Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang, ngày 18/9 Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Xuyên nhận được thông tin tại thôn Phai, xã Bạch Ngọc có lợn mắc bệnh và chết; Trạm đã xuống kiểm tra xác minh, lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng II để chẩn đoán xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết: Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Vị Xuyên, Chi cục đã phân công cán bộ trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh.
Tính đến ngày 29/11, lũy kế, tổng số lợn chết và tiêu hủy bắt buộc do dịch là hơn 700 con của 89 hộ tại 4 xã trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Tổng trọng lượng tiêu hủy là trên 21 tấn.
Ngành Thú y hướng dẫn công tác khử trùng, tiêu độc tại các xã có dịch; đặt biển báo, chốt kiểm soát hạn chế ra vào vùng dịch và công bố ổ dịch tả lợn châu Phi theo quy định. Tại khu vực xuất hiện dịch, việc thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh, tiêu độc khử trùng xử lý ổ dịch, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành Công văn về việc tập trung chỉ đạo, kiểm soát, khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cùng với công tác tham mưu, công tác chỉ đạo, triển khai phòng, chống dịch quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của người dân, ngành Nông nghiệp và PTNT đã làm tốt công tác phòng, chống dịch.
Từ ngày 2/11 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã cơ bản khống chế dịch bệnh và không phát sinh lợn mắc bệnh. Đủ điều kiện để công bố hết dịch trên địa bàn.
Theo thống kê, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có khoảng 600.000 con. Đây đang là thời điểm đàn lợn ở mức cao nhất trong năm nhằm cung cấp thịt heo cho thị trường dịp lễ, Tết cuối năm. Với tổng đàn lớn, trong bối cảnh dịch bệnh nhỏ lẻ đã xảy ra, nhu cầu giao thương buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh vào cuối năm, các mầm bệnh vẫn lưu hành trong môi trường… là những yếu tố tạo nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Mặc dù dịch đã cơ bản được khống chế, nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao nên các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định; tăng cường kiểm tra việc tái đàn, tăng đàn tại các cơ sở chăn nuôi bảo đảm đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo.
Cùng với đó, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán chạy lợn mắc bệnh; làm tốt công tác tuyên truyền; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra.
Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang khuyến cáo: Đối với người chăn nuôi, cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng phòng dịch từ xa: mua lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định, được kiểm dịch; chuồng trại phải được xây dựng hệ thống xử lý chất thải; trước cửa chuồng nuôi phải có hố sát trùng chứa vôi bột hoặc hóa chất; chuồng nuôi tách biệt với khu sinh hoạt; các dụng cụ, áo quần, ủng, giày, dép phục vụ chăn nuôi cần phải riêng biệt và được khử trùng thường xuyên; định kỳ khử trùng, tiêu độc, xử lý môi trường chăn nuôi, ủ phân sinh học; hạn chế hoặc không cho người ngoài vào khu vực chăn nuôi...
Đồng thời thực hiện tốt 6 không trong chăn nuôi, buôn bán, giết mổ: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; Không sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương để tắm lợn, cho lợn uống.