Nhắc đến Thanh Thảo người ta nghĩ ngay đến một nhà thơ được người trong giới tôn vinh là “vương” với nghệ danh ông “vua trường ca”. Tính đến nay ở thể loại “quý hiếm” của “sách đỏ văn chương” này ông đã có gần hai chục tác phẩm, ví như: “Những người đi tới biển”, “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Bùng nổ của mùa xuân”, “Đêm trên cát”, “Khối vuông Ru-bích”, “Một trăm mảnh gỗ vuông”, “Trò chuyện với nhân vật của mình”, “Cỏ vẫn mọc”, “Metro”, “Những ngọn sóng mặt trời”, “Chân đất”, “Đám mây hình người thợ săn và con chó”, “Dạ, tôi là Sáu Dân”, “Người khiêng võng”, “Hiển thánh năm 25 tuổi” ... Cho nên dù thơ ông có rất hay thì vẫn chỉ được xem là “sở đoản”. Tuy thế cái “sở đoản” ấy ở ông cũng sớm tạo được một diện mạo riêng và khẳng định được vị trí của mình trên thi đàn Việt Nam từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Đặc biệt, xem lại chỗ “sở đoản” ấy người ta vẫn đánh giá ông là “một nhà thơ lớn của những bài thơ nhỏ rất đặc sắc, hiện đại và đáng chú ý” (Nguyễn Việt Chiến). Bài thơ “Gặp lá cơm nếp” là một trường hợp như vậy.
GẶP LÁ CƠM NẾP
(Thanh Thảo)
Xa nhà đã mấy năm
Thèm bát xôi mùa gặt
Khói bay ngang tầm mắt
Mùi xôi sao lạ lùng.
Mẹ ở đâu chiều nay
Nhặt lá về đun bếp
Phải mẹ thổi cơm nếp
Mà thơm suốt đường con.
Ôi mùi vị quê hương
Con làm sao quên được
Mẹ già và đất nước
Chia đều nỗi nhớ thương”.
Cây nhỏ rừng Trường Sơn
Hiểu lòng nên thơm mãi …
(Theo Ngữ văn 7, tập 1, Kết nối tri thức với
cuộc sống, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2022)
Tôi rất thích bài thơ “Gặp lá cơm nếp” của Thanh Thảo bởi nó đã để lại một ấn tượng đẹp về nỗi nhớ thương mẹ và một tình yêu nồng nàn với quê hương, đất nước của một người lính trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhìn tổng thể, đây là bài thơ “nhỏ” được làm theo thể thơ năm chữ ngắn gọn với mười bốn câu thơ và được chia thành bốn khổ. Ba khổ đầu mỗi khổ có bốn câu, khổ cuối cùng có hai câu. Bài thơ chủ yếu gieo vần chân (gặt - mắt; bếp - nếp; được - nước); nhịp điệu ngắt linh hoạt, chủ yếu là biến tấu trên nền nhịp 2/3 (có dòng ngắt nhịp 3/2 - Thèm bát xôi mùa gặt, Khói bay ngang tầm mắt, Mẹ ở đâu chiều nay; có dòng ngắt nhịp 1/4 – Phải mẹ thổi cơm nếp, Ôi mùi vị quê hương) để diễn tả, thể hiện những nỗi niềm tâm trạng của người lính đi chiến đấu xa nhà. Căn cứ vào cảm xúc của nhân vật trữ tình, bài thơ tự thân chia thành hai phần với một bố cục khá mạch lạc và chặt chẽ. Phần thứ nhất là hai khổ thơ đầu, nói về hình ảnh người mẹ trong ký ức của người lính. Phần thứ hai là hai khổ thơ cuối, thể hiện tình cảm của người lính dành cho mẹ và quê hương, đất nước.
