link tải gowin99 mới nhất

Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 19)

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 19.

  Bước sang thế kỷ XVIII giai cấp nông dân bị nhà nước đẩy đến bước đường cùng, do đó khởi nghĩa đã biến thành những cuộc chiến tranh nông dân, nội chiến thực sự. Năm 1737 khởi nghĩa do nhà sư Nguyễn Dương Hưng lãnh đạo bùng nổ ở Sơn Tây, lan khắp vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Nguyễn Dương Hưng xây dựng căn cứ ở Tam Đảo rồi từ đó làm chủ suốt một vùng tây bắc Kinh thành. Khởi nghĩa Nguyễn Dương Hưng mở màn cho chiến tranh nông dân Đàng Ngoài suốt thế kỷ XVIII. Nguyễn Tuyển ,Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh dấy binh ở Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương và sau đó khởi nghĩa lan tràn đến Bắc Ninh, Sơn Nam (Nam Định, Hà Nam,Thái Bình), Hà Đông, uy hiếp phía nam kinh thành Thăng Long.

d1a-nguyen-hue-02-1673514738.jpg
Tranh minh họa: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ là “Tây Sơn tam kiệt”. Nguồn: Internet.

 

Ở Sơn Nam có nghĩa quân Hoàng Công Chất, Vũ Đình Dung, Đoàn Doanh Chấn và Tú Cao. Năm 1738 Lê Duy Mật phất cao cờ nghĩa nông dân ở Thanh Hoá. Năm 1740 đến năm 1751, Nguyễn Danh Phương tung hoành ở mạn Sơn Tây. Các dân tộc thiểu số cũng vùng dậy chống lại triều đình bởi sự bi thảm của họ còn hơn cả người Việt. Từ năm 1740 đến năm 1752, Tượng Cầm khởi nghĩa ở Sơn Tây, Toản Cơ đã lãnh đạo người Tày-Nùng vùng dậy ở miền Lạng Sơn. Năm 1741-1751, tại Đồ Sơn Hải Phòng, Nguyễn Hữu Cầu đã phất cao cờ: “Đông đạo Tổng quốc bảo dân đại tướng quân” kêu gọi nông dân khởi nghĩa. Ngọn lửa chiến tranh lan tràn khắp các tỉnh ngoài Bắc đến Thanh Hoá. Lá cờ nghĩa ‘Bảo dân” của Nguyễn Hữu Cầu tung bay suốt 10 năm trời, làm cho triều đình Lê-Trịnh khốn đốn. Nguyễn Hữu Cầu là anh hùng nông dân kiệt xuất nhất Đàng Ngoài thế kỷ XVIII. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân Đàng Ngoài cuối cùng bị đàn áp thất bại nhưng đã làm rung chuyển nền tảng thống trị của giai cấp phong kiến.

   Ở Đàng Trong sau khi khởi nghĩa của chàng Lía ở Qui Nhơn thất bại thì ngay sau đó các dân tộc thiểu số người Chàm, người Chăm Rê vùng dậy. Thương nhân bị nhà nước “ức thương” cũng nổi dậy chống chính quyền. Năm 1747 Lý Văn Quang cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở Đông Phố (Gia Định) chống lại chính sách bóp nghẹt thương mại và thuế khoá nặng nề của triều đình chúa Nguyễn đánh vào thương nhân.

   Tất cả các cuộc khởi nghĩa chứng minh tinh thần bất khuất của nông dân.Tinh thần và sức mạnh của giai cấp này được kết tinh lại thành một cuộc chiến tranh nông dân to lớn nhất vào những năm 70 của thế kỷ XVIII: phong trào nông dân Tây Sơn.

