Rồi chính trị viên Đối cũng nói tiếp: " Các đồng chí xuống núi gặp làng quê tuyệt đối không được khen ngợi cuộc sống trong này ". Anh còn nhấn mạnh thêm câu: " Nhớ chưa ".
Ồ. Tại sao chính trị viên đại đội lại nói thế nhỉ? Chắc là trong Nam giầu đẹp hơn ngoài miền Bắc mình chăng? Quả nhiên, từ trên đỉnh núi cao chon von, nhìn xuống thung lũng xa xăm, những nếp nhà lợp mái tôn trắng xóa, dưới ánh nắng mặt trời buổi trưa Quảng Trị trông càng chói chang. Chính cái mới lạ ấy, nó cũng là động lực giúp tôi quên hết mệt mỏi và cố gắng bước chân cho thật dài để sớm được tới nơi xem nó như thế nào...
Chúng tôi tụt xuống dưới chân núi gặp luôn một con suối lớn nước trong veo, ngập tới quá nửa đầu gối. Nghe người trinh sát nói đây là con suối La La. Ồ thế ra là mình đang đi trên câu hát: " Đây con suối La La/ nước trong xanh hiền hòa/ chẩy xuôi về Cam Lộ.. " Mà bấy lâu mình chỉ tưởng tượng ra trong bài hát: " Con suối La La " trên đài tiếng nói Việt Nam.
Vừa bước chân lên bờ tôi đã dẫm phái sợi dây kẽm gai sâu ngập đế giầy : 'Ui đau quá ".
Thằng bạn đi bên cạnh tôi nó lay hoay mãi mới rút được dây kẽm gai ra, máu bỗng phụt ra đỏ lòm đế giầy. Bắt đầu tôi đi cà nhắc, cà nhắc bước thấp, bước cao. Tôi tụt lại phía sau hàng quân với cái nòng pháo 19 ký đè nặng trên vai, chẳng còn ai đi cùng để mà thay đổi mang vác cùng tôi nữa. Binh chủng cối 82 (Chán Vai) là như thế đấy.
Mồ hôi lã chã trên trán. Tôi ngẩng mặt lên trời quệt ngang tay lên khuôn mặt. Ồ! Làng quê lúc nẫy giờ là đây rồi, tôi thực sự ngỡ ngàng... Làng quê trong này giầu đẹp quá, giầu đẹp hơn miền Bắc rất nhiều... Có tới 100% nhà mái tôn tường xây, hoặc thưng ván gỗ. Làm gì có chuyện một đống rơm rạ nặng trịch lợp trên mái nhà? Làm gì có chuyện tường trát vách bùn lù xù như các làng quê miền Bắc? Thế mà ngày xưa mình cứ tưởng trong Nam dưới chế độ Mỹ Ngụy kìm kẹp nghèo khổ xác xơ như nhà chị Dậu, trong tác phẩm tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, mà thầy cô ngày xưa từng giảng cho mình...
Đi khoảng hơn 100 mét nữa, thấy hai chị em bé gái nhỏ đang tranh nhau múc nước giếng khơi. Bỗng chợt thấy tôi, chúng ù té chạy : " Việt Cộng. Việt Cộng ". Tội nghiệp vì tôi mà hai chị em nó chạy nháo nhào hét khóc như cha chết!
Chiếc máy bay OV 10 trên bầu trời cứ vo vo điếc cả tai. Đơn vị tôi tạm dừng chân chờ nó bay qua, cũng là lúc tôi đuổi kịp đơn vị. Đơn vị giải lao chờ lệnh vượt qua đường số 9.
Tôi đang ngồi trên chiếc Ba Lô mải ngắm nhìn từng tốp tù hàng binh đi qua, nhiều lắm và nhiều lắm. Thằng thì bị trói, thằng không bị trói tôi cũng chẳng hiểu tại sao? Nhìn người lính nào tóc cũng bù xù như tổ Quạ, râu ria con Kiến lồm ngồm như con Rết bò trên môi. Lính tráng gì mà quần áo bó chật ních tấm thân gầy đen trũi. Đứa thì đi dầy, đứa thì đi dép ba quai. Tác phong lôm côm như kẻ bụi đời thế kia thì đánh đấm cái gì? Bị bắt làm tù hàng binh là phải rồi.
