Tôi biết cô gái tuổi Tý, tên Huyền Thanh Thanh chừng 7 hoặc 8 năm nay. Sau này biết Huyền Thanh Thanh, quê gốc Đức Thọ, Hà Tĩnh, sinh ra ở Vinh, Nghệ An, hiện lập nghiệp ở Hà Nội. “Mỏng mày hay hạt”, tạm gọi thế, khen xinh thì ngộ quá, không nên. Huyền Thanh Thanh làm thơ, nhưng đó là bút danh văn chương, tên khai sinh chị là Lê Thị Thanh Huyền. Huyền Thanh Thanh là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội
Trên thi đàn, các nhà thơ Việt Nam, phần đa học ngành Sư phạm hoặc Ngữ văn, môi trường công tác dạy học hoặc công tác ở những cơ quan báo chí, xuất bản... gần với văn chương. Học chuyên ngành kỹ thuật, ra trường làm doanh nhân như Huyền Thanh Thanh, nhưng bén duyên với văn học, e hiếm.
Chị là kỹ sư ngành Điều khiển học, tốt nghiệp Đại học Bách khoa (Hà Nội), tiến sỹ kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Chị hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP TRACONIMEX, chuyên doanh trong lĩnh vực xây dựng thương mại và xuất nhập khẩu.
Huyền Thanh Thanh đã xuất bản hai tập thơ “Trên từng bước chân hoang”, NXB Hội Nhà văn, năm 2017 và “Trung Khúc”, NXB Hội Nhà văn, năm 2019. Bất ngờ với tôi là, cuối tháng 7/2020, chị gọi điện tặng tôi “Chiếc váy của Thiền sư”, NXB Hội Nhà văn, quý 3/2022. Thưa, đây là tập truyện ngắn. Khi đó, tôi nhận định, trong người thơ Huyền Thanh Thanh chắc chắn có năng lượng văn chương.
“Chiếc váy của Thiền sư”, trước hết là tên một truyện trong tập gồm 10 truyện ngắn. Cùng với “Chiếc váy của Thiền sư” (47 trang in), còn có “Thanh cao một con điếm” (16 trang in), “Phía sau bức tâm thư” (37 trang in) là ba truyện ngắn được Huyền Thanh Thanh “đầu tư” cảm xúc, ít nhất về dung lượng (số trang in).............
Đọc truyện ngắn “Chiếc váy của Thiền sư”, dễ nhận ra motif (Mô-típ) không mới. Năm 1977, khi Huyền Thanh Thanh chưa sinh, nữ văn sỹ người Úc Colleen McCullough, đã xuất bản tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Thập niên 90 của thế kỷ trước khán giả Việt Nam cũng đã được xem serie bộ phim “The Thorn Birds” gồm 6 tập.
Truyện ngắn “Chiếc váy của Thiền sư” là câu chuyện tình giữa vị Thiền sư, có tên “tục” là Đoàn Thiên Hùng và Mai Hoa. Đó là chuyện tình chỉ có thể mô tả bằng bốn chữ "nỗi đau tuyệt vời".
Đoàn Thiên Hùng, sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu tư sản ở Hà Nội. Bố mẹ Thiên Hùng rất yêu nhau, ông bà với nhau ba cậu con trai, trong đó có Thiên Hùng. Thế nhưng bi kịch ập đến gia đình đang hạnh phúc này, khi cả ba anh em đang ra sông tắm thì ông bà bị một toán cướp đột nhập và đoạt mạng. Những người con trai của họ được gửi đến một ngôi chùa và trôi dạt.
Mai Hoa cũng xuất thân trong một gia đình danh giá, ông cụ thân sinh là một cựu Bộ trưởng. Họ từng rất hạnh phúc, nhưng tổ ấm đổ vỡ sau khi “hết tình”. Phải chăng, giữa những con người có đời sống giàu trắc ẩn, dễ sẻ chia, trở thành tri âm, tri kỷ?
