Trường PTCS Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn là một trường chuyên có tiếng ở Hải Phòng. Việc tổ chức giao lưu ngoại khóa theo chủ đề vốn là hoạt động thường xuyên của Trường. Sau nhiều ngày chuẩn bị, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Như Hiền đã kết nối và mời được 3 nhân vật được coi là phù hợp cho buổi tọa đàm hôm nay. Các cô giáo, thầy giáo và học trò đều háo hức một gặp thần đồng Trần Đăng Khoa nổi tiếng mà họ chỉ đọc và học trong sách giáo khoa. Không chỉ họ, tôi cũng mong muốn có dịp gặp một nhà thơ mà tôi đã đọc và ngưỡng mộ từ những năm tuổi thơ cho đến giờ.
3 người chúng tôi chia thành 2 nhóm xuống Hải Phòng. Tôi và Trần Đăng Khoa đi một xe, anh Đỗ Ngọc Thống đi một xe. Nhà anh Khoa bên Long Biên nên xe đón tôi trước (tại phố Yên Lạc, gần Lạc Trung) rồi mới qua cầu Vĩnh Tuy. Xe hẹn đón rất sớm. Vì theo yêu cầu, diễn giả phải có mặt tại Vĩnh Bảo trước 8h (thắp hương trước tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm trước) để đúng 8h, buổi giao lưu trực tiếp được thực hiện tại Hội trường và nối mạng online với 52 đầu cầu (là các trường PTCS trong toàn huyện) đồng thời chuyển tiếp tới 500 gia đình (phụ huynh HS) cùng tham gia.
Tôi dậy từ 4h30, chuẩn bị và 5h20 đã lên xe. Xe lên cầu Vĩnh Tuy, tôi gọi báo cho nhà thơ Trần Đăng Khoa ra điểm đón (Ngõ 265 Bồ Đề, Long Biên, HN). Anh Khoa nghe máy rất nhanh và nói: “Tôi sẵn sàng rồi. Cứ chờ tôi ở 265 Bồ Đề. Tôi sẽ ra ngay và chiêu đãi các ngài phở sáng”. Điệp khúc “tôi mời phở và sẽ trả tiền” lặp đi lặp lại mấy hôm rồi. Tôi chắc mẩm lời hẹn này khó thực hiện. Cũng bởi tôi nghĩ, với một phố “hẻo lánh” như Bồ Đề (chứ không phải bến xe, bến tàu hay các phố ẩm thực, các chợ lớn) thì chắc gì các hàng ăn đã mở lúc còn đêm như thế (khoảng hơn 5h sáng). Trời ngoài kia vẫn đang mưa nhỏ và lạnh. Thôi, xuống Hải Phòng ăn bánh đa cua. Lo gì!
Xe dừng ở ngõ 265 lúc 6h kém 25. Nhìn ra đã thấy hàng phở 269 đèn rực sáng với những con gà luộc béo ngậy chất trên bàn và nồi nước dùng to đùng đang sôi sùng sục. Trong buổi sớm mùa đông mưa lạnh, ba chúng tôi đã thưởng thức món phở gà rất đặc biệt “như chưa bao giờ được ăn”. Đúng như Nguyễn Công Hoan mô tả “Nóng! Suỵt soạt! Cay! Ngon quá!”.
Gặp Trần Đăng Khoa đôi ba lần. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi ngồi cùng xe và trò chuyện. Cả hai chúng tôi đã mở một cuộc “đối thoại tay đôi” sôi nổi suốt dọc đường. Say sưa tới mức suýt nữa xe “vui chân” chạy về Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong nội thành Hải Phòng chứ không phải Nguyễn Bỉnh Khiêm Vĩnh Bảo. Cả hai đều dùng “những lời có cánh” để ca ngợi nhau. Tôi ca ngợi Trần Đăng Khoa đã là một nhẽ (đương nhiên rồi). Nhưng Trần Đăng Khoa ca ngợi tôi (mà ca ngợi với những lời hay nhất mà anh có) quả là điều tôi ngạc nhiên vô cùng.
Thực tế, Trần Đăng Khoa không hề có ý định nói hay để đẹp lòng tôi (Tôi là gì đâu mà một nhà thơ lớn của đất nước phải ngợi ca?). Hóa ra anh đọc tôi (và đọc kĩ) những bài tôi viết (trên sách báo và trên FB) gần như không sót một bài nào (Trong số gần 5.000 friends tôi có trên FB, số người đọc như vậy không nhiều). Anh nói: “Bài nào của ông cũng thể hiện những gì liên quan tới ngôn ngữ cuộc sống, rất đời thường, rất chí lí, rất hay”. Suốt dọc đường, chúng tôi nói không ngớt chuyện. Chuyện đời, chuyện thơ, chuyện ngôn từ… Có thể những lời nhận định của cả hai chả là “cái đinh gỉ” với người khác (có người cho là tầm phào của hai gã máu mê văn chương, bốc đồng). Nhưng ít ra với chúng tôi điều đó vẫn rất vui và cảm động. Cả hai đều nói chân thành say sưa với những dẫn chứng tường minh. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói “Khi chúng ta thấu hiểu và sẻ chia cùng nhau thì chính điều đó sẽ đem lại hạnh phúc cho nhau”.
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đón chúng tôi thật chu đáo, nồng hậu, trọng thị và thân tình. Đích thân Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo Phạm Văn Thành, đến rất sớm, thân chinh ra đón chúng tôi. Thú vị hơn cả là cả ba diễn giả, anh nào cũng đều là “tay” ăn nói có nghề. Mà có bao nhiêu điều để chia sẻ. Từ chuyện dạy và học ngữ văn theo chương trình mới hiện nay đến chuyện học tiếng Việt (qua thành ngữ tục ngữ, ô chữ) đến những kỉ niệm thơ ca mà thần đồng Trần Đăng Khoa có cả một kho kể đến Tết không hết. Anh Khoa có trí nhớ rất tuyệt vời, kết hợp với lối kể dí dóm, có duyên, rất nhộn, rất hấp dẫn. Ba chúng tôi mỗi người mỗi vẻ, “ban chuyền” cho nhau cứ như ba tuyển thủ của Đội tuyển bóng đá quốc gia. Buổi giao lưu dự kiến kết thúc lúc 11h30 đã kéo dài gần 12h mà ba “cây nói” vẫn còn thèm thuồng, xem chừng muốn “chém gió” tiếp. Sau đó, cả ba còn bị các cô giáo và các em vây chặt, xin chữ kí. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy chữ kí của mình quan trọng đến thế. Kí mỏi tay!
Dự cơm trưa xong, cả hội lại theo chân các thầy đi thăm Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách Trường chừng 7km (tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo). Ôi, có quá nhiều kỉ niệm trong một ngày giao lưu trên Đất Cảng.