Thầy giáo trẻ và những mốc son đẹp
Năm 1999, Chu Tá Đà tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nhạc Hoạ Trung ương (nay là Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, nhưng anh học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, vì thời điểm đó hai trường liên kết đào tạo). Sau một năm, làm công việc chép tranh tại TP.HCM, chàng trai trẻ Tá Đà thuở đó, ấp ủ trong mình một ước mơ, đó là được dạy học. Và rồi, duyên đứng lớp đã đến với anh một cách thuận lợi, anh đỗ công chức ngay năm đầu tiên đi dạy tại một trường THCS ở Đà Lạt. Đó là những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết tại mảnh đất Lâm Đồng - Tây Nguyên. Chu Tá Đà gặt hái được nhiều thành tích nổi trội: Bí thư chi đoàn giỏi, năng nổ nhiệt tình với các phong trào Đoàn, Đội, các phong trào của nhà trường; Chiến sỹ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh; giáo viên tài năng trẻ tỉnh Lâm Đồng.
Ngỡ rằng, “thành phố mù sương", "thành phố ngàn thông", "thành phố ngàn hoa" - Đà Lạt - sẽ níu giữ đôi chân thầy giáo trẻ ưu tú Chu Tá Đà ở lại. Nhưng không! Năm 2010, anh đã đưa ra quyết định táo bạo, đó là: cùng vợ con trở về quê nhà Hưng Yên. Bùi ngùi chia tay mảnh đất Bazan thân thương, chia tay đồng nghiệp yêu quý, học sinh thân yêu. Chu Tá Đà tiếp tục giảng dạy tại một trường Cao đẳng (Gia Lâm - Hà Nội). Dù ở môi trường nào, thì anh vẫn luôn là chính mình, tận tuỵ với công việc, gần gũi, hòa đồng với đồng nghiệp và học trò.
Chính vì vậy, chỉ sau 5 tháng khi về trường, anh đã được đề bạt làm Phó Phòng công tác học sinh - sinh viên (quản lý chế độ, chính sách cho sinh viên nhà trường). Anh thường xuyên tổ chức những diễn đàn, buổi phát thanh cùng sinh viên, nhằm tuyên truyền, phòng tránh các tệ nạn gowin99 xâm nhập học đường. Sau một năm, anh được trở lại khoa chuyên môn giữ vai trò Phó trưởng khoa.
Ngã rẽ lớn của cuộc đời
Năm 2013, sau nhiều đêm trằn trọc, trăn trở bởi một số lý do, anh đã đưa ra quyết định táo bạo trong đời, đó là xin nghỉ việc, để tập trung vào sự nghiệp hội hoạ của mình. Cầm tờ đơn trên tay lên gặp Hiệu trưởng, thầy nhìn anh với ánh mắt ngạc nhiên và nói: “Anh không ký, em phải ở lại cùng anh xây dựng nhà trường. Anh cho em một tuần suy nghĩ, nếu em vẫn quyết định thì tuần sau em mang đơn lên đây anh ký.”
“Tôi không trở lại trường nữa, một tờ đơn gửi phòng Tổ chức, một tờ để lại Văn phòng khoa, tôi ra khỏi ngành từ đó. Những ngày sau đó là những ngày buồn tột độ, những đêm dài triền miên không ngủ được, mái tóc dày bồng bềnh ngày một thưa hơn, bố mẹ tôi giận lắm, vợ buồn nhưng cũng chẳng dám nói ra.” Thầy giáo, hoạ sĩ Chu Tá Đà bồi hồi nhớ lại.
Đoạn đường không còn bằng phẳng nữa, anh đã rẽ sang một lối khác, bắt đầu với cuộc sống mới. Bén duyên với công việc trang trí đình chùa, tượng phật, phù điêu, tranh tường,… Anh làm quen với những chuyến bay dài ngày, công trình, công trường, cơm áo gạo tiền làm anh chai sạn tâm hồn. Nhưng trong tim anh vẫn thổn thức, đêm nằm công trường anh vẫn nghe tiếng trống trường vang vọng, vẫn mơ đang đứng bục giảng, mơ mình chưa vào điểm, chưa lên lịch báo giảng. Mỗi lần đi qua cổng trường nào đó, anh đều bỏ lại tiếng thở dài. A tâm sự, quãng thời gian đó đã lấy đi của anh nhiều thứ: sức khoẻ, tuổi trẻ, thời gian ở bên gia đình,... Và rồi những chuyến đi xa cũng thưa dần, anh dành nhiều thời gian ở bên bố mẹ, vợ con, chuyên tâm vào việc vẽ tranh và “tái tạo lại tâm hồn”.
Với mong muốn giúp các bạn nhỏ có cơ hội phát triển đam mê hội hoạ, tư duy, sáng tạo, phát triển kỹ năng quan sát, tăng cường tự tin, kiên nhẫn, và tạo nền tảng cho sự phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật lâu dài, ngày 02/4/2023 thầy giáo, hoạ sĩ Chu Tá Đà đã mở lớp vẽ Ong Vàng. Sau vài tuần hoạt động, lớp vẽ đã có hơn 70 học sinh theo học. Để học sinh thật sự chất lượng lớp vẽ Ong Vàng chia thành những nhóm nhỏ, mỗi nhóm không quá 12 học sinh phù hợp với độ tuổi và trình độ cảm thụ hội họa của học sinh.
