Lớp “Trại Chuối” – cái tên gọi bình dị, dân dã mà thân thương, gắn liền với lớp sinh viên Khoa Lịch Sử khóa 13 (1968-1972), trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Hồi đó, vào giữa thập niên 60, ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ bắt đầu bắn phá một số địa điểm thuộc Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình... mở đầu cho cái gọi là “cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc”.Thế là sau mười năm người dân miền Bắc được hưởng không khí hòa bình xây dựng đất nước, nay lại cùng với đồng bào miền Nam bước vào giai đoạn “cả nước có chiến tranh”. Đồng bào ở thành phố, các trung tâm công nghiệp cùng nhiều địa điểm trọng yếu khác được lệnh sơ tán, chuyển về các vùng rừng núi, nông thôn để tiếp tục “vừa sản xuất, vừa chiến đấu” trong khí thể trào dâng “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trên cả hai miền Nam Bắc.
Trường ta, từ trụ sở chính ở 19 Lê Thánh Tông cùng các cơ sở Thượng Đình, Mễ Trì (Hà Nội) được lệnh sơ tán, chuyển lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (vốn là Bắc Kạn và Thái Nguyên gộp lại). Khoa Văn và khoa Sử được phân về làng Vạn Thọ nằm bên dòng sông Công huyền thoại. Từ đường cái, lội qua con suối Đôi, rẽ phải là khoa Văn, rẽ trái là khoa Sử.
Sau những ngày tháng bỡ ngỡ ban đầu, thầy trò khoa Sử đã nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở với biết bao gian nan, lúng túng. Nhưng với sự giúp đỡ của chính quyền và đồng bào địa phương cùng kinh nghiệm của một số thầy giáo đã từng trải qua cuộc kháng chiến 9 năm trên căn cứ Việt Băc (như các thầy Bùi Văn Hách – chủ nhiệm khoa, Hoàng Điệp, Bùi Văn Chép...), cán bộ và sinh viên được tổ chức vào rừng chặt cây về dựng lán trại, nhà ăn, lớp học... Dần dần ổn định, cán bộ giảng dạy được bố trí ở xóm Chùa, được các gia đình bà con địa phương dành cho phòng riêng để làm việc và nghỉ ngơi. Còn sinh viên ở phân tán trong các thôn xóm, tự dựng lán trại để sinh hoạt và học tập. Lớp học nửa chìm nửa nổi, nối liền với giao thông hào chạy ra các phía.
Các lớp học tản ra các xóm xa nhau, quen gọi theo địa điềm: lớp Đồng Môm. lớp Đẩm Sủi, lớp Đội Cấn. Riêng Trại Chuối có 2 lớp: khóa 12 (1967 – 1971) và khóa 13 (1968-1972).
Theo nếp thời sơ tán, sáng sáng các thầy đến “nhà ăn” - một cái lán tách khỏi nhà dân để nấu ăn cho cán bộ - lấy suất điểm tâm là vài củ sắn luộc. Rồi cuốc bộ chừng 1-2 Km đến “giảng đường” tranh tre, nửa nổi, nửa chìm, lên lớp theo thời khóa biểu. Thiếu thốn sách vở nhưng các thầy vẫn say sưa đưa sinh viên trở về với cội nguồn dân tộc, bay bổng những miền xa xôi khắp năm châu cùng những tác phẩm lý luận kinh điển dày cộp. Tài liệu tham khảo không nhiều nhưng cách chia tổ học tập, sinh viên cùng thảo luận đã giúp nhau bổ sung nhiều điểm trống khuyết.
Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, thày trò vẫn cố gắng dạy và học theo chương trình đã được tinh giản khá nhiều. Ngày ngày, một buổi lên lớp, buổi kia nghiên cứu, đọc tài liệu. Nhiều sách từ thư viện trường ở 19 Lê Thánh Tông được chọn lọc để chuyển lên nơi sơ tán, lập thành thư viện của Khoa. Hầu hết cán bộ giảng dạy hồi đó còn rất trẻ, trên dưới tuổi 30 trở thành lực lượng chính trong việc chọn sách cần dùng, đóng vào hòm, đưa lên ô tô chuyển về nơi sơ tán. Các thầy lại cùng sinh viên mang vác các hòm sách từ suối Đôi về xóm Chùa lập thành thư viện Khoa. Không có phòng đọc, sinh viên được mượn sách mang về lán trại tham khảo.
Tôi còn nhớ những buổi sang Trại Chuối hướng dẫn thảo luận tổ. Có buổi tối say sưa tranh luận đến khuya rồi kết thúc bằng bữa chè sắn. Thế là sáng lót dạ bằng sắn luộc, hai bữa chính ăn canh sắn, tối liên hoan bằng chè sắn. Được cái vào mùa ép mía, bà con nấu mật nên đường không thiếu. Vào những đêm sáng trăng, thầy giáo tự lội suối, một mình trở về nhà. Nhưng nếu là đêm mưa rét, lớp cử một vài bạn đi cùng, cầm đuốc đưa thầy về tận nơi.