KHỞI NGHĨA TÂY SƠN BÙNG NỔ, PHÁT TRIỂN THÀNH PHONG TRÀO QUI MÔ CẢ NƯỚC-ĐÁNH BẠI THÙ TRONG GIẶC NGOÀI (1771-1789)

Năm 1771 khởi nghĩa nông dân bùng nổ ở ấp Tây Sơn, huyện Bình Khê tỉnh Bình Định (nay thuộc huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định) do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo, trong đó nổi bật nhất là Nguyễn Hụê. Cùng với sự phát triển của phong trào, Nguyễn Hụê vươn lên trở thành người anh hùng, lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cách mạng nông dân Tây sơn thành anh hùng dân tộc.  Tổ tiên bốn đời của ba lãnh tụ Tây Sơn là họ Hồ ở làng Thái Lai, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Trong một trận giao tranh giữa quân Nguyễn và quân Trịnh, quân Nguyễn đã vượt sông Gianh bắt cụ tổ của họ vào ấp Tây Sơn khai hoang. Từ họ Hồ sau đổi sang họ Nguyễn hẳn nhiều lý do. Thân sinh của ba lãnh tụ Tây Sơn là cụ Nguyễn Phi Phúc và Nguyễn Thị Đông. Năm 1771 khi khởi nghĩa , Nguyễn Huệ là em thứ hai sau Nguyễn Nhạc mới 19 tuổi. Như vậy là Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ sinh năm 1752. Sách xưa mô tả Nguyễn Huệ tóc hơi xoăn, khoẻ mạnh, da ngăm ngăm đen, mắt sáng như chớp, tiếng nói trầm mà sang sảng như tiếng chuông. Sau này khi tiến ra Bắc lật đổ nhà Trịnh năm 1786, ra mắt vua Lê Hiển Tông, triều đình quan lại nhìn thấy “thần sắc của Bắc Bình Vương rực rỡ uy nghiêm, ai cũng run sợ hãi hùng”[1]. Thời niên thiếu ba anh em họ Nguyễn cùng theo học với thầy đồ Hiến ở trường Yên Thái (Bình Khê, Bình Định). Nguyễn Huệ học nhanh, hay lật ngược tất cả nghĩa của chữ mà hỏi khiến thầy rất khâm phục. Từ thời niên thiếu ấy Quang Trung đó tỏ ra là con người can đảm,  đại lượng, khiêm tốn, có hoài bão chí lớn, hiểu sâu sắc về chính trị, thời thế. Có lần thầy Hiến hỏi Huệ về câu sấm đương thời đang lưu truyền: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”, Nguyễn Huệ đáp: “Bắc và Nam xã hội thối nát, nhân dân khổ cực, căm phẫn, không thể tránh khỏi một cuộc biến cách”. Từ đó Nguyễn Huệ đã ra sức học tập, ham mê nghiên cứu binh thư và võ nghệ, xuất chúng tinh thông về mọi lĩnh vực, chuẩn bị là người đóng vai trò rường cột trong mọi biến cách của xã hội sắp tới.

 Phong trào Tây Sơn đó phất cao lỏ cờ đỏ (dài 10m), nêu khẩu hiệu “Lấy của nhà giầu chia cho dân nghèo”. Khẩu hiệu là tư tưởng chính trị bình đẳng, cũng nêu lên nguyện vọng của quần chúng nhân dân khi đó. Ngoài ra lại thêm khẩu hiệu thuộc sách lược chính trị để phân hoá kẻ thù: “Diệt quyền thần Trương Phúc Loan, tôn phò Hoàng Tôn Dương”. Với những khẩu hiệu đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của nhân dân nên lực lượng nghĩa quân tăng lên nhanh chóng. Ngoài nông dân,  trong lực lượng nghĩa quân còn có nhiều tầng lớp khác tham gia như thổ hào (Nguyễn Trung), phú hào (Nguyễn Khê) và nhiều thầnh phần dân tộc như các đạo quân nguời Hoa (Hoà Nghĩa, Trung Nghĩa của Lý Tài, Tập Đình), người Chăm, người Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng. . . Lực lượng Tây Sơn lên đến hàng vạn người. Nghĩa quân từ Bình Định nhanh chóng hạ phủ thành Qui Nhơn, làm chủ Bình Định. Từ Bình Định, lá cờ đỏ của nghĩa quân tung bay làm chủ miền Quảng Nam ở phía Bắc, làm chủ Diên Khánh (Khánh Hoà), Bình Thuận ở phía nam.

