Nếu lấy Hà Nội - Kẻ Chợ làm trung tâm thì xoay quanh trung tâm ấy là tứ xứ: xứ Đoài (Hà Tây cũ, Vĩnh Phúc và Phú Thọ), xứ Đông (Hưng Yên, Hải Dương và một phần đất của Hải Phòng), xứ Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) và xứ Nam (Thái Bình, Hà Nam, Nam Định …). Trong bốn xứ ấy, xứ Nam tức trấn Sơn Nam xưa là một vùng đất khá đặc biệt. Đó là một vùng trầm tích. Trầm tích của tự nhiên và trầm tích của gowin99 .
Ngược dòng thời gian khoảng năm ngàn năm, theo dấu chân của các nhà khảo cổ, những dấu tích của người tiền sử ở hang Chuông, hang Gióng Lở (Thanh Liêm) đã được phát lộ. Những dấu tích ấy cho thấy ngay từ khởi thủy, ở trấn Sơn Nam sự sống của con người gắn liền với sự hình thành phát triển của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Bởi thế người ta bảo đó là một trong những “vùng trầm tích trẻ của của miền võng Hà Nội rộng lớn”. Có lẽ vậy mà đất Sơn Nam phần nhiều là đồng bằng trũng thấp và gắn với nghề trồng lúa nước là chủ yếu. Núi cũng có nhưng không nhiều và không tiêu biểu. Cùng với đó, vùng đất xứ Nam còn là vùng trầm tích của lịch sử gắn liền với các đời đế vương như Đinh, Lê, Lý, Trần và hoàng hậu Dương Vân Nga lẫy lừng thiên hạ. Vùng đất địa linh nhân kiệt hào hùng ấy ôm trọn hạ lưu của những sông Hồng, sông Trà, sông Đáy, sông Vị … Những dòng sông lặng lẽ đêm ngày dâng phù sa để hẹn hò cùng biển Đông ngàn trùng sóng vỗ sinh bồi thêm những làng, những bãi đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Chẳng vậy, miền hạ xứ Nam ấy không chỉ sinh ra hay chở che cho những minh quân, võ tướng kiệt xuất mà còn là một vùng đất ngời ngời chữ nghĩa, văn chương vang danh thiên hạ.
Đến Hưng Long thăm nơi phát nghiệp Trần triều một thủa
Nếu Tức Mặc (Nam Định) là đất phát tích của nhà Trần (tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề đánh cá từ đất Đông Triều - Quảng Ninh đến đời cụ Trần Kinh đã dừng lại ở Tức Mặc và chọn làm nơi này làm chốn định cư trên suốt hành trình làm nghề chài lưới) thì Lưu Gia - Long Hưng (Thái Bình) là đất phát nghiệp đế vương của triều Trần. Trần Hấp con trưởng của Trần Kinh đã di dời mộ tổ từ đất Tức Mặc sang đất Thái Đường - xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà; đồng thời rời hương Tức Mặc sang Lưu Xá - xã Canh Tân, huyện Hưng Hà để ở. Về cuối đời, ông chuyển hẳn về đất Thái Đường để định cư lâu dài. Trần Hấp ở đất Thái Đường đã sinh ra Trần Lý. Trần Lý sau sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung ... Sau này, Trần Thừa - con Trần Lý lấy vợ ở Lưu Xá sinh ra Trần Liễu và Trần Cảnh. Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng - con vua Lý Huệ Tông và được Chiêu Hoàng nhường ngôi vào năm 1225.
