link tải gowin99 mới nhất

Hơi ấm rừng chò (1)

Được đặt ở cuối và chiếm gần một nửa độ dày của “Phong Lan Về Trời” (Phạm Việt Long - NXB Dân trí, 2020), truyện vừa “Hơi Ấm Rừng Chò” chính là “hồn cốt” của cả tập truyện.

Truyện vừa - Phạm Việt Long

phong-lan-ve-troi-1620412379.jpg
Bìa tập truyện Phong lan về trời

1.

Hoài cắm cúi leo dốc. Chợt, một làn gió mát rượi thổi thốc tới, khiến anh ngẩng mặt lên. Ồ, lên đến đỉnh dốc lúc nào mà không hay. Bước thêm mấy bước, anh đặt ba lô, ngồi xuống bộ rễ một cây Chò - nó trải rộng trên mặt đất, nhẵn bóng. Hoài phanh ngực áo, ngồi dựa vào gốc cây, đón làn gió phóng khoáng tràn từ phía Nam lên. Trải rộng trước mắt anh là mênh mông xanh của rừng, xen vào những đám rẫy đang được phát, lộ ra những khoảng đất màu vàng nâu, báo hiệu mùa phát rẫy bắt đầu. Chính vì mùa rẫy đang đến mà Hoài được phân công vào cơ sở sản xuất nóc Ông Chanh của Ban, tham gia sản xuất. Ở căn cứ, bên cạnh công tác chuyên môn, thì việc gùi cõng, sản xuất được coi là nghĩa vụ của mỗi người.

Đón anh ở khu sản xuất là một cô gái.

- Chào anh!

Giọng nói ấm áp của cô gái làm cho Hoài thấy mát lòng mát dạ, quên hết cả nỗi mệt nhọc sau hai ngày băng rừng, vượt núi đến đây. Anh mỉm cười, chào lại:

- Chào em. Em ở nhà một mình à?

- Các anh chị lên rẫy hết rồi. Chị Nhơn đi kiếm măng. Em ở nhà giã gạo anh ạ. À, em là Hải. Anh Bá dặn em đưa anh lại nhà gần suối nước để anh ở với mấy ảnh.

Nói rồi, Hải bước đi chậm rãi. Hoài đi phía sau, ngắm nhìn dáng người gọn gàng, khỏe khoắn của Hải. Vào nhà, Hải chỉ về phía cuối nhà, bảo:

- Anh Bá bảo anh mắc võng ở chỗ đó, gần cửa sổ.

Hoài xách ba lô, đặt lên cái giá ở phía cuối nhà và nhìn quanh. Hai cái giá để ba lô có năm chiếc ba lô; giàn mắc võng có năm cái võng đã được cuộn lại gọn gàng, cột lại ở phía đầu. Anh biết, căn nhà này đã có năm người ở, thêm anh là sáu.

Thu xếp đồ dùng cá nhân xong, Hoài đã nghe tiếng chày giã gạo thì thụp ngoài sân. Hoài hỏi:

- Hải ơi, còn chày không?

- Dạ, còn. Nhưng anh nghỉ ngơi, kẻo mệt.

- Không sao. Anh khỏe mà!

Hải dừng tay, chạy lại đầu hồi lấy cái chày giã gạo trao cho Hoài.

Hai anh em bắt đầu giã gạo, tiếng nhịp chày đôi nghe rộn ràng. Hải khen:

- Anh Hoài giã gạo rành quá. Ở ngoài Bắc, anh có thường giã gạo không?

- Không, nhưng anh hay đi lao động trong các dịp hè, về nông thôn, làm nhiều việc của nhà nông, quen rồi.

Hoàng hôn đến thật nhanh. Chim chóc đã xào xạc gọi nhau về tổ. Trong ráng chiều nhập nhoạng, cối gạo cuối cùng đang được giã. Hoài bảo Hải dừng tay. Hải hiểu rằng Hoài muốn xem thử gạo đã trắng chưa. Cô gác chày và giữ chày cho Hoài. Anh cúi xuống, vốc một vốc gạo lên tay, đưa sát mũi. Hải hơi ngạc nhiên, nghĩ rằng mình đoán nhầm. Kia, Hoài đang hít hà nắm gạo. Một mùi thơm thơm ngòn ngọt phả lên, khiến Hoài ngây ngất. Anh nhớ những ngày còn là học sinh phổ thông, cứ hè đến là về nông thôn lao động; có lẽ nơi đến lao động hè cuối cùng của thời học sinh là xã Kim Lan, bên bờ sông Hồng, cách Hà Nội chỉ vài giờ chèo đò. Đã bao lần anh giã gạo và được hít hương thơm ngọt của đồng quê kết tinh trong những hạt gạo này! Bây giờ, nhìn những hạt gạo được giã ra trầy vỏ hồng hồng, nhả ra thứ cám mìn mịn, âm ẩm, phả lên hương dịu ngọt của đồng quê, Hoài thấy nhớ da diết thời học trò, nhớ Hà Nội đến quặn thắt lòng! Hải ngỡ ngàng nhìn Hoài một lúc, rồi bảo: “Anh ơi, gạo đủ trắng rồi. Ta nghỉ nhé!”.

