ngực áo. Một cảm xúc thật khó tả, vừa xót thương, vừa nóng bỏng, vừa rạo rực…
*
Lẽ ra câu chuyện đã có thể ngừng ở đây, nếu như trước lúc ra về, không có một chi tiết bất ngờ xảy ra. Trước lúc chia tay, Hằng nói Tín hãy thổi tặng một bài. Tín đưa sáo lên môi, để hết tâm hồn thổn thức của mình thổi khúc Giã bạn. Khi tiếng sáo dứt, bỗng nhiên Hằng giật lấy cây sáo, rồi thẳng tay ném nó xuống dòng suối. Hằng bảo "Bởi cái tiếng sáo ma mị này mà làm em cứ nhớ thương , cứ phải khổ cả một đời. Nên phải vứt sáo đi để nó đừng làm ai khổ nữa, để anh không còn được dụ dỗ ai nữa, mà chỉ biết một mình em thôi"
Nhìn cây sáo cứ dập dềnh trên mặt nước loang loáng ánh trăng và trôi xa dần, lòng Tín xốn xang khó tả… Thế là hết, giờ thì chẳng sáo siếc gì nữa. Nàng đã quyết thế rồi thì mình cũng sẽ xin vâng, có dễ gì ở đời được gắn bó với một người phụ nữ tuyệt vời như thế.
Và bởi thế từ đấy, những người lính ở mặt trận chúng tôi đã mất đi một nghệ sỹ thổi sáo tài ba- tầm cỡ chưa thể ngang Đinh Thìn, nhưng cũng phải sem sém Đỗ Lộc, Tiến Thọ, Mạnh Hùng chứ không chơi !
Theo Trái tim người lính