Bởi vậy, nhớ về nơi phát tích của tổ tiên nên sau khi lên ngôi, Trần Thái Tông đã xây dựng ngay hành cung Tức Mặc (phủ Thiên Trường), biến nơi này thành một trung tâm chính trị thứ hai sau kinh đô Thăng Long và là căn cứ quân sự đặc biệt của hoàng tộc trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông xâm lược. Còn ở nơi phát nghiệp, ngoài mộ Thủy tổ Trần Kinh (do Trần Hấp mang từ Tức Mặc sang) thì sau này nhà Trần còn an táng tiếp Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý và Thượng Hoàng Trần Thừa cùng các vị vua đầu triều Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và các hoàng hậu, trọng thần trong hoàng tộc. Có thể nói, với nhà Trần, Long Hưng là miền đất thiêng, nơi an nghỉ vĩnh hằng của liệt tổ liệt tông của vương triều hùng mạnh nhất của dân tộc trong thời kỳ phong kiến. Tương truyền có được vùng đất thiêng này cụ Trần Lý đã được các thầy phong thủy giúp sức rất nhiều khi phát hiện ra Long Hưng có huyệt đất phát đế vương. Hiện thực và huyền thoại của miền đất này cứ như một giấc mơ, đan xen và bổ sung cho nhau khiến cho trang sử của Hưng Hà không chỉ vang mãi những khúc khải hoàn bất tận mà còn thu hút, hấp dẫn mãi muôn đời sau.
Không biết thực hư của nhưng giai thoại đó ra sao nhưng khi quân Nguyên - Mông xâm lược Đại Việt chúng đã về đây tìm mộ nhà Trần để tàn phá. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà trong “Hịch tướng sĩ”, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn lại khuyên nhủ, cảnh báo các tướng sĩ nếu để non sông rơi vào tay giặc: “Không những xã tắc, tôn miếu của ta bị người khác dày xéo, mà mồ mả cha mẹ các ngươi cũng bị bới đào”. Thực tế, miền đất thiêng Long Hưng ít ra cũng đã mấy lần chứng kiến các sự kiện trọng đại của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Sử sách còn ghi, ngày 15 - 5 - 1285, trước khi quyết định dốc sức tiến hành cuộc tổng tấn công có tính quyết định trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai, vua tôi nhà Trần đã về đây dâng lễ bái yết trước lăng miếu tổ tông xin phù trợ. Và khi cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba kết thúc, ngày 18 - 4 - 1288, trước khi trở về kinh thành Thăng Long, vua Trần cùng đại quân kéo thẳng từ chiến trường sông Bạch Đằng về đây đem theo các viên tướng giặc: Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi, Sầm Đoạn, Phàn Tiếp ... để tổ chức đại lễ "hiến phù" - dâng tù binh mừng chiến thắng trước tông miếu nhằm bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ. Ngắm nhìn tông miếu qua cơn khỏi lửa binh đao, khi trông thấy chân những con ngựa đá đứng chầu bên những cửa lăng bị lấm bùn, vua Trần Nhân Tông đã cảm khái mà cất nên những vần thơ tràn đầy niềm tin chiến thắng bất hủ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng).
Triều Trần nổi tiếng một thời với hào khí Đông A, làm trấn động hoàn cầu, khiến vó ngựa của đại đế Nguyên Mông từng tung hoành hầu khắp châu Âu, châu Á nhưng phải dừng bước và chấp nhận đại bại ở Đại Việt một cách tâm phục, khẩu phục. Với chiến công “ba lần giặc đến ba lần giặc tan” để "Non sông muôn thuở vững âu vàng" nhà Trần đã làm cho đội quân hùng mạnh số một của thế giới phải kinh hồn bạt vía, chấm dứt mọi ý đồ xâm lược. Gần tám trăm năm đã đi qua, tuế nguyệt dằng dặc với biết bao thăng trầm cùng lịch sử, bia đá dẫu mòn nhưng tông miếu nhà Trần vẫn “nghìn thủa vững âu vàng” cùng giang sơn, xã tắc. Vùng đất Long Hưng với hành cung Lỗ Giang ở xứ Nam hạ ấy trong cuộc kháng chiến chông Nguyên – Mông từng là hậu phương được dùng làm căn cứ luyện binh, khiển tướng; sản xuất và cất giữ lương thảo góp phần thổi cho luồng hào khí bừng dậy để làm nên những chiến thắng vang dội, lẫy lừng mà mãi muôn đời sau vẫn còn vang vọng. Long Hưng, nơi ấy khi chiến tranh đi qua lại là một làng quê lúa thanh bình, yên ả như như bao làng quê khác nhưng ẩn chứa biết bao niềm tự hào bởi, kiêu hãnh bởi những lắng đọng trong hồn thiêng núi sông với trọng trách gìn giữ long mạch của liệt tổ liệt tông Trần triều vang vọng cho muôn đời linh phù hiển ứng giúp quốc thái dân an, cháu con muôn đời hưng thịnh.