Bỗng anh bạn f 320 đang chốt giữ ở đây kéo tôi vào trong nhà một người dân bên đường : " Vào đây, vào đây tôi cho xem này...".
Ồ nhỉ, tôi nhìn sơ qua thấy những vật dụng trong gia đình người dân, cũng biết là cuộc sống trong này người ta sung sướng hơn người dân miền Bắc. Cái gì cũng đẹp, cái gì cũng tốt đúng là miền Bắc nằm mơ... ( Đó là thôn Cam Tuyền ).
Lệnh hành quân. Chẳng hiểu vì sao tự nhiên hàng quân đi chậm như đưa đám thế này? Thì ra vượt qua đường 9 từng anh một. Vượt thật nhanh sang bên kia đường rồi lại vội vàng nằm ệp xuống.
Bỗng một bà cụ già đội nón lá mặc bộ đồ trắng toát thảm nhiên đi giữa lòng đường 9. Xem ra đối với cụ không có gì là chiến tranh. Anh Sủng mau miệng:
- Chào mẹ ạ!
Bà cụ gật đầu tươi cười nhìn bọn lính chúng tôi đang nóp ngóp bò như con Thằn Lằn vượt qua đường 9. Anh Sủng lại nói tiếp :
- Mẹ bao nhiêu tuổi rồi ạ!
Bà cụ đưa 8 ngón tay lên cao.
Anh Sủng lại hỏi tiếp :
- Mẹ sinh được mấy người con ạ!
Bà cụ bỏ miếng trầu đang bỏm bẻm trong miệng :
- Tui sanh được 5 đứa, hai đứa con gái có chồng, ba đứa con trai hắn cũng đi lính như các anh đó.
Tự nhiên tôi thấy ấm áp trong lòng! Thế ra mẹ cũng là mẹ của những chiến sỹ như chúng con! Tự nhiên tôi nhớ tới mẹ tôi vô cùng...! Ko biết bây giờ mẹ tôi đang làm gì??? Đêm nằm ngủ mẹ có khóc và nhớ tôi ko???.
Tranh thủ anh Sủng lại hỏi tiếp :
- Mẹ ơi! Thế 3 người con trai của mẹ hiện giờ ở đâu.
Bà cụ chỉ tay về phương trời mênh mông xa xa phía trước :
- Hai đứa đóng ở Đông Hà, một đứa ở thị xã Quảng Trị.
Chao ôi! Bọn tôi tròn xoe con mắt... Thất vọng. Thế ra ba đứa con trai của cụ là lính VNCH.
Tạm biệt đường 9. Tạm biệt cái con đường đẹp như mơ... Tôi có thể khẳng định rằng : Đường 5 ngoài Bắc đẹp nhất cũng chẳng là cái đinh gì so với con đường số 9 của Quảng Trị. Đường rộng, phảng lì ko hề có một chút gì gọi là ổ chim chứ đừng nói là ổ gà. Đường hơi cong cong hình cánh cung cho đễ thoát nước mưa, công nhận họ làm kỹ thuật thật. Hai bên đường là những dẫy nhà dân, la liệt những khẩu hiệu : " Chống Cộng là yêu nước ". " Toàn dân tham gia diệt Cộng ". " Gia đình tôi ko liên quan Cộng Sản ". " Tổ Quốc trên hết ". " Việt Nam muôn năm "... Nhà nào cũng có lá cờ ba sọc vẽ sơn trên tường trước cửa ra vào. Tôi có cảm giác không ổn rồi... Khác xa như những gì tôi nghĩ : " Đồng bào miền Nam căm thù Mỹ Ngụy ghê gớm lắm. Đồng bào miền Nam yêu quý các anh bộ đội Giải Phóng Quân lắm, lắm ".
