link tải gowin99 mới nhất

Ga xép thân yêu

Đời người thường có rất nhiều những chuyến đi - về gắn liền với buồn – vui và chia ly – hội ngộ. Nhưng mỗi lần chia tay thì cả người đi và người ở lại đều lưu luyến nhớ thương.
271856895-4788029251242953-1846775769545082344-n-1642674954.jpg
Ảnh minh họa sưu tầm

Khi trở về là cả người đi và kẻ ở đều vui mừng và hạnh phúc của sự hội ngộ:

Tầu chạy hình như để chở buồn,

Chở người đi nhớ, kẻ về thương;

(Chuyến tàu đêm - Nguyễn Bính)

Nhưng cũng vì vô vàn lý do, mà có những cuộc phân ly mà cả hai người đều biết rằng họ xa nhau vĩnh viễn. Một trong những nơi chứng kiến những cuộc ly biệt xúc động đó là nhà ga tàu hỏa và một vật gây ra sự chia xa lưu luyến đó là nhà ga và con tàu. Đã có rất nhiều thi sĩ viết về nỗi buồn sân ga, trong đó có thi sĩ Nguyễn Bính là người đã quan sát và khắc họa những cuộc chia tay trên sân ga ngày xưa qua những câu thơ đầy cảm xúc:

Những chiếc khăn màu thổn thức bay

Những bàn tay vẫy những bàn tay

Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt

Buồn ở đâu hơn ở chốn này

(Những bóng người trên sân ga - Nguyễn Bính)

Đã có một thời tàu hỏa là phương tiện vận tải rất tiện lợi cho những người muốn đi xa mọi miền đất nước. Người ta mua vé, lên tàu ngồi để mặc con tàu đưa ta qua bao nhiêu ga lớn nhỏ để về đến ga của mình - nơi ta cần đến hoặc trở về quê hương sau những tháng năm xa cách nơi đất khách, quê người. Đi tàu hỏa, hành khách có cơ hội được ngắm phong cảnh đẹp qua cửa sổ toa tàu như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng miêu tả qua con mắt trẻ thơ:

Nắng bập bình cửa sổ

Mây bồng bềnh về đâu

Ngoài kia núi nhấp nhô

Ngang trời - như nổi sóng

Nhà máy nào vừa dựng

Khói bay trắng một miền

(Đi tàu hỏa – Trần Đăng Khoa)

Nhà tôi ở gần một trong số rất nhiều nhà ga nhỏ nối liền tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam. Ga xép tên gọi chung cho những ga nhỏ nằm ở nơi hẻo lánh có rất ít hành khách, chủ yếu là dành cho những chiếc tàu chở hàng và chuyến tàu chợ - dành cho những người buôn bán nhỏ nên mới có tên như vậy. Cái ga xép khiêm nhường và lặng lẽ chào đón những chuyến tàu hành khách đi qua, đưa người đi xa trở về và đón những hành khách mới bước lên bắt đầu một hành trình mới. Tôi rất quen thuộc với nhà ga bé nhỏ với những chiếc đèn tín hiệu hộp vuông có một chiếc đèn dầu tù mù đặt bên trong bốn tấm kính mầu đỏ hoặc trắng đục, hắt ra ánh sáng mầu đỏ đục mờ le lói báo tín hiệu cho tàu dừng lại khi vào ga hay màu vàng vọt hắt ra chiếc đèn dầu hỏa xách tay của các nhân viên nhà ga mang đi làm việc.

Bất kỳ lúc nào dù là vào một buổi sớm tinh sương, chiều hoàng hôn u tịch hay một đêm vắng không trăng sao, cái nhà ga đó vẫn cần mẫn, âm thầm tiễn đưa - đón khách hay đứng im chào những chuyến tàu Thống nhất chạy qua mà không dừng lại. Mỗi chuyến tàu từ xưa đến nay vẫn luôn chở nặng những cuộc chia ly, những nỗi nhớ da diết, những giọt nước mắt nhớ nhung và cả những số phận lang thang, đơn côi trong đường đời vô định của những kẻ ly hương.

Hình ảnh con tàu xuôi ngược qua những sân ga lại khiến người ta liên tưởng đến cuộc đời mình. Ở tuổi trưởng thành đã qua nhiều va vấp, trải nghiệm người ta chợt nhận ra cuộc đời như một hành trình dài. Mỗi ga là một điểm tạm dừng chân, ga cuối chỉ là điểm kết thúc một hành trình, trong suốt cả đời không biết có bao nhiêu hành trình, không biết ga nào là điểm dừng chân sau cùng của đời người:

Mà mãi đêm nay mới nhớ ra:

Đời mình chẳng khác chuyến tầu qua.

Nhưng từ ga nhớn, từ ga nhỏ,

Đời chẳng làm cho lấy một ga.

(Chuyến tàu đêm - Nguyễn Bính)

Tôi yêu những chuyến tàu xuôi - ngược chạy qua nhà tôi. Những sáng đi học, những chiều theo lũ bạn đi chăn trâu, cắt cỏ tôi đều dừng lại ngước nhìn khi có đoàn tàu xình xịch chạy qua. Tôi nhìn theo mãi cho đến khi đoàn tàu khuất dạng, chỉ còn lại những làn khói trắng từ ống khói con tàu đang tan dần trong không khí. Tôi mơ ước có ngày nào được là một trong những hành khách may may mắn kia được đoàn tàu đưa về nơi rất xa đó. Đó chắc chắn sẽ là một nơi rất đẹp, nhộn nhịp và có nhiều thứ hấp dẫn tôi.

