Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng 17/11, Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) tổ chức chương trình hòa nhạc mang tên “Giai điệu mùa thu”.
Đây là lần đầu tiên, Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học tổ chức chương trình hòa nhạc nhằm tôn vinh và ghi nhận những cống hiến của các thế hệ giảng viên; những đóng góp của các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà chỉ huy, các nhà nghiên cứu âm nhạc, đồng thời qua đó nhằm trao truyền cho thế hệ trẻ thấm sâu tình yêu âm nhạc, tôn sư trọng đạo nhân dịp kỷ niệm nhiều ý nghĩa này.
Hòa nhạc “Giai điệu mùa thu” gồm các tác phẩm khí nhạc và hợp xướng được chính các giảng viên và sinh viên trong khoa thể hiện như: “Romance Thu đến” của PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; “Romance lời yêu cho con” của Nhạc sĩ Đức Trịnh; với sự góp mặt của NSND Phạm Ngọc Khôi, nghệ sĩ Opera Ngô Hương Diệp, Đào Tố Loan, nghệ sĩ Piano Huy Phương, Chỉ huy Đỗ Kiên Cường. Cùng với đó là các tác phẩm: Romance “Hà Nội mùa đông” của Trịnh Vũ Dũng; Hoa thơm (độc tấu Piano); Cơn gió mùa hạ (độc tấu Piano) do Piano: Hồng Trang, Singer: Minh Minh trình bày; Trần Huyền Trân với 2 Trio for violin, cello và piano Violin: Đăng Quân, Cello: Lê Nga, Piano: Hồng Trang; Nguyễn Lê Thảo Chi với String quartet “Moonlight”, Violin 1: Đăng Quân, Violin 2: Công Thành, Viola: Văn Khoa, Cello: Lê Nga; Nguyễn Trọng Hà Phương Prelude for Piano “Đơn thương độc mã” - Piano: Đào Minh Tâm, Ngô Đình Cao Lâm, String Quartet No.1: 1st & 2nd movement - Violin 1: Đăng Quân, Violin 2: Công Thành, Viola: Văn Khoa, Cello: Lê Nga; Trịnh Nhật Anh: Prelude for piano 4 hands - Piano: Trịnh Nhật Anh, Kiều Thị Hoàng Phương; Cao Đình Thắng - “Mùa Xuân Đến” for piano and clarinet, Clarinet: Mạnh Linh, Piano: Hồng Trang…
Chương trình hoà nhạc là nơi giới thiệu những thành tựu của ngành sáng tác nói chung và thế hệ thầy trò chuyên ngành sáng tác, thuộc khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói riêng. Các tác phẩm của sinh viên được lựa chọn biểu diễn trong chương trình được đánh giá vô cùng tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Đó không chỉ là những phát minh sáng tạo của thế hệ học trò, mà còn là thành quả của sự giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, các tác phẩm có giá trị cao của những người thầy thế hệ trước trình diễn đã tạo ra cảm giác gần gũi, kết nối nhưng không kém phần chuyên nghiệp, hoành tráng của chương trình.
Không dừng lại ở việc biểu diễn các tác phẩm của sinh viên, giảng viên chuyên ngành sáng tác, chương trình còn lên kế hoạch kết hợp các sinh viên chuyên ngành chỉ huy và âm nhạc học để cùng nhau tham gia bộ môn Chỉ huy hợp xướng. Đây cũng là điểm nhấn đáng chú ý của chương trình. Các tác phẩm chỉ huy hợp xướng được lựa chọn đều là các tác phẩm kinh điển nổi tiếng trên thế giới, như “Ave Maria”, “You raise me up”. “Trường chinh ca” cũng là ca khúc nổi tiếng của Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác được lựa chọn đưa vào chương trình. Tác phẩm được cho là xứng đáng đi vào lịch sử của nền Âm nhạc Việt Nam. Điều này khẳng định việc đào tạo nền tảng cơ bản của âm nhạc cổ điển trong giảng dạy, đồng thời cũng là sợi dây kết nối giữa các thế hệ sinh viên, các chuyên ngành trong khoa với nhau.
Chương trình được tổ chức ở quy mô nhỏ gọn nhưng vẫn đem đến cho khán thính giả thông điệp hết sức sâu sắc, đó là: “Duy trì nền tảng đào tạo cơ bản để xây dựng và phát huy, đổi mới và sáng tạo, nhằm đóng góp vào kho tàng các tác phẩm Âm nhạc Việt Nam nói chung và Âm nhạc hàn lâm nói riêng”.