Trong một buổi chiều vãn cảnh chùa, Mai Hoa gặp Thiên Hùng, cô đã yêu. Biết trắc ẩn của Thiền sư, cô càng yêu. Mai Hoa bắt đầu có những phút giây kỳ diệu bên Thiên Hùng, đến mức “Cô không thể đánh mất đi những phút giây kỳ diệu này. Cuộc đời của cô, chưa một lần được biết đến một thứ tình yêu điên cuồng, mãnh liệt, tha thiết mà cũng thực sự đau đớn như thế này. Cô biết rằng, có đến cái chết, cô cũng không thể nào quên đi được những phút giây kỳ diệu như lúc này đây”, (trang 44).
Ngược lại, Thiên Hùng cũng yêu Mai Hoa không kém và phải đấu tranh dằn vặt giữa đạo và đời. “Ta dám rời bỏ cõi Phật? Ta dám rời bỏ những câu kinh kỳ diệu đã cứu chuộc cuộc đời ta? Ta dám sao? Ôi! Mai Hoa, Thiên thần kỳ diệu nhất của cuộc đời ta. Cô ấy là Phật sống...”, (trang 55).
Giống như cha Ralph, Thiền sư từng đấu tranh với chính mình. Cha Ralph không “vượt qua” được danh vọng giáo phẩm để đến với tình yêu của mình. Ông trở thành phụ tá Quốc vụ khanh đặc trách Ngoại giao Tòa thánh La Mã, được phong là Hồng y, đành phụ tình của Meggie. Thiên Hùng được bổ nhiệm chức Thượng tọa, trụ trì chùa Quang Lộc.
Nếu như trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, Meggie “cướp được của Chúa” một đứa con trai, thì Mai Hoa cũng đang mang trong mình hình hài đứa con của Thiên Hùng. Cô phát hiện ra đúng ngày, Ban Trị sự chùa Quang Lộc tổ chức lễ bổ nhiệm Thiên Hùng. Khác với Meggie, Mai Hoa tìm cách quyên sinh.
Phải nói với “Chiếc váy của Thiền sư”, Huyền Thanh Thanh đã tập trung vào khai thác những xung đột tâm lý, đạo đức nhiều hơn đề cập đến những vấn đề khác. Mối tình giữa Thiên Hùng và Mai Hoa được Huyền Thanh Thanh xây dựng lên dẫu éo le (nhưng có lý), đã tôn vinh gía trị đích thực của tình yêu.
“Đức Phật, Ngài ơi! Xin Ngài hãy cứu Mai Hoa. Xin Ngài hãy cứu chúng con!...Mai Hoa! Đừng bỏ anh. Anh đang về với mẹ con em. Sẽ không bao giờ rời xa em nữa...Không bao giờ rời xa em nữa...”, (trang 89). Khác với cha Ralph, Thiên Hùng dám từ bỏ. Đó là sự khác biệt giữa “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen McCullough và “Chiếc váy của Thiền sư” của Huyền Thanh Thanh.
Thường những tác giả mới đến với văn xuôi dễ đuối trong văn tả, đặc biệt là những đoạn văn mô tả về tâm lý nhân vật, xung đột nhân vật. Tuy nhiên, Huyền Thanh Thanh đã chứng minh, văn xuôi là địa hạt mới nhưng chị không dễ ngợp.
Đặc trưng chung của truyện ngắn thể hiện đầu tiên ở cốt truyện. Mối tình giữa Thiền sư và Mai Hoa vận động trong một hệ thống những sự kiện, biến cố; vừa tự sự vừa có tính kịch (thắt nút, mở nút)...Điều này thể hiện cố gắng của Huyền Thanh Thanh, cũng là thành công, dẫu motif không mới.
Huyền Thanh Thanh là thế hệ người trẻ, doanh nhân. Đây cũng là thế mạnh của chị ở các truyện ngắn “Vị thanh tra ruồi”, “Phía sau một bức tâm thư”...
Nhà Phê bình văn học Bùi Việt Thắng, trong tựa cho “Chiếc váy của Thiền sư”, cho rằng, đó là tập truyện của “Những khúc biến tấu”. Ông rành rẽ chứng minh “biến tấu cảm xúc”, “Biến tấu đời sống”, “Biến tấu thể loại”. Trước tác phẩm của một tác giả nữ, thừa xinh đẹp nhưng ông dụng công, nghiêm ngắn, không bị sự va đập bên ngoài làm chuếnh cảm xúc.
