Nhưng bà Điệp vẫn nuôi Sang trắng trẻo mập mạp. Cho học hành đến tốt nghiệp cấp ba nhưng do Sang không đỗ được vào đại học đành phải nghỉ ở nhà, tìm công chuyện lặt vặt làm để gần gũi đỡ đần cho mẹ. Sang là một thanh niên biết sống, do được mẹ dạy dỗ cẩn thận và bà Điệp vốn là người nhân hậu nên được lòng làng trên xóm dưới. Thỉnh thoảng Sang cũng đi làm chung với anh em Thoại Khanh Châu Tuấn và họ cũng có giao tình với nhau.
Vì nhà đơn chiếc nên Sang mới mười chín tuổi bà đã cưới vợ cho con trai. Vợ Sang tên Hà, là cô gái chung xóm ấp với Sang, nổi tiếng xinh đẹp và hiền lành. Về làm dâu rất được lòng mẹ chồng và nhất là được chồng yêu.
Khi Sang hai mươi ba tuổi thì Hà lần lượt sanh cho anh hai đứa con một trai một gái. Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nhưng họ sống với nhau trên thuận dưới hòa. Bà Điệp ở nhà chăm nom cháu nội cho Sang đi làm thuê làm mướn, Hà mỗi ngày nấu hai nồi chè thưng, sáng bán ở chợ, chiều gánh đi bán rong. Chè thưng của Hà ngon có tiếng nên lúc nào cũng đắt hàng.
Gia đình năm người nhờ vào đó mà sống cũng tạm đủ.
Nhưng tai nạn xẩy ra cho Hà lúc cô đi bán vào buổi chiều. Trên đường từ nhà ra chợ phải đi ngang một sân banh tự phát do đám trẻ trong xóm dọn để cùng nhau đá chơi. Lúc Hà gánh gánh chè đi ngang thì trái banh bay tới, hất tung nồi chè còn nóng hổi phía dưới nồi là lò bếp than. Nồi chè văng tung tóe tạt vào người Hà làm cô bỏng rát. Hà quăng gánh theo phản xạ nhưng thân thể đã bị phỏng. Cô co rút và kêu cứu. Đám trẻ kinh sợ bỏ chạy tán loạn và la làng lên. Người lớn chạy tới đưa Hà vào bệnh viện sơ cứu. Mức độ phỏng là 30%.
Hà phải nghỉ bán một thời gian dài cho vết thương lành hẳn. Cả nhà sống nhờ vào đồng lời của gánh chè mà phải nghỉ lâu như vậy nên Sang nổ lực cày bừa cho đủ chi tiêu trong gia đình. Ai thuê gì cũng làm. Mở mắt ra anh đi tới chiều tối mới về cầm theo tiền công ít ỏi.
Thủ phạm đá trái banh vào gánh chè của Hà là bé An, con của Tám. Tám áy náy với gia đình Hà, anh cũng tìm cách bù đắp nhưng vợ chồng anh nghèo quá. Cả nhà 6 người sống nhờ vào tiền lời mua bán ve chai lông vịt của vợ chồng anh. Sang không truy cứu vì anh biết đó chỉ là tai nạn, chỉ là do Hà xui rủi nên phải gánh chịu mà thôi.
Bà Điệp thương con dâu lắm. Biết nó đang bị vậy mà cũng canh cánh trong lòng lo cho cả nhà nhưng bà không giúp được gì. Con Sương bà thằng Tín thì còn quá nhỏ ăn uống phải mắc đút. Bà nghĩ mình chỉ việc lo cho hai đứa cháu nội là xem như đỡ đần được cho nó phần nào.
Rồi Hà cũng dần hồi phục. vừa mới đi đứng được là cô bắt tay vào nấu chè. Tuy nhiên cô không tự mình gánh ra chợ mà nhờ Sang. Mọi người nhớ chè của Hà nên ủng hộ cô. Những ngày mới buôn bán lại Hà đều bán sạch cả hai nồi chè.
Rồi cũng đến lúc Hà tự mình gánh đi chợ.
Nhưng quả là tai bay vạ gió.
Do sức còn yếu, một lần vấp ngã, Hà lại bị nồi chè đổ ập lên người.