Về thành Nam lắng nghe hồn sông núi
Thành Nam tức đất Nam Định cũng rất tự hào về quê hương Tức Mặc, từng là nơi Thủy tổ Trần Kinh dừng bước chọn làm quê hương khi đưa gia đình dời Đông Triều (Quảng Ninh) đánh cá xuôi dọc theo các dòng sông. Và nơi đây hiển nhiên được coi là mảnh đất phát tích làm nên nhưng vinh hiển của vương triều nhà Trần. Đất ấy có sông lớn bao bọc ba mặt tạo nên một địa thế rất đẹp. Cùng đó là hệ thống sông ngòi thông nhau, liên hoàn có tác dụng giúp cho thủy binh cơ động vừa phòng thủ và vừa tấn công rất tốt. Từ hương Tức Mặc, ta có thể đi theo dòng Vĩnh Giang để ra sông Hồng rồi đi ngược lên kinh thành Thăng Long hoặc buông xuôi để đi ra biển và tỏa về các hướng. Bởi thế trong ba cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông, triều đình và tôn thất nhà Trần đều đưa nhau về Tức Mặc trú ẩn và hoạch định các kế sách, triển khai lực lượng phản công chiến lược đánh tan quân giặc, một đế chế phong kiến mạnh nhất thế giới đương thời. Ngược dòng thời gian, hương Tức Mặc không phải chỉ phồn thịnh và được biết đến từ thời nhà Trần. Trước đó, thời nhà Lý nơi đây đã từng biết đến và cho dựng chùa Phổ Minh. Đến nhà Trần vùng đất này tiếp tục được phát triển, trong đó có chùa Phổ Minh để ngày nay chốn ấy trở thành một danh lam cổ tự hơn một ngàn năm tuổi, nổi tiếng khắp nơi, đặc biệt với bảo vật vạc đồng, được xếp vào loại tứ đại khí của An Nam.
Được coi là vùng đất phát tích của nhà Trần, là nguyên quán của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các vị vua Trần, từng làm căn cứ quân sự chiến lược tạo nên những chiến thắng vang dội trước đội quân xâm lược Nguyên - Mông nên người thành Nam hơn bao giờ hết họ rất biết ơn và tự hào về dòng dõi hoàng tộc của quê hương. Chẳng thế mà người thành Nam rất quan tâm và gìn giữ những cung, đền của họ Trần trên quê hương Tức Mạc, đặc biệt bên hồ vị Xuyên, trên quảng trường 3 - 2, thành Nam đã ghi công tạc tượng người anh hùng kiệt xuất của dân tộc, linh hôn của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược: Trần Quốc Tuấn. Bức tượng đó được đúc bằng đồng nguyên chất có trọng lượng khoảng hai mươi mốt tấn với chiều cao hơn mười mét. Tượng được đặt trên một tấm bệ ốp đá cao sáu mét rưỡi nhìn rất hoành tráng và oai nghiêm. Bức tượng rất thần thái, rất nhân văn và giàu tính mỹ thuật. Tay phải bức tượng cầm cuốn sách như thể gợi đến tinh thần hiếu học và đề cao chữ "Trí". Tay trái bức tượng để lên chuôi gươm đeo bên mình trong trạng thái gươm để trong vỏ bao như thể trong tư thế tự vệ chứ không phải trong tư thế nghênh chiến nhằm mục đích thể hiện chữ "Nhân". Có thể thấy, tác giả bức tượng đã thể hiện sâu sắc khát vọng yêu chuộng hòa bình của Quốc Công Tiết Chế nói riêng và của quân dân nhà Trần nói chung. Bức tượng Trần Quốc Tuấn đứng giữa quảng trường, bên hồ Vị Xuyên thơ mộng và lễ hội đền Trần được tổ chức vào giữa tháng Giêng hàng năm tại phủ Thiên Trường xưa chính là tấm