Chương hai
ĐẢO ĐIÊN TRONG VÒNG XOÁY
Tránh đâu cho khỏi nắng mưa
Liên tiếp những bài viết thoá mạ Minh được đăng trên báo Việc Làm. Cả cơ quan, rồi đến những Công ty thành viên, cứ nháo lên. Người hỏi han trực tiếp. Người gọi điện thăm hỏi. Có người không tin những bài báo ấy nói đúng sự thật. Có người bán tín bán nghi. Có người cười thầm, mừng vui. Riêng Tổng Ngộ cứ một mực "Tôi không biết gì. Chị Minh làm thì chị Minh chịu, tôi không biết!". Đó cũng là câu nói cửa miệng của cậu ta khi gặp các chuyện rắc rối trên đường đời. Không có bản lĩnh, lại thiếu tình đồng đội, hễ gặp việc gì phiền hà, là Ngộ một mực không biết. Cái gì cũng không biết. Không biết và không liên can. Sợ trách nhiệm và háo danh là đặc tính nổi bật của tay Tổng Giám đốc cách mạng Ba mươi cơ hội này. Còn Trực, anh bảo Minh phải kiên trì, phải chịu đựng. Dư luận chỉ là để tham khảo. Đôi co với báo chí lúc này không có lợi, sẽ bị cuốn vào cơn lốc dư luận đang kịch phát. Quan trọng là những nhận định, đánh giá của những người có thẩm quyền. Quan trọng là xử lý nội bộ cho đúng.
Thấy Minh bị tấn công tứ phía, căng thẳng quá, Đại Hoạ sĩ lếu tếu Lãi Nguyên rủ Minh:
- Này cô Minh, đi thư giãn với anh nhé!
Thấy Minh tỏ ra hơi ngạc nhiên, Râu đùa:
- Anh không rủ cô vào nhà nghỉ đâu. Vào đấy thường lắm. Anh rủ cô lên cõi Niết bàn cơ!
Vào cái thời buổi bùng phát của mốt bồ bịch này, cứ khi nào hai người đàn ông đàn bà đi đôi với nhau, thì y như rằng mọi người hiểu đó là một đôi bồ bịch. Hai người vào ăn trưa tại một quán cơm bình dân - bồ bịch đấy. Hai người rủ nhau vào uống cà phê - bồ bịch đấy. Hai người vừa ăn vừa bàn công chuyện ở một nhà hàng ăn nhanh - bồ bịch đấy. Hai người đi dạo với nhau trong công viên - bồ bịch đấy. Một lần, vào buổi chiều, hai bố con Lãi Nguyên khoác tay nhau đi dạo trong công viên Lênin. Tai thính, anh nghe một nhóm người ở góc công viên xì xào với nhau:
- Con kia cặp bồ già thế!
- Như bố!
Vốn tính hay nông đùa, anh ôm eo con gái, dạo qua dạo lại. Quan sát, thấy người này người kia bĩu môi, nhổ nước bọt, anh khoác vai con gái tiến thẳng đến nơi nhóm người nọ đang đứng. Ghé sát mặt họ, anh nói từng tiếng:
- Bố đấy, không phải như bố đâu. Nhìn xem hai cái mặt này có phải là cùng một khuôn không?
Tốp người ngượng quá, tản nhanh. Râu bảo con gái:
- Nạn bồ bịch làm mang tiếng cả những người không bồ bịch. Mắt người ta đã trở nên bệnh hoạn khi nhìn xã hội, méo mó, lệch lạc hết cả.
Có kiểu nghĩ như vậy, cho nên Râu chẳng e dè gì khi đi đôi với phụ nữ. Cần là đi. Vui là đi. Tình cờ gặp là đi. Chẳng sợ ai bình phẩm. Bồ cũng được mà không bồ cũng được. Khi Minh tập trung giúp Công ty Đại Hoạ làm hồ sơ cổ phần hoá, một tối vào khoảng chín giờ, Hà Thiết Giáp, chồng Minh, gọi điện cho Râu:
- Ông Râu ơi, có bà xã tôi ở đấy không?
- Sao ông lại gọi hỏi tôi?
- Bởi vì bà ấy chẳng chịu thưa máy.
- À, tôi thấy máy bà ấy vừa rung bần bật trên bàn kia kìa. Bà ấy không mở chế độ chuông. Đang tính sổ.
