1. CÁ VẬT ĐẺ
Khoảng từ cuối tháng tư tháng năm âm trở đi, những tiếng sấm kéo theo cơn mưa đầu mùa đến, với nhiều loại cá đó là thời kỳ bắt đầu sinh sản. Đi trên đường qua các ruộng sâu, các hồ, các ao rau muống bên đường, thấy những chỗ động nước có khi thành tiếng mạnh, cá quẫy ầm ầm, ấy là lúc cá đẻ trứng. Người ta gọi là cá vật đẻ.
Những loại cá như Trôi, Trắm, Mè, Chép, Rô, Quả... thi nhau vật đẻ đợt đầu. Nhất là loại to như cá Chép, quê tôi gọi là cá Gáy, nhỏ hơn chút thì gọi cá Mầu bơi ngửa bụng gần mặt nước để đẻ. Một cá đẻ trứng có khi 2, 3 con cá đực vây quanh phun khí thụ tinh, nên chúng cũng vật vã vất vả với nhau, thời khắc ấy xứng đáng được người dân gọi là vật đẻ. Những con cá sắp đẻ bầu trứng căng đầy bụng, lúc này mà bắt được vuốt nhẹ cái là chảy trứng ra. Còn con đực tinh khí cũng đầy ứ ,bóp phát là chất trắng gọi là sẹ cũng chảy ra ào ạt. Đánh bắt, úp nơm lúc này có khi được cả đôi, vì nó đang sung sướng trong đớn đau nên không còn tinh ranh được, dễ bị người bắt. Cá Chép, cá Trôi, cá Trắm, cá Mè... đẻ trứng bám vào các rễ bèo, cây cỏ , rau muống và tự nở, tự chống chọi, tự lớn, tự tồn tại. Chỉ có cá Quả còn gọi là cá Lóc, cá Chuối, quê tôi còn gọi là cá quả giống nhỏ là cá Chòi, cá Chõn, khi đẻ xong trứng nở thành con, cá Mẹ ẩn sâu dưới nước nuôi con dẫn theo đàn con từng đám, cá quả con gọi là lồng nhồng. Chúng rất nhậy cảm, chỉ động cái là lặn mất tăm sau đó lại nổi lên chỗ khác. Khi đó cứ nhắm vào đám cá con lồng nhồng ấy úp nơm, thế nào cũng bắt được cá Mẹ. Lộ hàng như vậy dễ bị bắt, nhưng cá Mẹ không xa rời đàn con. Rồi có trường hợp cá Chuối nhảy lên bờ cho kiến bâu, sau đó nhảy xuống nước cho cá con ăn kiến.
Vậy mới có câu "CÁ CHUỐI ĐẮM ĐUỐI VÌ CON". Trong môi trường tự nhiên cá đẻ ra hàng vạn trứng , nhưng trứng cũng là mồi nhắm của các loài thủy sản khác, đến khi nở thành cá con cũng vẫn là thức ăn săn bắt của các loài cá khác, trưởng thành số lượng không còn bao nhiêu so với ban đầu. Nên Quy Luật mới có cảnh: "CÁ LỚN NUỐT CÁ BÉ". Chuyện đời vậy.
2. HỚT CÁ GIỐNG TRÊN SÔNG HỒNG
Ấy là nghề truyền thống của một số gia đình của quê hương như các cụ Phương Kép, cụ Tú Tài... trước đây. Khi nước sông ói lên đầu mùa sau những cơn mưa, cá bơi ngược lên thượng nguồn, suối ngòi để đẻ, trứng tụ lẫn trong các bòn bọt nước. Lúc đó người trong nghề phải ra sông theo dõi, hớt thử từng đợt bọt nước trôi qua, bằng mẫn cảm riêng, kinh nghiệm quan sát họ thấy được trứng hoặc ấu trùng li ti lẫn trong đó, để quyết định giăng lưới hớt cá về làm giống. Cá li ti ấy được gọi là cá Bột. Lưới được giăng miệng như cái phễu, mắt lưới cũng nhỏ li ti, người ta gọi là giăng săm, lưới được làm bằng loại tơ cước mềm sợi nhỏ, khi thả đung đưa dưới nước. Cuối nút lưới để cái dụng cụ như cái thúng chứa cá bột, còn nước theo mắt lưới thoát đi. Để hớt được cá giống ở sông rất kỳ công và chuyên nghiệp đến tỉ mỉ. Khi thu hoạch được cá bột, họ phải chuyển về cơ sở của mình để nuôi. Họ cho cá vào 2 cái thúng, hoặc như cái cà-òm sơn đen ngoài, bên trong sơn đỏ nước xăm sắp, trên mặt để cái sàng lỗ nhỏ, dụng cụ thường được nghề quy ước như vậy.