Thế giới tự nhiên thật diệu kỳ với bao điều lý thú. Cơm nếp và lá cây cơm nếp vốn chẳng có quan hệ gì với nhau nhưng lại có hương thơm giống nhau. Chính sự tương đồng ngẫu nhiên ấy mà chất xạ hương có chứa trong lá cây cơm nếp (một loại cây dại mọc tự nhiên trong rừng) tỏa ra đã khiến cho người lính “xa nhà đã mấy năm” đang hành quân trong rừng Trường Sơn không khỏi bồi hồi, dâng trào một nỗi niềm thương nhớ da diết.
“Xa nhà đã mấy năm
Thèm bát xôi mùa gặt
Khói bay ngang tầm mắt
Mùi xôi sao lạ lùng.
Mẹ ở đâu chiều nay
Nhặt lá về đun bếp
Phải mẹ thổi cơm nếp
Mà thơm suốt đường con.”
Với hai khổ thơ mở đầu này Thanh Thảo đã khiến người đọc phục sát đất bởi nét tài hoa rất đáng yêu trong những hình ảnh thơ đầy khơi gợi. Vì yêu cầu đặc trưng hàm súc của thơ và giới hạn ngắn gọn của số chữ trong mỗi dòng thơ do đặc điểm thể loại quy định mà việc kể lể, diễn tả một cách cụ thể, chi tiết không có chỗ đứng và thay vào đó người ta phải phát huy sức mạnh của trí tưởng tượng cùng trường liên tưởng qua các nét gợi tả. Ở đây Thanh Thảo đã tái hiện và dựng lên trước mắt người đọc một khung cảnh không gian (trong rừng Trường Sơn) cùng một thời gian (buổi chiều) cụ thể để nhân vật trữ tình (người lính, người con) dễ dàng thổ lộ những tâm tư tình cảm của mình qua dòng ký ức chợt hiện về khi khứu giác bị tác động bởi hương thơm của cây cơm nếp mọc hoang dại trong rừng đang tỏa ra trong chiều hành quân trên đường ra mặt trận. Bắt đầu từ hương thơm của cây cơm nếp trong rừng Trường Sơn ấy mà nhân vật trữ tình trong bài thơ nhớ lại những năm tháng tuổi thơ của mình và thấy thèm bát xôi “mùa gặt”, nhớ đến làn khói bốc lên từ bát xôi bay “ngang tầm mắt”, đặc biệt là hương thơm “lạ lùng” của nó. Và cũng từ đó trong tâm tưởng người lính bỗng thức dậy hình ảnh của người mẹ hiền yêu dấu ở nơi quê nhà năm nào đang hiện lên bên bếp lửa để nấu cơm nếp trong buổi chiều hôm. Có thể nói, bắt đầu từ cái mùi cơm nếp tình cờ phát hiện được ở giữa rừng Trường Sơn đó mà Thanh Thảo đã thể hiện một cách gián tiếp những cảm xúc của mình về mẹ. Theo dòng ký ức của người lính, hình ảnh một bà mẹ hiện lên đầy xúc động làm trào dâng trong lòng người con nỗi nhớ thương da diết khôn cùng. Chỉ có hai khổ thơ hết sức ngắn gọn nhưng Thanh Thảo đã gợi lên trong trí tưởng tượng của người đọc cả một không gian tuổi thơ cùng bao nỗi niềm của nhân vật trữ tình. Ở đó người ta thấy hương vị của làng quê với đủ cả không gian sinh hoạt thường nhật lẫn không gian của lễ hội mùa màng qua mùi xôi “lạ lùng” và hình ảnh “mẹ thổi cơm nếp”. Xôi và cơm nếp là một món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam. Hai món ăn này giống nhau ở nguyên liệu nhưng khác nhau ở cách thức làm. Xôi phải đồ, dùng hơi nóng của nước để làm chín gạo. Cơm nếp phải nấu, cho nước và gạo nếp vào nồi rồi nấu như nấu cơm tẻ. Trong sinh hoạt truyền thống, người ta thường đồ xôi để dâng thần linh, người đã khuất trong các ngày giỗ, lễ tết, hội hè để tỏ lòng hiếu thảo. Theo phong tục người Việt, thường sau mùa gặt nhà nông hay làm xôi mới để cảm tạ thần linh, đất trời đã phù hộ giúp cho mùa màng bội thu và tiếp tục