Một số kênh rạch Hà Nội ngày càng xanh -sạch -đẹp hơn
Có lẽ mọi thứ rồi cứ thế trôi đi nếu như không có chuyện là vào dịp những tháng cuối năm này, do công việc gia đình mà tôi phải nhiều lần lặn lội qua lại các khu dân cư mấy quận huyện phía Nam thành phố như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì… Cũng nhờ thế mà tôi mới có dịp nhận ra những điều khác lạ về hệ thống kênh rạch thủ đô.
Có thể thấy những con kênh thoát nước thành phố càng rời xa khu trung tâm phía Bắc để xuôi về phía Nam, khi đến đây dòng chẩy dường như đã bớt đi sự quanh co, mặt nước dần dần được mở rộng, chúng được kết nối với nhau xung quanh hai dòng sông trục chính là Tô Lịch và Kim Ngưu. Cả cái hệ thống kênh rạch đan xen ngang dọc ấy dường như đều nghiêng dòng đổ nước về miền đất trũng Yên Duyên Yên Sở phía Nam theo qui luật tự nhiên “nước chẩy chỗ trũng”, để rồi qua cả nghìn năm vật đổi sao dời, tới nay chúng đã tạo tác nên cả một hệ thống thoát nước, thoát lũ cho cái thành phố thủ đô khổng lồ gần chục triệu dân định cư trên phần đất cao ráo phong thủy phía Bắc.
Hệ thống kênh rạch lớn nhỏ dài hàng trăm cây số này giờ đây hầu hết đã được kè đá kiên cố, dọc hai bờ là những tuyến đường giao thông thảm nhựa phẳng phiu mà phần lớn trong số đó đã trở thành những con phố mới mang tên những địa danh thôn xóm cổ xưa như Láng, Định Công, Kim Giang, Thanh Liệt, Thanh Bằng... Kết nối hai bờ xanh mướt những hàng cây là vô số những cây cầu bê tông vĩnh cửu hoặc những cầu sắt bán kiên cố. Một không gian sinh thái quang đãng thanh bình và hài hòa được mở ra trước tầm mắt chúng ta. Đi lại trong khoảng không gian khoáng đạt ấy tôi như tự nhủ lòng, thì ra Hà Nội mình cũng mang dáng dấp của một thành phố kênh rạch rồi còn gì!
Thành phố kênh rạch! Vâng. Trong giây phút tưởng tượng, tôi lại liên tưởng tới những thành phố được mệnh danh là thành phố kênh rạch nổi tiếng trên thế giới mà tôi may mắn có dịp ghé qua, Venise, Amsterdam, St Peterbur, Stockholm… mà ở những nơi đó, kênh rạch chi chít ngang dọc ngoài chức năng thoát nước thoát lũ, điều hòa khí hậu và tạo cảnh quan đẹp đẽ duyên dáng cho thành phố, chúng còn trở thành những tuyến thủy lộ tấp nập thuyền bè, chẳng những góp phần quan trọng phục vụ việc đi lại trong nội đô mà còn là những tuyến du lịch tuyệt vời làm nên hồn cốt của thành phố, hút hồn khách thập phương khắp nơi trên thế giới đổ về du ngoạn.
