Không phải là cư dân sinh ra và lớn lên dưới chân núi Langbian, nhưng với tôi, ngọn núi cao, hùng vĩ nhất nhì chốn cao nguyên trung phần, có cái tên đầy huyền tích cùng với vô vàn cảnh sắc tuyệt đẹp làm đắm say lòng người này thật có rất nhiều cảm xúc.
Đã trên 20 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc đến Đà Lạt, nhắc đến Langbian là trong tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm của một thời xa nhà trọ học lại rưng rưng hiện về trong ký ức.
Ngày ấy, sau khi gần hoàn thành 4 năm chương trình cử nhân sư phạm ở Trường Đại học Đà Lạt, chúng tôi được phân công về thực tập tại Trường Trung học Phổ thông Đống Đa, nhằm ở ngoại thành phố Đà Lạt, cách đỉnh LangBian không xa. Nhân buổi chia tay sau 3 tháng thực tập sắp kết thúc, mấy cô cậu học trò lớp 12A2 (niên khóa 1998-2001) đã bàn với nhau giấu giếm cô giáo chủ nhiệm và rủ chúng tôi mang vác ba lô kéo nhau trèo lên đỉnh Langbian đốt lửa trại, thức với nhau trọn một đêm cuối cùng trước khi chia tay lứa tuổi học trò tuyệt đẹp.
Tôi vẫn còn nhớ như in, đó là một đêm của những ngày cuối tháng 5. Sau khi mấy thầy trò chúng tôi vừa căng lều bạt xong, đang chuẩn bị nhóm lửa nướng gà, thổi xôi thì trời bắt đầu đổ mưa và ngày càng nặng hạt. Do trời mưa khá to, cho nên việc đi lấy củi của mấy cậu học trò gặp rất nhiều khó khăn. Để động viên cũng như nhắc nhở các em bảo đảm an toàn trong quá trình đi lấy củi, cho nên mặc dù trời mưa to và rất rét, lại chưa hề quen với rừng núi ở đây, nhưng tôi và Vân cô bạn học chuyên ngành Vật lý chung khóa cùng được phân công thực tập chủ nhiệm lớp 12A2 cũng phải chia nhau ra để đi theo các em.
Sau khi nấu nướng, thưởng thức các món ăn mang theo và hong hơ quần áo cho khô để chống rét, đốt lửa trại lên, thầy trò chúng tôi đã thức với nhau gần suốt cả đêm đó để râm ran trò chuyện, rồi cùng nhau ôn lại bao kỷ niệm đẹp của một thời đi học, cũng như kể cho nhau nghe về những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ.
Ngoài những trò chơi, những bàt hát và những câu chuyện tập thể, đêm càng về khuya, tôi càng thấy nhiều đôi cô cậu học cùng lớp ra tín hiệu rủ nhau tản ra các gốc cây thông già để nhỏ to với nhau bao điều tâm sự, trước giờ phút sắp phải chia tay lứa tuổi học trò. Thấy có quá nhiều đôi rủ nhau đi như thế, cả tôi và Vân đều rất lo lắng vì sau cơm mưa, đường đi lối lại rất trơn, cũng như còn nhiều điều hiểm nguy khác đang rình rập nơi chốn rừng núi thâm u này.
Và thật may mắn cho cả tôi và Vân, chuyến hành trình lên đỉnh LangBian đêm đó của thầy và trò chúng tôi đã an toàn tuyệt đối. Ngày dự buổi lễ tổng kết đợt thực tập tại trường, nghe chúng tôi “bật mí” lại chuyện đã qua, mấy thầy cô giáo lớn tuổi ai cũng ngạc nhiên và cho rằng chúng tôi thật “liều mạng” khi dám tổ chức cho học sinh đi picnic “chui”. Bởi vì nếu chẳng may chẳng có chuyện gì xảy ra với các em, thì chính tôi và Vân sẽ bị kỷ luật và không thể tốt nghiệp ra trường được.
Nhưng sau khi biết kết quả tốt nghiệp ra trường rất cao của cả lớp, được đánh giá là đứng vào tốp nhất, nhì toàn trường, tôi và Vân vẫn tin rằng chuyến hành trình đó của cả thầy và trò chúng tôi đã thực sự mang lại nhiều ý nghĩa, góp phần gắn kết các em lại với nhau và làm cho các em luôn trân trọng, yêu quý thầy cô, mái trường nơi mà các em đã từng học tập, gắn bó.
Được học trò “vẽ” cho một nơi lý tưởng để picnic và hẹn hò, cho nên trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời sinh viên, tôi đã có dịp được đưa em - một người con gái Đà Lạt mà tôi đã từng thương yêu trong những tháng ngày xa nhà trọ học - trèo lên đỉnh Langbian để thức suốt đêm với nhau trước khi chia tay cuộc đời sinh viên. Và đêm hôm đó, tôi còn được em kể cho nghe về huyền tích về ngọn núi này.