cầu nguyện cho mùa sau được phong đăng hòa cốc (mùa màng tốt tươi). Thời xưa còn khó khăn, với không ít gia đình, cơm nếp là một món ăn xa xỉ. Để có một nồi cơm nếp thường các nhà phải chắt chiu dành dụm gạo nếp và dùng khi cần thiết. Trong bài thơ này, ký ức của người lính về thủa ấu thơ được hiện lên rất rõ: mẹ nhặt lá về thổi cơm nếp. Hẳn là người mẹ phải yêu và chiều con lắm mới có được một nồi cơm như vậy. Nấu cơm nếp là cả một nghệ thuật. Mọi người ai cũng biết nấu cơn nếp để ngon rất khó. Cho nhiều nước sẽ bị nát. Cơm nếp nát sẽ không ngon. Cho ít nước thì không chín hết, sống gạo. Nấu cơm nếp bằng củi hoặc rơm đã khó nhưng nấu bằng lá thì khó càng gấp bội. Có thể do điệu kiện khó khăn, phải tiết kiệm nên bà mẹ người lính phải đi nhặt lá về để nấu cơm nếp. Tuy vậy bà mẹ nấu rất khéo. Bát cơm nếp được đun bằng lá nhặt ấy thơm ngon khiến người con cả đời không thể nào quên “thơm suốt đường con”. Nhà thơ không nói nhiều chỉ gợi tả bấy nhiêu thôi nhưng hình ảnh bà mẹ hiện lên thật đẹp. Đó là một bà mẹ nghèo khổ, giản dị, chất phác nhưng rất khéo tay, giàu tình thương con. Bà mẹ ấy sinh ra dường như để suốt đời tần tảo, chăm lo vun vén cho cuộc sống gia đình và bà mẹ ấy đã sống mãi trong trái tim của người con. Đến đây tôi chợt nhớ hình ảnh người mẹ luôn được Thanh Thảo nhắc đến trong thơ ông. Người lính trong trường ca “Những người đi tới biển” cũng bắt đầu từ mẹ. Với người lính ấy, mẹ là nơi khởi nguồn với tất cả những gì dù là bình thường hay vĩ đại nhất: “Khi con thưa với mẹ/ Mưa bay mờ đồng ta/ Ngày mai con đi/ Khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ … Nửa đất đai này mẹ gánh/ Sông Cầu chảy lơ thơ/ Sông Hồng trằn sóng đỏ/ Tiếng gà sang canh mùi xôi không ngủ/ Đêm cuối bên con mắt mẹ dệt những gì/ Làm sao con hiểu hết”; “Con xin lại bắt đầu từ mẹ/ Từ cơn ho của mẹ một mình khuya khoắt/ Từ dáng đi dáng ngủ của mẹ hằn vất vả/ Làm sao con hiểu hết/ Mẹ đã hát ca dao/ Mẹ giặt áo bên cầu/ Hồn nhiên gió bay dải yếm”. Hay sau này trong trường ca “Chân đất” nghĩ về mẹ Thanh Thảo vẫn không khỏi xót xa, rưng rưng: “mẹ ơi xắt bí sau nhà/ khi con cúi đầu thì mẹ đã đi xa/ một tiếng chim chiều sâu hút/ buồn trông mẹ ta khuất bóng/ buồn trông hoàng hôn tím sẫm/ từng cánh mây giong buồm chầm chậm/ về đâu/ góc vườn cây khế trổ hoa/ người đi đâu mãi biết là đi đâu/ con ra ngõ trước con vào vườn sau/ ngó cây vú sữa lâu lâu mẹ về”. Cho nên ẩn sau cái dáng hình lam lũ, chịu thương chịu khó của bà mẹ “Nhặt lá về đun bếp” đó chúng ta cũng thấy hiện lên hình ảnh của một người lính rất hiếu thảo, rất thương yêu mẹ, luôn thấu cảm những việc của mẹ cũng như những vất vả cuộc đời trên đôi bàn tay mẹ. Và để nói về người lính với những sự hiếu thảo đó thì dường như hãy còn thiếu. Thanh Thảo không nói ra nhưng hiện lên trong hai khổ thơ hẳn chúng ta ai cũng nhận thấy nhân vật trữ tình ngoài sự hiếu nghĩa với bà mẹ thân yêu thì còn là một con người có tâm hồn rất phong phú, tinh tế và nhạy cảm. Thử hỏi rằng nếu không có sự tinh tế và nhạy cảm với thiên nhiên thì hương rừng Trường Sơn kia sao có thể thức dậy trong anh bao nỗi niềm da diết đến như vậy?