Hai anh em đã giã hết thóc, sàng sẩy sạch sẽ, được hai thúng gạo đầy. Thứ gạo rẫy hạt to, mẩy, cám màu hơi đỏ, trông thật hấp dẫn. Ngoài Ban, dạo này hết gạo, ăn toàn ngô với sắn khô, phát ngán. Giá mà chuyển được thúng gạo này cho anh em ở Ban, có phải hay không - Hoài nghĩ.

Hải vào bếp nhóm lửa, loại bếp Hoàng Cầm, được đắp vững chãi bằng đá, đất, có ống khói chạy dài ra phía sau bếp, không nhả khói khi đun nấu. Hải bảo: “Cơ sở của mình mới, còn thiếu nhiều thứ lắm anh ạ. Nhà, cũng mới làm được hai căn và một căn bếp. Căn này anh Bá và năm anh ở. Căn bên kia rộng hơn, ngăn làm hai, cho bốn chị em nữ chúng em và sáu anh nữa”. Hoài thầm nghĩ: “Anh Bá ưu ái, cho mình ở bên này. Rồi, mình sẽ cùng anh em làm thêm căn nhà nhỏ cho mấy em gái ở riêng mới được!”.

Mặt trời chưa lặn, nhưng rừng đã tối sầm lại. Anh chị em đội sản xuất đi rẫy đã về. Mọi người xúm lại chào hỏi Hoài, rồi tản ra suối tắm rửa. Bá, đội trưởng đội sản xuất, nán lại, nói với Hoài:

- Cứ nghỉ ngơi, ngày mốt hãy tham gia phát rẫy nhé.

Hoài cười:

- Tôi khỏe rồi. Mai đi phát rẫy được mà!

Bá nhìn Hoài, cười hồn hậu. Bá người Bình Định, dáng người đầm đậm, tính tình cởi mở và làm cán bộ đánh máy, nhưng nổi tiếng là người giỏi sản xuất. Bởi vậy, Bá được Ban phân công vào nóc Ông Chanh này xây dựng cơ sở sản xuất mới, với biệt danh là Đội sản xuất Làng Tuyên.

 

2.

Tháng 3, mùa phát rẫy đến với vùng cao Trà My bằng những đợt nắng nóng kéo dài. Sáng sớm, mới ló lên ở phương Đông, mặt trời đã đỏ rực, rồi chuyển sang màu vàng đất, tỏa ánh nắng xuống núi đồi, mỗi lúc một thêm gay gắt. Lá cây rừng từ mòng mọng qua một đêm hút hơi sương mát mẻ, chuyển dần sang thô ráp dưới ánh nắng như thiêu như đốt.

Hoài cùng Đội Làng Tuyên bắt đầu những ngày phát rẫy dai dẳng. Đội khai phá vạt rừng non chiếm nửa quả đồi để làm rẫy. Mọc xen những cây gỗ nhỏ là những bụi mâm xôi rậm rì, đầy gai, bò ngùng ngoằng. Đây là “thành trì” khó hạ gục nhất. Cây mâm xôi mềm nhưng dai, gặp những nhát rựa chỉ nảy lên chứ không chịu đứt. Hoài và Hải, Giáo phải dùng cây dài làm đòn bẩy, đánh vòng, đi từ phía sau bụi mâm xôi đánh xuống. Bẩy cho bụi mâm xôi phơi gốc ra, Hoài dùng rựa chặt sát gốc, Hải và Giáo dùng gậy bẩy, cuộn dần bụi mâm xôi lại. Vậy mà vẫn không tránh khỏi bị gai của nó cào vào tay, tóe máu.

