link tải gowin99 mới nhất

Một thời để nhớ

Ăn cơm mới, nhắc chuyện cũ...
chuy-que-6f-1632021723.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Nhớ khi xưa thời bao cấp. Miền Bắc thắt lưng buộc bụng để dành tất cả cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ở thành phố nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân được tính theo độ tuổi và sự cống hiến. Nhà nào nhiều khẩu làm trong cơ quan, xí nghiệp nhà nước thì sẽ khá hơn nhà nào là nhân dân không trong biên chế. Cơm ăn độn là bình thường, bo bo, mỳ sợi, bột mỳ, bánh mỳ ...v..v..đủ cả. Hôm trước tôi đọc bài thấy có bác kể nơi bác ở gạo được đổi thành phân đạm cơ. Đúng là dở khóc dở cười!

Ở nông thôn thì cuộc sống của bà con khổ hơn rất nhiều. Hồi chúng tôi sơ tán về nông thôn, còn bé tý teo được chứng kiến cuộc sống kham khổ của họ mà ấn tượng đến tận bây giờ, thương quá! Cụ Hà chủ nhà ( tên gọi theo anh con trai, chả biết tên thật của cụ là gì nữa) có bề ngoài dữ theo như ý nghĩ của con trẻ. Bởi cụ mắt bị bệnh hay phải che cái khăn mù xoa một bên mắt, chân đi tập tễnh, cụ gày quắt xi mo nang hay quát trẻ con nếu có ý định ra vườn vặt quả bẻ cành. Trẻ con thì chết thèm chết nhạt mấy quả muỗm xanh bé tý tẹo chấm muối, mấy cái dái mít xanh lè chát sít, dăm quả vải chớm hườm, cành sa xuống chỉ cần thò tay vít là được.

Cụ ghê nhưng tốt bụng lắm! Có lần bên Hà Nội ông ngoại hoặc mẹ chưa kịp tiếp tế gạo và thức ăn, cụ cho vay gạo và nhường thức ăn cho chúng tôi. Cụ ăn cơm với cuống cà muối ( cuống cà chứ kg phải quả cà nhé). Thu hoạch khoai lang, củ to mang ra chợ bán, củ bé gọi là dãi khoai thì ở nhà ăn nhưng cụ cho bọn trẻ sơ tán củ to, lành lặn để nướng. Cụ bị đau mắt có lẽ là mống mắt, nó ăn vào con ngươi. Thời bình thì đơn giản đi bệnh viện cắt bỏ là xong. Thời đó ngặt ngoèo, chiến tranh mà! Thỉnh thoảng tôi thấy cô con dâu đánh mống mắt cho cụ bằng nõn lá tre non.

Cùng sơ tán trong làng với chúng tôi có cả các đoàn văn công, trong đó có chú Thế Anh. Hồi đó chú đã nổi tiếng rồi.

Trong làng có chợ họp ở đầu làng, tên là chợ Đậu. Thỉnh thoảng lũ trẻ con cũng dắt nhau đi ngắm chợ. Chợ bày bán nhiều nhất là chuột đồng. Chặt đầu, chặt chân, phanh bụng nằm hêu hếu ở mẹt, chuột là món đặc sản ở vùng này. Châu chấu cũng được bày bán rất nhiều. Chúng được hấp chín, về nhà chỉ việc quệt tý mỡ và rắc nhúm muối, thêm vài lá chanh thái chỉ vào là xong, ngon lành. Châu chấu rang tôi đã ăn rồi, ông ngoại tôi làm ngon lắm.

Đi sơ tán chỉ có lũ trẻ với nhau, người lớn ở ngoài Hà Nội đi làm và tiếp sức cùng chiến đấu với bộ đội và dân quân. Bọn trẻ lau nhau chúng tôi được bà con nông dân đùm bọc rất nhiều. Không họ hàng, chỉ là người nhà của người quen nhưng họ đối đãi với chúng tôi như ruột thịt. Tình người nồng ấm lắm, bây giờ chúng tôi vẫn mang ơn các ông bà, các bác ý .

Chiều chiều, sương quyện cùng khói rơm rạ thành màu lam, tôi hay dắt cô em gái ra đứng cạnh bụi tre đầu ngõ ngóng mẹ ( dù biết mẹ chẳng về đâu). Hai đứa sụt sùi khóc, đứa lớn dỗ đứa bé...

Ngày nay cuộc sống khá hơn trước rất nhiều, tuy vẫn còn vất vả nhưng ta thấy yêu cuộc đời này, biết ơn những con người đã dành cả tuổi trẻ để chiến đấu, lao động đem lại hạnh phúc cho dân tộc. Tự hào trong công cuộc chiến đấu và bảo vệ Tổ Quốc có một phần nhỏ bé xíu xiu của bọn trẻ chúng tôi: ngoan để bố yên tâm công tác phụ trách công việc bảo đảm an ninh thông suốt cho cảng Hải Phòng nơi mà giặc Mỹ thả dày đặc những quả thủy lôi ...sự sống mong manh! ngoan để mẹ trụ lại cùng cơ quan góp sức với bộ đội dân quân bảo vệ bầu trời Thủ Đô.

Lúc rảnh rỗi, tôi vẫn kể cho các con nghe chuyện ngày xưa, khó khăn gian khổ nhưng rất đỗi tự hào!

HHD

Theo Chuyện làng quê