O giao liên có nước da đen sạm, mặc bộ đồ bà ba vải Mỹ A bóng loáng, đầu đội mũ tai bèo, tay xách súng Tiểu liên A.R 15 chỉ tay vào căn nhà mái tôn ẩn mình dưới vòm tre cao vút : " Mấy anh vô trong đó nghe! ".
Tôi và anh bạn Lê Đình Lân
vừa bước vô nhà đã thấy ngay một căn hầm khá khang trang nằm ở gian giữa. Tôi rọi đèn pin bước xuống hầm, chợt một người phụ nữ bụng bầu, quơ tay bồng vội đứa nhỏ ôm chặt vào lòng, the lét ánh mắt sợ hãi nhìn hai thằng tôi. Phía sau chị là một em gái chừng 16 tuổi nép mình lấp ló ôm chặt eo lưng chị. Có lẽ họ đang hoảng hồn khi đang ngủ bất ngờ giật mình tỉnh dậy nhìn thấy hai người đàn ông lạ mặt, sắc phục nhà binh, lại nói tiếng Bắc. Chắc chắn họ đang nghĩ tới hình ảnh; " Việt cộng ". Chắc chắn họ đang nghĩ tới lời tuyên truyền của chánh phủ VNCH " Việt Cộng ghê gớm lắm...".
Đoán biết tâm trạng của chị đeo bầu và em gái kia, tôi liền lên tiếng trấn an họ : " Chị đừng sợ, chị cho hai chúng em ngủ nhờ tạm cửa hầm một đêm nay thôi ạ!".
Nói gì thì nói chị ấy cũng luôn " Dạ! " một câu. Tôi và Lân vẫn nguyên bộ đồ ướt sũng mồ hôi, dựa lưng vào vách hầm thiếp đi lúc nào không hay biết. Bỗng ngoài sân một tiếng " ầm " choáng tai, đất đá tứ tung rào rào trên mái tôn làm tôi tỉnh giấc. Lân vẫn ngoẹo cổ ngáy khò khò, coi như chuyện cơm bữa hàng ngày, đã quá quen thuộc ở chiến trường Quảng Trị. Trời vừa sáng Lân và tôi đứng dậy vươn vai, mắt nhìn hố pháo đêm qua, một đám đất bộn bề còn vương vãi ở ngoài sân. Tôi nói với chị chủ nhà và em gái : " Chúng em cám ơn chị và gia đình, nhờ chị và gia đình chúng em thoát chết ạ!". Chúng tôi khoác ba lô lên vai rồi chào chị và em gái sang nhà bên đánh răng, rửa mặt.
Cả Trung Đội 1 của tôi và khối xê bộ quây quần chung quanh giếng nước trước sân nhà bên. Nước giếng đất cát Cù Hoan trong mát vô cùng. Kem đánh răng hiệu người Mỹ da đen khoe hàng răng trắng muốt, có hàng chữ quảng cáo : " Vừa nói, vừa cười cả ngày chẳng một ai chê ". Bàn cạo râu cánh cụp, cánh xòe của Mỹ vô cùng sắc sảo và tiện lợi. Bột xà bông hình con chim Thiên Nga to bự thơm phức như nước hoa... Là những chiến lợi phẩm trong mấy ngày chúng tôi ở Thị Xã giờ mới thấy giá trị. Ngày ấy Thành cổ Quảng Trị gần như còn nguyên vẹn. Phố phường Thi xã vẫn khang trang đẹp đẽ. Chúng tôi vào tiếp quản sau đơn vị bạn chắc đến nửa tháng. Đặc biệt tôi không thấy một bóng dáng người dân nào ở lại, họ đã chạy di tản vô Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng hết cả rồi.
Ông bà chủ nhà trông bộ mặt hiền lành phước hậu, từ trong căn nhà nhỏ bé bước ra sân, tươi cười vui vẻ mời tụi tôi vô nhà. Rổ khoai lang vừa luộc còn nóng hổi bay hơi mùi thơm ngọt. Cả 2 ông bà đều lên tiếng : " Mời mấy chú ăn củ lang cho vui! ".