Có những đêm khuya, chợt một hồi còi xé toang màn đêm, tiếng tàu chạy xình xịch rung đất khiến cho đứa trẻ nhà ai đó giật mình khóc u ơ và tiếng người mẹ ru hời, ầu ơ dỗ dành. Rồi tất cả lại chìm trong sự tĩnh lặng vốn có của đêm ở nơi hẻo lánh này. Thuở nhỏ, có lẽ tôi cũng nhiều lần giật mình hờn khóc vì tiếng còi tàu đêm như vậy và chắc chắn là tôi được mẹ âu yếm, vỗ về. Nhưng lớn lên tôi dần quen với tiếng còi tàu và tiếng rung đều đều của những những chiếc bánh sắt chạy trên đường ray, không còn giật mình tỉnh giấc nữa.

Lớn lên, ước mơ thơ bé của tôi cũng thành hiện thực. Ngày tôi từ biệt gia đình lên tàu đi học đại học ở Hà Nội, cả nhà tôi ra nhà ga để tiễn tôi đi học xa. Tôi diện bộ quàn áo mới, đeo cái ba lô bộ đội sờn rách của bố tôi, chuẩn bị cho hành trình đi vào tương lai. Bố tôi vui lắm vì tôi đã làm cho bố tự hào khi tôi đã thực hiện được mong ước của bố về tôi, viết tiếp ước mơ dang dở ngày xưa của bố. Đứa em gái bé bỏng của tôi, kiễng chân lên, ôm lấy cổ tôi, hôn lên má tôi và nói nhỏ "Nhớ mua quà về cho em nha!". Hôm ấy, cái ga nhỏ bé ấy bỗng dưng nhộn nhịp vì nhiều bạn cùng lứa với tôi cũng đi nhập học. Con tàu hình như cũng hiểu được tâm trạng của con người nên dùng dằng, chưa muốn chuyển bánh ngay. Tiếng còi tàu hôm ấy dường như có điều gì đó khác thường, nó vừa giục giã nhưng lại như muốn níu kéo thêm chút thời gian cho những người thân yêu còn được bên nhau thêm. Qua cửa sổ con tàu bắt đầu chuyển bánh, tôi thấy hình như mẹ tôi khóc ...

Từ đó, tôi không còn nhớ để đếm được bao chuyến đi - về của tôi trên chiếc những chiếc tàu hỏa cũ kỹ và nhà ga bé nhỏ nhưng rất thân thuộc với tôi. Đi tàu hỏa thời bao cấp hầu như là lựa chọn phổ biến nhất khi mà xe khách đường dài có rất ít chuyến trong ngày và phải có mặt bến xe trước vài tiếng để xếp hàng dài chờ đợi, có khi đến lượt mua thì hết vé, phải chấp nhận mua vé của “phe vé” đắt gấp đôi hoặc ba lần. Đi tầu hỏa thì cũng không khá hơn vì tàu chợ thời đó chạy rất chậm vì phải dừng để tránh tàu nhanh khác ở tất cả các ga xép.

Vào dịp trước và sau Tết thì mua vé tàu, leo lên được toa tàu đông nghẹt là cả một cực hình. Tôi phải vất vả lắm mới chui lên toa xe, người đẫm mồ hôi dù là mùa đông, mùi người, chỗ ngồi không có nên phải đứng đôi khi chỉ đứng một chân suốt hành trình vì quá chật, nhà vệ sinh toa xe dù hôi thối cũng có nhiều người đứng trong. Ai liều mạng quá thì leo lên nóc tàu cho tháng mát.

…Hầu hết chuyến trở về của tôi thường vào buổi chiều khi hoàng hôn đang buông xuống. Mỗi lần tôi về là mẹ vui lắm. Mẹ thịt ngay con gà để nấu cho tôi ăn. Mẹ luôn xót xa với cuộc sống sinh viên kham khổ. Sau này, rồi lại có những lần trở về chị gái tôi thay mẹ nấu cơm cho tôi ăn vì mẹ tôi đã đi xa mãi mãi. Đã lâu lắm rồi, chiều nay, tôi lại ghé thăm sân ga xép gắn liền với nhiều kỷ niệm ngày trước, trong một chiều tím hoàng hôn man mác. Cảnh vật hai bên đường đang mờ dần trong bóng tối đang phủ xuống. Bên đường, ai đó đang mở nhạc, có câu hát khiến tôi chú ý lắng nghe:

" Chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà....

…Nếu mai sau về, cũng trên chuyến tàu hoàng hôn".

(Chuyến tùa hoàng hôn – Minh Kỳ - Hoài Linh)

Không biết có ai đã từng ra đi và trở về đều trên chuyến tàu hoàng hôn, tím buồn man mác như vậy. Chỉ có nhà ga xép khiêm nhường kia mới biết được đã có bao nhiêu chuyến tàu chạy qua, có bao nhiêu cuộc chia ly trên sân ga. Chỉ có những con tàu mới biết đã có bao nhiêu hành khách đã lên và xuống tàu. Nhưng chỉ biết rằng mỗi lần chia tay và mỗi lần trở về cùng thời gian là trọn một vòng tròn khép kín thời gian của buồn – vui, của của chu trình của đi – về. Hãy đi và trở về trên cùng một chuyến tàu hoàng hôn để cho TRỌN VẸN thời gian những người thân yêu phải sống xa nhau.

ĐƯỜNG CHIỀU - Nhạc và lời: Phạm Việt Long, Biểu diễn: Hiền Anh

Theo Chuyện Làng quê