Ngày chúng tôi còn nhỏ thì những con cua chưa bị thương mại hóa nên trong tự nhiên cua còn rất nhiều, không như bây giờ đi du lịch đến đâu cũng có con cua, con ghẹ trên thực đơn hải sản mà là những con cua được nuôi ở một môi trường công nghiệp, chứ làm gì có được ở tự nhiên.
Những ngày đó cứ lúc nào thấy vui vui chúng tôi lại đi bắt cua trong các hóc đá, gốc cây khi thủy triều đã rút. Mò cua nơi bãi lau, bãi sậy cũng có. Chúng tôi chỉ bắt những con cua lớn chí ít cũng phải bằng bàn tay của chúng tôi hồi đó. Còn những con cua nhỏ thì không thèm bắt ( chỉ sau này họ mua cua nhỏ về nuôi nên mới bắt để bán) vì khi bị những con "cua nhèm" kẹp tay thì chỉ có mà khóc vì nó kẹp còn đau hơn con ghẹ kẹp vào. Có những con láu cá lợi dụng khả năng có thể tái tạo các chi nên kẹp mình chảy máu rồi khuyến mãi luôn cho một cái càng tí hon.
Có những lúc ham bắt cua trong hóc đá mà quên để ý thủy triều lên bị những con cua nó kẹp vào tay thì rõ khổ vì đặc tính của nó là khi kẹp vào thì càng động đậy nó càng xiết mạnh hơn nữa. Mỗi khi gặp cua kẹp cách duy nhất là để yên giả chết một lúc là nó "tha cho" rồi lừa lúc nó không để ý tóm lấy hai mái chèo của nó bóp mạnh nó mới nhả ra cho mình.
Cũng có một cách bắt cua an toàn, là đi tìm hang cua, đôi khi phải rình xem lớn bé để xác định bắt hay không!? Khi muốn bắt cua trong hang thì chỉ cần lấy ít lá xoan nhét vào miệng hang rồi lấy bùn bịt kín lại. Khoãng 30 phút gở bùn và rút lá xoan ra chú cua đã ở ngay miệng hang mời bắt.
Nói đến bắt cua thì nên kể về ăn cua, hồi đó tôi bắt cua chủ yếu là để ăn chứ hiếm khi bắt để bán mà ngon nhất phải kể đến cua lột (cua sữa) rồi mới tới cua hai da sau mới đến cua gạch. Thỉnh thoảng cũng bắt năm bảy con "óp na" bán cho người đi đường ham dụ mua rẻ của "tụi chăn bò" bằng cách biến cua "óp na" qua một đêm thành con cua gạch, với cái mai cua nhuốm một màu gạch vàng của xác chè một đêm.
Giờ đã mấy mươi năm, cua tự nhiên còn ít, thay vào đó là những hồ cua có chủ nên không thể tìm được những ký ức một thời tuổi thơ.
Chuyện quê