Thật ra một Binh trạm, như BT 13 chúng tôi tầm vóc tương đương với một Lữ đoàn, là một đơn vị quân đội nhiều binh chủng hợp thành, bao gồm các lực lượng pháo cao xạ, công binh, vận tải, kho hàng, thông tin, y tế...lên tới cả mấy ngàn lính. Riêng lực lượng cao xạ pháo, đã có lúc có đến hai tiểu đoàn chốt ở những trọng điểm ác liệt nhất.
Mùa mưa năm 1970, từ đại đội 12 Tiểu đoàn pháo cao xạ 11 trực tiếp chiến đấu ở Bản Ban ( Tôi là pháo thủ số 3 ở khẩu đội 1 với khẩu đội trưởng Công Chính), tôi được gọi về Ban Tuyên huấn Binh trạm 11. Ở đây đã sẵn có hai anh là thượng sỹ Ngô Xuân Thông, trợ lý câu lạc bộ và chuẩn úy Phạm Trung Nhân, trợ lý tuyên truyền. Thoạt đầu, tôi với quân hàm hạ sỹ, được phiên chế về đội văn nghệ của BT, ngày ấy là gọi là đội Tuyên văn, để ra Hà nội tập huấn xây dựng chương trình biểu diễn.. Nhưng chưa kịp lên đường, thì có quyết đinh BT tách hai, thành lập một binh trạm mới là Binh trạm 13, với chính ủy là Trung tá Dư Cao, Binh trạm trưởng là thiếu tá Lê Việt Sinh, lên tuyến trước, thuộc chiến trường Lào. Anh Xuân Thông ở lại BT11, hậu cứ ở Mường xén, bên này biên giới, còn anh Trung Nhân và chúng tôi được đưa về BT 13, đi sâu vào nước bạn Lào 100 km, mờ mịt đạn bom. Anh Trung Nhân vẫn là trợ lý tuyên truyền, còn tôi được giao nhiệm vụ làm thơ, viết kịch cho đội Tuyên văn biểu diễn, với những diễn viên như Hữu Chính, Thu Hòe, Thu Minh, Kim Tuyến, Quang Văn, Ngọc Thìn, Việt Bắc. Đức Long, Thu Lan... rút về từ những đơn vị pháo, công binh, TNXP, kho hàng...năm tháng sống cùng lửa đạn chứ chưa một lần đứng dưới ánh đèn sân khấu...Nhưng dẫu vậy, đội Tuyên Văn của Binh trạm đã làm nức lòng chiến sỹ cả tuyến đường. Sân khấu của chúng tôi lúc ấy là một đại đội xe không kính, một trạm giao liên giữa rừng sâu, một trạm quân y mà người xem có người chỉ nghe mà không nhìn thấy vì đang băng mắt, có người chỉ thấy mà không nghe vì tai đã bị bom đánh ù đặc…và có khi sân khấu chỉ là một kho hàng giữa rừng, với một hai người trông kho mà người diễn lại nhiều hơn người xem…
Họ nghe chúng tôi hát, họ xem kịch chúng tôi diễn. Những vở kịch ấy, chẳng ở đâu xa lạ, mà nói ngay về cuộc sống chiến đấu của binh trạm chúng tôi, một binh trạm ác liệt trên đất bạn Lào.Tôi sung sướng vì là tác giả của những vở kịch ấy. Chính ủy khen ngợi, lính tráng yêu thích, lại còn được giới thiệu trên làn sóng đài TNVN (gần đây,nhà thơ Trần Đăng Khoa còn nhắc tới những vở kịch mặt trận này của tôi). Nói thật được như thế với một người lính như tôi, kể như là rất mỹ mãn .Sau thời gian này, do tờ tin” Đường phía trước” của BT cần người, tôi và Ngô Quốc Lập - một chiến sỹ công binh chiến đấu rất dũng cảm trên đèo Phu Nốc cốc và có nhiều hoa tay, được biên chế về đây, thằng viết bài, thằng viết chữ ngược lên một tấm đá li tô, rồi lấy giấy trắng đè lên lăn mực, rồi phơi nắng cho khô và tối thì cõng ra mặt đường, phát tận tay cho chiến sỹ. Đến bây giờ, Ngô Quốc Lập vẫn nhớ bom đạn là thế mà rồi cũng ra được hàng trăm số báo, gửi cả về tận Hà nội các cấp lãnh đạo của Tổng cục, của Cục , và cho nhiều cơ quan thông tấn tuyên truyền..