Thưa các bạn, tôi hoàn toàn không dám có ý định đem so sánh hệ thống kênh rạch thoát nước của Hà Nội hôm nay với kênh rạch các thành phố thần tiên kia, bởi vì trên thực địa, kênh rạch Hà Nội chúng ta tuy dài rộng đấy, được mang trên mình những cái tên mỹ miều lưu lại bóng hình dòng nước trong xanh thuyền bè xuôi ngược mà tổ tiên truyền lại từ ngàn xưa như Kim Ngưu, Tô Lịch đấy, nhưng như trên đã nói, sau biết bao vật đổi sao dời, những mỹ từ hào hoa thanh lịch kia dường như đã biến mất trong tâm tưởng người đương thời, để đến hôm nay dân gian phải ngậm ngùi thay đổi danh tính cho chúng thành những cái tên nôm na trực giác là Cống Thối, Sông Thối…
Thì các bạn hãy thử một lần phóng xe máy vượt qua những nhịp cầu kiều bắc ngang những dòng kênh rạch nơi đây vào một ngày ẩm trời nồm nam gió thổi, lại đúng vào lúc giờ cao điểm đầu ngày cuối buổi chẳng hạn. Khi lên đến đỉnh cầu, tầm nhìn được mở ra hết cỡ, thì đây lại là lúc ta bỗng phát hiện ra nhiều điều tương phản vể miền kênh rạch phía Nam Hà thành. Từ trên cầu phóng tầm mắt ra bốn phía ta bỗng giật mình nhận ra, cái không gian sinh thái quang đãng thanh bình và hài hòa mà ta từng được thưởng ngoạn vào lúc đẹp trời một buổi sớm mai, bỗng dưng hóa thành cảnh tượng chật chội, mù mịt khói xăng, huyên náo tiếng ồn. Những dòng nước đen đúa ngổn ngang rều rác quện dưới chân cầu, và bao bọc lấy cái không gian mịt mù sương khói đó lại là mùi xú uế nồng nặc của dòng nước thải sinh hoạt từ hàng triệu con người khắp nơi khắp chốn thủ đô.
Nhưng nói đi rồi lại phải nói lại, kênh rạch Nam Hà Nội tuy rằng hình hài hôm nay vẫn còn nhếch nhác nhem nhuốc vô vàn, nhưng tôi vẫn cứ trộm nghĩ, về phần căn bản Hà Nội đang sở hữu một hệ thống kênh rạch đẹp đẽ, nếu như không dám nói là rất đẹp, mà không phải bất cứ thành phố nào cũng có được. Chẳng phải tôi đâu, mà các bạn nữa, tin rằng mỗi khi chúng ta mục sở thị cảnh quan kênh rạch thế này sẽ không ít người lại có chung một ý nghĩ cho rẳng, hệ thống kênh rạch rộng dài hàng trăm cây số được kè đá kiên cố như hôm nay, nếu có được nguồn nước sạch đổ vào thường xuyên, biến dòng kênh cạn trở thành dòng nước ăm ắp đôi bờ, thì mọi thứ bỗng chốc sẽ hoàn toàn thay đổi, và thế là câu chuyện ngổn ngang vật vã đời thường hôm nay rất có thể lại trở thành một câu chuyện cổ tích kể về những dòng sông thanh lịch cha ông thuở trước.
Thưa các bạn, ý tưởng làm sống lại những dòng kênh rạch nội đô bằng cách thường xuyên tiếp nguồn nước sạch cho cả hệ thống, không phải bây giờ mới có mà nhiều thành phố lớn nhỏ trên thế giới người ta đã áp dụng rất hiệu quả từ hàng trăm năm nay, và ngay cả Hà Nội của chúng ta cũng vậy, khoảng cuối năm 2019 vừa qua, có một đề án bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây, biến nơi đây thành nguồn nước sạch dự trữ thường xuyên bơm nước điều hòa vào hệ thống kênh rạch Hà Nội, kết hợp với đó là dùng phương pháp vi sinh để làm sạch dòng chẩy nơi đây. Nhưng không biết có phải vì những lợi ích riêng biệt của những nhóm quyền lực khác nhau làm biến điệu , méo mó ý tưởng nhân văn ban đàu, ví như dùng hóa chất thay vì dùng sinh hóa làm sạch dòng nước… mà đề án này không tiến triển được?
Nhưng với riêng mình, tôi vẫn cứ tin rằng cuộc sống rồi vẫn tiến về phía trước theo qui luật phát triển muôn đời, và rằng với riêng hệ thống kênh rạch Nam Hà Nội, trước sau, sớm muộn, bằng cách này hay cách khác, thể nào cũng sẽ được cải tạo theo hướng làm sống lại những dòng sông nội thành, và rằng đến một ngày nào đó câu chuyện cổ tích về cô bé lọ lem sẽ được đem ra kể lại mỗi khi người dân Hà thành tự hào nói về thành phố kênh rạch của mình.
Theo Chuyện làng quê