Tụi lính chúng tôi còn e dè mặc dù miệng rất thèm ăn. Biết tính lính mình là như thế, anh Đối Chính trị viên Đại đội thay mặt cho đơn vị lên tiếng : " Chúng con xin cám ơn bố mẹ ạ! ".
Và anh kêu chúng tôi ngồi quây quần bên rổ khoai cùng ăn, cùng nói chuyện vui vẻ với nhau. Đang ăn, bỗng anh Lân ghé tai hỏi nhỏ tôi :
- Đêm qua Hòa ngủ được không?
Tôi ấp úng mãi, mãi sau tôi cũng phải nói thật lòng với Lân :
- Ngủ chung hầm với phụ nữ nó cứ thế nào ấy...
Tôi hỏi lại Lân :
- Thế còn Lân?
Lân chẹp miệng, buông củ khoai lang xuống rổ, mắt Lân đăm đăm nhìn xa xa phương trời hư ảo, rồi thở một hơi dài :
- Thật, không hiểu sao tự nhiên đêm qua tôi nhớ vợ! nhớ con quá!
Tội nghiệp anh bạn Lân! Lân người Nông Cống tỉnh Thanh bằng tuổi tôi, nhưng coi bộ Lân già hơn tôi tới vài ba tuổi, chắc là Lân phải lo gia cảnh vợ con nhiều hơn tôi. Tội nghiệp Lân, ngày nào Lân cũng lấy ảnh vợ con ra xem cho đỡ nhớ! Tôi thương Lân lắm!
Tôi lại hỏi thêm Lân :
- Chắc đêm qua cái chị bầu nằm sát cửa hầm giống vợ anh phải không?
Lân lắc đầu :
- Không giống, nhưng cái mùi của người phụ nữ ấy, giống cái mùi thơm của vợ tôi.
Ôi! Cái anh bạn chết tiệt này! Anh làm tôi ngây ngô cái mặt khờ khờ... Thật tội nghiệp! Bởi ngày ấy tôi mới có 21 tuổi đời chưa một lần yêu! Phụ nữ đối với tôi thật là xa lạ... Tôi nào đâu có biết, cái mùi phụ nữ nó như thế nào? Tôi nheo nheo con mắt, nhìn khoảng trời xa xăm không bờ, không bến... " Mùi phụ nữ nó như thế nào nhỉ? ".
Chợt tôi nhớ hai mẹ con chị bụng bầu và em gái đêm qua. Tôi cầm gói bánh lương khô trở lại căn hầm cho 2 mẹ con chị và em gái. Tranh thủ tôi làm quen... Chị bụng bầu to kềnh gần đến ngày sinh tháng nở tên là Tám, chồng chị là phế binh VNCH bị cụt chân, anh ấy sợ Việt Cộng, nên bỏ lại vợ con chạy theo dòng người di tản vô Thừa thiên Huế, ngay đêm 28/4 khi Đông Hà thất thủ. Em gái kia tên là Dể, ba mẹ em là ông bà chủ khi sáng cho chúng tôi ăn khoai lang luộc. Dể có nước da trắng ngần mềm mại, đôi mắt dịu hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, miệng cười duyên dáng thật dễ thương! Mười sáu tuổi trăng tròn, cái tuổi dậy thì phơi phới sắc xuân... Trong mắt tôi em là thần tượng! Em là một cánh hoa xinh đẹp, đang lấp ló sau lũy tre làng, dưới vầng nguyệt rạng của một ngày mai không xa đang đợi! Đang chờ!
Thằng Khin em trai của Dể. Từ hôm bộ đội về làng nó không chịu vô rừng di tản cùng ba mẹ, suốt ngày nó cứ quấn lấy tôi. Nó thích tôi dạy hát, nó thích tôi kể chuyện cổ tích. Nó lấy vở học trò, lọ mực xanh PeJot bắt tôi chép biết bao bài thơ, bài hát.
Anh Tiểu đội trưởng Nguyễn Quang Sủng thấy tôi yêu bọn trẻ và bọn trẻ lại thích gần tôi. Anh Sủng suốt ngày chọc ghẹo, anh gán tôi với Dể. Anh làm tôi nhiều khi đỏ mặt. Anh thường nói : " Sau này cậu cũng chỉ lấy vợ ngần đấy tuổi dấm đi là vừa ". Cả Tiểu đội cũng hùa theo anh Sủng: " Mày cưới luôn đi kẻo ngày mai đi đánh trận chết không biết của lạ đàn bà ".
Hôm nay tôi qua xóm bên chơi với anh bạn phế binh cụt 1 cánh tay. Bởi tôi thích nghe anh ấy kể chuyện thật về đời người lính bên kia chiến tuyến. Bởi trong túi áo anh ấy luôn có bọc thuốc lá Rê cho tôi hút. Đang hàn huyên bao nhiêu là chuyện, bỗng thằng Khin mồ hôi nhễ nhại hớt hải chạy tới : " Chú Sủng kêu anh về ngay đi chiến đấu kìa ".
Tôi vội vàng chào từ giã anh bạn phế binh. Vừa chạy về tới ngõ tôi đã nghe, đã thấy mọi người đang nhốn nháo ồn ào trong căn nhà bé nhỏ của ông bà chủ ( nhà Ba mẹ O Dể ). Tôi bước vô nhà, chẳng hiểu đâu đuôi chuyện gì? Chỉ thấy một dẫy bàn kê san sát bầy biện xôi trắng và khoai lang luộc trải lên mấy tàu lá chuối hơ mềm mại. Mọi người đang đợi chờ tôi. Họ nhìn tôi với ánh mắt khác thường, lại một chuyện gì nữa đây? Tiếng cười, tiếng nói cứ râm ran, chẳng bù cho những hôm méo mặt giằng co nhau từng tấc đất, chiến hào dưới làn mưa bom, bão đạn. Anh Đối trong quân phục oai nghiêm nhìn tôi, nhìn ông bà Xẻ, bất ngờ anh lên tiếng :
- Thưa ông bà kính mến! Ông bà có đồng ý cho anh Hòa làm con Rể ông bà không ạ!
Ông bà Xẻ cùng tươi cười đáp lời rất to:
- Chúng tôi đồng ý!.
Trời ơi! Căn nhà mái tôn, cửa ván như muốn bật tung cùng tiếng la, tiếng hét, tiếng cười, tiếng vỗ tay của lính.
Tôi xấu hổ quá, mặt đỏ bừng bừng vội vàng chạy ra cửa sau xuống bếp toan tính trốn chuyện vui đùa. Ai rè lại gặp luôn O Dể đang ngồi đun nước chè tươi phục vụ " Đám cưới ". O Dể đang nấc nở nước mắt ngắn, nước mắt dài.
Biết chuyện rồi, nhưng tôi vẫn cứ hỏi cho có chuyện :
- Sao em lại khóc?
Ngừng tay đẩy rác vô sâu ngẩng mặt nhìn tôi, vẫn nguyên 2 hàng nước mắt trên gò má non nớt ửng hồng, nói trong tiếng nấc tủi buồn :
- Họ cưới em lấy anh đó.
Tôi bật cười ha...ha. Rồi trả lời Dể :
- Không phải đâu, các anh ấy đùa cho vui thôi mà.
Lau nước mắt, Dể ngẩng mặt nhìn tôi :
- Thiệt hả anh?
Tôi trả lời đúng một câu chắc nịch như đinh đóng cột " Thiệt " cho Dể yên dạ, yên lòng.
Đúng là em gái thôn quê thật thà, chất phát. Em đâu có biết rằng người lính chúng tôi... không phải lúc nào cũng lạnh lùng tay bồng cây súng. Không phải lúc nào cũng nghiêm trang dưới bóng Quân kỳ. Không phải lúc nào cũng lo sợ... Dưới làn bom đạn, nhiều khi chúng tôi vẫn hồn nhiên vô tư nô đùa bất chớp cái chết kề bên...