Nếu trong hai khổ thơ đầu mùi lá cơm nếp đã gợi lên hình ảnh người mẹ trong ký ức của người lính thì hai khổ thơ cuối là nỗi lòng của người con trào dâng trong nỗi nhớ mẹ song hành cùng nỗi nhớ quê nhà đồng thời cũng là một ý thức trách nhiệm, cao cả với Tổ quốc.
Ôi mùi vị quê hương
Con làm sao quên được
Mẹ già và đất nước
Chia đều nỗi nhớ thương”.
Cây nhỏ rừng Trường Sơn
Hiểu lòng nên thơm mãi …
Ở đây ta thấy nỗi nhớ mẹ được nhà thơ lồng trong nỗi nhớ quê hương và dâng lên trong nỗi niềm xúc động làm cho người con phải thốt lên: “Ôi mùi vị quê hương/ Con làm sao quên được”. Như vậy hương thơm của lá cây cơm nếp đã không chỉ thức dậy trong lòng người lính về hương vị của một món ăn từng được mẹ làm cho từ thời thơ ấu mà còn giúp cho người lính ngộ ra đó cũng chính là cái hương vị của quê nhà, ít ra trong lòng mình. Thức dậy những cảm giác đó nhân vật trữ tình đã khẳng định cảm nhận của mình một cách rất chắc chắn bằng câu nghi vấn “con làm sao quên được”. Điều đó cũng có nghĩa là cái hương thơm giản dị, dân dã của cơm nếp – xôi nếp đã được người lính nâng lên thành một biểu tượng của quê hương - mùi vị quê hương. Nói thêm về cách thể hiện cảm xúc của nhà thơ dành cho mẹ và quê hương ở đây còn phải kế đến cách ngắt nhịp 1/ 4 kết hợp với từ cảm thán (Ôi) đứng ở đầu khổ thơ đã diễn tả được tột cùng cái cảm xúc sung sướng, ngạc nhiên của nhà thơ khi bắt gặp hương vị quê nhà ở trên đường hành quân xa. Cái hương vị ấy đã làm cho người lính bừng tỉnh như được gặp lại mẹ, được gặp lại quê hương (qua nỗi nhớ). Chưa hết, cao cả hơn, tình cảm ấy trong người lính còn gắn liền với tình yêu Tổ quốc. Bởi vậy, cuối khổ thơ thứ ba, cảm xúc về mẹ và đất nước đã được hòa vào trong nhau và bộc lộ một cách rất tự nhiên: “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương”. Đến đây ta thấy tình yêu gia đình (yêu mẹ) được nhà thơ hòa vào tình yêu quê hương, đất nước. Như thế, khái niệm về quê hương, đất nước trong trái tim người chiến sĩ chẳng có gì là xa lạ cả. Nó chính là bóng hình của mẹ với tất cả cái vẻ lam lũ, tần tảo, yêu thương. Thật là đơn giản và gần gũi nhưng cũng rất vĩ đại. Câu thơ như thế đã cho ta thấy đất nước, quê hương hiện lên thật đẹp nhưng cũng đầy thương cảm. Hình ảnh và nhận thức về đất nước như thế ta cũng thường thấy trong thơ của Thanh Thảo: “Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người/ Là đứng theo dáng mẹ/ Đòn gánh tre chín rạn hai vai”; “Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người/ Mồ hôi vã một trời sao trên đất/Trời sao lặn hoá thành muôn mạch nước/ Chảy âm thầm chảy dọc thời gian” (Khúc mười ba).