lòng tôn kính, biết ơn, hướng về cội nguồn của người thành Nam theo đúng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Nam Định cũng nổi tiếng đất văn nhân. Công viên Vị Xuyên còn đó một tấm chân tình với văn nhân họ Trần: Tú Xương - cây đại thụ trào phúng nổi tiếng của làng thơ nước Việt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ở Việt Nam có lẽ duy nhất chỉ có một công viên giữa lòng thành phố lưu giữ một nấm mồ thi nhân là Nam Định. Chắc không phải ngẫu nhiên người thành Nam lại để mộ nhà thơ Tú Xương nằm bên hồ Vị Xuyên, hồ này đây chính là dấu tích còn lại của dòng sông Vị Hoàng xưa. Con sông Vị Hoàng đã đi vào thơ ca của ông Tú, có tên là sông Lấp. Ở thành Nam mỗi khi nhắc đến sông Vị Hoàng là người ta lại nghĩ đến non Côi (Vụ Bản): Chẳng thế phương ngữ nơi này có câu “non Côi sông Vị”. Có lẽ cũng giống như nhiều miền quê địa linh khác, người ta tin rằng sông núi sóng đôi sẽ là nơi phát tích của những anh hào nhân kiệt. Hẳn là ta vẫn nhớ những cặp sông núi nổi tiếng như vậy thường được nhắc đến trên khắp non xanh nước biếc Việt Nam như thể “núi Ấn sông Trà” (Quảng Ngãi), “sông Hương núi Ngự” (Huế), “núi Thúy sông Vân” (Ninh Bình), “núi Đọi sông Châu” (Hà Nam), “sông Đà núi Tản”, “núi Nùng sông Nhị” (Hà Nội) … Người xứ Nam hạ cũng vậy. Họ xem sông Vị Hoàng và non Côi như là một cặp đôi âm dương tô điểm cho quê hương và cũng đem lại một phong thủy tốt lành cho xứ sở. Họ tin là thế nên mọi vật đổi sao dời ở cặp đôi ấy đều là điều không bao giờ có ai mong đợi. Bởi thế cuối thế kỷ XIX khi con sông Vị Hoàng ở thành Nam bị phù sa và con người bồi lấp ông Tú cũng như bao người không khỏi những luyến tiếc ngẩn ngơ: “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Cái “giật mình” của ông Tú làm người đọc cả thế kỷ nay không khỏi cảm thương, bùi ngùi, luyến tiếc cùng ông. Sông Vị của thành Nam hôm nay đâu còn, tiếng gọi đò đã vĩnh viễn mất đi. Những thứ đó chỉ thoảng về trong những giấc mơ. Có lẽ trong mơ nên tiếng ếch mới ra tiếng gọi đò. Ông Tú “tưởng” thế. Bài thơ đã lột tả được sâu sắc cái tâm trạng của Tú Xương. Đó là những hoài niệm, tiếc thương con sông đã mất nhưng cũng là ẩn chứa cả nỗi nhớ về thủa thanh bình của đất nước trước cái cảnh: “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín/ Thi không ăn ớt thế mà cay”; “Nhà kia lỗi phép con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng/ Keo cú người đâu như cứt sắt/ Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng”, “Van nợ lắm khi trào nước mắt/ Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”. Ông Tú u hoài. Nỗi u hoài âm ỉ trong lòng cho nên nghe tiếng ếch vẳng bên tai, nhà thơ ngỡ như tiếng gọi đò qua sông vọng lại. Đó là tiếng vọng của một thời đã qua. Tiếng vọng của một nhân cách còn mãi với thời gian như lời viếng của cụ Tam Nguyên Yên Đổ với ông Tú và hiện được khắc ghi trên bia đá để trên mộ ông: “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”.