   Nhân cơ hội Đàng Trong có biến động, nhà Trịnh ở Đàng Ngoài muốn tiêu diệt chúa Nguyễn, thôn tính Đàng Trong. Mùa đông năm 1774 nhà Trịnh sai tướng Hoàng Ngũ Phúc đem 4 vạn quân vượt sông Gianh tiến vào Thuận Hoá.  đầu năm 1775 Hoàng Ngũ Phúc chiếm Phú Xuân (Huế) rồi vượt đèo Hải Vân tiến đánh Tây Sơn. Chúa Nguyễn Phúc Thuần bỏ Phú Xuân chạy vào Gia Định rồi từ mặt nam đánh ra. Hai vạn quân Nguyễn do Tống Phúc Hiệp chỉ huy tấn công quân Tây Sơn ở Bình Thuận. Quân Tây Sơn phải bỏ Bình Thuận, Phú Yên, Diên Khánh, Bình Khang rút về Qui Nhơn. Ở mặt trận phía Bắc, quân Tây Sơn do Lý Tài, Tập Đình chỉ huy bị quân Trịnh đánh bại ở Cẩm Sa,  phải bỏ Quảng Nam rút về Qui Nhơn. Quân Tây sơn bị kẹp giữa hai gọng kìm Trịnh-Nguyễn và có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.

   Trong tình thế nguy cấp đó, Nguyễn Huệ là người sáng suốt chủ trương hoà hoãn với quân Trịnh ở phía bắc để tiêu diệt quân Nguyễn ở phía nam. Tướng Trịnh Hoàng Ngũ Phúc muốn lợi dụng Tây Sơn để tiêu diệt chúa Nguyễn nên nhận lời cầu hòa thần phục của Tây Sơn. Phúc sai Nguyễn Hữu Chỉnh vào Qui Nhơn phong cho Nguyễn Nhạc chức “Tây sơn trưởng hiệu, Tráng tiết tướng quân”. Nguyễn Nhạc phong cho Nguyễn Huệ chức Đại tướng cầm quân đánh quân Nguyễn. Năm đó Nguyễn Huệ mới 23 tuổi. Chỉ một ngày của năm 1775, bằng mưu trí và tài dùng binh, Nguyễn Huệ đã hạ thành Phú Yên, tiêu diệt hai vạn quân thuỷ bộ của nhà Nguyễn, danh tướng Tống Phúc Hiệp phải bỏ chạy, nhiều tướng lĩnh của nhà Nguyễn bị Nguyễn Huệ tiêu diệt hay bắt sống như Nguyên Văn Hiến, Nguyễn Khoa Kiên. . . Chiến thắng Phú Yên của quân Tây Sơn làm cho quân Nguyễn mất hẳn khả năng tấn công quân Tây Sơn ở mặt nam, quân Tây Sơn thoát khỏi thế bị kẹp giữa hai gọng kìm. Quân Trịnh của Hoàng Ngũ Phúc ở mặt bắc cũng rút khỏi Quảng Nam, lùi ra đóng giữ Phú Xuân. Chiến thắng Phú Yên đã mở ra một cục diện mới,  khởi nghĩa thoát khỏi tính chất địa phương, phát triển ra toàn bộ Đàng Trong. Danh tiếng của Nguyễn Huệ từ đó lừng lẫy, tài năng quân sự của ông được phát huy, rèn luyện trong nội chiến đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Quân thù bắt đầu khiếp sợ khi nghe danh tiếng của ông.

   Sau chiến thắng Phú Yên, nhiệm vụ chính của quân Tây Sơn là tấn công Gia Định, lật đổ nền thống trị của chúa Nguyễn. Tháng 3 năm 1776 thuỷ quân Tây sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy tấn công thành Gia Định. Chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy về Trấn Biên (Biên Hoà). Nhưng sau khi Nguyễn Lữ kéo quân về Qui Nhơn, quân Nguyễn lại về chiếm Gia Định. Chủ lực quân Nguyễn gồm 1vạn quân của Lý Tài ở Gia Định, 1 đạo quân của chúa Nguyễn Phúc Dương ở Trấn Biên, 4.000 quân của Nguyễn Ánh và của Đỗ Thành Nhơn đóng ở Ba Dũng, 1 đạo quân của Mạc Thiên Tứ đóng ở Cần Thơ. Thế lực của chúa Nguyễn tương đối mạnh ở vùng Gia Định (toàn bộ miền Nam Nam ngày nay).

(Còn nữa)

CVL

 

[1] :Ngo gia vn phai:hoang Le nhat thong chi, Nxb van học, Hà Nội, 1964,