Kể như từ ấy, ngoài nhiệm vụ của một người lính chiến đấu, đi đâu cũng kè kè một khấu AK bên mình, binh trạm còn giao tôi cây bút: Viết báo, viết kịch, viết văn. Cây bút đã cùng cây súng là vũ khí ra trận của tôi. Và 50 năm sau, cho đến hôm nay, tôi vẫn viết bằng chính cây bút mà Binh trạm 13, mà Chính ủy Dư Cao giao cho tôi từ ngày ấy, như thể tôi vẫn đang là người lính của BT 13 !
Cũng có thể nói thêm, con đường 7 đúng là một con đường của ...văn chương. Ở nơi đây, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết thiên truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng, nhà văn Bùi Bình Thi đã viết tiểu thuyết Xiêng Khoảng mù sương, những nhà thơ của Cục vận tải quân sự như Phạm Tiến Duật, Trần Nhương đều có thơ hay về con đường này như “Tiếng cười trong hang đá”, “Vầng trăng trên đỉnh đèo Ba Pông”. Và binh trạm chúng tôi còn có nhà văn Phạm Trung Nhân từng là một lái xe dạn dày của đại đội 51, và là một nhà văn, người duy nhất ở binh trạm chúng tôi được gọi là nhà văn vì từng đi trại viết quân đội( cùng các cây bút Trần Nhương, Kim Quốc Hoa, Phạm thị Thanh Thủy), từng có tác phẩm in ở tạp chí Văn nghệ quân đội. ( Ngày ấy danh xưng Nhà văn là sang trọng lắm, oách lắm, không chỉ trong quân đội mà còn ở cả bên ngoài). Uy thế anh như thế, nên nói thực các thủ trưởng Binh trạm rất nâng niu, quý trọng anh, vì các thủ trưởng rất yêu văn chương, và vì luôn sợ một ngày nhỡ Tổng cục hay TW điều anh ra Hà Nội thì ...nguy , làm thế nào mà BT xa xôi ác liệt này có thể tìm ra được một “Nhà văn” như anh? Sau này tôi về làm lính của anh Phạm Trung Nhân, phải nói anh kèm cặp, chăm sóc tôi rất nhiều. Sự trưởng thành của tôi, có dấu ấn của Chính ủy Dư Cao và anh Phạm Trung Nhân là rất sâu đậm...
“Nhớ năm 1970, địch mở chiến dịch Cù kiệt, đánh phá tuyến đường 7 dã man, nhiệm vụ thêm nặng nề. Cơ quan tuyên huấn BT lại thiếu người quá, thủ trưởng BT cử mình và Ngô Xuân Thông xuống các đơn vị trong BT tìm người bổ sung. Chúng mình đã xuống nhiều đơn vị, trong đó tiểu đoàn cao xạ pháo 11, bởi trước đó các anh chỉ huy tiểu đoàn về BT họp đã kháo chúng mình là tiểu đoàn các anh có con trai một người nghệ sỹ nổi tiếng, mừng quá, thế là xuống ngay tiểu đoàn tìm hiểu về Hoài, nắm tình hình cụ thể, và lôi Hoài về cơ quan tuyên huấn.. (Hoài là tên khai sinh của tôi mà các anh thường gọi)
Nhớ ngày đầu tiên Hoài khóac ba lô về BT bộ, các anh Lê Độ, Lý Trần Chi, Ngô Xuân Thông và mình tiếp Hoài ở một ngôi nhà lá, vách nứa giữa sườn đồi. Ở phía dưới chân đồi có con suối nước rất trong xanh chảy qua, là nơi ở của đội văn nghệ . Từ đó, Hoài và Ngô Quốc Lập trở thành những “trợ thủ” giúp mình làm tờ Đường phía trước, xuống các đơn vị lấy tin viết tin, về Hà nội mua mực in giấy in... Nhớ mỗi lần Hoài đi công tác về Hà nội, là mỗi lần vượt qua bao bom đạn, chuyển xe chuyển tàu nhiều ngày mới tới nơi. Cứ nghe tiếng bom dội về, hay lâu lâu Hoài chưa về, anh Hạnh Trưởng ban cứ bần thần:” Thằng Hoài chắc chưa tìm được xe vào rồi...” Còn anh Nhân với các anh Vương Anh, Xuân Thông, Đức Chính... thì cứ chia sẻ với nhau mỗi lần nghe bom nó đánh rát ở đường một:”Dạo này máy bay nó đánh Diễn Châu dữ qúa, không biết cu Hoài về có gặp sự cố gì không”. Lo thì lo vậy, nhưng có bao thuốc Đ’rao hay gói chè cao cấp Hồng Đào,vẫn để dành chờ Hoài đi công tác về...