Vết bỏng cũ chưa lành hẳn, vết mới lại bồi thêm. Lần nầy Hà nhập viện với thân thể nhầy nhụa, quần áo không mặc được. Đau nhức vô cùng nhưng sợ gia đình lo lắng nên cô đành cắn răng cam chịu.
Hơn một tháng nằm viện, khi về nhà, vợ chồng trẻ đã mắc một số nợ khá lớn mà Hà còn phải thang thuốc mỗi ngày. Cô vẫn nằm trên giường , thân thể lở loét, nước vàng luôn rịn trên thân tanh tưởi. Sang nghỉ làm hẳn để chăm sóc vợ. Hà không cho các con lại gần. Cô chịu đựng nỗi đau thân xác một mình. Hơn ai hết, Hà biết nếu cô cứ bị như thế nầy thì gia đình sẽ vĩnh viễn không ngóc đầu dậy nổi và các con cũng không có điều kiện đến trường. Thật vô dụng khi người đàn bà chỉ nằm ngồi một chỗ, là gánh nặng cho chồng con. Tình trạng nầy có khả năng cô sẽ khó bình phục và nếu có thì sức khỏe cũng không được như xưa mà nhà còn có mẹ già, con nhỏ, chỉ một mình chồng là lao động chính thì làm sao Sang cáng đáng nổi để lo cho cả một gia đình? Có phải Hà đã vào đường cùng rồi không? Có ai lại bị hai lần tai nạn như cô không?
Suy nghĩ tiêu cực như vậy nên Hà quyết định, cô lấy tất cả các loại thuốc bác sĩ cho, uống một lần và bị ngộ độc thuốc. Khi Sang phát hiện đưa đi bệnh viện xúc ruột, Hà chỉ nói với anh một câu:
- Tha thứ cho em, anh hãy ráng nuôi mẹ và con.
Rồi cô lặng lẽ ra đi.
Sang như chơi vơi bên bờ vực thẳm. Cái chết của Hà làm Sang hụt hẫng một thời gian dài. Anh biết Hà sợ mình là gánh nặng cho chồng con. Tiền thuốc men, rồi lại bỏ công chăm sóc cho cô và không thể lo cho mẹ già con nhỏ. Nếu như cô không còn nữa thì anh sẽ toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Cô chấp nhận hy sinh.
Anh hiểu và thương vợ lắm. Mặc dù Hà nằm đó, không giúp gì được cho anh nhưng có cô anh có nghị lực để phấn đấu. Vợ chồng anh còn trẻ, còn nhiều thời gian. Sang tin tưởng ngày nào đó Hà sẽ hồi phục và cùng anh chung lưng đấu cật nuôi dạy con cái. Mất Hà rồi, Sang cảm thấy cuộc đời mình mất phương hướng. Đau khổ chưa từng trải qua.
Sang tự hứa với lòng là sẽ không bao giờ đi thêm bước nữa mà toàn tâm toàn ý lo nuôi dạy hai con.
Bà Điệp đau điếng trong lòng. Từ lâu, bà luôn xem Hà như con gái ruột của mình. Những ngày cô bị tai nạn, bà lo lắng, chẳng biết làm gì để chia sẻ nỗi đau với con nên cứ chăm chút lo cho cháu nội đỡ đần Hà.
Nhưng rồi mọi việc cũng đâu vào đó. Không ai có thể ngồi ôm quá khứ mà sống. Nỗi đau nào cũng phải cố gắng vượt qua. Sang còn mẹ già, còn con nhỏ, còn nợ nần, anh còn trách nhiệm với những người còn sống. Cứ nhìn hai đứa con thơ là Sang đau lòng và quyết tâm không để chúng lớn lên trong đói nghèo.
2.TUYẾT.
Tuyết hai mươi lăm tuổi. Một mình sống trong căn nhà cấp bốn khang trang ngăn nắp. Tuyết thừa tự nghề làm lu khạp của cha mẹ. Do chân yếu tay mềm nên cô phải thuê người đổ lu và chuyên chở hàng đi giao.
Tuyết và Hà có giao tình với nhau. Nhất là những khi Hà gánh gánh chè đi bán về ngang nhà Tuyết, bao giờ cô cũng ủng hộ Hà, bao nhiêu thợ làm là Tuyết mua bao nhiêu chén để Hà có thể bán hết mà về với con.