Tính cũng hay đùa, Giáp bảo:
- Ông làm thế nào chứ bà xã tôi đi với ông nhiều hơn ở bên tôi rồi đấy.
- Thế thì ông bàn giao cho tôi nhé. Tôi bảo quản tốt lắm. Nguyên xi.
Thứ bảy ấy, Râu cùng Minh đi lên "cõi Niết bàn". Chẳng đâu xa, ở ngay huyện Sóc Sơn, chỉ cách Hà Nội chừng trên ba chục kilômét. Đó là nơi đã nổi danh trong nước và thế giới. Hoàng hậu Thuỵ Điển đã đến thăm nơi này, thăm chính thức, có ghi vào lịch trình trước chứ không phải ngẫu nhiên ghé vào thăm. Hầu hết các vị Lãnh đạo đều đã đến nơi này. Với Râu, nơi này như là nhà của anh. Đó chính là Phủ Việt Trường Thanh. Phủ này do gia đình Trường Thanh gây dựng nên. Trường Thanh, một Đại Hoạ sĩ bạn thân của Đại Hoạ sĩ Lếu tếu Lãi Nguyên, như ta đã biết.
Tách khỏi đường chính, rẽ vào phủ là một con đường đá gan gà không mấy bằng phẳng. Ngồi trong xe đóng kín cửa kính, vẫn nghe tiếng bánh xe nghiến đá rào rạo. Hai bên đường, thưa thớt những hàng bạch đàn. Thỉnh thoảng, nổi lên những cây dâu da xoan phủ đầy hoa trắng muốt. Râu hăng hái làm nhiệm vụ của một hướng dẫn viên du lịch. Chỉ vào những ụ đất rải rác hai bên đường, Râu giải thích đó là những ụ chứa máy bay. Đây là vùng sân bay Đa Phúc, vào thời chiến tranh, ta kéo máy bay Mig ra trú ẩn ở những ụ này. Xưa kia, nơi này rậm rịt như rừng, không quang quẻ như bây giờ. Xe vòng trái, tiến vào con đường gồ ghề hơn. Trước mặt là một khu nhà ẩn hiện giữa những hàng cây xanh. Nổi bật, cao vọi, là ngôi tháp nhiều tầng. Râu bảo:
- Phủ Việt Trường Thanh đấy!
Giọng nói của anh trầm ấm, đầy tự hào.
Hai người xuống xe. Chỉ vào cái cổng khá rộng với những cánh cửa đồ sộ, Râu khoe:
- Riêng cái cổng đã là một công trình nghệ thuật đậm chất Việt. Nó không phải là một cái cổng làng cụ thể nào, nó tổng hợp tính chất của các cổng làng quê Việt Nam để trở thành một cái cổng khái quát.
Là một cử nhân kinh tế, nhưng Minh cũng rất yêu nghệ thuật. Chị thích nhất là ngâm thơ. Bài thơ tủ, đi đâu chị cũng mở ra, là bài "Núi đôi" của Vũ Cao. Dù yêu nghệ thuật và cũng biết đôi chút về nghệ thuật, ngắm đi ngắm lại, Minh vẫn chưa nhìn ra cái cổng khái quát là thế nào. Thế mới biết nghệ thuật là biển bao la vô cùng vô tận những cái đẹp, cái hay, cái ý vị mà không phải ai cũng đủ khả năng thưởng thức hết.
Được bạn báo trước, Trường Thanh ra tận cổng đón hai người. Ô tô được ưu tiên đưa hẳn vào trong phủ. Bình thường, xe phải đậu ngoài bãi. Nhưng với Lãi Nguyên, thì phải ưu tiên đặc biệt.
Trường Thanh có dáng người săn chắc, hơi đậm, da ngăm ngăm. Đầu tròn húi cua, trông anh không có dáng vẻ của một nghệ sĩ lãng tử mà là dáng vẻ của một tay thể thao tennít. Với giọng nói từ tốn và thái độ chu đáo, anh mời mọi người lên nhà khách. Đây là một ngôi nhà sàn bằng gỗ, mái lá khá rộng. Ngoài sân nóng như thế mà bước vào trong nhà, thấy mát rượi. Đồ dùng trong nhà toàn là loại cổ được sưu tầm từ khắp các vùng quê: sập gụ, tủ chè, cối xay, cối giã gạo, chõng tre... Vợ Trường Thanh rất trẻ và cũng rất mến khách. Chị bảo rằng trưa nay, chị sẽ đãi khách bằng thứ gạo thu hoạch trên ruộng của nhà, do chị xay giã dần sàng. Cá sẽ bắt ở ao. Rau sẽ hái ở vườn. Gà ri thả đồi, đã nhốt sẵn. Toàn là thứ thực phẩm sạch, đậm đà tình quê. Anh chị mời Minh và Râu uống nước vối. Nước vối tươi, vị đăng đắng rồi lại ngòn ngọt, uống tới đâu mát lịm tới đó.
