link tải gowin99 mới nhất

Lợp nhà

Ngày tôi còn bé, làng tôi hầu hết là là nhà tranh vách đất, lợp rạ là chủ yếu, thi thoảng mới có nhà đi bè ở mạn ngược hoặc khá giả lắm mới mua được lá cọ để lợp nhà. Vào mùa hanh khô, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, rạ được phơi khô , lúc ấy là mùa lợp nhà.
chuy-que2-1634260254.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn. Nguồn: Internet.

Rạ lợp nhà tốt nhất là rạ " Mộc tuyền", đó là thứ rạ dài, sóng thẳng, những chân ruộng trũng lúa đổ , rạ ngoằn ngoèo thì không dùng để lợp nhà được, thường thường phải vay nhau, rạ của một nhà không đủ cho một mái nhà ba gian chứ chưa nói gì đến nhà năm gian.

Khi gặt xong, rạ được dựng thành " tòm" hoặc"đùm" để phơi nhanh khô, ai khéo tay dựng những ruộng rạ trông rất đẹp mắt, nhiều khi gặp gió cả ruộng đổ kềnh càng, gió xoáy còn tung cả rạ lên trời.

Khi đã khô , rạ được gánh bằng đòn càn hoặc đòn xóc, bó dây chão, những anh khỏe, khéo bó gánh được cả nửa sào , đi đường chỉ nhìn thấy hai bó rạ đang đi, chả nhìn thấy người đâu.

Rạ được đưa về nhà sẽ được "rút" , những chỗ đẹp được bó ngay ngắn làm "dân", đó là loại rạ để lợp hàng đầu tiên của mái nhà hay còn gọi là giọt gianh , sau đó rũ rối ,đập mềm và rút bó thành từng bó. Công đoạn rút rạ có khi kéo dài cả tuần vì nhiều rạ. Hàng xóm láng giềng sang tranh thủ rút hộ rạ nhau. Câu chuyện câu trò cười nói râm ran quanh ấm nước trà tươi, hoặc mẹt bánh đa bánh đúc. Quê chỉ thế thôi nhưng thấm đẫm tình người.

Ngày lợp nhà gia chủ phải xem kĩ, tránh ngày "hỏa" và một số ngày xấu khác có như vậy gia chủ mới an tâm làm ăn.

Làng tôi có anh câm là thợ lợp nhà rất giỏi, anh tuy câm nhưng khéo tay nhanh ý, vào vụ lợp nhà anh làm không hết việc, những mái nhà anh lợp nom đều tăm tắp, không bao giờ bị dột.

Thời đó thợ lợp nhà rất được trọng vọng, những ông thợ khéo tay còn sang cả làng khác lợp thuê, vớ phải nhà rộng rãi trả tiền công rất hậu hĩnh và được quý hóa lắm.

Việc đầu tiên là dỡ rạ cũ, lớp rạ cũ đã cùn gần hết, xem dui mè chỗ nào hỏng thì dặm lại, có khi còn phải thay cả đòn tay đã dập hoặc mục nát.

Lợp lớp rạ dân hay gọi là giọt gianh (hàng đầu tiên ) trước, buộc bằng lạt tre, (lạt phải được chẻ bằng tre loại bánh tẻ mới dẻo) lớp rạ dân phải trải cho đều và bằng bặn, sau đó lợp mái, tùy theo nhiều hay ít rạ mà lợp dày hay mỏng, lợp dày mái sẽ bền và mát hơn, có mái nhà được đến năm năm mới phải lợp lại. Rạ được xâu vào cây sào đưa lên mái cho thợ lợp, mái mà cao thì chỉ có mấy anh thanh niên mới đủ sức đưa được bó rạ lên tận nóc, chứ đám liền bà con gái thì chịu thôi.

Khi lợp xong cả hai mái, sẽ đánh nóc, đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự khéo tay của người thợ, nếu trải rạ sai nóc sẽ bị dột rất khó chữa. Thợ khéo trông cái nóc nhà đều thẳng, không nhấp nhô lồi lõm, thật đẹp!

Hai bên chái cũng rất kì công có bốn hàng " chuột chạy" , thợ khéo tay buộc trải đều trông rất đẹp mắt và rất bền, cần buộc nhiều lạt nếu không mái chái sẽ bị tụt.

Điểm giao giữa chái và nóc sẽ đánh tòm trông như hai chú Cuội ngồi quay vào nhau, để tránh giông gió làm tốc mái.

Mỗi nhà cần hai ba thợ lợp, nhà năm gian có khi phải sang ngày hôm sau mới xong, gia chủ biện bữa cơm rượu để cảm ơn các ông thợ lợp nhà. Công của mấy ông thợ chỉ là vài bát gạo và ba hào bạc, sau này thì dăm ba ngàn.

Đã qua rồi một thời khốn khó, nhưng trong những giấc mơ, tôi vẫn thấy từng đêm rút rạ, đánh gianh văng vẳng tiếng cười.

Thân thương lắm ! Những đụn khói lam chiều bốc lên từ mái tranh nghèo.

Quê ơi !

TT

Theo Chuyện làng quê