Tuyết cũng cho Hà mượn tiền trị phỏng, mượn nhiều nhưng cô không lấy một đồng lời nào.
Sau khi Hà mất, biết Sang gặp khó khăn, Tuyết gọi anh đến giúp việc cho mình để anh có tiền nuôi con. Nợ thì vẫn để đó.
Ba năm sau.
Biết bao tiếng thị phi về mối quan hệ của Sang và Tuyết nhưng họ vẫn thản nhiên và vẫn sinh hoạt bình thường. Có gì đâu, gái chưa chồng và trai góa vợ, nếu đến với nhau âu cũng là chuyện tất nhiên thôi. Nhưng vì Sang đã từng tuyên bố là sẽ thủy chung với vợ nên người ta ngại khi muốn đề cập với anh chuyện nầy. Mà Sang và Tuyết luôn giữ gìn tai tiếng, họ khách sáo với nhau. Sang luôn cho mình là người làm công và xem Tuyết như chủ. Bà Điệp dù mang ơn Tuyết nhưng tuyệt đối không chấp nhận người con dâu khác, trong lòng bà chỉ có Hà.
Nhưng đến năm thứ ba thì Tuyết mang thai. Sang đường đường chính chính nhận đó là con của mình. Anh năn nỉ mẹ xin được danh chính ngôn thuận cưới Tuyết về làm vợ nhưng dầu nói thế nào bà Điệp vẫn không bằng lòng. Tuyết không phản ứng gì. Cô tự nhận mình đã lớn tuổi, muốn có một đứa con để nuôi, không cần cha, không cần danh phận và cũng không sợ tai tiếng.
Dù người lớn trong xóm có khuyên bảo thế nào bà Điệp vẫn không đồng ý. Bà còn buộc Sang phải nghỉ làm ở chỗ Tuyết để theo làm công trình xây dựng mà thanh niên cả xóm đang tham gia.
Tuyết và Sang gặp nghịch cảnh như vậy nên cả hai tạm thời chịu đựng. Sang nói trước sau mẹ anh cũng sẽ chấp nhận Tuyết thôi.
Và Tuyết sinh được một bé trai. Đứa bé giống ba và anh chị nó như đúc. Nhất là mái tóc quăn gợn nhẹ độc quyền ở xóm của Sang đã di truyền lại cho các con. Sang đặt tên cho nó là Cẩn. Sương, Tín, Cẩn. Tuyết gọi yêu là Quắn vì thấy mái tóc dễ cưng của nó.
Tuyết không lui tới gia đình Sang khi anh bắt đầu nghỉ làm chỗ cô để đi theo công trình. Cô vẫn cặm cụi làm công việc mình. Kinh tế ổn định, Tuyết nuôi con không cần vào sự trợ cấp của Sang. Thằng Quắn lẩn quẩn bên cạnh mẹ, biết Sang là ba mình nhưng cũng hiếm khi gặp mặt. Tuyết nói với Quắn là nó có ba, có bà nội, có anh chị nhưng bây giờ tạm thời khoan nhìn nhận, từ từ rồi cô sẽ đưa nó đến gặp ruột thịt của mình. Quắn vô tư vui vẻ hơn những đứa trẻ cùng trang lứa.
Mỗi lần từ công trình xây dựng về, Sang đều ghé qua Tuyết. Anh thường ghé vào buổi tối khi Quắn đã ngủ, Sang âu yếm nhìn con, ở lại với Tuyết một đêm mới về nhà. Anh tin tưởng khi mẹ mình gặp mặt Quắn bà sẽ chấp nhận đứa cháu nội nầy.
Nhưng mọi việc không theo ý người. Khi nhà thầu chỗ Sang nhận công trình của công ty may thi công hạng mục sáu tầng lầu thì giàn giáo bị sập, năm người bị chôn vùi dưới đống gạch vụn tử vong và ba người bị thương nặng. Trong số năm người đó có Sang.
Gia đình bà Điệp thật sự bị khủng hoảng.
