Trận đánh năm ấy lùi vào quá khứ đã gần 1/3 thế kỷ nhưng kỷ niệm về nó thì vẫn vẹn nguyên và thường trực trong ký ức của mỗi chúng tôi. Nó luôn nhắc chúng tôi phải sống thế nào cho khỏi tủi hổ vong linh của Định cũng như biết bao đồng đội khác đã anh dũng hy sinh không tiếc máu xương mình cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Chúng tôi đã đề nghị lên cấp trên xét truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho Định. Nhưng rồi các chiến dịch và những trận đánh cứ nối tiếp nhau, cuốn đi như cơn lốc cho đến ngày 30-4-1975. Đến bây giờ, sau 31 năm kể từ ngày đi vào cõi bất tử, Định vẫn chưa có được danh hiệu cao quý đó để xứng đáng với tầm vóc hy sinh to lớn của anh.
Sau trận ấy, chúng tôi họp củng cố rút kinh nghiệm,
học tập gương chiến đấu, hy sinh quả cảm của Định, phát động lòng căm thù, quyết tâm trả thù cho Định và các đồng chí đã hy sinh đồng thời chuẩn bị cho các trận đánh nối tiếp...
… Ngày 09 tháng 5 năm 1974, vào một buổi chiều đầu mùa mưa. Khoảng 16 giờ chúng tôi nhận lệnh xuống kinh xáng Trà Cú, vùng đông - nam Đức Huệ điều nghiên địa hình để đưa quân xuống, chuẩn bị mở trận đánh mới ở địa bàn này.
Đoàn chúng tôi gồm lính của các đại đội 1, 2, 3, 4 và trinh sát tiểu đoàn do đồng chí Nguyễn Văn Hảo, tiểu đoàn phó (Thái Bình) chỉ huy. Đại đội tôi có anh Đinh Văn Luận, đại đội phó (Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An), Lê Thanh Nhâm (Phúc Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) Hồ Hữu Danh (Sơn Hàm, Hương Sơn, Hà Tĩnh đã mất năm 2001 do nhồi máu cơ tim) Nguyễn Văn Quý (Tân Kỳ, Nghệ An) và tôi. Tiểu đoàn lúc ấy có anh Thạch (Hưng Nguyên, Nghệ An) y tá tiểu đoàn, Nguyễn Văn Đông (Trà Vinh), thiếu uý trợ lý tác chiến tiểu đoàn, và một số đồng chí khác, tôi không nhớ hết. Tất cả khoảng trên 20 người. Chúng tôi lầm lũi đi trong mưa lất phất và không gian ảm đạm khác thường.
Hơn một tiếng đồng hồ sau thì hết mưa. Chúng tôi tiếp tục nhằm hướng Kinh Xáng đi tới, sau khi đã nghỉ giải lao. Khoảng 10 giờ đêm, chúng tôi vượt qua cây cầu Sắt. Nơi đây, bọn địch thường xuyên phục kích. Bộ đội và du kích nhiều lần chạm địch chỗ này. Mọi người hết sức cảnh giác, bám lên từng bước rồi cuối cùng cũng vượt qua được cây cầu ấy. Càng về khuya, càng khát vì bi đông mọi người đã cạn. Mùa khô nên cả chặng hành quân không một hố bom nào có nước. Ai nấy đều mong đến chỗ có nước để được uống thoả thích. Mười hai giờ, chúng tôi đến một vị trí mà theo Đông thì chỉ có nơi đây mới có nước ở mấy hố bom lớn, về mùa khô vẫn không cạn. Địa hình nơi này Đông khá quen thuộc. Chúng tôi được lệnh tạm nghỉ để tìm nước. Đông nhanh chóng dẫn mấy người chạy đi tìm mấy hố bom đó, trong khi chúng tôi đặt ba lô ngồi nghỉ để chờ. Mọi người giãn ra để cảnh giác pháo "đĩ" ban đêm có thể bất ngờ lao tới. Chừng 10 phút. Bỗng... một ánh chớp và một tiếng nổ chói tai vang lên từ hướng anh Đông và mấy người vừa chạy tới. Chúng tôi biết ngay, họ đã dính mìn clâymo. Mấy người lao đến nơi có tiếng nổ, dìu được Đông ra tới gần chỗ chúng tôi. Vừa đến giữa ruộng, bỗng tiếng súng AR15 và M79 bắn vào nơi phát ra tiếng nổ vừa nãy. Mọi người đành bỏ Đông lại giữa ruộng và giãn ra xung quanh. Đông rên lớn vì đau quá do bị thương nặng. Lúc này, địch bắt đầu chuyển làn bắn dữ dội vào hướng chúng tôi. Mọi người, trong đó có tiểu đoàn phó Hảo cùng một số anh em còn lại lùi ra phía sau. Địch tập trung hoả lực bắn mạnh ra sau, rồi gọi cối, pháo bắn theo hướng rút của họ. Còn lại ở trận địa lúc này là anh Luận, Nhâm, Danh, Thạch - y tá tiểu đoàn và tôi. Tôi nói với Luận, "Bây giờ ở đây anh là chỉ huy cao nhất, anh phải lệnh cho anh em vào cứu Đông chứ không thể bỏ anh ấy lại". Luận đang chần chừ. Tôi kéo búa đập B40 xuống, đẩy chốt an toàn lại trao súng cho Luận, bảo: "Anh giữ B40 để tôi vào đưa Đông ra. Nếu địch phát hiện ra và bắn thì bằng giá nào anh cũng phải nổ súng B40 để yểm hộ tôi. Nếu anh không bắn, tôi mà thoát chết ra là tôi bắn anh đó!" Luận: "Ừ, ừ... Mày vào đi, tao yểm hộ cho". Tôi quay sang Thạch: "Thôi, tớ và cậu vào đưa Đông ra!". Trước sự cương quyết của tôi, Thạch vững dạ hơn rồi cùng tôi chạy lom khom vào chỗ Đông nằm. Nghe động chúng tôi đến, Đông thều thào: "Ai đó?". Tôi nói: "Sơn và Thạch đây! Anh yên tâm chúng tôi đưa anh ra!". Bằng giọng Nam Bộ yếu ớt, Đông mừng quá: "Cảm ơn Sơn vzà Thạch nghen! Cảm ơn các đồng chí!". Tôi ghé sát tai Đông nói nhỏ: "Chúng tôi dù chết cũng không bao giờ bỏ đồng đội bị thương cả. Anh cố gắng nhé! Đừng rên. Nếu rên, bọn địch nghe thấy chúng ta sẽ không thoát đâu!". Đông nén đau, im lặng...
Tôi và Thạch cố gắng kẻ nách, người chân đỡ Đông lên. Nhưng anh rất nặng (Đông vốn cao to), hơn nữa, do bị thương nặng nên khi chúng tôi nhấc lên, anh cứ oặt người xuống vì đau. Loay hoay một lúc vẫn không đưa Đông đi được. Tình thế lúc này hết sức cấp bách. Nếu không kịp đưa Đông ra ngay, địch phát hiện được sẽ không một ai có thể sống sót. Tôi nói nhanh với Thạch: "Thôi, cậu bỏ ra". Tôi luồn một tay dưới cổ và một tay dưới khoeo chân Đông gắng sức lấy đà nhấc nổi lên rồi lom khom chạy ra chỗ Luận và mấy người đang chờ sau một bờ đất. Thạch xách AK bám kịp tôi. Không hiểu sao lúc ấy, tôi bế nổi Đông chạy ra được như vậy?
