Đừng vin vào từ điển
Suốt nhiều năm qua, dòng văn học mang màu sắc khoa học về những vấn đề giả định, chưa có trong hiện thực vẫn được quen gọi là khoa học viễn tưởng ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2008 lại xuất hiện một cách gọi khác là khoa học giả tưởng. Vậy nên chọn cách gọi nào cho thực sự chính xác?
Mãi đến cuối năm 2022, lần đầu tiên Viện Văn học mới tổ chức một diễn đàn để thảo luận về dòng văn học này. Theo các nhà tổ chức, cách gọi là khoa học viễn tưởng mà họ sử dụng là căn cứ vào hệ thống từ điển quốc gia và có nghĩa là đã hiến định chính thức.
Tuy nhiên, nếu cứ căn theo từ điển thì có lẽ phải đặt câu hỏi về những thực tế của dòng văn học này. Về cơ bản, khoa học viễn tưởng là dòng văn học đề cập đến những cái sẽ có trong tương lai. Đó là những gì mà đại văn hào Jules Verne đã viết như “Hai vạn dặm dưới biển” để dự báo về tàu ngầm, hoặc như nhà văn Viết Linh đã viết ra tác phẩm “Hành tinh kỳ lạ” để tưởng tưởng ra thế giới người máy cũng cần được bình đẳng với con người trên cơ sở pháp luật cần có cho nó.
Song cũng cần lưu ý rằng,người ta có thể tưởng tượng về những điều ở trong quá khứ. Điển hình có thể nói đến tác phẩm “Lục địa Salnikov” của một nhà địa chất Xô Viết với giả định về một miền đất ở Bắc Cực dưới thời Sa Hoàng có khí hậu ấm áp vì đó thực chất là một miệng núi lửa khổng lồ và con người cùng muông thú sống được ở đó.
Không chỉ có vậy, ngoài những tưởng tượng thành văn về những điều có thể xuất hiện trong quá khứ và tương lai, người ta còn có thể giả định về thực tế khoa học chưa thành hiện thực ngay cả trong hiện tại. Vì thế, cách gọi về dòng văn học này là khoa học viễn tưởng sẽ là không chính xác. Từ điển đã định nghĩa sai cũng là chuyện bình thường và việc phải định nghĩa lại, sửa sai cũng là điều tất yếu phải làm.
Dấu ấn nhân sinh nhật lần thứ 194 của Đại văn hào Jules Verne
Hẳn rằng công chúng bạn đọc Việt Nam rất yêu thích khoa học giả tưởng. Đó là thực tế mà theo dịch giả Đỗ Ca Sơn – người đã dịch tác phẩm “Hai vạn dặm dưới biển” của đại văn hào Jules Verne thì chỉ riêng Nhà xuất bản Kim Đồng đã tái bản tác phẩm “Hai vạn dặm dưới biển” đến cả 100 hơn lần suốt từ năm 1964 đến nay. Và tác phẩm truyện tranh dài kỳ Doraemon cũng bán rất chạy và tiền lãi của nó còn trở thành một quỹ học bổng cho học sinh Việt Nam theo thoả thuận giữa tác giả của bộ truyện tranh này với Nhà xuất bản Kim Đồng.
Tuy nhiên, số lượng tác giả và tác phẩm trong nước của thể loại khoa học giả tưởng thì đến nay vẫn còn hết sức khiêm tốn. Lý do vì để trở thành tác giả của thể loại này theo dịch giả Đỗ Ca Sơm thì phải vừa là nhà văn, vừa là nhà khoa học và còn phải có cả tầm nhìn đi trước thời đại. Đó là điều hoàn toàn không dễ với số đông các nhà văn thế hệ cũ vì theo nhà thơ Nguyễn Duy thì muốn có tác phẩm khoa học giả tưởng thì tác giả của nó phải có giấc mơ khoa học. Những người trưởng thành từ chiến tranh và cách mạng như ông thì chỉ có thể mơ thấy mà và mơ rằng bao giờ cho đến ngày xưa thôi (!).
Đầu năm 2022, lần đầu tiên tại Việt Nam đã có một diễn đàn về khoa học giả tưởng được tổ chức nhân kỷ niệm 194 năm ngày sinh của đại văn hào Jules Verne (1828 – 2022).. Tuy nhiên, cơ quan đứng ra tổ chức sự kiện này lại là Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam còn Hội Nhà văn Việt Nam chỉ là cơ quan phối hợp trên danh nghĩa. Sự kiện này đã được Viện Pháp tại Hà Nội tạo điều kiện về không gian tổ chức và thu hút rất nhiều bạn trẻ đến tham dự. Song vấn đề không thể dừng ở đây mà công chúng chắc hẳn rất mong đợi rằng một ngày nào đó phải có hẳn những cuộc thi sáng tác chính thức.
Cần những bước đi song hành giữa văn chương và khoa học
Nếu như không có sự song hành giữa khoa học và văn chương, hẳn rằng sẽ khó lòng có đươc dong chảy mạnh mẽ của thể loại văn học về khoa học giả tưởng. Đó cũng chính là thực tế của chính những người trong cuộc.
Nhà văn Viết Linh vốn dĩ là một giáo viên dạy lịch sử và khi chuyển sang làm biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng thì mong muốn của ông là làm sao bên cạnh sự nhập khẩu các tác phẩm nước ngoài thì dòng văn học này sớm muộn phải có tại Việt Nam. Là người chịu trách nhiệm biên tập mảng sách về khoa học, ông có điều kiện giao lưu gặp gỡ với rất nhiều nhà khoa học trong đủ mọi lĩnh vực. Nhưng vận động mãi mà các nhà khoa học thân quen chẳng có ai động bút nên ông đã vắt trí não của mình để ra đời tập truyện “Quả trứng vuông” vào cuối thập niên 1960 khi đất nước còn chia cắt.
Hay như nhà địa chất Xô Viết là tác giả tiểu thuyết “Lục địa Salnikov” nếu không được các nhà văn Xô Viết động viên, khích lệ thì tác phẩm nổi tiếng đã được làm thành phim này cũng không có cơ hội ra đời. Và nếu không có những giao lưu, gặp gỡ với các nhà khoa học thì hẳn rằng nhà văn Lưu Quang Vũ cũng không thể cho ra đời được vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”.
Vậy ai sẽ có thể kết nối giữa các nhà văn và nhà khoa học cho tương lai không thể tiếp tục chậm trễ của khoa học giả tưởng tại Việt Nam? Có lẽ chính thế hệ trẻ Việt Nam phải chủ động việc đó chứ không thể là ai khác. Thế hệ trẻ đương nhiên có quyền ước mơ, khát vọng để chế tạo ra nhưng cỗ máy nào đó mà khi chưa thành hiện thực thì hãy là “cỗ máy mơ ước” trong những trang viết văn học của chính họ.
Còn với chính với thế hệ các nhà văn trẻ thì họ cũng đã quen với công việc viết văn bằng máy vi tính với nguồn dữ liệu tham khảo khổng lồ trên mạng Internet thì có lẽ trong một chừng mực nào đó cũng đã tiếp cận với nền khoa học thế giới và cả tại Việt Nam. Họ cũng cần được các nhà khoa học động viên để viết cho những khát vọng, ước mơ về những tương lai của không chỉ chính mình. Một khi văn học nghệ thuật trở nên gần gũi với khoa học công nghệ thì đó sẽ là sức cổ vũ lớn lao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước Việt Nam mà rất nhiều người đã và đang kỳ vọng.