Phong cảnh ở đây khác hẳn phong cảnh miền Bắc. Chỗ nào cũng có hàng rào kẽm gai, cọc sắt. Chỗ nào cũng thấy hầm hố, bao cát, ri phi trường dã chiến. Ngay chỗ chân tôi là xác một người lính Biệt Động nằm co ro tay vẫn ôm cái bụng, chắc anh ta quằn quại đau đớn lắm trước khi chết. Tội nghiệp anh ta, dù sao anh ta cũng là một con người. Chẳng qua anh ta cũng chỉ là một nạn nhân của chế độ mà thôi.
Chỗ đồn bốt kia có mấy xác xe tăng Mỹ cháy, thép như nóng chẩy ra nước xệ xuống đường, chắc hôm qua trúng đạn ĐkZ của đơn vị bạn f 320.
Đi được 15 phút chúng tôi lại phải tạm dừng. Lệnh các anh Tiểu đội trưởng mở chốt an toàn AK sẵn sàng chiến đấu. Thì ra trinh sát báo về phía trước có 5 người lính VNCH đang ngồi đánh bài. Bọn này trốn đồn bốt vì đêm qua bộ đội bắn pháo vào trại lính của tụi này. Lệnh Trung đoàn tôi cho 3 người lính trinh sát lên bắn chỉ thiên, coi như xóa bỏ chướng ngại vật.
Bỗng có một người phụ nữ chừng ngoại 50 đang nhớn nhác chạy tới đơn vị tôi, chị ta hu hu khóc :
- Các ông bắt nhốt hai đứa con của tui ở mô thì thả con tui ra, tui van xin các ông đó!
Cả đơn vị tôi ngỡ ngàng... Chính trị viên Đối lại gần ôn tồn nói :
- Chị xem cháu nó chạy trốn đâu ấy chứ, chúng tôi bắt cháu làm gì.
Chị ta càng gào hét đau đớn :
- Chánh phủ mô cũng như chánh phủ mô, chúng tui là dân cuốc bẫm cầy sâu ở mô cũng phải mần mới có mà ăn, các ông ác quá, thả con tui ra... Thả con tui ra...
Người mẹ thất lạc con trông thật là tội nghiệp. Tự nhiên tôi thấy thương cảm vô cùng! Tiếng gào thét của chị như đau xé lòng tôi... Tiếng chị xa dần... Chúng tôi hành quân cũng xa dần...
Bỗng chiếc máy bay do thám OV 10 hú một tiếng rõ to. Chiếc máy bay trúng tên lửa vác vai của bộ đội. Hai chiếc dù đỏ chót lọi bung ra lơ lửng trên bầu trời. ( Đó là thôn Nghĩa Hy )
Bên trái tôi không xa là trục đường 9. Súng Mỹ lúc nào cũng cứ rền vang cả một khung trời. Lâu lâu lại nghe thấy tiếng pháo kích của ta, của địch đan xen. Khung cảnh chiến tranh quanh tôi đất trời Quảng Trị...
Tạm biệt xã Cam Chính. Tạm biệt nơi này. Ngày mai Đại Đội 14 của tôi sẽ lã pháo vào căn cứ Động Jôn, Cam Lộ. Ngày mai Trung Đoàn 102 của tôi sẽ nghênh chiến với Quân đội VNCH. Ngày mai Sư Đoàn 308 của tôi sẽ nổ súng mở màn cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị.
Xem ra cuộc chiến này thoải mái hơn ở chiến trường đường 9 Nam Lào năm 1971 mà tôi đã từng tham chiến, vì không phải gò lưng trèo đèo mướt mồ hôi. Không phải thận trọng mò mẫn từng bước chân nặng trịnh dưới con suối hung dữ chẩy xiết.
Nhưng ở đồng bằng chắc chắn sẽ ác liệt hơn và nguy hiểm hơn nhiều. Đồng nghĩa với thương vong và chết chóc nhiều hơn.
Trái tim người lính