Gánh về phải vừa đi vừa lắc cho tạo sóng bọt nhẹ, để cá có ô-xy thở. Nói về vận chuyển cá giống là phải vừa đi vừa lắc, nhún nhảy như vậy. Ao cá giống được quây các lưới nhỏ thành từng ô riêng, theo kích cỡ trưởng thành lớn lên của cá. Thời đầu cá ấu trùng khi nhỏ li ti chưa thể kiếm ăn, tạo hóa có cho nó mang theo 1 bọc đỏ nhỏ ở bụng để tự có dinh dưỡng. Cá lớn 1 chút nữa bằng đầu que hương người ta gọi là Cá Hương. Thức ăn lúc này người ta xay bột gạo, hay bột đậu, bột ngô có khi đập trứng gà trộn lẫn, rắc cho cá ăn trong ô lưới nuôi. Giai đoạn nuôi cá giống bé này người trong nghề gọi là ƯƠNG CÁ. Nhiều người cứ thắc mắc tại sao không gọi là ƯƠM CÁ như ươm cây giống , cũng chăm từ nhỏ đến lớn mà lại gọi là ƯƠNG CÁ. Vấn đề này thì chịu, đặc thù nghề nghiệp gọi ƯƠNG như vậy, hiểu như vậy nên ta không cần phải diễn giải. Cá to bằng ngón tay người ta tách ra được riêng cá Trôi, Trắm, Mè... Thời ký này là bắt đầu bán cá giống, hoặc thả ra ao nuôi thành cá thịt.
3. LÁU CÁ VÀ XUẤT XỨ
Về từ Láu Cá: Ngày trước khi bán cá con thú vị nhất là khi đếm cá, mỗi một lần đếm được quy ước 100 con 1 lần, các bà các chị nhiều khi đếm:
- 19, 20, rồi cười phớ lớ: ôi, cá này nuôi tốt ba mốt ba hai (31, 32). Rồi nhảy lên:
Cá nhà ta năm ba, năm bảy (53, 57)... cứ liền mồm, cứ liến thoắng. Bán cá giống thường láu lỉnh, nhanh nhẹn, khôn vặt, ranh ma.. Từ đó mới sản sinh ra từ láu cá, góp phần bồi bổ phong phú trong ngôn ngữ người việt. để ám chỉ người ta còn dùng láu tôm, thành cặp đôi láu tôm láu cá cho thêm nặng đô. tôm chả có ai đếm bán giống, nên thêm láu tôm vào như ta nói lý do lý trấu. Những từ dùng về sau trong đời sống như:
- Đi tắt đón đầu
- Biết đứng trên vai người khổng lồ
-...
Kiểu như vậy cũng là một loại LÁU CÁ LÁU TÔM.
4. THỜI NAY
Hiện nay các con sông, đặc biệt sông Hồng, bị ô nhiễm trầm trọng do con người gây ra. Nên các loại cá tôm trên sông sống trong môi trường độc hại, bị giảm sút nghiêm trọng. Nghề vớt cá Bột trên sông của quê hương không còn nữa, hậu duệ cũng chẳng kế thừa. Vả lại người ta cũng thụ tinh nhân tạo, gây giống cá theo chu trình kỹ thuật mới. Riêng công đoạn ương cá thì vẫn như cổ truyền. Xã hội thì vẫn duy trì được cảnh "cá lớn nuốt cá bé", rồi "láu cá láu tôm". Cũng là một kiểu động lực phát triển. Xin cảm ơn các bạn đã đọc, biết thêm một nghề đã từng có của quê hương.
Theo Chuyện Làng quê
Tuongnguyen
00:11 25/10/2021
Đích thị tác giả viết về vùng quê ven sông Phú thọ