link tải gowin99 mới nhất

Mắm cua - mắm nhà nghèo

Giữa những ngày tháng sáu nắng như đổ lửa tôi về quê sau bao năm xa cách. Trên con đường về làng chạy qua cánh đồng đang vào vụ cấy, nhìn mặt nước lấp loá ánh mặt trời mà chợt nhớ đến câu thơ của Trần Đăng Khoa: “Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy”. Mà thương cho mẹ một thời vất vả.
271538744-679216606579070-8676646981217482810-n-1641741414.jpg
Ảnh sưu tầm

Về đến căn nhà mẹ từng ở lúc sinh thời thì hai vợ chồng cậu em cũng vừa ở đồng về kịp. Cậu mợ mừng quýnh khi nhận ra tôi. Cô em dâu tất tả làm bữa. Mâm cơm nhà quê thật đơn giản chỉ có bát canh cua đồng thơm mùi mướp hương, đĩa cá giếc kho khô, bát cà muối xổi. Mắt tôi sáng lên khi nhìn thấy một đĩa rau lang luộc xanh rờn. Cùng lúc cô em dâu đặt xuống mâm bát nước chấm và phân trần: hôm nay mời chị cơm quê và món mắm nhà nghèo. Mắm nhà nghèo, câu nói đưa tôi về một thời xa cũ.

Cũng những ngày nắng tháng sáu cháy da, cháy tóc, một lũ chúng tôi rủ nhau đi bắt cua nắng. Cũng thật lạ cái giống cua khi mặt nước ruộng nóng chúng không chui vào hang đất tránh nóng mà lại leo lên ngọn lúa phơi mình trong cái nắng gay gắt của mặt trời. Chúng tôi chỉ phải làm mỗi việc là tóm tùng con bỏ vào giỏ. Mà không hiểu sao ngày đó cua nhiều lắm. Có những thửa ruộng vừa cấy xong, lá lúa còn đang quăn lại vì nắng thế mà vẫn phải đỡ cả một con cua đeo bám trên khóm lúa. Cứ nhìn từ xa thấy cụm lúa nào đen đen y như là ở đó có cua đang trốn nắng.

271594164-679216676579063-8502870708989513246-n-1641741414.jpg
Ảnh sưu tầm

Có buổi trưa tôi bắt được cả giỏ lớn. Mẹ bảo để mẹ làm mắm ăn dần. Mẹ thả cua vào chậu nước rửa sạch bùn đất rồi tách bỏ mai yếm của con cua. Phần mình cua mẹ cho vào cối đá giã thật nhuyễn, lọc lấy phần nước cua (giống như để nấu canh) nhưng đặc hơn nhiều. Nước cua sánh đặc được mẹ nêm muối trắng vào. Mẹ dặn tôi: con gái nhà nông phải biết làm mắm tép, mắm cua. Mắm tép cứ ba bát tép một bát muối một nửa bát thính gạo rang vàng. Còn mắm cua thì ba bát nước cua một nửa bát muối một nửa bát thính hoặc nửa bát cơm (nếu muốn ăn mắm xổi chua). Mẹ cho vào hũ sành dùng lá chuối khô nút chặt, hàng ngày mẹ đem hũ mắm ra phơi nắng. Khoảng một tuần là mắm dùng được. Mỗi lần ăn mẹ chưng mắm lên mùi thơm cứ phảng phất quấn vào hương gạo mùa. Mẹ gọi đây là mắm nhà nghèo.

271634472-679216626579068-1628455438939793568-n-1641741414.jpg
Ảnh sưu tầm

Cũng có lần mẹ làm mắm cua nhưng không giã lấy nước mà để cả phần mình cua. Tôi hỏi tại sao thì mẹ nói làm thế để được lâu dài hơn. Mẹ nén cua trong vại sành khoảng ba tháng rồi đem đun lên. Chắt bỏ hết phần bã còn lại phần nước mắm sánh mầu mật ong. Mẹ cười: thế là nhà mình lại có nước mắm nhà nghèo ăn dần rồi. Cậu em thấy tôi cứ ngẩn người nhìn bát nước mắm thì giục: chị ăn đi vợ em làm theo công thức của mẹ đấy. Chị xem có thấy giống mắm của mẹ không. Thả ngọn rau lang xanh mềm vào bát nước mắm nhà nghèo lòng tôi bâng khuâng nhớ mẹ. Tôi nhớ tới cái dáng cặm cụi ngồi xé, giã cua của mẹ. Càng nhớ lắm sự nâng niu khi mẹ bê hũ mắm ra phơi nắng hay khi mẹ rót mắm ra bát trong bữa cơm chiều lúc cả nhà quây quần quanh mâm cơm. Vị đằm đặm chua chua của mắm thấm vào lưỡi mà tôi như bắt gặp lại hương mắm nghèo của mẹ ngày xưa. Cô em dâu thật đảm khi giữ lại được bí quyết làm mắm của mẹ.

Ngày tôi ra đi bên cạnh những món quà quê như trứng, đậu, lạc tôi còn có chai mắm cua đem theo. Thứ mắm giờ đây ít người làm, ít người ăn. Với tôi mắm đã trở thành miền kỷ niệm của một thời vất vả mà đầm ấm yêu thương. Tôi mang thứ mắm nhà nghèo về phố thị là mang cả tình mẹ tình làng đi theo.

 

01/2022 - NTHH

Theo Chuyện Làng quê