Thăm vườn Bùi, dâng hương cụ Tam Nguyên nghe kể chuyện
Theo câu thơ “Vườn Bùi chốn cũ/ Bốn mươi năm lại lụ khụ về đây” của nhà thơ Nguyễn Khuyến, chúng tôi tìm về vườn Bùi giữa tiết xuân thì để dâng hương tưởng nhớ nhà thơ của làng quê Việt Nam và cũng là để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của của những “Thu điếu”, “Thu ẩm”, “Thu vịnh” đã từng nức tiếng và nghe những câu chuyện kể của chính hậu duệ nhà thơ. Có lẽ cảnh quan của làng Vị Hạ bây giờ so với lúc sinh thời của cụ Tam Nguyên thì đã khác xa nhau rồi. Nhưng không gian của ngôi nhà và vườn tược của cụ Nguyễn dường như cơ bản vẫn được bảo tồn, trông nom khá chu đáo.
Nguyễn Khuyến gọi vườn nhà là vườn Bùi vì trong vườn trồng nhiều cây bùi. Nghe qua nếu không được chú giải xem ra nhiều người cũng khó hiểu. Nhưng đến khi được nghe giải thích rồi hẳn ai đấy đều không khỏi thấm thía với tấm chân tình nặng lòng với cố hương của bậc túc nho làng Yên Đổ. Chẳng là tổ tiên cụ Tam Nguyên vốn ở Trèo Vọt huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh di cư đến làng Yên Đổ huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam để lập nghiệp. Khi đến quê mới các tiền nhân và cả Nguyễn Khuyến mang theo và giữ gìn cả những thói quen sinh hoạt của cố hương, trong đó có nếp sinh hoạt ẩm thực bằng nước vối. Do người quê cũ gọi cây vối là cây bùi nên uống nước vối gọi là uống nước bùi. Nguyễn Khuyến gọi theo cách quê cũ như vậy nhằm nhắc con cháu không được quên gốc gác tổ tiên của mình. Một chuyện tưởng chừng như rất đơn giản nhưng xem ra lại cực kỳ sâu sắc và ý nghĩa.
Trước khi bước vào vườn Bùi của cụ Tam Nguyên chúng tôi phải đi qua chiếc cổng tò vò nhỏ bé, thanh thoát và cổ kính. Trên cổng có ba chữ Hán là “môn tử môn” có nghĩa là cổng ra vào của học trò. Cổng bé và chữ nghĩa rõ ràng như vậy là có chủ ý của chủ nhân. Chẳng là khi thấy mình bất lực với gowin99 , không muốn làm tay sai cho Pháp, Nguyễn Khuyến đã cáo quan về ở ẩn và dạy học. Ông muốn dạy học trò trước khi thành tài phải là con người có lễ nghĩa. Cái cổng là bài học đầu tiên cho học trò. Ông muốn học trò dù thành danh hay không thành danh thì đến thăm viếng thầy phải giữ đúng lễ nghĩa: xuống ngựa, xuống xe, xuống kiệu, bỏ võng lọng và đi bộ vào thăm viếng thầy. Và cái quan điểm dạy học trò của cụ Nguyễn Khuyến như thế cũng được thể hiện rất rõ trong đôi câu đối ở hai bên trụ cổng: “Kỳ duyên dong duy kỳ đồ ly từ/ Thiểu cáo đại khả dĩ dung tư cái” (Vào luyện đức, luyện tài để giúp dân giúp nước/ Sau đỗ đạt mang võng lọng mời thầy ra).