Bà Điệp ngất lên ngất xuống, ân hận vì đã ép Sang từ bỏ công việc chỗ Tuyết mà đi làm hồ. Nhà chỉ có mình anh là lao động, bây giờ sự thể như vầy biết còn trông cậy vào ai? Bà như điên cuồng, chẳng hiểu mình đã gây ra nghiệp chướng gì đến nổi con trai và dâu từng người lần lượt ra đi thê thảm như vậy? Rồi đây một thân một mình bà phải làm sao để nuôi hai đứa cháu nội đang tuổi ăn tuổi lớn? Sương mới mười tuổi, Tín lên tám và thằng cháu nội mà bà chưa một lần nhìn mặt mới có năm tuổi thôi?
Xóm làng thương cảm cho hoàn cảnh của bà, chung tay lo hậu sự cho Sang. Lúc nầy Tuyết ra mặt, mọi chi phí đám tang đều do một mình cô lo. Bà Điệp không còn hơi sức đâu mà can thiệp nữa.
3. NHÌN CHÁU.
Quắn đã vào lớp mẫu giáo rồi. Thằng bé lớn lên mập cùi cụi, trắng bóc và trông thật khỏe mạnh. Lúc nào nó cũng vui vẻ hí hửng, nụ cười luôn nở trên môi, gặp ai cũng chào hỏi, nói chuyện không ngớt miệng.
Những người lớn có uy tín trong xóm cứ đến bàn bạc với bà về việc đón Tuyết về và nhìn nhận đứa cháu nội mà ai cũng chắc chắn đó là con của Sang vì giống anh và Tín như in. Nhưng bà Điệp vẫn chưa chấp nhận Tuyết và chưa nhìn cháu nội. Bà nghĩ, con trai mình đã không còn, nhìn nhận cháu nội là nhìn nhận con dâu chỉ tội nghiệp cho Tuyết. Chi bằng để cô tự do đi thêm bước nữa tìm cha cho con mình. Đeo mang bà cháu bà chỉ tội nghiệp cho Tuyết thôi. Chứ bà Điệp biết rõ Tuyết là một phụ nữ đàng hoàng có tư cách. Cô có con với Sang vì anh độc thân chứ có phá hoại gia đình của ai đâu, và khi không được mẹ Sang chấp nhận cô vẫn vui vẻ chưa một lời trách móc. Sang mất rồi, bé Quắn cũng đã 5, 6 tuổi mà bà chưa từng nghe tai tiếng gì về Tuyết dù mỗi ngày cô vẫn chung đụng với nhiều đàn ông do yêu cầu công việc. Người như vậy chê bai chỗ nào? Lắm khi bà cũng muốn có một cô con dâu hay con gái như Tuyết lắm để hủ hỉ tuổi già nhưng bà có tư cách trói buộc đời của cô sao? Nên thôi đành vậy, đành để mang tiếng vô tình cho Tuyết có đường lui. Bởi vì khi vướng vào bà cháu của bà thì Tuyết chỉ vướng thêm gánh nặng cho mình mà thôi.
Đâu phải bà không biết Tuyết đã âm thầm đóng học phí cho Sương và Tín. Biết để cảm kích mà không dám từ chối. Bởi nếu sĩ diện mà từ chối thì con đường học vấn của hai đứa trẻ sẽ dừng lại, bà không thể nào có khả năng nuôi tụi nhỏ đi học. Nhưng cứ nhờ vả như vậy hoài cũng không phải là cách. Bà Điệp ngày đêm canh cánh nỗi lòng vì những điều nầy. Bà cũng không dám gặp Quắn dù trong lòng rất muốn vì đã nghe nhiều về thằng bé đó. Nó là máu thịt của con bà, là cốt nhục của bà, cùng chung giọt máu đào với chị em của Sương. Bà sợ khi nhìn thấy nó thì không kiềm lòng được.
Trước đây, mọi việc sinh nhai bà đều phó thác cho con trai và dâu, bây giờ không còn họ nữa mà bổn phận phải nuôi cháu nội nên bà Điệp bèn nấu nồi chè, múc bỏ vào bọc ni lon đem gửi những người bán sương sa sương sáo, còn lại chút đỉnh bán tại nhà. Nhờ vậy cũng có tiền ra vào đắp đổi qua ngày. Nợ nần cũng chẳng ai đòi vì người ta hiểu hoàn cảnh của bà.