Từ nhận thức về gia đình - quê hương - đất nước như vậy mà Thanh Thảo đã khép lại bài thơ bằng hai câu thơ đầy khơi gợi. Nghệ thuật nhân hóa trong câu thơ đã làm cho cây cỏ ở núi rừng Trường Sơn dường như cũng có mối tương thông với con người cho nên người lính và cây nhỏ trong rừng có một sự tương đồng trong cảm xúc: “Cây nhỏ rừng Trường Sơn/ Hiểu lòng nên thơm mãi …”. Cây nhỏ hiểu lòng người hay người con đã thấu hiểu về mẹ và quê hương? Cây rừng vốn vô tri nhưng lòng người mới đốn ngộ. Người lính xa nhà trên đường hành quân ra mặt trận nhờ hương thơm của lá cây cơm nếp mà có thêm trong mình những ký ức đẹp đẽ về mẹ, về quê hương, về đất nước để đi vào trận mới. Yêu mẹ, nhớ mẹ bao nhiêu người lính càng ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với gia đình và quê hương, đất nước bấy nhiêu. Tình yêu và trách nhiệm ấy Thanh Thảo không nói trực tiếp như Xuân Diệu: “Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi bờ sông/ Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy”; như Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...” hoặc như nhà văn I-li-a Ê-ren-bua: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Thanh Thảo chỉ nói: “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương”. Nỗi nhớ thương ấy được nhà thơ biến thành hành động. Cho nên người con sẵn sàng cầm súng ra trận chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ quê hương, giải phóng đất nước. Sâu xa hơn hành động ấy cũng là bảo vệ cuộc sống của gia đình. Người lính ấy trong thơ Thanh Thảo cũng đã có lần từng nói “… Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” (Những người đi tới biển). Đây chính là biểu hiện cao quý nhất của tình yêu thương. Thanh Thảo là vậy “can đảm” và “trung thực”. Nó “thực hơn”, “tự nhiên hơn” và rất “chất người”. Đó chẳng phải những “đặc sắc”, “hiện đại” mà Thanh Thảo đã đóng góp cho thi đàn đó sao. Vậy đấy, đâu cứ phải là bài thơ dài mới có khả năng thể hiện những điều to lớn, tầm vóc?
Miên man trong những suy nghĩ về bài thơ nói riêng và thơ Thanh Thảo nói chung, cũng có lúc trong tôi thiển nghĩ mà suy diễn. Phải chăng Thanh Thảo sinh ra và lớn lên ở Quãng Ngãi cho nên bên cạnh cái khí chất mạnh mẽ, quyết liệt, thật thà, chất phát, cương trực của người miền Trung thì trong ông cũng được thừa hưởng cái đức nhân hậu, trọng tình, hiếu nghĩa, ái quê, đằm thắm vốn có của người xứ Quảng cho nên thơ và đời thơ của Thanh Thảo cũng “nghĩa khí” và hiếu tình như chính mảnh đất quê hương. Cứ như thế, bài thơ khép được lại trong tôi với những nỗi niềm của một thứ tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ và thức dậy trong tôi một tình yêu cao cả.
_____________________________
*Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội