... Đã mấy chục năm qua, câu hỏi này vẫn khắc khoải trong tôi một nỗi nhớ thương vời vợi về một người bạn tuổi thơ của mình. Một cô bé có đôi mắt đen tròn thăm thẳm đã đi qua tuổi thơ tôi như một làn sương sớm ban mai và vội tan nhanh như bóng mây mờ...
Năm ấy, chúng tôi chừng hơn 30 cô bé ở thị xã Thái Nguyên lần đầu tiên được đón làn gió mới của CM tháng Tám năm 1945, như bầy chim non được sổ lồng chấp chới bay vào khoảng trời đầy hoa thơm trái ngọt của mùa Thu. Chúng tôi được gia nhập Đội Thiếu Nữ tiền phong đầu tiên của thị xã.Tôi một cô bé nhà con một lại mồ côi được bà cưng chiều nên nhút nhát đến nỗi không dám chơi những trò chơi như: trồng nụ trồng hoa, nhẩy dây v..v lại được bàu làm trung đội phó mới chết chứ. Đội TNTP được một chị cán bộ thanh niên của Thị ủy phụ trách, là chị Hoàng Lan. Hàng ngày cứ 5 giờ chiều chúng tôi tập quân sự mấy bài cơ bản: bò, lăn, đi đứng, chỉnh đốn hàng ngũ v.v. Mỗi tháng sinh hoạt một lần được hop ở hội trường Thị ủy hẳn hoi. Mỗi khi thị xã tổ chức mít tinh, biểu tình Đội đều được tham gia. Trong đội hình diễu hành Đội Nhi Đồng cứu quốc với dàn trống ếch đi đầu, tiếp theo là Đội Thiếu nữ, Thiếu niên mặc đồng phục đi một hai rất oai. Tôi và Thành trung đội trưởng được đi ngoài hàng ngũ để chỉ huy Đội.
Một đoàn thể " con nít " nhưng chúng tôi hăng hái và nhiều sáng kiến lắm, ban chỉ huy đã đề ra tất cả các đội viên phải cắt tóc ngắn chấm vai mặc đồng phục sơ mi nâu, quần đen chít ống, đội mũ ca lô màu nâu viền vàng và 1 khẩu súng trường bằng gỗ tự túc.
Một buổi chiều mùa Đông năm 1945, chúng tôi chuẩn bị họp thì chị Hoàng Lan đến, dẫn theo một bạn gái cũng trạc tuổi chúng tôi, dáng người chắc đậm có khuôn mặt tròn, da bánh mật, đôi mắt to đen tròn dưới hàng mi cong thăm thẳm rất đáng yêu. Chị vui vẻ giới thiệu:
- Chị giới thiệu với ban chỉ huy và toàn đội đây là Mai Ngọc Dung, từ hôm nay Dung chính thức là đội viên sẽ sinh hoạt với các em.
Chúng tôi chào đón bạn bằng một tràng vỗ tay ròn rã, những cái nhìn tò mò và những tiếng cười rúc rích vì bạn mới ở Hà Nội sơ tán lên không phải người cùng thị xã. Sau đó vài hôm, chị Lan họp với ban chỉ huy tuyên bố sẽ tổ chức một tổ trinh sát, chị chọn Thành, tôi, Nhật , Nguyệt, Diệp, Dung do Dung làm tổ trưởng. Mọi người phải đặt bí danh họ Mai đệm Ngọc và trong tổ dùng tên đó,tôi là Mai Ngọc Liên. Nhiệm vụ của tổ là thu thập tin tức thời sự hàng ngày, và những dư luận trong gowin99 . Tổ sinh hoạt bí mật những đội viên khác không được biết. Chúng tôi càng thấy mình quan trọng nên càng hăng hái và tự hào lắm. Được chừng dăm tháng sau Dung báo cáo với ĐỘI là phải về với gia đình sẽ xin ra khỏi Đội. Hôm chia tay tôi và Dung ôm nhau khóc như hai người yêu nhau vậy.
Bỗng một ngày, Dung ở đâu xuất hiện trước khung cửa sổ nhà tôi. Nhìn thấy nụ cười quen thuộc tôi mừng quá chạy ra ôm chầm lấy Dung:
- Dung, cậu ở đâu đến thế này?