Sau đó là cuộc tham quan đầy thú vị. Trường Thanh bảo rằng cả khu vực rộng một hécta này của anh là một tác phẩm sắp đặt. Cỏ cây hoa lá xen với nhà, tháp, hồ, tượng. Nhấp nhô, ẩn hiện, lượn lên, uốn xuống, vọt lên cao, nhào xuống sâu. Mầu xanh của lá, mầu nâu của mái rạ, mầu đỏ của mái ngói, nhiều màu sặc sỡ của hoa... Tất cả tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sinh động đầy gợi cảm. Đại Hoạ sĩ lếu tếu vốn không khoái nghệ thuật sắp đặt nhưng không nỡ cắt ngang cảm hứng của bạn, chỉ tủm tỉm cười, nghĩ thầm cái thằng khéo tán.
Một trong những thứ mà Trường Thanh sưu tầm được nhiều nhất là tượng chó đá và những thứ bằng đá khác. Chó to, chó nhỏ, chó sứt mõm, chó cụt đuôi, chó gầy, chó béo, chó nằm, chó ngồi, chó đứng, chó vẫy đuôi, chó nhe răng... đủ các loại. Số chó đá ấy, đôi thì anh cho chầu cổng, chầu cửa, chầu sân, đôi thì anh cho nằm gốc cây, còn đại đa số được tập trung tại một bãi cỏ nhỏ. Trông hoa cả mắt và ù cả tai vì nể công sưu tầm của người hoạ sĩ tài danh này. Không hiểu anh đã phải đi tới biết bao xóm làng, cặm cụi nhặt nhạnh, gạ gẫm thu mua, hì hục khuân vác bao nhiêu công để quần tụ về đây một bộ sưu tập chó đá quý giá nhường ấy.
Nhưng, giá trị nhất là những cổ vật mà Trường Thanh bầy trong mấy ngôi nhà và cất trong kho. Anh có những cổ vật rất cổ, lại độc bản, lại nguyên lành, ngay cả Bảo tàng Quốc gia cũng không có. Lãi Nguyên thích nhất những cổ vật của Trường Thanh. Râu tự hào về bạn, cho nên hết lời ngợi ca những thành quả mà bạn làm nên hôm nay. Làm nên hôm nay từ những ngày hai thằng lóc cóc đạp hai cái xe đạp cà khổ rong ruổi về Thái Bình, Hải Dương, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hoá... tìm mua cổ vật, không sợ gian khổ, không sợ đạn bom. Thời ấy, ăn còn không đủ, sống chết không biết ra sao, mấy ai nghĩ đến đồ cổ. Cho nên mua thì rẻ, xin cũng được. Hai thằng bạn nối khố chẳng lo mưu sinh, chỉ chăm chắm vào các món đồ cổ đang ẩn mình ở các làng quê. Chỉ là nhằm thoả mãn cái máu ham mê di sản cha ông thôi. Thế mà tự nhiên hoá giầu. Chẳng phải muốn hành nghề buôn bán cổ vật, nhưng mua được về, có người biết, hỏi mua lại, thì bán. Bán rồi lại mua. Mua rồi lại bán. Trường Thanh máu nghệ sĩ nhiều hơn nên ít bán mà chịu tích cóp, cho nên bây giờ mới có cả một kho đồ cổ cỡ quốc gia, giá trị không biết là bao nhiêu tỷ đồng. Còn Lãi Nguyên, có máu thương gia từ nhỏ, cho nên đã biến hầu hết cổ vật thành hàng hoá, giúp anh sống một cuộc sống khá sung túc ngay trong thời bao cấp.