Tuyết vẫn sinh hoạt bình thường, cô âm thầm đóng học phí cho Sương và Tín, dặn cô giáo chủ nhiệm nếu như bà Điệp có hỏi thì nói cả hai thuộc hộ nghèo nên học phí được miễn. Tuyết cứ nghĩ mình giúp đỡ cho mẹ và con của Sang được gì thì cô sẽ sẵn sàng. Tuyết không nghĩ là vì muốn bà Điệp xem cô như con dâu nên cô giáo chủ nhiệm đã nói cho bà nghe tất cả.
Mỗi ngày, Sương, Tín đi học đều ngang qua nhà Tuyết. Nhìn thấy cả hai, Quắn trong nhà chạy ra, hí hửng gọi:
- Chị Hai, anh Ba.
Hai đứa nhìn Quắn rồi quay chỗ khác. Thằng bé cũng chưa chịu thua, cười hề hề:
- Dòm Quắn cái đi. Cười với Quắn cái đi.
Sương ngoe nguẩy:
- Cười gì mà cười?
- Mẹ nói, chị là chị ruột của Quắn đó.
Nói xong, không chờ phản ứng của anh chị, nó ù té chạy vào nhà.
Từ hôm đó, ngày nào Quắn cũng đón Sương và Tín đi ngang trước cửa, ló đầu ra kêu “Chị Hai, anh Ba” rồi thụt vào. Mỗi khi nhìn thấy anh chị mình cười lại là Quắn vui cả ngày.
Sương đem chuyện đó nói lại với bà nội. Bà Điệp chớp chớp mắt, trái tim như có ai đang bóp chặt rồi nới ra, rồi ve vuốt lấy. Bà hình dung một thằng bé bụ bẫm xinh xắn chạy nhảy, thằng bé có mái tóc xoăn nhẹ như con trai và hai đứa cháu nội của bà. Bà nghe rất nhiều lần người ta khen ngợi thằng bé đó và tự thâm tâm cũng muốn nhìn mặt nó lắm. Bà hỏi:
- Nó dễ thương lắm hả con?
- Trời ơi, nó y chang như thằng Tín vậy nội.
- Con thích nó không?
- Thích. Hồi nào gặp nó con cũng muốn ôm hôn mà sợ nội rầy.
- Con thích thì cứ ôm hôn. Nó là em của con mà, nội không có rầy đâu.
Sương và Tín nghe bà nói vậy mặt mày đứa nào cũng hớn hở.
Quắn đi học mẫu giáo gần nhà nên tự mình đi không cần mẹ đưa đón. Nó mặc quần sọt xanh, áo sơ mi trắng bỏ áo vào quần, vai mang cặp trông rất là dễ thương. Mỗi lần nhìn thấy Quắn, Sương đều muốn ôm nó vào lòng nựng nịu. Quắn rất giống Tín, đôi mắt to tròn lúc nào cũng mở lớn ngây thơ và lúc nào cũng cười hí hửng.
Một hôm, Sương và Tín thấy Quắn bị ba đứa con trai cỡ lớp hai, lớp ba theo chọc ghẹo. Quắn đứng nép vào thân cây khế ven đường, tay ôm gốc khế vừa nói vừa khóc. Hiếu kỳ, hai đứa đứng lại xem. Thằng bé nầy lúc nào cũng tươi cười sao hôm nay khóc sướt mướt vậy không hiểu.
- Mầy không có ba.
- Hổng dám đâu. Quắn có ba, có bà nội, có anh chị nữa.
- Mầy ở có một mình với mẹ mầy thôi.
- Hổng dám đâu. Ba Quắn chết rồi nhưng Quắn còn bà nội, anh chị.
- Anh chị mầy đâu?
- Chị Sương với anh Tín đó.
- Mắc cỡ cà. Ai thèm nhìn chị em với mầy.
- Hổng dám đâu. Chị Hai với anh Ba thương Quắn lắm đó.
- Xạo mầy ơi.
- Hổng dám xạo đâu.
- Mầy mồ côi, không có anh chị.
- Có! Quắn có anh chị đàng hoàng.
Nó bắt đầu mếu và òa lên khóc. Sương thương đứt ruột đứt gan. Nó quay sang nhìn Tín, Tín hùng hổ bước tới:
- Đứa nào chọc em tao vậy?