Đã hơn 2 năm kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid 19, thầy và trò khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học mới có cơ hội biểu diễn và quảng bá hình ảnh của chính mình. NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó trưởng khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, đồng thời là Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: “Mong muốn của Thầy và trò là có thể tổ chức chương trình thường niên 1 năm 2 lần Giai điệu mùa thu “Voices of spring” - Giai điệu mùa xuân và “Voices of Autumn” - Giai điệu mùa thu, nhằm đưa các thành tựu âm nhạc vào đời sống âm nhạc, khuyến khích, thúc đẩy giúp đời sống âm nhạc trở nên đa dạng, phong phú hơn. Đây cũng là cơ hội trải nghiệm và đánh giá chất lượng sản phẩm âm nhạc; các sáng tác, các phương pháp nghiên cứu giảng dạy có thực sự hữu ích hay không”.
Không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích phát triển các sản phẩm âm nhạc, Ban lãnh đạo khoa còn có mong muốn xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản cho sinh viên, đồng thời kết hợp “học đi đôi với hành”. Luôn luôn phải cập nhật những luồng thông tin, những trường phái, xu thế để đào tạo ra những thế hệ, những con người thực tế, người thật việc thật.
Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện đang giảng dạy tại khoa xúc động chia sẻ: “Ngày 20/11 là dịp đặc biệt để tổ chức hiến chương các nhà giáo. Gắn bó với trường từ những năm tháng sinh viên, nay tôi đã là thầy giáo và những người thầy của tôi cũng đang tiếp tục giảng dạy tại Học viện, họ như người thầy, người cha thứ 2 của tôi. Tôi nghĩ rằng việc gửi những lời tri ân sâu sắc đến những người có “công lao chèo đò” là truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ học trò chúng ta cần lưu giữ và duy trì. Sự kiện hòa nhạc “Giai điệu mùa thu” kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với sự góp mặt đông đảo của các học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo đã và đang học tập, giảng dạy trên giảng đường là một cột mốc vô cùng đáng nhớ. Đây là cơ hội để mỗi một “người học” đều có thể nhìn lại bản thân mình. Các học sinh, sinh viên cần học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức từ các thầy cô giáo và các anh chị cựu sinh viên đi trước. Những người thầy và các “bậc tiền bối” cũng cần thường xuyên học hỏi, cập nhật những xu thế, gần gũi hơn với học sinh để xứng đáng là những người thầy dẫn dắt học trò đến những con đường tri ước mơ, nhất là trong thời đại giáo dục 4.0”.
Để tạo nên được những thành công trong công tác Giáo dục Âm nhạc nói chung và việc phát minh, nghiên cứu các sản phẩm âm nhạc nói riêng, ắt hẳn phải cần rất nhiều sự nỗ lực và cố gắng không chỉ của đội ngũ các nhạc sĩ, cán bộ giảng viên, ban lãnh đạo khoa, mà còn nhờ vào công học tập lớn của các thế hệ học trò. Bạn Ngô Đình Cao Lâm, sinh viên đại học 4, chuyên ngành Sáng tác chia sẻ: “Bản thân em cảm thấy vô cùng vinh dự và may mắn khi được tham gia vào các hoạt động của khoa nói chung và hoạt động kỷ niệm nhân dịp 20/11 nói riêng. Đây là chương trình rất hay và ý nghĩa. Trong trương lai, em mong muốn các sự kiện của khoa được tổ chức thường xuyên và rộng rãi hơn nữa, cũng như mong muốn các tác phẩm của bản thân và của các bạn cùng ngành được biết đến rộng rãi hơn trong công chúng. Nếu có cơ hội được tham gia chương trình ở những lần tiếp theo, với tư cách là cựu sinh viên, em hy vọng mình có thể chia sẻ và quảng bá nhiều hơn về các sản phẩm âm nhạc cũng như các kinh nghiệm khi học tập và hoạt động tại khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học”.
Thay mặt Ban chủ nhiệm Khoa, NSND Phạm Ngọc Khôi rất mong được đón tiếp Quý thầy cô/ các học sinh, sinh viên và các vị khách quý tới dự chương trình.
Buổi lễ được diễn ra vào lúc 9h30, ngày 17 tháng 11 năm 2022 tại phòng hoà nhạc nhỏ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.