...Ngày xưa tại vùng núi này, có chàng trai tên K’Lang, tù trưởng bộ tộc Lát, đem lòng yêu thương người con gái tên H'Biang, con gái tù trưởng bộ tộc Chil. Do khác bộ tộc, không lấy được nhau, cho nên họ đành phải lấy cái chết để giữ trọn mối tình chung thủy đó và phản đối luật tục khắt khe của hai bộ tộc. Sau khi chàng K’Lang và nàng H'Biang chết đi, cha của H'Biang đã rất hối hận và quyết định đi đến thống nhất các bộ tộc người Lát, người Chil, người Sré,...trên cao nguyên này thành một dân tộc, đó là K'Ho. Từ đó các đôi trai gái trong vùng đã yêu nhau sẽ rất dễ dàng để được đến với nhau. Và ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng K’Lang và nàng H'Biang cùng nhau quyên sinh để bảo vệ mối tình chung thủy của mình đã được đặt lên là Lang Biang – cái tên được ghép từ tên của đôi trai gái, để tưởng nhớ một mối tình sắt son mà trái ngang của họ...
Vừa mới được nghe em kể về câu chuyện tình đầy nước mắt của chàng K’Lang và nàng H'Biang ngày xưa, đang thực sự rất hạnh phúc khi được ở bên em suốt trọn một đêm trên đỉnh ngọn núi này, nhưng dường tôi như chợt có linh tính một điều chẳng lành, là câu chuyện tình sinh viên của tôi và em rồi cũng sẽ sớm dở dang, cho dù rất nhiều lần chúng tôi đã từng nhiều lần hẹn hò, thề thốt với nhau ở Thung lũng Tình yêu, Đà Lạt.
Mặc dù không hề bị gia đình, dòng họ ngăn cản như câu chuyện tình buồn của chàng K’Lang và nàng H'Biang xưa kia, nhưng chỉ vì điều kiện công việc, em một cô gái gốc Đà Lạt phải xa chốn cao nguyên tuyệt đẹp và lãng mạn này để sang sinh cơ lập nghiệp tại Kon Tum. Còn tôi thì ngậm ngùi trở lại quê nhà để gắn bó gần chục năm với nghề “gõ đầu trẻ” sau đó chuyển sang một công việc khác.
Trở lại Langbian lần này cùng với mấy người bạn thân mà không có em kề bên để cùng nhau thức trọn một đêm trên đỉnh ngọn núi này như mười mấy năm về trước, nhưng lòng tôi lại như đang ngẩn ngơ và đê mê trước những cảnh sắc tuyệt đẹp ở chốn này.
Thay vì phải mang vác ba lô, đồ uống, thức ăn rồi cuốc bộ xuyên rừng khoảng một vài km như thuở còn sinh viên ngày trước, giờ đây chỉ cần mua vé vào cổng giá khá rẻ và bỏ thêm khoảng trên 240 ngàn là chúng tôi đã được chiếc UAZ dã chiến sơn màu xanh thật bắt mắt rồ ga vượt con dốc dài 6km chạy ngoằn ngoèo, quanh co trong rừng thông đưa lên tận đỉnh ngọn đồi Ra đa cao hơn 2.000 km để có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn cả thành phố Đà Lạt mộng mơ trong sương thấp thoáng ở phía dưới.
Trên đỉnh núi cũng có một số dịch vụ hết sức thú vị, như chụp ảnh cùng với chim đại bàng, chụp ảnh với mấy chiếc xe jeep, xe mô tô cũ được ngụy trang theo cách thời chiến, hay chụp ảnh với mấy chú ngựa hiền lành, chụp ảnh với trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số,…Dịch vụ tham quan phong cảnh bằng ống nhòm cũng khá thú vị với nhiều người, nhất là trẻ nhỏ,…
Sau khi ngắm nghía cảnh sắc mây trời cho thỏa thê, đi bộ khoảng 30 phút tới điểm tập kết trên đỉnh núi Yên Ngựa cao 1.950m, chỉ cần bỏ ra khoảng 600 ngàn đồng, chúng tôi đã được huấn luyện cách leo lên vách đá để tiến hành chinh phục vách núi cao trên 30 m ở gần đó.
Mặc dù rất ưa mạo hiểm, thích chinh phục độ cao và mong muốn được một lần trèo lên trên đỉnh núi cao nhất của ngọn Langbian hung vĩ, nhưng bởi vì thời gian không cho phép, cho nên chúng tôi chưa thể tham gia trò chơi thú vị này. Đành hò hẹn với Langbian dịp khác khi trở lại như lời em đã mời. Lúc đó, tôi sẽ được dắt tay em trèo lên trên đỉnh núi cao nhất, cao mãi, nhắm mắt, thả chân và hít hà cả một khoảng không bao la và khoáng đạt, rồi phóng tầm mắt từ đỉnh đồi Radar theo hướng xuống hồ Dankia thật thơ mộng, để cùng nhau được mơ tưởng, nhớ nhung lại những phút giây ngọt ngào nhất như có một thời ta đã yêu và đã gắn bó ở chốn này....