- Alo! Mời anh ra quán Thiên nhiên uống cà phê với em.- Nghe điện thoại của một chú em, tôi nghĩ chắc lại có việc gì quan trọng chú ta muốn đàm đạo đây.
Thoại kém tôi 4 tuổi, gia đinh chú ta lâu nay vẵn coi tôi như người trong nhà, tuy rằng không có họ hàng gì.
Chẳng có chuyện gì trong gia đình của chú, từ chuyện riêng tư tình cảm cho đến chuyện làm ăn, lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, tôi đều được biết. Khi còn làm việc, với khả năng có thể, tôi đều thật tình tham gia góp ý…
Vừa đánh chiếc xe máy đến cổng quán cà-phê, tôi đã thấy chiếc xe ô tô màu sữa của chú đậu ở bãi, nghe chú ta khoe có giá đến 1,2 tỷ. Trong xe, người tài xế được chú thuê tháng đang ngồi bên trong với tờ tạp chí trong tay.
Tôi kéo thêm một anh bạn vốn là kỹ sư nông nghiệp của một nông trường quốc doanh.
Vừa thấy chúng tôi đến, Thoại cất tiếng: “Chào hai anh1’’, đồng thời kéo ghế mời. Thoại ăn mặc khá lịch sự. Áo sơ- mi cộc tay màu vàng nhạt, quần trắng và đặc biệt chú mang đôi giầy đen cao đế.
Sau khi kêu đồ uống tuỳ thích, Thoại vào đề ngay: - Em tính gọi anh ra để anh tham gia cho em công việc này. : - Vừa nói chú ta vừa rút trong túi ta một tờ giấy rồi nói tiếp: - Đây là tấm sơ đồ miếng đất, ở trên đó họ đã có ngôi nhà ba tầng lầu giá 22 tỷ tại quận 9 thành phố Hồ Chí Minh. Tấm sơ đồ đây, cả nhà em muốn xuống sống ở thành phố để hưởng thụ.
Nghe câu nói “xuống thành phố hưởng thụ” tôi đã nghĩ trái khoáy: “Người ta có tiền, có nhiều tiền họ đi mua đất ở bờ biển đẹp hay đến khu yên tĩnh, khí hậu trong lành, đây chú ta lại chọn một thành phố đông đúc ồn ào…”.
Tôi chưa kịp đưa ra ý kiến gì thì chợt xuất hiện một chú bé đánh giầy người nhỏ bé tật nguyền. Một tay chú bé bị liệt co vào trong ngực, tay còn lại khệ nệ xách hòm đồ nghề, dáng đi lắc lư khó nhọc. Chú bé đến gần chúng tôi, cất tiếng lễ phép: “Cháu mời chú đánh giầy ạ!”, đồng thời đưa đôi mắt khẩn khoản nhìn Thoại. – Vì trong ba chúng tôi chỉ có một mình Thoại mang giầy.
Thoại nghe lời mời chào của chú bé đánh giầy tật nguyền liền ra giọng hách: - Ê, đánh giầy giá bao nhiêu?– Nghe hỏi như vậy, chú bé hiểu rằng đã gặp người khách có nhu cầu, liền trả lời : - Mười năm ngàn chú Hai ạ! - Nghe giá chú bé nói, Thoại liền tụt đôi giầy của mình ra, vẫn cầm trên tay hất hàm lên giọng ông chủ: - Mười hai ngàn đồng thôi, có làm thì làm? Vì mưu sinh chú bé đánh giầy có một thoáng lưỡng lự rồi lẳng lặng cầm đôi giầy của Thoại ra mé cặm cụi công việc.
Tôi giả vờ chăm chú xem tấm sơ đồ mà Thoại đã đưa, nhưng vẫn để ý đến câu chuyện giữa Thoại và chú bé đánh giầy. Sau đó Thoại ngồi co hai chân trên chiếc ghế mây.
Chỉ có ba ngàn với một chú bé đánh giầy tật nguyền, câu chuyện quá nhỏ nhưng nó đã có dịp phơi bày nhân cách của Thoại trần trụi trước tôi và người bạn đi cùng. Tôi cảm thấy xấu hổ thay vì có người bạn như vậy, ngầm ra dấu với người bạn, nhưng bất cần, anh bạn kỹ sư đứng lên rời bàn trong khi ly cà phê mới vơi đi một ít.
Trong tôi tình cảm lâu nay với Thoại cũng sụp đổ. (Người bạn như thế này không thể chơi được). Thoại giầu có nhưng thiếu nhân cách trước một con người yếu thế.
Thay vì những lời góp ý crân tình, tôi lại khách sáo: - Có tiền, nhiều tiền như chú trái đất này cũng bé như hòn bi (!). Chú cứ xuống Sài- Gòn mà hưởng thụ, con cái chúng có xây dựng gia đình ở Hà Nội hay Hải Phòng có tiền cũng gần như bên hàng xóm thôi mà…
Một thời gian sau, chú ta chuyển xuống thành phố. Nghe đâu tiền bạc từ việc kinh doanh bất động sản vẫn đổ vào không ngừng, nhưng một điều chắc chắn tôi tin rằng: Tiền bạc của chú ta có nhiều hơn nữa cũng không thể mua được hạnh phúc hơn người như chú vẫn tưởng.
Nói về nhân cách sống: Thoại giỏi kiếm tiền nhưng không được giáo dục về nhân cách, như thế nào là nhân cách? Chú ta không hiểu. Thông qua hành vi của Thoại với chú bé đánh giầy đã bộc lộ cái còn thiếu căn bản của Thoại, đó là nhân cách. Chính chú ta cũng không hề biết chúng tôi đã xem thường giá trị bên trong con người chú ấy, cho dù Thoại có trong tay hàng trăm tỷ.
Câu chuyện tôi viết ra đây cũng chỉ cho những người tử tế tham khảo và chia sẻ với nhau, còn những người thiếu nhân cách họ không hề đọc, có khi cả cuộc đời không đọc lấy một trang sách. Đó cũng là văn hoá. Bản chất của văn hoá thực ra là hành vi giữa người với người…
Chuyện làng quê