Nó, con bé chuyên ống quần thấp, ống quần cao, lúc nào cũng vào lớp muộn nhất, về thì ra sớm nhất, nhanh nhất, đã được chén một bữa cơm như vậy.
Hôm đấy, thầy chủ nhiệm cho cả lớp nghỉ tiết cuối, nó chạy bay về nhà, khoác vội cái áo rách vào, dặn với mẹ:
- Mẹ ơi ! Con đi vác nốt bó nứa về rồi ăn cơm ạ.
Mẹ nó chưa kịp nhìn lên thì nó đã biến mất dạng.
Hối hả lên đến nơi, thì ôi thôi, bụi nứa nó chặt sớm nay để nắng lên héo đi, vác cho nhẹ đã bị ai róc cành, lấy hết.
Tiếc đứt ruột, để chặt được bụi nứa này nó đã nhắm từ chiều qua, khi các bạn đi rừng cùng nó về hết, nó chốt mấy cây lá xung quanh lấy lối vào, để sớm nay, khi gà gáy canh tư nó vác dao chạy lên rừng, chặt một mạch, khi ông mặt trời hơi ửng lên là nó chạy về, lau qua mặt mũi rồi phi đến lớp.
Thầy giáo cau mày nhìn nó khi hai tiếng: “Em chào thầy ạ!” từ hai cửa hầm lớp học vang lên.
Thì ra không chỉ có nó, mà cả thằng Huy cũng đi muộn.
- Hai cô, cậu đi bắt lợn ở đâu về đấy.
Giật mình, đứng im, nó nhìn xuống, hai ống quần xắn móng lợn* còn y nguyên, nó nhìn sang phía bên kia, Huy cũng vậy.
Sau này nó được biết, nó sướng hơn Huy nhiều, Huy là con nuôi, nhưng thực chất là đứa ở, vì lúc đầu nhà họ không có con, xin được Huy tận đâu, hay ai bỏ đỏ hỏn về nuôi. Rồi họ sinh tới tận 7 đứa, vậy là Huy nghiễm nhiên thành thừa, thành đứa làm mọi việc, dù được đi học là do Huy hứa Chu toàn mọi việc và tự lo ...
Lớp 7 rồi mà hai đứa nó vẫn còi nhất lớp. Tiếc của, tiếc công, nó cố bòn các bụi nứa xung quanh, gom đủ vác, rồi về. Trưa muộn, nó mới về đến nhà, mẹ nó ra tận đường ngó:
- Sao con về muộn thế?
Nó kể cho mẹ nghe chuyện rồi đi rửa mặt, mũi, tay, chân. mẹ nó ngập ngừng bảo:
- Hôm nay, các em con, chúng nó ăn khoẻ quá, hết sạch cơm, mẹ nấu cho con, nhưng chưa kịp nấu rau.
Nó đang đói, nên bảo:
- không sao đâu mẹ, con hái húng dũi, chấm mắm cua muối, ăn cơm nóng là được ạ.
Mẹ nó bê nồi cơm ra, mùi cơm gạo mới thơm nức mũi.
Nó vẩy vẩy mấy cây rau húng cho ráo nước, ngồi xuống mâm, mẹ nó đã múc bát nước mắm cua sẵn cùng bát đũa.
Nó xới cơm mời mẹ rồi ăn hối hả.
Từ ngày sơ tán về đây, bố con nó đi khai hoang được mấy mảnh nương để gieo lúa, nó lại nhận thêm làm gạo cho mậu dịch( họ đưa thóc cho dân xay, xát cho họ, toàn bằng cối tay nhé, cứ mười kg thóc, trả bẩy hoặc sáu kg rưỡi gạo, tùy theo loại thóc). Nên thì thoảng thứ bẩy, chủ nhật, mẹ lại cho chúng ăn một bữa cơm trắng. Nhưng hôm nay chắc là ngoại lệ, bố nó và các em đi vắng hết.
Ăn hối hả xong, nhìn nó vét nốt miếng cháy mẹ nó tủm tìm cười rồi hỏi:
- No chưa con?
Nó đứng dậy, xoa xoa bụng rồi trả lời:
- Hơi no no mẹ ạ.
Mẹ cười rồi bảo:
- Cha bố chị, tám lạng gạo của tôi đấy:
Nó tròn xoe mắt:
- Tám lạng gạo?
Trời ạ, nó ăn khoẻ quá, ăn bằng cả nhà nó, vì mẹ nó dặn nó hôm nào nấu cơm, đong hai đấu** , thêm một nắm nhé.
Thảo nào, mẹ ngồi nhìn nó ăn mà cứ tủm tỉm cười???
Hơn năm mươi năm qua rồi, trong tâm trí nó, bữa cơm hơi no no của nó như một huyền thoại của tuổi bẻ gẫy sừng trâu không bao giờ phai nhạt.
Thi thoảng nó lại kể cho lũ bạn đồng niên, cho lũ cháu choai choai để được cười nghiêng ngả, pha một chút nghẹn ngào, cay cay nơi khoé mắt, nhớ về mẹ, người chỉ biết nhịn nhường, chăm chút cho con, mà chưa một lần mong báo đáp.Mẹ đã bỏ chị em nó về miền cực lạc hơn ba mươi năm rồi, khi cuộc sống thời bao cấp còn đầy thiếu thốn, khó khăn.
* Gấp chéo hai bên ống quần vào giữa rồi săn lên, ống quần không tuột xuống mà rất chắc.
** Ống đong gạo làm hơi loe trên thường đựng được tám lạng, hoặc một kg, có nơi làm bằng gỗ còn chư yếu băng sắt tây.
Theo Chuyện quê