Lá thư ấy anh viết cho tôi, tôi luôn để ngay đầu giường mình, mỗi khi ngẫm nghĩ về đời mình, mỗi khi nhớ lại những năm tháng chiến tranh và đời lính, tôi lại mang ra đọc và dù đọc tới hàng chục lần, không lần nào không thấy tự nhiên những dòng nước mắt cứ dào ra trên má. Tháng 5 vừa rồi cùng Thủ trưởng Nguyễn Phú Nho và được Vinamilk tài trợ, chúng tôi đã tổ chức được Đoàn cựu chiến binh BT 13 thăm lại chiến trường xưa. Có đủ đại diện các lực lượng phòng không, vận tải, công binh, thông tin...Cơ quan chính trị BT có thủ trưởng Nguyễn Phú Nho, Ngô Quốc Lập (Thật tiếc anh Phạm Trung Nhân và anh Ngô Xuân Thông do sức khỏe yếu nên không thể lên đường)
Qua Dốc Chum, nơi binh trạm bộ đóng quân năm xưa. Nhớ năm 1972, tôi có quyết định ra Hà nội tham gia một trại viết của Tổng cục ở “ Công trường” 800. Khi vừa ra tới nơi, nhận được tin B52 vừa rải thảm Binh trạm bộ ở Dốc Chum. Ruột gan như lửa đốt. Mượn vội chiếc xe đạp, đạp vội ra Quần Ngựa là nơi Cục Vận tải quân sự đóng quân, thăm hỏi tình hình BT. May thay dù có nhiều thiệt hại, nhưng anh em thì vẫn còn đủ cả... Nửa năm sau xong trại viết từ Hà nội trở về , cũng mất nhiều ngày đêm lắm mới về tới Binh trạm, khi vào tới nơi thì ngạc nhiên quá, thấy những cánh rừng yên ắng lạ kỳ, lại còn ríu rít rất nhiều tiếng chim hót như đang rất thanh bình. Vùa khóac ba lô bước vào, anh Trung Nhân chồm ra ôm chầm lấy tôi, hét toáng lên:" Thằng Hoài, thằng Hoài nó vẫn còn, nó về đây rồi anh em ơi...” Anh em tóa ra, ôm lấy tôi hết sức hoan hỉ, có người còn rưng rưng nước mắt...Thì hóa ra những ngày ấy máy bay bom đạn của Mỹ hút hết ra Hà nội đánh phá nên chiến trường mới im ắng thế. Nhưng im ắng thì ruột gan anh em cũng đều như có lửa đốt, là bởi nghe tin B52 đánh dã man Hà nội, lại đánh cả vào khu Đài tiếng nói VN, anh Trung Nhân bảo lo cho thằng Hoài quá, nó đang đi công tác ngoài ấy, rồi mẹ Hoài nữa ở gần khu Đài, không biết có làm sao không?
Ôi...Những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời. Một người lính bình dị đã dám cùng đồng đội đi vào cái chết vì Tổ quôc. Một người lính thư sinh đi chiến đấu theo ánh sáng lý tưởng, cao quý thay, lại được tôi luyện, được quân đội trao cho cây bút trở thành một người viết văn, một nhà văn!