Vừa kịp đặt Đông nằm xuống thì địch tung pháo sáng lên. Tiếp theo là các loại súng thi nhau đổ đạn về phía chúng tôi. Hú vía! Chỉ chậm mấy giây nữa thôi là cả ba chúng tôi ăn đạn rồi. Địch bắn như vãi đạn nhưng không dám xung phong. Ngay đó có một hố bom, mọi người bảo nhau dìu Đông xuống rồi lợi dụng ánh hoả châu băng bó lại cho anh. Đông dính mìn clâymo. Phần trước cơ thể bị bi găm lỗ chỗ. Anh bị thủng bàng quang và nhiều nơi khác. Máu bê bết khắp thân thể. Đạn địch dần dần chuyển làn, nổ phía sau nơi chúng nghi anh em mình chạy ra đó. Chờ dứt tiếng súng bộ binh, tôi nói với Luận: "Bây giờ, anh cho người đi chặt tre để cáng Đông". Luận cử Nhâm. Nhâm chần chừ, nhưng cuối cùng cũng đành mang dao găm và súng đi. Chừng 40 phút sau mới thấy Nhâm lò dò kéo ra được một ngọn tre khô. Chúng tôi hỏi: "Sao lâu thế?" Nhâm hổn hển: "Không dám chặt... vì sợ địch nghe thấy nên dùng dao gọt theo thân tre... cho đứt rồi kéo ra". Róc vội gai tre, chúng tôi nhanh chóng buộc võng rồi thay nhau cáng Đông. Một người đi trước dẫn đường, bốn người còn lại thay nhau, hai người cáng, hai người đi sau mang hết đồ đạc cho cả bọn. Tất cả quay lại theo đường cũ. Gần đến cầu Sắt, chúng tôi giật mình vì nghe thoang thoảng trong gió mùi thuốc lá "Ru Bi". Tất cả im lặng, khẽ đặt Đông nằm xuống. Tôi và Nhâm bám lên, chúng tôi trườn rất nhẹ đến gần sát mọi người rồi mà vẫn không ai hay biết gì cả. Nhìn qua ánh sáng của điếu thuốc lá, tôi thấy trên khuôn mặt là vành mũ tai bèo. Tôi bấm Nhâm: "Anh em mình!". Tôi gọi trong khi khoá an toàn B40 đã mở: "Có phải anh em mình đó không?" Họ nhận ra tiếng tôi rồi đồng thanh trả lời "Phải! Phải!". Tất cả ùa lại chỗ tôi và Nhâm. Mọi người ríu rít hỏi tình hình? Tôi nói sơ qua, rồi bảo họ thay cáng cho chúng tôi vì đã quá mệt, đồng thời khẩn trương về “cứ” vì trời sắp sáng. Thì ra sau khi bọn địch nổ súng, tất cả rút lui, về đến đây thì gặp nhau rồi ngồi ngóng chúng tôi. Họ cho rằng, chúng tôi đã chết trong đó rồi. Về gần đến "cứ" cách chừng 3 cây số, lúc này Đông rên rất dữ và giãy đạp mạnh rồi bật ra khỏi võng rơi xuống đất, làm anh em khiêng suýt ngã. Anh bỗng giật giật mấy cái rồi tắt thở. Đông hy sinh lúc gần 5 giờ sáng ngày hôm đó. Chúng tôi vuốt mắt cho anh rồi tiếp tục bế lên võng, khiêng về cứ.
Về đến Hội Đồng Sầm lúc gần 6 giờ sáng. Chúng tôi báo cáo sơ qua tình hình với tiểu đoàn rồi làm thủ tục an táng Đông trên một gò đất cao của cứ. Tất cả đều khóc thương Đông rồi cúi đầu mặc niệm Anh, người đồng chí chiến đấu thân thiết đã ra đi... Xót thương Đông quá! Anh vừa mới tốt nghiệp một trường quân sự ở Liên Xô về, kịp bổ sung vào tiểu đoàn 7 được mấy tháng nay. Cách đó gần một tháng, gia đình dưới Trà Vinh gửi lên cho anh gói quà, trong đó có cái đồng hồ "Xây cô 5" (SEIKO 5) màu trắng. Anh luôn đeo nó trên tay và xem như kỷ vật vô giá. Chúng tôi đem tất cả tư trang của anh, gói lại cẩn thận rồi chuyển lên cấp trên để gửi về gia đình...
