Tết Khô Già Già hay còn gọi là Tết tháng 6 của người Hà Nhì đen được coi là lễ hội cầu mùa lớn nhất trong năm, tổ chức theo từng thôn, bản của người Hà Nhì ở các xã: Y Tý, Nậm Pung, A Lù, Trịnh Tường.
Để chuẩn bị cho nghi thức này, từ ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 âm lịch hàng năm, các thôn Hà Nhì tổ chức sửa sang, lợp lại lán thờ tại công viên chung của thôn. Đặc biệt, các gia đình trong thôn cùng góp tiền mua trâu để làm lễ vật hiến tế thần linh.
Sau lễ mổ trâu, thịt trâu được chia đều cho các gia đình mang về làm lễ cúng tổ tiên vào buổi sáng và buổi tối những ngày tết. Theo phong tục từ xưa truyền lại, người đàn ông làm chủ gia đình sẽ trực tiếp thực hiện nghi lễ cúng, còn phụ nữ sẽ là người chuẩn bị các lễ vật. Khi thực hiện nghi lễ cúng trong Tết Khô Già Già, người Hà Nhì mặc trang phục truyền thống của dân tộc.
Vào ngày thứ hai trong Tết Khô Già Già, các thanh niên, trai tráng trong thôn sẽ làm lại đu quay và đu dây ở công viên chung. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm lễ vật gồm có thịt trâu và các nông sản tự sản xuất ra như: Thịt gà, thịt lợn, cá, lạc, đậu tương, bí, dưa chuột… mang đến công viên để tham gia lễ cũng chung của làng. Đối với nghi thức này, mỗi gia đình chỉ có một người đàn ông Hà Nhì được tham gia với điều kiện trong năm gia đình không xảy ra việc không may như có người qua đời.
Tại lán thờ công viên, hai thầy cúng được thôn chọn ra sẽ thực hiện nghi lễ cúng dưới chân cột đu quay cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống người dân trong thôn luôn được no ấm. Đại diện các gia đình cũng làm lễ cúng cầu mong việc làm ăn thuận lợi, may mắn. Các mâm lễ vật sau đó sẽ được chuyển vào trong lán thờ và mọi người cùng liên hoan, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, người trẻ cảm ơn người cao tuổi trong ngày Tết Khô Già Già.
Trong Tết Khô Già Già, không khí tại các thôn người Hà Nhì đều vui hơn hẳn ngày thường vì người già, phụ nữ, trẻ nhỏ đều được đến công viên của thôn tham gia các trò chơi truyền thống như đu quay, đu dây, nhảy que…Tết Khô Già Già của người Hà Nhì đen trên vùng cao huyện Bát Xát thể hiện tín ngưỡng cầu mùa và mang nhiều ý nghĩa nhân văn, được cả cộng đồng tôn trọng và gìn giữ theo đúng bản sắc dân tộc.