Quắn đưa đôi mắt còn ướt nhẹp nước, vui mừng ngó trân trân Tín. Vẻ mặt của nó lúc đó chỉ khiến Sương muốn ôm lấy mà hôn chùn chụt vào đôi má phúng phính của nó:
- Anh Ba Quắn nè. Chị Hai Quắn nè. ở đó mà không có anh chị. Quắn còn có bà nội nữa đó. Bà nội Quắn bán chè thưng ngon nhất hạng luôn.
Rồi nó lủn đủn chạy đến nắm tay Tín ra vẻ thân thiết. Không kìm lòng được, Sương ngồi xuống ôm lấy thằng bé:
- Đừng khóc nữa cưng, có chị nè.
Quắn bậm môi, lẽ ra nó đã nín khóc rồi nhưng khi nghe Sương nói, nó lại khóc lớn hơn, nghẹn ngào tủi thân. Tín hầm hầm nói với ba đứa kia:
- Mai mốt đứa nào chọc ghẹo em tao là tao đánh không nể mặt đâu đó.
Nói xong, Tín dắt tay Quắn dẫn đi. Quắn hãnh diện nghênh nghênh nhìn những đứa vừa gây gỗ với nó. Bước chân nó nghinh ngang, tự tin một cách rất buồn cười. Tín hỏi:
- Tụi nó hay ăn hiếp cưng lắm hả?
- Ít khi lắm. Nó chỉ ghẹo Quắn không có ba thôi.
- Có khi nào nó đánh cưng không?
- Không có đâu. Quắn đâu chọc ghẹo gì nó đâu mà đánh? Bây giờ Quắn có anh chị rồi, chắc tụi nó không ghẹo nữa đâu.
- Cưng muốn có anh chị lắm hả?
- Muốn lắm. Có anh chị sẽ có thêm người thương Quắn. Mẹ nói vậy đó. Nhà Quắn có cây quit trái bự lắm mà ngọt nữa, có anh chị Quắn sẽ hái cho anh chị ăn, cho bà nội ăn nữa.
- Anh chị đâu có thích ăn quít?
- Nhưng quít của Quắn ngọt lắm, mà bự nữa. Anh chị không thích thì bà nội thích.
- Mai mốt Quắn chờ anh chị đi ngang dẫn đi học nghen?
- Dạ. Thiệt vậy hả? Mẹ mừng lắm đó, Anh chị nhớ nhen.
Sương xiết chặt tay Quắn, dặn dò:
- Cưng lại chào bà nội đi.
- Hổng dám.
- Không sao đâu. Bà nội cưng mà.
- Để Quắn về hỏi mẹ.
- Ừa.
Sương lại về kể cho nội nghe chuyện vừa mới xẩy ra. Bà Điệp rươm rướm nước mắt nhưng không nói gì, Sương biết bà đã mềm lòng rồi.
Quắn thập thò trước cửa, chờ bà Điệp dọn chè ra bán là nó xà tới liền:
- Bà ơi, bán cho con bốn túm chè.
- Chờ bà chút.
Sương và Tín núp trong nhà rình xem phản ứng của bà nội. Quắn mặc bộ đồ thun xanh, nhìn tròn trúp dễ thương cực kỳ. Bà Điệp không để ý nhưng khi quay ra nhìn thấy thằng bé, bà khựng lại một chút rồi mắt dán trân trân vào khuôn mặt Quắn. Một tình cảm thiêng liêng bỗng tràn vào lòng, bà chỉ muốn ôm lấy nó. Khuôn mặt thu nhỏ của Sang nằm trọn vẹn trên mặt đứa cháu nội đã năm tuổi mà chưa một lần bà nhìn qua.
Bà mím môi, nghẹn giọng, đưa tay ngoắc:
- Lại bà biểu coi con.
Quắn tiến lại, xà vào lòng bà, mạnh dạn kêu:
- Bà nội.
Nước mắt bà Điệp trào ra, bà ôm lấy thằng bé khóc ngon lành. Bà vuốt ve mái tóc của nó, nức nở:
- Cháu nội của bà. Bà xin lỗi con. Xin lỗi con.
Quắn đưa cặp mắt ngơ ngác nhìn bà nội. Nó lấy tay lau những giọt nước tràn ra từ khóe mắt bà:
- Sao mà nội xin lỗi Quắn vậy? Quắn tha lỗi cho bà nội đó.
