Sáng thứ bảy, tôi đang uống café ở phòng khách thì nhận được cuộc gọi từ Bình Phước. Hoàng Đức Lan (bạn cùng cơ quan cũ) gọi điện ra hỏi thăm tình hình dịch covid ở Hà Nội.
Lan nói: “Bình Phước bây giờ không còn hình ảnh những khu rừng cháy khô vì chất độc da cam của những năm trước nữa, thay vào đó là màu xanh của những cánh rừng trồng cây cao xu, café và các loại cây ăn quả, là những khu công nghiệp, những đô thị sầm uất…
Nghe Lan kể chuyện, tôi lại nhớ đến khung cảnh những năm đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ ở khu vực này. Suốt dọc chặng đường hành quân là những cánh rừng cháy khô vì chất độc hóa học. Những cây cổ thụ to chỉ còn trơ thân cây và những cành lớn. Qua nhiều mùa mưa, nắng có chỗ cỏ mới mọc lên được, một số loại cây lúp súp cũng mới dựa vào nhau để hồi sinh. Người dân phải đi tìm những vùng có đất còn canh tác được để định cư. Muông thú cũng ít đi. Ở đây, riêng loài Khỉ Đột lại rất nhiều. Các anh giao liên cho biết: loài Khỉ Đột ở đây to lắm. Loài này rất hung dữ. Gặp người đi lẻ, nó sẵn sàng tấn công để cướp đồ ăn, thậm chí nó phát hiện cô gái nào tắm một mình ở dưới suối là lao xuống, cưỡng hiếp ngay. Nghe nói mà thấy ghê quá. Khỉ cướp đồ ăn thì có thể, từng thấy khỉ cướp đồ ăn trong khu du lịch, còn chuyện hiếp phụ nữ thì chắc các ông ấy bịa ra để dọa lính mới thôi.
Một lần, đơn vị tôi hành quân qua con suối, hai bên bờ là những cây cao cháy khô trơ trọi. Khi leo lên hết bờ suối bên này, đến chỗ có những cây lúp xúp, chỉ huy cho dừng nghỉ ít phút. Ngồi nghỉ, nhìn lại cánh rừng bên kia suối, đã thấy một con Khỉ Đột đực to tướng ngồi chễm trệ trên cành cây, đôi mắt dõi nhìn xuống suối. Vừa lúc đó, có hai chị cán bộ phụ nữ giải phóng đi công tác lẻ. Họ mang theo súng AR15 (loại tiểu liên của Mỹ), đeo chiếc bồng nhỏ sau lưng (bồng là loại túi nhỏ làm bằng vải vinilon dày, dùng để đồ thay ba lô), mặc bộ đồ bà ba đen, đầu đội mũ tai bèo, cổ quàng khăn rằn truyền thống của phụ nữ nam bộ. Đến bờ suối, họ dừng nghỉ. Cả hai người tháo súng để trên bờ, cởi bồng ra, cởi hết cả quần áo rồi lội xuống suối tắm. Cậu Thắng (người phố hàng Buồm, Hà Nội) nhìn thấy đầu tiên, la lên: “họ tắm tiên kìa, anh em ơi”. Biết ngăn cấm lính xem không được, anh chỉ huy nói: “ xem thì xem nhưng cấm không được cậu nào mò xuống suối đấy nhé”. Hai thân hình nõn nà, thả mình dưới làn nước trong xanh. Thắng cứ ngây người ra, suýt xoa: “Ôi, thiên thần, thiên thần”. Chỉ ít phút thôi, một chị đã lên bờ, lau người rồi mặc quần áo vào. Chị ở dưới suối cũng đi lên, khi nước suối chỉ còn ngập đến đầu gối, toàn bộ tấm thân căng tròn lồ lộ ra đó, chắc không cưỡng nổi, con Khỉ Đột cuồng dâm lao xuống, nó ôm chầm lấy người con gái.
- Cứu, cứu tôi, cứu tôi – chị ấy la lên
Chị ở trên bờ vội cầm lấy khấu súng, chưa kịp bắn thì đã nghe tiếng súng AK vang lên. Con Khỉ Đột hoảng hốt, buông cô gái ra, chạy lủi ngay vào rừng cây. Hai chị biết có bộ đội giải phóng ở trên bờ, vội mặc quần áo vào, ngồi thu người lại.
Anh chỉ huy hỏi:
- Ai vừa bắn?
- Em – Thắng trả lời
- Sao cậu liều thế, nhỡ trúng người thì làm sao?
- Em bắn chỉ thiên dọa con Khỉ Đột thôi, để nó làm thế sao coi được
Chị lên bờ trước có vẻ bình tĩnh hơn, mở bồng lấy quyển vở và cây bút bi, chị ấy viết gì trên đó rồi lấy tờ giấy ra gấp lại, gài vào cành cây. Hai người phụ nữ giải phóng đứng lên, khoác súng, đội mũ, hướng lên bờ vẫy vẫy tay chào rồi cùng rảo bước lội qua suối đi về phía bên kia.
Cậu Thắng, chờ cho họ đi khuất, chạy ào xuống lấy tờ giấy.
Anh chỉ huy hỏi:
- Cậu làm gì đấy
- Em xuống lấy lá thư, các chị ấy gửi cho anh này
- Gửi cho tất cả anh em mình chứ - một cậu nào đó nói
- Để cho Thắng – người Hà Nội, giọng chuẩn, đọc cho hay
Anh chỉ huy đưa cho Thắng
- Này, cậu đọc xem họ viết gì trong ấy.
Thắng cầm tờ giấy, hắng giọng rồi đọc:
“Cảm ơn Anh đã cứu em
Còn nguyên cả đấy…anh xem rõ mà
Mong sao bom đạn lùi xa
Gặp nhau - tất cả… em là của Anh!”.
Thắng đọc xong, mọi người đều vỗ tay khen hay. Anh chỉ huy thì lẩm bẩm: "mấy cô này tếu thật. Cậu Thắng cứ xuýt xoa: Tuyệt thật, tuyệt thật, cảnh này làm sao có thể quên được!?
Cuộc sống trong chiến tranh, muôn hình vạn dạng. Muốn tồn tại thì phải rèn luyện để thích nghi. Chính trong điều kiện gian khó đó đã tôi luyện cho họ ý chí và bản lĩnh can trường để chống trọi và vượt qua mọi thử thách. Họ nhận thức rất rõ những điều tốt, cái xấu với tình cảm chân thành, hồn nhiên trong sáng và luôn trân trọng hai chữ NGHĨA TÌNH.
Ảnh minh họa cánh rừng bị chết vì chất độc hóa học.(Sưu tầm trên báo mạng).
Ngày 28/8/2021 – KVL
Theo Trái tim người lính