Đi qua cổng “môn tử môn” là khoảng sân gạch rồi đến nhà thờ Nguyễn Khuyến. Nhà thờ được làm theo kiểu hình chữ nhị. Nhà ngoài là đại tế gồm bảy gian nhà trong là hậu cung gồm ba gian. Hai nhà được xây bằng gạch, có bốn hàng cột, lợp ngói mũi theo đúng nhà truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ. Nhà cũng có lưỡng long chầu nguyệt nhưng Nguyễn khuyến không để trên nóc mà để dưới đất. Nguyễn Khuyến từng bảo với các chức sắc rằng để như vậy để tránh nắng nhưng thực ra thâm ý của Nguyễn Khuyến muốn gửi một thông điệp: nhà Nguyễn bán nước lên không cho cưỡi đầu rồng mà chỉ để cho chầu đằng trước. Bên trong từ đường gia đình còn lưu giữ được rất nhiều kỉ vật (nghiên, bút, gậy trúc, triều phục, ống quyển, phản gỗ, be đựng rượu và chén uống rượu …) của Nguyễn Khuyến cũng như sắc phong, câu đối của vua Tự Đức và bạn bè (tiến sĩ Dương Khuê, Tổng đốc Hà Hưng Thái) ban, tặng cho Nguyễn Khuyến như thể tấm biển: “Ân tứ vinh quy”, “Nhị giáp tiến sĩ”, "Dựng đức mạnh công truyền duy bách chúa - Thần trung tử hiện duy thử nhất tâm" (Đức dày công lớn truyền muôn thuở - Con hiếu tôi trung trọn tấm lòng), “Khua trống ba hồi nhất cả ba/ Thép văn phiêu bạt khiếp người ta/ Vị Xuyên khoá trước chưa ai kịp/ Giáp Tí năm nay có bác mà”, …
Thiết kế ao vườn của ngôi nhà cũng rất lý thú theo thuật phong thủy. Nguyễn Khuyến mệnh hỏa nên ông cho trấn trạch hai thủy một hỏa để cân bằng âm dương. Hai thủy đó là ao lớn có bờ cỏ ở ngoài rồi đến lạch nước nhỏ ở trong. Ngoài ra cái áo và cái lạch nhìn rất giống hình của cây bút lông và chiếc nghiên mực. Cùng với đó trên sân trước nhà đại tế còn có ba cây nhẫn cổ thụ được cắt cành cẩn thận để tránh bị đổ gẫy khi mưa bão. Ba cây nhãn này là có nguồn gốc từ ba hạt nhãn được chính tay cụ Nguyễn Khuyến mang về sau khi vào mừng thọ vua Tự Đức, được vua ban cho ăn nhãn trong triều. Cụ nguyễn Khuyến trồng ba cây nhãn để có ý nhắc nhở hậu sinh chăm chỉ học hành: nhãn còn là bảng nhãn, tức là đỗ đạt. Nguyễn Khuyến mong muốn con cháu học tập để đỗ đạt, giúp ích cho đời. Không những thế, ở vườn Bùi, chúng tôi đã gặp những “nhân vật” (cảnh vật) chính của chùm thơ thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh. Đó là những “lá vàng trước ngõ”, là những “ngõ trúc quanh co”, là những “ao thu lạnh lẽo nước trong veo” … Tất cả, cảnh vật của làng quê chiêm trũng hiện ra thật thanh bình, tĩnh lặng giữa tiết xuân thì…
Cứ như thế, câu chuyện về chốn cũ vườn Bùi còn có biết bao điều muốn biết, muốn nghe, muốn kể và cả cái việc ra thăm mộ và dâng hương viếng nhà thơ mùa thu nức tiếng mà cả chúng tôi và cụ Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ năm của cụ Tam Nguyên Yên Đổ chưa làm được nên đành phải gác lại và hẹn tiếp với những lần sau.
Tái bút: Một ngày thanh bình, nhẹ nhàng du xuân với xứ Nam. Tạm biệt xứ Nam mình lại hẹn nhau nhé. Chẳng cứ là du xuân; còn nữa, cả những du hạ, du thu, du đông ... Hẹn đấy xứ ấy hãy còn nhiều điều mới lạ trong ta.