Trời nắng ong ong, nóng điên người. Phơi mình dưới trời nắng, Hải, Hoài, Giáo đánh vật với những bụi mâm xôi, hạ dần chúng. Những anh em khác dàn hàng chặt cây, phạt cỏ. Vắt thi nhau hút máu. Sao mà lắm vắt như vậy. Chúng cùng loài hút máu như đỉa, nhưng nhỏ và nhanh nhẹn hơn. Chúng bò thoăn thoắt, bám vào chân, mút chặt vào da mà hút máu. Có con búng tanh tách trên mặt đất, nhoằng một cái đã bám vào tay, hút máu không thương tiếc. Rồi còn ruồi mòng đốt nữa. Thứ ruồi này to gấp ba ruồi thường, có cái vòi cứng, nhọn hoắt như kim tiêm. Bám vào người, chúng đẩy hai chân sau lên, chúc vòi xuống, châm ngọt lịm qua da, hút từng giọt máu tươi, khiến ta buốt thon thót.

Buổi trưa, nghỉ một chút ăn cơm, bữa cơm dã chiến, chỉ có cơm nguội với măng xào, lương khô - thứ muối hầm trộn thêm hành phi dầu phộng (dầu lạc). Nhóm ba người Hải, Hoài, Giáo ngồi bên một gốc cây cuối rẫy, vừa chậm rãi ăn, vừa chuyện trò vui vẻ. Giáo chỉ vào Hải, nói: “Cô Hải để phần cơm cho ai trên mép đấy?”. Hải lấy tay vuốt mép, chẳng thấy gì, nhưng cô không hề lúng túng. Hải nói với Hoài: “Anh Giáo hay đùa dễ sợ. Em có anh nào đâu mà để phần cơm!”. Trông cô lúc này mới khỏe và xinh làm sao. Khuôn mặt bầu bầu. Đôi mắt đen, sáng. Đôi môi đầy đặn. Làn da phớt màu bánh mật, khỏe khoắn. Lặng nhìn Hải, Hoài quên cả ăn. Hải ngỡ ngàng: “Ủa, anh Hoài, anh ăn đi chứ. Trưa quá rồi!”.

Những ngày phát rẫy diễn ra đều đặn, dai dẳng và đầy thử thách. Cơ thể mỏi mệt, đau nhức. Chân, tay mụn sưng đỏ tấy. Phải có ý chí chiến đấu - cứ vươn tới, vươn tới, lấn dần với cái mỏi mệt. Và rồi cũng qua đi. Đây, một ngày mới lại đến. Ăn cơm sáng trong ánh đèn dầu leo lét. Xách rựa ra rẫy trong cái lành lạnh của sương sớm. Ánh bình minh đón Hoài. Nó sáng lên với ánh sáng hơi xanh dịu hoặc ửng hồng, lan tràn trên các đỉnh núi. Mặt trời đỏ mọng như quả mâm xôi chín gặp Hoài khi nhô lên khỏi ngọn núi phía bên trái rẫy. Và những đám mây dầy đặc bao giờ cũng đem lại cho Hoài một cảm giác khoan khoái, mênh mông... Mây trắng đục như sữa tràn đầy không gian, đầy ắp các thung lũng, tràn phủ lưng những ngọn núi cao, làm ngập lút những ngọn núi thấp. Đứng trên núi nhìn về phía xa ấy, trông như một dòng sông mênh mông. Mây tạo thành dòng sông lớn, có những đoạn uốn lượn duyên dáng, có cả ngã ba bát ngát. Những mỏm núi nhô lên xanh xanh như những hòn đảo nổi giữa sông. Rồi Hoài cùng đội sản xuất bước vào rẫy và bị rẫy bưng lấy tầm mắt. Đó: cây, lau lách, gai góc, dây dợ đó, hãy xông tới mà chặt, mà dứt, mà cào. Con rựa, con rựa có cái mấu khoằm khoằm ở đầu tha hồ tung hoành. Rồi trưa đến với cái nắng cháy da. Ăn cơm trưa ngay tại rẫy. Xong, nghỉ tạm bợ dưới bóng cây, trên nền đất lởm chởm cho dãn xương cốt một chút rồi lại dậy làm. Khi mặt trời khuất sau những dãy núi trùng điệp và bầu trời chỉ còn mờ ảo với ánh sáng thoi thóp, Hoài cùng anh chị em ra về. Len qua những khu rừng, khe suối, vượt qua vài cái dốc nhỏ rồi về nhà. Nhào vào nước rửa ráy hoặc tắm ào, rồi mài rựa, rồi ăn cơm trong ánh đèn dầu leo lét.

Tối đến với những buổi họp bàn công việc. Hoài còn mở lớp dạy học cho Giáo, Hải và Nhơn. Cuộc sống sản xuất cứ diễn ra đều đặn, bình thản như vậy.

(Còn nữa)