Dịp cuối năm, khi gió mùa khô lồng lộng thổi, nắng vàng ươm thì cũng là lúc người ta thu hoạch kiệu. No nắng, đủ mưa nên củ kiệu vừa kịp già đúng độ làm dưa. Từ ruộng, kiệu theo chân người nông dân lên đường về nhà rồi theo tàu xe xuôi ngược lên rừng xuống bể; từ góc phố thị thành đến chợ chốn thôn quê, đâu đâu kiệu cũng có mặt. Kiệu mua về được cắt bớt rễ, rồi ngâm nước tro cả đêm cho bớt vị hăng nồng. Tây Nguyên đang mùa khô nên kiệu chỉ cần phơi cỡ hai ngày là bớt nước, se vỏ. Lách khéo léo lưỡi dao, mẹ tỉa hoa lá đám su hào, cà rốt, đu đủ rồi phơi cùng kiệu. Tối đến, mấy mẹ con bóc chút vỏ lụa của kiệu còn sót lại rồi cắt phần gốc và đầu kiệu cho sạch sẽ. Trộn đều các nguyên liệu, mẹ khéo léo xếp kiệu như một tác phẩm nghệ thuật vô hũ thủy tinh, rồi nấu mắm đường, bột ngọt chờ thiệt nguội đổ lên trên. Gài vài cái nan tre cho kiệu khỏi nổi lên mặt mắm, cả nhà chờ dăm ba ngày kiệu thấm là ăn được.
Có thể muối chua hoặc mặn ngọt nhưng nhiều người lại thích loại dưa kiệu có vị mặn ngọt vừa phải, ngon mà giòn. Củ kiệu màu trắng, nhìn giống củ hành nhưng thon gọn và nhỏ xinh hơn nhiều. Ngày tết, dưa kiệu ăn kèm heo quay hay bánh tét là món khoái khẩu của nhiều người. Đĩa dưa có màu trắng của kiệu, màu vàng đậm của cà rốt, màu xám của su hào được cắt tỉa cầu kì vừa đẹp mắt vừa ngon miệng. Dưa kiệu như một món khai vị, khơi gợi cả thị giác, vị giác, khứu giác và cả thính giác chờ người thưởng thức. Gắp một miếng kiệu cho vào miệng, tiếng nhai nghe giòn sần sật, vị thơm tan trong miệng, nuốt xong rồi cả nhà gật gù ra chiều khẩu phục, tâm phục sự khéo tay của người phụ nữ trong gia đình.
Một món lai rai ngày tết của phái mạnh cũng có phần góp mặt của kiệu, đó là uống bia rồi nhấm nháp kiệu ăn kèm tôm khô. Nâng ly bia mời bạn đến nhà chúc tết, rồi cùng gắp củ kiệu giòn thơm trắng nhỏ cỡ ngón tay út của em bé lên ba, có chút mằn mặn của mắm, chút ngòn ngọt của đường nhai cùng miếng tôm khô cong cong đỏ hồng; người chồng ngầm tự hào với bạn về sự khéo tay của vợ. Bởi đó là sự kết hợp tuyệt vời của vị thơm, dai, giòn và béo ngậy mà đã ăn một lần chắc không ai có thể nào quên.
Phương Nam đầy nắng và gió, cái nóng của mùa khô khiến món bánh tét ăn nhiều dễ ngán và hơi nặng bụng. Ấy vậy mà xắn miếng bánh tét dẻo thơm có chút tiêu cay nhẹ, lát ba chỉ chín rục và nhân đậu vàng ươm ăn cùng dưa kiệu, ta thấy cái chất nếp béo ngấm mỡ heo ngây ngấy biến đâu mất, mà vị ngon cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi...
Từ bàn tay vén khéo, với cả sự tảo tần yêu thương chăm chút của mẹ của bà gởi vào món ăn bình dân; dưa kiệu không chỉ là món giòn ngon, đẹp mắt mà thơm vị đồng đất nắng gió mùa màng trong mâm cơm tết mà còn là kí ức đẹp của mỗi người con xa nhà khi tết đến xuân về.
Mâm cơm chiều nay của nhà bạn có thêm dĩa dưa kiệu muối chưa ....
Tháng 1/2022 - QH
Chuyện làng quê