Vì anh có biết một số kỹ thuật cơ khí, máy móc, cán bộ xã biết anh sục sôi căm thù giặc xâm lược nhưng lại động viên: “…làm việc gì tốt lúc này cũng là tham gia chống Mỹ…” Họ giao cho anh đảm nhiệm mấy chiếc máy bơm - chống hạn chống úng phục vụ hợp tác xã nông nghiệp. Mãi đến năm 1971 Hồng mới được toại nguyện lên đường. Cuộc kháng chiến lúc này càng sục sôi quyết liệt. Nguyễn Tiến Hồng được chọn cùng 26 tân binh quê Nghệ An có kỹ thuật cơ khí, nhất là khí động học, để đào tạo một khóa đặc biệt của quần chúng đặc công.
Anh cùng đồng đội hành quân bộ ra Hải Phòng, biên chế vào C5 trực thuộc F305- việc đầu tiên phải học là sử dụng vũ khí cá nhân như súng ngắn, dao găm, lựu đạn …..để đánh gần, rồi mới đến chuyên môn kỹ thuật, đánh tàu bè, sân bay, cầu cống ….có người gọi là đặc công nước.
Chín tháng huấn luyện thuần thục. Anh được lệnh hành quân qua Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Khi đơn vị có lệnh dừng chân ở Diễn Châu, tỉnh nghệ An. Hồng được chỉ huy cho về tranh thủ thăm gia đình một tuần. Anh vui sướng được cả hai gia đình nội ngoại động viên giúp đỡ. Hồng cưới vợ - Vợ anh là cô Nguyễn Thị Chuẩn, kém anh 3 tuổi - người cùng làng .
Cưới vợ ba ngày, anh trở về đơn vị đúng hạn. Rồi hành quân vội vã cùng đồng đội qua Hà Tĩnh vào huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình, lên Trường Sơn Tây, qua đèo Mụ Dạ, xuyên suốt nước bạn Lào đến đất Campuchia.
Tháng 6 năm 1973 Hồng được bổ sung cho đơn vị C3E115F2 của Quân khu 7. Hành quân trở về nước, qua Tây Ninh đến Bình Phước, Bình Dương. Rồi vào sâu trong lòng địch, gồm An Nhơn, An Phú, Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp của Sài Gòn, Gia Định. Đơn vị được chia nhỏ, hoạt động lẻ. Có nhiệm vụ phá hoại giao thông, cầu cống đồn bốt của địch …cắt đứt sự chi viện lẫn nhau của địch, làm chúng thật sự hoang mang lo sợ.
Sống trong vùng kiểm soát của địch nên hàng ngày có rất nhiều hiểm nguy. Ngày nằm hầm bí mật, tối mới vùng lên hoạt động. Anh được nhân dân ở đó tin cậy giúp đỡ. Hướng dẫn về địa hình, cung cấp số liệu, chăm sóc hậu cần, nhất là được thông tin chính xác về tình hình địch để xử lý. Có những ngày bị địch càn quấy, vây ráp, thật là gian khổ căng thẳng. Địch sử dụng các đơn vị chính quy như sư đoàn 25 ngụy Sài Gòn, nhiều lính bảo an, dân vệ, tình báo và chó nghiệp vụ…. Nếu không được nhân dân đùm bọc, che chở. Hồng sẽ không thể an toàn. Các gia đình như ông bà Mười Nhỡ - gia đình má Loan tía, cô tư - hết lòng yêu thương giúp đỡ anh. Ở Gò Vấp có mẹ Võ Thị Bảy, cô con gái Võ Thị Tâm đã cung cấp cho anh những bữa ăn trong nguy hiểm, thoát sự kiệt quệ vì đói,.. Những người dân miền Nam này đã làm anh suốt đời không thể nào quên.
Ngày 30/4/1975 anh được chứng kiến cảnh toàn dân từ thôn ấp, Củ Chi đổ ra đường khi biết tin chính quyền Mỹ ngụy đã sụp đổ. Cả vùng Củ Chi Lai Thiều, Gò Vấp đâu đâu cũng rừng cờ, biển người ào ào ra chào đón quân giải phóng. Họ reo hò, có người ôm chầm lấy bộ đội khóc vì sung sướng. Có người tay cầm cờ giải phóng miệng khô vang: “chiến thắng rồi - Bác Hồ muôn năm”.