Việc dạy và học cứ thế trôi đi, tương đối yên bình. Thỉnh thoảng mới có tiếng máy bay địch vút ngang qua, kẻng báo động vang lên, rồi lại yên ắng. Nhưng trong nhiều buổi họp của Khoa, ngoài sự ổn định việc học tập, giữ gìn an toàn và tăng gia sản xuất, vấn đề chất lượng đào tạo vẫn là điều lo lắng nhất, được đưa ra bàn luận khá nhiều. Bởi vì các thầy, ngoài vốn liếng là các bài giảng được soạn sẵn thì khó có điều kiện đọc thêm, tham khảo thêm. Cuối cùng, Ban chủ nhiệm Khoa quyết định: các bộ môn sắp xếp lịch giảng dạy sao cho thầy cô, mỗi học kỳ có thể dành ra 1-2 tháng về đọc sách ở các thư viện Hà Nội.
Chủ trương đó làm anh em phấn khởi hẳn lên. Ít nhất cũng được về Hà Nội quen thuộc, được “về nhà mình” tuy gặp báo động nhiều hơn. Thế là theo kế hoạch được Khoa duyệt, từng nhóm cán bộ giảng dạy tạm rời nơi sơ tán “lai kinh”. Hồi mới sơ tán năm 1965 còn đi đường tầu hỏa Hà Nội – Thái Nguyên rồi đạp xe theo tỉnh lộ qua huyện lỵ Đại Từ về đến Vạn Thọ. Sau này, máy bay địch bắn phá gắt gao nên phải tránh đi ban ngày. Thường thường anh em xuất phát từ buổi trưa, đi xe đạp len đường rừng qua làng “chè Tân Cương” nổi tiếng, ra đến Phổ Yên vừa khi trời sẩm tối, rồi từ đó theo đường quốc lộ về Hà Nội, qua cầu phao sông Hồng. Vất vả như vậy nhưng trong hoàn cảnh chung, ai cũng phấn chấn nên mọi chuyện dần trở thành bình thường.
Thời gian ở Hà Nội là rất quý, gần như gắn bó với Thư viện Quốc gia suốt ngày, từ sáng đến chiều tối. Cứ đang đọc lại nghe tiếng loa báo động “Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội ... cây số”. Thế là ai nấy tạm xếp sách vở, chạy ra ẩn nấp dưới tầng hầm bên kho Lưu trữ. Vốn là những ngôi nhà kiên cố được xây từ thời Pháp thuộc nên có thể coi đây là nơi trú ẩn an toàn. Một lát sau, tiếng loa vang lên: “Máy bay địch đã bay xa...”, ai nấy lại trở vào tiếp tục đọc sách. Có buổi đến mấy lần chay ra, chạy vào nên khi đã ngồi vào bàn, phải tranh thủ đọc cho nhanh.
Buổi trưa tạm nghỉ, tự kiếm chỗ ngồi dưới bóng cây gặm mẩu bánh mì hoặc củ khoai, củ sắn mua sẵn. Thời buổi chiến tranh, lại theo chế độ bao cấp, đâu có thừa lương thực. Bên ngoài chẳng có hàng quán gì. Ấy vậy mà cứ say sưa đọc sách, ghi ghi, chép chép... Chính trong giai đoạn gian khổ ấy đã hoàn thành được một công việc rất đáng ghi nhớ. Đó là việc biên soạn cuốn Giáo trình Lịch sử Thế giới Cận đại, gồm có phần phương Tây (Vũ Dương Ninh) và phần Phương Đông (Nguyễn Văn Hồng). Sau này bản thảo được bổ sung và sửa chữa nhiều, Nhà xuất bản Giáo dục in lần đầu vào năm 1997. Cho đến gần đây, năm 2021, cuốn Giáo trình được tái bản đến lần thứ 19, được sử dụng trong các trường đại học cả nước. Có thể coi đây là cuốn sách có tuổi thọ khá cao và là một kỷ niệm sâu sắc của thời sơ tán. Thầy Hồng gọi đùa là “Giáo trình khoai sắn”. Cũng đáng tự hào!
Tình hình đất nước trong những năm 1968 – 1973 khá phức tạp: Tổng tiến công Mậu Thân rồi đến cuộc đàm phán 4 bên ở Paris, Nixon tạm ngừng bắn phá miền Bắc. Khoa ta rời Vạn Thọ, trở về Thủ đô nhưng lại ăn ở và học tập trong khu “Nhà đổ Mễ Trì”, một nét hằn sâu trong ký ức mỗi người. Rồi từ tháng 4-1972, Nixon bắn phá trở lại miền Bắc cho đến trận oanh kích “12 ngày đêm” bằng B52. Khoa lại sơ tán khi thì Yên Phong (Bắc Ninh), khi thì Ba Vì (Sơn Tây), tuy cực kỳ vất vả nhưng vẫn cố giữ việc dạy và học trong các ngôi đình, trong nhà dân. Giữa những ngày đó, lại thêm nhiều anh em sinh viên tạm xếp sách vở, lên đường ra chiến trường, số ít là bộ đội biên phòng, số đông là phóng viên Thông tấn xã.
Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 10-1975, tôi được cử vào giảng dạy ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn, thật là cảm động khi gặp lại nhiều anh em đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về tiếp tục học tập. Ở ngoài Bắc cũng vậy, một số trở về trường cũ học tiếp chương trình. Một giai đoạn gian nan để lại nhiều ký ức trong mỗi con người, thầy và trò chúng ta.
Tiếp tục công việc giảng dạy trong trường, tôi có dịp gặp gỡ nhiều bạn cựu sinh viên về công tác tại các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu ở miền Bắc cũng như ở miền Nam. Rồi trở thành đồng nghiệp, cùng ngồi trong một Hội đồng chấm luận án, cùng trình bày tham luận trong một hội thảo khoa học. Phải đến chuyến “về nguồn Trại Chuối” của lớp ta hồi năm trước (tháng 11. 2020) và chuyến tham quan Tây Thiên - Tam Đảo (Vĩnh Phúc) năm nay (tháng 6. 2022), tôi mới có dịp gặp lại đông đủ anh chị em. Tuy không nhớ hết tên các bạn, nhưng trong mấy ngày tham quan, qua những câu chuyện vui, dần dần trong tôi, ký ức trở lại, nhớ lại anh chị em với nhiều kỷ niệm về một thời gian khổ nhưng phấn chấn, tự hào.
Cùng với tình cảm quý mến, nhiều bạn lớp ta đã dành tặng cho tôi những cuốn sách về sử học, văn học - món ăn tinh thần rất quý giá. Anh Cao Văn Liên - chiến binh trên những chuyến “tầu không số” anh hùng - thường đến thăm vào những dịp lễ tết mang theo món quà quý: “Sử thi Việt Nam” cùng nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” hấp dẫn. Chị Trương Quế Phương, chuyên gia về Xô viết Nghệ Tĩnh đã dành mấy ngày trời nóng nực mùa hè năm 2021, cùng anh Nguyễn Công Khanh (Đại học Vinh) đưa vợ chồng tôi tham quan quê Bác Hồ và những di tích lịch sử cách mạng trên đất Nghệ An. Với Quế Phương, niềm say mê nghiên cứu, nguồn tài liệu phong phú cùng những mẩu chuyện về anh hùng quê hương Xô viết tuôn chảy hầu như không dứt. Nhà báo Vũ Xuân Bân tác giả cuốn Tơ Vò - tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, các nhân vật trong đó tưởng như hư cấu nhưng đều là những khuôn mặt méo mó dễ gặp trong bộ máy công quyền thời nay. Tiểu thuyết “Kho báu của điệp viên” (Sỹ Chân) đưa người đọc đi vào cuộc đấu tranh vì an ninh cam go. Đôi dòng hồi tưởng của Bùi Thanh Liêm dưới tiêu đề có phần lãng mạn “Mây phủ Giăng Màn” là một cuốn sách nhỏ xinh xắn, tỉa tót công phu từ hình thức đến nội dung. Gặp ở đây một chàng sinh viên quay cuồng bởi những môn học lý thuyết có phần cao xa nhưng ngay sau đó là một anh bộ đội can trường, xông pha nơi trận tuyến cùng cả một thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn”. Những ghi chép mộc mạc nhưng trữ tình Miền Nhớ của bộ đôi Phạm Thành – Huyền Yến là những phác họa rất chân phương, chan chứa tình cảm về Khoa Sử, về tình yêu thời sinh viên, về cả một thời gian nan mà sôi nổi thập niên 60 – 70. Tôi theo dõi một cách thích thú và cảm phục sự miệt mài của Nguyễn Việt qua những cuộc khai quật khảo cổ học đi tìm khuôn hình ngưởi Việt cổ cùng những công trình đóng thuyền theo mẫu xưa và việc xây dựng Trung tâm tiền sử Đông Nam Á.
Cũng nên kể đến một số cuốn của các bạn lớp Sử trước hay sau K.13 đã tặng như “Nơi ấy là chiến trường” (Phạm Quang Nghị), “Rừng khộp mùa thay lá” (Nguyễn Vũ Điền) và các chuyên khảo về khảo cổ học ( Nguyễn Khắc Sử), về lịch sử và gowin99 địa phương như “Khởi nghĩa Yên Thế” (Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần), Truyền thuyết Vương triều Lý (Nguyễn Xuân Cần , Anh Vũ). Còn nhiều, nhiều lắm... Trong tủ sách nhà mình, tôi sắp xếp riêng một ngăn dành cho những cuốn sách được tặng, sâu đậm tình cảm của nhiều lớp sinh viên các khóa.
Quả là những kỷ niệm đẹp, niềm vui của nghề nhà giáo gắn bó qua những năm tháng đầy biến động...
Hà Nội -Tháng 7. 2022
V.D.N