Một chút tâm sự thêm về tiểu thuyết mới Lửa sáng phía chân trời: Tôi là một người lính viết văn trưởng thành từ những mâm pháo, những con đường ra trận, từ mặt trận Cánh Đồng Chum... Tôi chiến đấu thực thụ ở đây chỉ 5 năm, nhưng suốt 50 năm qua, tôi như thể vẫn là một người lính của binh trạm 13, vẫn viết bằng cây bút mà binh trạm, chính ủy Dư Cao, rộng ra là Quân đội giao tôi ngày nào. Và chỉ viết về những người lính, những đồng đội thân yêu của mình. Có thể kể đến các vở kịch dài: Những bạn trẻ của tôi, Người mẹ và cánh rừng (Từng được các nghệ sỹ Trung ương, Hậu cần quân đội và TPHCM biểu diễn trên làn sóng truyền hình). Có thể kể đến các tập truyện ngắn: Những tầng cây săng lẻ( NXB Lao Động 2014), Binh Trạm phía Tây ( NXB Quân đội 2015), tiểu thuyết “ Tiếng chim hót lảnh lót cánh rừng”(NXB Lao động 2014), đây cũng là tiểu thuyết được Giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học, nghệ thuật 5 năm 2009 – 2014. Và mới đây nhất là tiểu thuyết “ Lửa sáng phía chân trời” . Ngay khi viết xong bản thảo, tôi in làm hai bản, một bản gửi “ Chương trình đầu tư sáng tác VHNT đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014 – 2019 của Bộ Quốc phòng”- sau đó it ngày, tôi được thông báo tiểu thuyết “Lửa sáng phía chân trời” đã được đưa vào Chương trình . Và một bản cất trong ba lô, đợi chờ tới chuyến đi cùng các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa. Nói thật, tôi luôn một mong ước với tiểu thuyết này, là được có dịp đứng trên đỉnh núi cao Phu Nốc Cốc hay một đỉnh đèo trọng điểm nào đó mà mình đã chiến đấu năm xưa, đọc to lên 300 trang tiểu thuyết, để gửi tặng cho gió, cho rừng, cho suối sâu, đèo cao, cho cỏ cho cây, cho những đồng đội cùng chiến đấu năm xưa, cho những người dân Lào hiền lành thuần phác. Và cho các bạn của tôi cùng lớp trẻ hôm nay, ."
Những tâm sự ấy( đã được đăng trên báo Văn nghệ ), sung sướng và xúc động thay đã được thực hiện trong chuyến đi trở lại chiến trường Lào tháng 5 /2019. Trên đỉnh đèo Đất, một trọng điểm ác liệt như Phu Nốc Cốc ( đèo Phỉ), tôi đã ném vào không gian tiểu thuyết” Lửa sáng phía chân trời” để gửi tặng cho gió, cho rừng, cho suối sâu, đèo cao, cho những đồng đội cùng tôi chiến đấu năm xưa người còn người mất, cho những chiến sỹ Pa thét Lào kề vai cùng tôi chiến đấu, cho các bạn tôi Nguyễn Hiệp, Mai Kiều Liên, Trương Quốc Dũng, Trần Minh Văn, Trịnh Quốc Dũng.. cùng lớp trẻ Vinamilk hôm nay.
Chủ nhiệm chính trị đại tá Nguyễn Phú Nho, đại tá tiểu đoàn trưởng cao xạ Hoàng Anh Phúc, những nhà văn đàn anh: Vương Trọng, Trần Nhương, Kim Quốc Hoa, các đồng đội năm xưa: Ngô Quốc Lập, Nguyễn Tiến Ngôn, Nghiêm xuân Thép,Thái Kế Toại, Phạm Ngọc Tiến, cùng các văn nghệ sỹ trẻ hôm nay: Mai Nam Thắng, Ngô Phương Lan, Đinh trọng Tuấn, Anh Thư, Trịnh Quế Anh, và cả người bạn tuổi thơ của tôi là nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo... đã chứng giám cho tôi điều thiêng liêng này...
Theo Trái Tim Người Lính