Tuy là người sinh ra, lớn lên và có nhiều năm giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở quê hương Hải Hậu (Nam Định) - một vùng quê biển; nhưng thơ anh không có cái ầm ào dữ dội của những con sóng xô bờ mà trầm lắng, suy tư và thăm thẳm một niềm yêu với cái đậm đà chân chất của vị muối nơi anh đã trưởng thành. 30 bài thơ, mang nhiều tâm trạng khác nhau; nhưng tựu trung lại đều đau đáu, khát cháy một tình yêu.
Tình yêu ấy bắt đầu từ người mẹ hiền tần tảo sớm hôm mang bao nỗi vất vả, đắng cay của cuộc đời hiện lên qua từng con chữ: “Bàn chân Mẹ gốc rạ gầy cứa nát/ Mẹ nuôi tôi qua nắng nôi bỏng rát/ Mẹ nuôi tôi qua gió bấc mưa dầm” (Bóng Mẹ - trang 5 sđd). Mỗi người chúng ta từng thấm thía với lòng Mẹ, tình Mẹ bao la; với sự hy sinh vô bờ của Mẹ; nhưng những câu thơ của Tạ Nho vẫn mang đến cho ta bao cảm xúc mới mẻ. Cũng có lúc chúng ta tạm quên người Mẹ hiền đang tựa cửa ngóng con về, đang dõi theo từng bước chân của con trên đường đời gian khó; chỉ đến khi nào ta mệt mỏi thậm chí thất bại lúc ấy mới chợt nhận ra: người luôn bên ta, người thương ta nhất chính là người Mẹ hiền yêu dấu.
Thi sĩ đã bộc lộ những cảm xúc đó thật cay chát: “Cứ mỗi lần bước chân vấp ngã/ Tôi vịn vào ngõ nhỏ chiều quê/ Nơi có bóng Mẹ tôi khuya sớm đi về”. Ấn tượng nhất trong những câu thơ đầy xa xót này là cách dùng ngôn từ độc đáo: “vịn” – níu lấy người khác để đứng lên; ấy vậy mà anh không vịn vào người Mẹ hiền khuya sớm chờ mong, bởi Mẹ đâu còn nữa… Nhưng, chỉ cần “vịn” vào cái ngõ nhỏ chiều quê, nơi có “bóng Mẹ tôi khuya sớm đi về”. Cái ngõ nhỏ nơi anh từng gắn bó suốt tuổi ấu thơ thấm đẫm bao mồ hôi, nước mắt, bao hơi thở nhọc nhằn của Mẹ cũng đủ nâng bước chân anh, tiếp bước cho anh trên chặng đường đời. Vừa ảo lại vừa thật đến bất ngờ…
Khi đến cố đô Huế - gặp Huế mộng, Huế thương; được đắm chìm trong vẻ đẹp của kinh thành và hình bóng giai nhân anh thảng thốt trước những tà áo trắng đến tinh khôi… Tưởng như anh sẽ bị hút mất tăm bởi từ trường cực lớn của Hàn Mặc Tử. Anh cũng thấy:” Áo em trắng quá..” nhưng rất may đã vùng thoát được cái bóng của tiền nhân bởi có niềm yêu rạo rực riêng mình: “Áo em trắng quá, kinh thành cháy lên”. Chẳng rõ, kinh thành cháy hay là tim anh đang bốc lửa???
Tôn thờ tình yêu, khao khát xây “Ngôi đền tình yêu”, song “Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu” (Xuân Diệu); nên thi sĩ càng quặn thắt khi trăn trở, đắng cay. Vẫn là điếu thuốc - một hình ảnh quen thuộc trong thơ hiện đại: “Điếu thuốc cháy hết rồi, lả tả chút ngày rơi” (Em đi rồi – trang 14) song tôi lại thấy rất lạ. Bởi điếu thuốc ấy đang đếm nhịp thời gian - nhịp thời gian u buồn, trống vắng, nhịp thời gian của kẻ phải chịu nhiều những vùi dập của cuộc đời… Nhịp thời gian ấy lại được phủ kín sương giăng, phủ đầy giá lạnh của một buổi chiều Hồ Tây: “Em đi hun hút chiều đông/ Tôi ngồi tôi đón sương giăng đầy trời”.
Sé là khiếm khuyết, nếu như không nói đến một mảng tình yêu trong “ngôi đền” của anh: Mái trường - một tình yêu da diết lạ kỳ với ngôi nhà thứ 2 trong cuộc đời anh. Tình yêu với mái trường, qua tiếng trống hàng ngày bồi hồi theo bước chân anh lên bục giảng, với những học trò thân thiết, đáng yêu: “Cánh cửa trường mỗi buổi sớm mở ra/ Tôi cảm thấy cuộc đời nhân hậu quá/ Trong tiếng gió đổi mùa, trong tiếng lá/ Vẫn thầm thì nhắc nhớ một tình yêu” (Về với Ngô Quyền – trang 18). Anh đã bộc lộ hết mình sự gắn bó yêu thương với bảng đen, phấn trắng; với những lứa học trò đang độ tuổi trăng rằm - những thế hệ sẽ tiếp bước cha ông trong cuộc sống mai sau.
Hơn 50 tuổi đời, hơn 30 năm đứng trên bục giảng; anh là một thầy giáo dạy Văn có tiếng tài hoa của tỉnh nhà, làm thơ đã lâu vậy mà đến năm 1998 anh mới cho ra mắt tập thơ đầu tay. Phải chăng, anh đã dành khoảng thời gian để lắng đọng những suy tư, cảm xúc trước cuộc đời để dồn vào những trang thơ này? Và phải chăng, đó cũng là biểu hiện của sự tôn trọng nghề Văn?