Rồi nó nghênh mặt, kề gò má sát vào mũi bà:
- Bà nội hôn Quắn cái đi bà nội.
Bà Điệp nức nở không nói được, ôm hôn thằng bé chùn chụt. Sương và Tín từ chỗ nấp bước ra. Sương nắm tay Quắn:
- Bà nội nhìn em rồi. Mai mốt muốn tới lúc nào thì tới nhen cưng.
Quắn cười toe toét, tay vẫn ôm lấy cổ bà nội, hỏi Sương:
- Bà nội sao khóc hoài vậy chị Hai?
- Bà thương em đó.
- Thương sao khóc?
- Vậy đó mà. Miễn em biết ai cũng thương em hết là được.
Bà Điệp buông Quắn ra, âu yếm nói với nó:
- Con về nói với mẹ là lúc nào rảnh tới gặp bà nội nghen.
- Dạ. Con về tới nhà là nói liền hà. Nhưng giờ bà nội múc chè cho con đem về đi. Ở nhà đang chờ con đó.
- À, nội múc cho con một ly ăn ở đây nhen?
- Khỏi đi bà nội. Ở đây con có phần rồi.
- Kệ, về nhà ăn thêm. Giờ ăn của bà nội nhen?
Quắn cười ngỏn ngoẻn:
- Vậy cũng được. Là bà nội kêu con ăn đó nhen.
Bà Điệp phì cười. Múc ba ly chè đầy, kêu hai chị em Sương, Tín ra cùng ăn chung với em. Ba đứa ngồi vào bàn, hí ha hí hửng. Quắn vui hết biết. Nó từ từ cho một muỗng chè vào miệng, chép một cái rồi la lên:
- Hừm ưm. Ngon quá trời bà nội ơi. Thơm quá. Bởi vậy, mẹ con nói chè của bà nội con là ngon nhất hạng trên đời.
Bà Điệp chúm chím cười:
- Cái thằng nịnh hết biết.
- Ăn xong rồi con về hén bà nội? Nhưng mà con sẽ lại đây hoài đó. Nhà con có cây quit trái bự và ngọt nữa, để con hái lại biếu bà nội ăn nhen.
- Đừng có leo trèo nghe con.
- Không, con có cây cù móc mà nội. Con dìa nghen. Em dìa nghen chị Hai, anh Ba.
- Để anh đưa em về. – Tín đứng dậy –
- Dạ. Đi với anh là Quắn khoái nhất hạng.
Bà Điệp nhìn theo hai đứa cháu, trong lòng cảm thấy ấm áp lạ kỳ.
Tuyết đợi khi trời tối mới dẫn Quắn đến nhà bà Điệp. Tuyết biết mẹ Sang đã mềm lòng khi nhìn thấy Quắn. Điều nầy cô mong đợi từ rất lâu. Sang mất rồi, Tuyết cũng không cần danh phận gì nhưng lúc nào cô cũng nhớ tới anh. Sang là người đàn ông có trách nhiệm và thủy chung. Cô yêu anh không đòi hỏi bất cứ điều gì. Quắn là món quà mà Sang đã trân trọng tặng cho cô, giá nào cô cũng phải giữ gìn và yêu quí nó. Nay anh không còn nữa thì mẹ và các con anh cô cũng sẽ lo lắng bảo bọc để nơi nào đó anh được yên tâm an nghỉ. Hôm nay, mẹ anh cho gọi cô lại nhà, chưa biết điều gì sẽ xẩy ra nhưng cô tin mọi chuyện sẽ êm đẹp vì bà Điệp vốn dĩ là một người nhân hậu. Cái cách bà đối xử với con dâu là Hà cũng đủ biết. Sống với xóm làng bao nhiêu năm chưa từng có lời to tiếng nhỏ. Và với cá nhân cô, mặc dù bà không nhìn nhận cô là dâu nhưng cũng chưa từng có thái độ khinh mệt. Tuyết thật tình muốn xem bà như mẹ ruột khi nghe bà giữ ý tứ không nhìn cô để cô có cơ hội làm lại cuộc đời với người đàn ông khác.
Khi nhìn thấy Tuyết, Sương và Tân chào hỏi xong, ba chị em dẫn nhau vào phòng để người lớn nói chuyện. Quắn hai tay cầm ba trái quit “bự và ngọt” te te đi trước vào phòng.
Bà Điệp nhìn Tuyết bằng ánh mắt thương cảm, Tuyết có dáng người mảnh khảnh nhưng ẩn chứa bên trong một vẻ mạnh mẻ lạ thường làm người đối diện phải kiêng dè. Hèn chi, nó không bị sa ngã với những người đàn ông khác. Tóc Tuyết cột cao, lộ cái cổ mịn màng còn đủ sức hấp dẫn. Khuôn mặt thanh tú, khả ái đến nao lòng. Bà Điệp tự nhiên thấy thương và cũng cảm thấy bối rối không biết mở miệng nói câu gì trước tiên. Tuyết cũng vậy, cô nhìn bà chờ đợi. Bà kéo ghế mời:
- Ngồi xuống đi con.
- Dạ.
Tuyết nhẹ nhàng ngồi xuống. Bà Điệp ngồi đối diện. Ngập ngường một chút, bà nhìn thẳng vào mắt Tuyết.
- Con cho thằng Quắn tới lui chơi với…má và chị em của nó nghen?
Tuyết vui mừng trong lòng, thể hiện ra cả trong đôi mắt sáng rực khi nghe bà xưng má với mình:
- Dạ. Đó là điều trước nay con luôn mong mõi.
Bà Điệp chuyển giọng sang như tâm sự:
- Không phải má vô tình vô nghĩa với con. Là vì dù sao thằng Sang cũng chết rồi. Con làm dâu của má thì phải thờ cúng nó, còn trẻ vậy mà đã là góa phụ tội nghiệp cho con. Con cũng phải lo cho tương lai của mình và của thằng Quắn. Vướng vào má là vướng biết bao phiền toái vào cuộc sống của con nên má không đành lòng vậy thôi.
- Nghe má nói vậy con đã cảm thấy an ủi lắm rồi. Con bây giờ chỉ mong sao làm cho có nhiều tiền để nuôi thằng Quắn và phụ má nuôi mấy đứa nhỏ cho chị em tụi nó tới trường, học hành đến nơi đến chốn là tâm nguyện của anh Sang lúc còn sống. Anh thường nói với con bằng bất cứ giá nào cũng phải lo cho má tuổi già vui vẻ. Nay ảnh không còn thì bổn phận con phải lo. Còn chuyện đi bước nữa hay không con chưa biết nhưng bây giờ trong lòng con không bận bịu chuyện tình cảm đâu má à. Chủ yếu là ba đứa nhỏ và má thôi.
- Nhưng như vậy oan uổng cho con quá.
- Không oan uổng đâu má. Là con tình nguyện và con sẽ thấy đó là niềm vui và nghị lực để phấn đấu.
- Hay là má nhận con làm con gái ruột. Sau nầy con có thương ai má sẽ đứng ra gả cưới cho con.
Tuyết phì cười:
- Miễn má cho con gọi má là má thì con ruột con dâu gì cũng vậy thôi. Chuyện tương lai thì để tương lai tính. Bây giờ má chấp nhận cháu nội con mừng quá, để cho tụi nó có chị có em, rồi con cũng sẽ gom chung lại một nhà cho dễ sinh hoạt. Trước mắt, má cứ nấu chè bán đi, được bao nhiêu bỏ túi xài, ăn bánh ăn trái gì đó tùy má. Tiền chợ búa cơm nước cả nhà con lo. Chuyện học hành của tụi nhỏ để con tính. Má cứ vui vẻ sống và chơi với mấy đứa cháu là được.
- Ý, đâu kỳ vậy con. Đâu phải nhìn nhận con rồi trút gánh nặng lên vai con được. Thôi vầy đi, mẹ con bà cháu mình cứ như trước đây, phần ai nấy lo. Con thường xuyên tới lui thăm viếng nói chuyện với má là vui rồi.
- Chuyện đó là đương nhiên phải vậy rồi. Thằng Quắn sẽ ở suốt đây luôn cho má coi. Chừng đó con phải đóng tiền ăn cho má nữa đó.
Hai người cùng cười. Viễn cảnh một ngày mai tươi sáng vẽ lên trong mắt hai mẹ con vừa mới bằng lòng nhau.
HẾT.
LN
Theo Chuyện làng quê