- Mình vừa ở Hà Nội lên đây !
Hai đứa cứ ôm nhau mà cười như nắc nẻ. Lúc này tôi mới để ý trước mặt tôi là một người khác hẳn, mới xa nhau có mấy tháng mà Dung lớn vổng lên, chắc lẳn khỏe mạnh da đỏ au. Một " anh " bộ đội đầu húi cua , chững chạc trong bộ quân phục ka ki xanh mới toanh , đầu đội mũ ca lô xanh, chân đi giầy da đen bóng loáng, lưng đeo túi da màu trắng có in dấu Hồng thập tự đỏ chói. Chỉ có điều " anh " ấy mặc váy ka ki xanh ngắn kiểu quân phục của bộ đội nữ. Thì ra Dung của tôi bây giờ đã là nữ chiến sĩ của tòa soạn báo " VUI SỐNG " của Cục Quân Y thuộc Bộ Quốc phòng, một cô bộ đội chính quy rồi.
Dung ở chơi với tôi được một ngày, đêm ấy chúng tôi nói chuyện suốt đêm, kể cho nhau đủ chuyện: chuyện đời quân ngũ của Dung, chuyện Đội TNTP...
... Nhưng có một điều đến bây giờ tôi còn xót xa nuối tiếc là tại sao tôi không hỏi tên thật, quê quán, hoàn cảnh của Dung. Có lẽ lúc ấy tôi còn trẻ con quá, khi mới 14 tuổi tôi đâu nghĩ được xa xôi !
Sau lần gặp nhau ấy, tháng nào tôi cũng nhận được 2 tờ báo " VUI SỐNG " thường kỳ Dung gửi cho qua đường bưu điện. Đến ngày 19/12/1946 nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc thì chúng tôi bặt tin nhau. Tôi thóat ly tham gia kháng chiến, Dung ở lại chiến đấu trong trung đoàn Thủ đô.
... Cuối năm 1947,tôi được Nguyệt báo tin Dung đã hy sinh ở mặt trận Thủ đô những ngày đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Tôi bàng hoàng thương xót người bạn thân yêu đã anh dũng hy sinh giữa thời thanh xuân tươi đẹp của một người con gái khi mới 17 tuổi đời. Hình ảnh Dung với đôi mắt đen tròn thăm thẳm vẫn trong tôi đến tận bây giờ...
Cuối năm 1998, khi chuyển về Hà Nội sinh sống, tôi càng xa xót nhớ thương Dung, không biết Dung nằm lại nơi nào trên mảnh đất của Thủ đô. Tôi đã viết bài thơ " GIỜ NÀY EM Ở ĐÂU? " để nhớ về Dung. Tôi viết về chuyện tình của hai người lính cho " thi vị hóa " bài thơ tôi tâm đắc, gửi bao nỗi niềm thương nhớ người liệt sĩ mà tôi yêu đến trọn đời...Tôi cầu MAI NGỌC DUNG của tôi đẹp mãi tuổi 17 hồn nhiên, thánh thiện, vô tư tận hiến ở cõi VĨNH HẰNG !
GIỜ NÀY EM Ở ĐÂU?
Thân tặng LS MAI NGỌC DUNG hy sinh năm 17 tuổi
... Em ơi !
Đôi mắt đen tròn
Trọn đời thăm thẳm, mãi còn theo anh
Vì đời dâng trọn tuổi xanh
Em như sương sớm trong lành, ban mai.
Tình em biển rộng sông dài
Tên em, bia đá tưởng đài còn ghi
Nhớ ngày, em tiễn anh đi
Cầm tay, chẳng dám nói gì cùng nhau.
Nghĩ rằng, kháng chiến dài lâu
Nói làm gì, để khổ nhau đợi chờ
Em ơi, anh có đâu ngờ
Cuộc chia ly ấy, đến giờ còn đau !
... Giờ này...
Em ở nơi đâu?
Anh tìm em, với nỗi đau không lời
Em còn sống mãi, em ơi !
Như đài Sen trắng...
Đời đời ngát hương !
31/8/2021
Theo Chuyện làng quê