ĐOẠN KẾT:
Nhớ lại hôm đầu bộ đội về làng, mọi người ai cũng sợ Việt Cộng không dám lại gần. Hôm nay chia tay người dân ngấn lệ, nhìn theo dáng bóng chúng tôi khuất dần xa xa sau lũy tre làng xanh rờn cao vút... Hóa ra: " Việt Cộng " cũng là anh giải phóng quân hôm nay...!
Tôi nhớ mãi hình ảnh O Dể, cứ dán mắt nhìn tôi hoài, rồi khóc lóc. Trông em buồn rời rợi, em làm tôi cũng vô cùng xúc động...! Tôi nhớ mãi hình ảnh O Miên, bạn trang lứa cùng O Dể. Lúc tôi khoác Ba lô lên vai, Miên tới lại gần, nhìn trước, nhìn sau như sợ ai nghe. Bỗng Miên kéo vai tôi xuống thấp rồi nói nhỏ : " Anh nhớ đừng bắn ai đội mũ nồi nghe anh! ".
Tôi xúc động vội gật đầu thay câu trả lời.
Đơn vị tôi lặng lẽ hành quân lên dải Trường Phước chờ lệnh. Với tinh thần hành quân tiếp vô Thừa Thiên Huế.
Đúng ngày 28/6/1972. QL VNCH mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị. Chúng tôi lại phải ở lại khu rừng Trường Phước để chiến đấu. Suốt trong 81 ngày đêm vô cùng ác liệt, gấp vạn lần ngày chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng trị giai đoạn một ( 30/3 - 1/5 ). Bầu trời Quảng Trị lúc nào cũng ong ong tai tái đủ các loại máy bay Mỹ. Mặt đất Quảng Trị lúc nào cũng rung lên như động đất mấy rích te. Làng quê, đồng ruộng Quảng Trị chỗ nào cũng mịt mù khói lửa. Cây cỏ chỗ nào cũng bị cháy rụi, nhà cửa chỗ nào cũng bị tiêu tan. Hố bom, hố pháo chồng chất lên nhau mà nổ... Đồng đội tôi lần lượt bị thương! Đồng đội tôi lần lượt ngã xuống!
Sáng ngày 01/9/1972 tôi bị thương tại bốt Gia Long, vậy là may mắn cho tôi, kể từ nay mình thoát chết. Tôi cũng là người lính cuối cùng bị thương của lớp cựu binh trước khi hành quân vô chiến trường Quảng Trị.
Tôi được chuyển thương qua bao nhiêu trạm và ra Bắc từ ngày đó.
Sau ngày 30/4/1975 tôi đã bao lần viết thư về cho O Dể và O Miên nhưng đều không thấy hồi âm và tôi đã nghĩ thầm trong dạ " Chắc không thế sống nổi với bom đạn, trong tháng ngày địch tái chiến Quảng Trị ".
Cách đây 5 năm tôi viết thư gửi ông Chủ Tịch xã Hải Thiện nhờ tìm giúp mọi người. Một điều kỳ lạ làm tôi vô cùng vui sướng, được biết tin mọi người còn sống nguyên. Tôi cám ơn anh Mỹ Chủ Tịch xã Hải Thiện. Sau gần nửa thế kỷ tôi lại được gặp đầy đủ mọi người. Nơi mà thời chiến tranh đạn bom giặc Mỹ điên khùng tưởng rằng không bao giờ gặp lại. Cụ bà Phạm Văn Xẻ và O Dể đang sinh sống ở Đăk Nông với con trai có trong danh bạ facebook của tôi. O Miền vẫn còn ở quê nhà, con gái học cao đẳng y tế tại Đà Nẵng nơi gia đình tôi đang sinh sống cũng có trong danh bạ facebook của tôi.
Một điều rất vui đó là mọi người ai cũng vẫn còn nhớ tới tôi. Nhớ như in những gì... Ngày ấy... Coi đó cũng là một kỷ niệm thời chiến tranh của tôi và của mọi người.
Trái tim người lính