Hôm ấy, sau khi chôn cất Đông xong, quá mệt mỏi và buồn ngủ, tôi đặt mình xuống là liền mê man một giấc đến hơn 11 rưỡi trưa, mọi người mới gọi tôi dậy ăn cơm để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới...
Một tình huống bất ngờ khác đã xẩy ra. Số là đêm đó, sau khi đụng mìn rồi bị địch bắn, mọi người chạy phân tán. Cậu Lam nuôi quân (Nam Hà) chạy thế nào lạc hướng, lọt vào chỗ địch phục kích, bị chúng bắt sống. Theo tin tình báo, Lam không chịu nổi đòn tra nên đã khai ra chỗ đóng quân và trận địa phục kích đánh tàu của ta. Trước tình huống đó, một mặt tiểu đoàn lo chuẩn bị phương án chống càn, mặt khác lệnh cho đại đội 3, cử người khẩn trương gọi trung đội đang phục kích đánh tàu ở trận địa đối diện gần Gò Nổi về ngay. Đại đội lại giao nhiệm vụ đó cho tôi.
Nhiệm vụ của tôi phải cắt bưng đến tận trận địa để gọi trung đội phục kích đánh tàu khẩn trương ngay trong đêm phải rời khỏi vị trí. Nếu không, ngày mai, địch sẽ đổ quân đánh úp. Bốn giờ chiều, sau khi chuẩn bị súng đạn, tôi bắt đầu xuất phát. Từ nơi này đến vị trí trung đội ấy khoảng 9-10 km đường bưng, sình lầy. Tôi phải cắt bưng, dò dẫm men theo bờ sông và vượt qua tất cả 6 con rạch (mỗi rạch rộng chừng 15 đến 20 mét). Tôi rẽ cỏ bàng cao quá đầu, vượt qua tất cả. Không hiểu sao, lúc ấy tôi lại có sức khoẻ kỳ lạ đến như vậy? Gần 10 giờ đêm tôi mới đến nơi. Anh em đều ngủ say. Tôi liền lay các đầu võng rồi đến chỗ Lưu Xuân Tiết, B trưởng (Hoàng Quế, Đông Triều, Quảng Ninh) truyền đạt: "Lệnh của tiểu đoàn buộc trung đội khẩn trương ngay lập tức rút khỏi vị trí phục kích. Vì ngày mai địch sẽ càn vào. Lý do, một đồng chí của ta bị địch bắt, tra tấn, đã khai báo hết. Các đồng chí chỉ mang theo súng và cơ số đạn chiến đấu, còn lại chôn giấu hết". Mọi người hối hả, khẩn trương vào việc. Khoảng gần một giờ sau sau, tất cả xong xuôi, ngụy trang cẩn thận và đã sẵn sàng hành quân. Tôi lại đi trước dẫn đường. Vì đã thông báo cụ thể đường đi nên mọi người chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng vượt bưng và 6 con rạch ấy. Rất may là vùng này không có cá sấu và không gặp rắn độc. Nếu không, tôi đã làm mồi cho chúng rồi.
Chúng tôi trở lại đúng lối mòn tôi vừa đi lúc nãy và kịp trở về đến nơi lúc gần 5 giờ sáng. Mọi người không kịp nghỉ. Tất cả lao vào chuẩn bị công sự để chống càn.
Bảy giờ sáng, đã nghe tiếng tàu càn rì rì ở ngoài sông Vàm Cỏ. Bất thần, 12,8 ly trên tàu bắn như mưa vào hướng chúng tôi. Tôi nhớ lúc ấy, cậu Sơn quê Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đang đứng trên mũi chiếc ghe, một viên 12,8 ly bắn bay mất một phần xương hàm dưới. Sơn bị thương nặng, được băng bó kịp thời rồi nhanh chóng chuyển ra tuyến sau. Không rõ sau đó, cậu ta có mệnh hệ gì không? Tôi cũng không biết nữa.
(Còn tiếp)
Trái tim người lính