Con chị Chuẩn ở quê từ khi cưới chồng - có thời gian 4 năm, biền biệt tinh anh. Thỉnh thoảng ở xã lại có liệt sĩ được báo tử - chị theo dõi mà xốn xang lo sợ hồi hộp. Vốn chị ít nói, nhưng trong lòng chị như có lửa đốt, ăn nằm không yên, làm việc gì cũng nghĩ đến chồng. Đất nước reo vui vì thắng lợi lớn chị tỏ ra bình tĩnh nhưng trong lòng xôn xang vì chồng thì biền biệt, thao thức trong phòng ngủ, chị khóc thầm lặng lẽ.
Tháng 6 năm 1976 - Nguyễn Tiến Hồng được về phép. Trên ba lô anh không quên mang tặng vợ, con búp bê; Anh không quên những hình ảnh bà con đã tận tình chăm sóc đùm bọc giúp mình hoàn thành nhiệm vụ, để về kể cho vợ, cho mọi người miền Bắc quê hương nghe.
Chị Chuẩn được gặp chồng về phép bên bờ đê lúc đang cày ruộng. Chị ào lên ôm lấy chồng thắm thiết, nước mắt nhòe ríu rít, hân hoan như của cả nước dồn sự vui mừng về chị, bà con lối xóm cũng đón mừng bắt tay thăm hỏi.
Hết đợt phép, chị quyết định cũng chồng thăm lại nơi nghĩa tình được anh kể. Đồng thời thay mặt gia đình, cũng như bà con quê hương miền Bắc cảm ơn những người dân miền Nam đã giúp chồng, giúp những người bộ đội cụ Hồ vượt qua nguy hiểm, giành thắng lợi cho non sông đất nước. Lần đầu tiên chị đi xa quê hương hàng ngàn km… Đến thôn nào, ấp nào chị cũng nghe họ kể mà cảm động, vô cùng – chị luôn nói lời cảm ơn.
Sau đợt phép ấy, chị về sinh đứa con trai đầu lòng bụ bẫm.
Đến tháng 8/1977, Nguyễn Tiến Hồng cùng đơn vị được lệnh qua Tây Ninh. xung phong lên Công Phông Chàm ngăn chặn bàn tay diệt chủng của Pôn Pốt đối với nhân dân yêu nước Campuchia láng giềng.
Trong một đợt trừng trị bọn giặc đang gieo rắc tội ác. Một số đồng đồi hy sinh, Hồng bị mìn có thương tật rất nặng. Đồng đội chở anh về viện 175 Quân khu 7 điều trị. 8 tháng sau , Tiến Hồng được chuyển ra Bắc bằng máy bay. Dần dần các vết thương liền sẹo với thương tật 81% vĩnh viễn. Anh được chuyển về đoạn 200 về khu điều dưỡng thương binh 4 an dưỡng. Năm 1992, anh tự nguyện viết đơn xin về sống với gia đình cho gần vợ gần con.
Đến nay, con trai theo nghiệp bố, đang xây dựng quân đội với quân hàm thiếu tá. Các cháu nội rối rít bên ông bà Hồng Chuẩn. Cuộc sống tạm ổn với mức sống kinh tế trung bình trong cộng đồng dân cư. Đã 50 năm, người chiến sĩ đặc công xa nơi chân trời bom đạn ấy - anh không quên được ánh sáng tình cảm của lòng dân đã giúp anh Hoàn thành nhiệm vụ và sống sót. Anh lại có người vợ chung thủy đảm đang, đã chủ động đề xuất vào thăm lại chiến trường xưa nhiều lần, vừa du lịch tâm linh, vừa để gặp lại những người dân nghĩa tình.
Nay tuổi của anh chị đã ở mức (xưa nay hiếm) chị vẫn hăng hái nhiệt tình giúp chồng tổ chức gặp mặt truyền thống đơn vị hàng năm tại nhà và những năm phải luân chuyển tổ chức đến gia đình đồng đội khác, ở huyện khác và cả tỉnh khác, có nơi xa hàng trăm km. Chị vẫn cùng chồng tới đó, giúp đỡ hậu cần, vui vẻ cùng đồng đội của chồng liên hoan hát vàng những bài ca (vì nhân Dân quên mình). Chị nói thêm với tôi (người viết bài này), trên ba năm nay dịch covid-19 bắt chị không đi đâu được để tiếp tục cảm ơn đồng bào miền Nam đã giúp chồng tôi sống sót.
Trái tim người lính