Trường Thanh là hoạ sĩ nổi tiếng từ nhiều năm nay. Tranh của anh bán rất có giá, bán được rất nhiều cho khách Tây. Được Trường Thanh minh hoạ, trình bày bìa cho tác phẩm của mình, là niềm vui, niềm tự hào của các nhà văn. Ngoài nhiều giải thưởng Mỹ thuật cỡ lớn, anh còn được Hội Xuất bản tặng giải thưởng sách đẹp cho phần trình bày bìa cuốn truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Chất liệu anh sử dụng thành công nhất là sơn mài. Chính Râu đã bán giúp bạn biết bao nhiêu tranh, không nhớ nổi nữa. Có lẽ tranh của anh đã đi khắp các vùng trời Á, Âu, Mỹ... Thế nhưng, anh chẳng giới thiệu chút nào về tranh của mình. Anh dẫn hai người đi xem những ngôi nhà mang tính chất khái quát dân tộc, có ngôi nhà gợi cho ta bóng dáng cái điếm canh đê, có ngôi nhà gợi cho ta hình ảnh ngôi đình làng quê, khiến ta cứ thấy nao nao trong dạ. Trường Thanh còn giới thiệu cả một công trường đang ngổn ngang gỗ đá gạch vữa. Đó là ngôi nhà anh sẽ dùng để tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống và làm nhà bảo tàng. Mãi đến khi ngồi ở tầng hầm, nơi gia đình Trường Thanh dùng làm chốn ăn ở, học tập, giải trí, treo tranh, Râu mới có dịp giới thiệu tài hoạ của bạn. Trường Thanh theo trường phái Lập thể và Ấn tượng. Tranh của anh có chiều sâu, có sức biểu cảm ngầm rất lớn. Phải là người sành sỏi mới có thể thấy hết giá trị của những bức tranh sơn mài quý giá ấy. Một lần nữa, Minh lại chết đuối trong bể nghệ thuật mênh mông. Mấy chục bức tranh trước mắt, chị chẳng phân biệt được bức nào đẹp hơn bức nào, bức nào quý hơn bức nào. Gây ấn tượng nhất đối với chị, lại là bức tranh sơn dầu nhỏ cỡ quyển vở học sinh do Trường Thanh vẽ hồi sáu, bẩy tuổi. Bức tranh vẽ một góc của Văn Miếu với nét vẽ chắc chắn, mầu sắc trầm mặc như muốn sưởi ấm tâm hồn ta bằng cả hồn thiêng dân tộc. Bức tranh này báo hiệu một mầm tình yêu truyền thống văn hoá dân tộc đã hình thành và đang lớn dần lên trong tâm hồn cậu bé thần đồng ấy.
Buổi trưa, trong lúc ngồi ăn cơm, bữa cơm đậm tình quê, Minh khen:
- Anh chị thật là sướng. Sống tách biệt khỏi cuộc sống bon chen kinh tế, đấu đá chính trị để tắm mình trong hương đồng gió nội và hồn thiêng cha ông như thế này là sướng lắm.
Trường Thanh thành thật:
- Không hẳn như thế đâu chị ạ. Tôi cũng đang đau đầu về mảnh đất này đấy. Người ta đang bảo đây là đất trồng rừng, sẽ thu lại. Thế có nguy không. Đã bỏ ra biết bao công sức tiền của xây dựng công trình này....
Cuối bữa cơm, chuông điện thoại reo. Vợ Trường Thanh nghe điện xong, sắc mặt không vui, nói với mọi người:
- Nhà trường thông báo con em học môn toán kém quá, phải cho học thêm. Cháu thi đến nơi rồi. Thôi, xin phép các anh chị, em chuẩn bị về Hà Nội lo cho cháu.
Thế đấy, một nghệ sĩ giầu tâm huyết, tưởng có thể dành mọi tâm trí cho nghệ thuật, mà vẫn không tránh khỏi những phiền luỵ của cuộc đời. Đời là bể khổ thật sự. Bụi trần đua nhau ào ào bay tới cõi niết bàn quấy rầy tâm Phật. Tránh đâu cho khỏi nắng mưa của trời đây!
Chuyến đi này bổ ích biết mấy đối với Minh. Chị kiên định hơn ý chí đương đầu với mọi mưu ma chước quỷ đang vây hãm chị. Phải dám đương đầu với khó khăn thì mới vượt được qua khó khăn. Vốn đã cứng rắn, chị càng sắt đá hơn. Phải phản công lại bọn gian tham ác độc.