“Phía sau một bức tâm thư” là truyện ngắn có cốt truyện nhiều tầng xung đột xung quanh hai nhân vật Hải Cường một tiến sỹ kinh tế trở về từ Anh quốc và Nguyễn Hạ Linh Lan. Câu chuyện bắt đầu từ một tai họa giáng xuống đầu Linh Lan, cô bị bắt vì tội ăn cắp bí mật công nghệ của Tập đoàn Công nghệ cao Toàn cầu HTG, nơi cô đang làm việc; buôn bán bất hợp pháp công nghệ này với Tập đoàn Dream Lannd.
“Anh và Linh Lan có một tuổi thơ trọn vẹn bên nhau, dưới cùng một mái nhà, cùng một người cha....Lần trở về này, Hải Cường tự hứa sẽ không bao giờ rời xa Linh Lan nữa. Anh không thể ngờ tới, tai họa giáng xuống của anh không thua kém ngày Linh Lan đi lấy chồng”, (trang 153). “Tình yêu mà anh dành cho Linh Lan nhiều hơn tất thảy mọi thứ. Nỗi nhớ nhung, mộng mị điên cuồng về Linh Lan đến với anh hằng đêm...Anh hôn cô, ôm ấp trìu mến với cô trong tưởng tưởng.”, (trang 169). Tại sao, cùng sinh ra dưới một mái nhà, cùng một người cha nhưng Hải Cường lại yêu Linh Lan đến “vô cảm, lạnh lùng với tất cả”?
Ngay từ đầu, truyện ngắn đã báo hiệu nhiều tuyến quan hệ của nhân vật phức tạp, trong môi trường chụp giật của thời hỗn mang, ngay cả thương trường. Đó là cuộc chiến của nội bộ gia thế Trần Gia về số phận Tập đoàn HTG, Tập đoàn Trung Cường.... Truyện ngắn đặt ra vấn đề muôn thuở về âm mưu và tình yêu, bao giờ cũng tồn tại làm méo mó khuôn mặt số phận, có thể đẩy Hoàng Nam, Hải Cường, Linh Lan... vào bi kịch này đến bi kịch khác. Các tình huống truyện ngắn xảy ra trong thời kỳ hội nhập, chuyển đổi số, đặt ra những vấn đề như bí mật về kinh tế, hoàn toàn mang tính chất thời sự, thời cuộc.
Truyện ngắn kết thúc là cái kết có hậu, nhân văn. Linh Lan nhận ra bố đẻ, mẹ đẻ của cô chính là bà Trần – người từng đẩy cô vào lao lý. Giá trị tư tưởng của truyện ngắn đó là, tiền không thể mua được đạo đức, tiền chỉ là phương tiện của cuộc sống, nó không đồng nghĩa với hạnh phúc.
Trong “Chiếc váy của Thiền sư”, tất nhiên, với 10 truyện ngắn, có truyện còn đuối. Nhận định này của tôi về “Con sếu có chiếc váy màu xanh”, khác một số người đã đọc, dẫu đó là một truyện ngắn nhân văn, về tình yêu “chóng mặt” giữa vị tiến sỹ sinh học đến từ Thụy Điển và tiến sỹ “Sếu” tại một cuộc hội thảo khoa học về đa dạng sinh học. Tình yêu trải qua nhiều cung bậc, bản thân nó không phải là những cảm xúc nhất thời.
Là tác phẩm đầu tay về thể loại truyện ngắn, tất nhiên, không tránh được hạn chế, ở truyện này, truyện khác. Thế nhưng, công bằng mà nói, 10 truyện ngắn trong “Chiếc váy của Thiền sư” là 10 “lát cắt” đẹp, ngọt của đời sống, từ đời sống vào tác phẩm. Đó là một cố gắng lớn của nhà thơ Huyền Thanh Thanh. Văn phong của chị hiện đại, thậm chí có lúc rất trần thuật, ngay cả những trường đoạn viết về sex.
NĐH
* Đọc “Chiếc váy của Thiền sư”, tập truyện ngắn của nhà thơ Huyền Thanh Thanh.