“Đến với lớp vẽ Ong Vàng, các bạn nhỏ được hòa mình vào thế giới màu sắc, được tự do, sáng tạo. Tôi không bao giờ cho học sinh sao chép tranh có sẵn, đòi hỏi học sinh phải tư duy, tìm tòi, sáng tạo những điều mới lạ.” Hoạ sĩ Chu Tá Đà nhấn mạnh.
Thật hay là mơ?
Những tưởng cánh cổng trường đã khép lại vĩnh viễn kể từ ngày Hoạ sĩ Chu Tá Đà nộp đơn xin nghỉ dạy. Nhưng,… một lần nữa thầy giáo, hoạ sĩ Chu Tá Đà đã trở lại với vai trò “người gieo hạt”. Xúc động, anh kể lại: “Một buổi sáng đẹp trời chị Ngô Thị Phương Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đa Tốn (Gia Lâm - Hà Nội) gọi điện cho tôi, chị nói được người quen giới thiệu nên chị biết số điện thoại của tôi. Chị hỏi tôi đã dạy THCS bao giờ chưa? Em về dạy mỹ thuật trường THCS Đa Tốn được không? Trường chị mấy năm rồi không có giáo viên mỹ thuật, toàn phải tìm giáo viên thỉnh giảng.”
Ngày nhận được điện thoại của Phó hiệu trưởng Trường THCS Đa Tốn cũng là ngày anh nhận được lời mời của một Trung tâm dạy năng khiếu. Anh dãi bày: “Tôi rất mừng, cảm xúc lúc đó trong tôi thật khó tả. Tôi đã khoe điều này với mọi người trong nhóm gia đình, vợ là người mừng nhất, vì không muốn tôi tiếp tục những ngày tháng xa nhà với công trình, công trường. Chị gái tôi thì thõng thượt: đi dạy đi!. Các bạn cũng động viên tôi trở lại ngành, nhưng quan trọng hơn cả là ước mơ của tôi vẫn muốn được cống hiến và được cháy hết mình trên bục giảng, có thể đồng lương giáo dục không cao, nhưng tôi thấy vui, vui vì được làm việc mình yêu thích, học trò đã làm tâm hồn tôi như trẻ lại.”
Những ngày tháng dang nắng công trường trong các khu du lịch, đình chùa với những tượng trang trí, tượng phật, phù điêu, tranh ảnh đã khép lại. Hoạ sĩ Chu Tá Đà trở về cầm phấn, hàng ngày lên lớp truyền cảm hứng, kiến thức hội họa cho học sinh thân yêu.
“Tôi về Trường THCS Đa Tốn, ấn tượng đầu tiên là hai lãnh đạo vui vẻ, hòa đồng, và sống rất tình cảm, làm tôi vững tin. Tôi được gặp anh chị em đồng nghiệp giỏi giang, nhiệt huyết, chan hòa và hơn thế nữa là gặp lại những ánh mắt ngây ngô, những nụ cười đầy nắng nơi sân trường. Tôi vui vì cuộc sống mới, được trở về với niềm đam mê cháy bỏng. Sau những giờ dạy, tôi ngồi quây quần bên học sinh nơi ghế đá dưới sân trường, nghe học sinh tâm sự, chuyện trường, chuyện lớp, tâm hồn tôi được hồi sinh. Cảm ơn chị Ngô Thị Phương Hoa - Phó Hiệu trưởng đã làm cầu nối để tôi được quay trở lại ngành. Cảm ơn chị Đặng Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng, luôn động viên, chia sẻ để tôi vững tin và sẵn sàng cống hiến. Nhiều lúc đứng trên bục giảng vẫn nghĩ mình đang mơ, cuộc sống này biết bao điều thú vị.” Anh vui vẻ kể lại.
Câu chuyện về hành trình cuộc đời của thầy giáo, hoạ sĩ Chu Tá Đà là một ví dụ cho sự kiên trì, say mê; dù tuổi tác không còn trẻ, nhưng bằng tình yêu sâu đậm với nghề, anh đã trở lại với bục giảng để chia sẻ kiến thức và truyền đạt đam mê cho học sinh, mang đến ánh sáng và tri thức cho thế hệ tương lai của đất nước. Điều này như một minh chứng rõ rệt cho sự tôn trọng và trân trọng nghề giáo trong anh.
Cùng với các nhà giáo khác, anh sẽ thắp lên ngọn lửa của tình yêu thương và nhiệt huyết, cháy hết mình để nuôi dưỡng, vun đắp cho những mầm non tương lai của đất nước - tự hào thay những kỹ sư tâm hồn, những người không trồng cây trên đất nhưng mãi dâng cho đời những đóa hoa thơm - như lời Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo.”
Quyền Quý
11:55 18/11/2023
Chúc Thầy luôn nhiệt huyết đam mê thầy cầ phấn trở lại thì vẫn có thể làm công trình và chỉ huy công trường, có như vậy thì học sinh của thầy lại vừa được học vừa được hành.