link tải gowin99 mới nhất

Đón anh về quê hương

Miền Trung nơi khí hậu khắc nghiệt, ở một làng quê nghèo, cha mẹ sinh ra được bốn anh em. Anh là con cả, dưới còn ba người em trai.
que-huong-1643860113.jpg

Chiến tranh ngày càng gay go ác liệt, giặc Mỹ hiếu chiến và tỏ rõ sự hung hãn.  Tất cả cho tiền tuyến, hậu phương chắt chiu  từng hạt thóc củ khoai cùng những người trai hiền lành chỉ quen cầm bút và cày cuốc. Anh cùng các bạn hăng hái nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông, đất nước;  để lại tình thương và niềm tin chiến thắng cho gia đình và người vợ hiền dịu lúc ấy mới có thai ba tháng.

       Đi bộ đội thỉnh thoảng anh có gửi thư về cho cha mẹ, các em và cho chị, người vợ mới cưới...

Lần ấy, lâu lâu không thấy anh thư từ gì về và cũng không thấy tin tức gì, một đêm trong giấc ngủ trằn trọc  mẹ chập chờn thấy anh về với bộ quân phục đã cũ. Anh chẳng nói năng gì với nét mặt buồn buồn. Tỉnh dậy, không khỏi băn khoăn, linh cảm của người mẹ, mẹ  lên Huyện đội hỏi thì mới hay tin anh đã hy sinh  nhưng ngày tháng mất và nơi chôn cất thì không rõ. Năm đó, 1966.

         Ba người em trai lần lượt lên đường nhập ngũ và trở về trong vòng tay của mẹ trong ngày đất nước thống nhất ( cha anh đã mất vì bạo bệnh). Các anh đều đã có gia đình riêng và ổn định công việc nhưng mọi người đều canh cánh trong lòng mong mỏi được tìm thấy anh, đưa anh về với quê hương. Ngày ấy, mẹ đã khóc thật nhiều. Vợ anh, chị đã âm thầm khóc bao đêm thương cho anh và cuộc đời của mình, hạnh phúc đến với chị thật ngắn ngủi! Mẹ khuyên chị đi bước nữa nhưng chị thương mẹ, lòng vẫn còn nặng tình với anh lắm, nguyện ở lại chăm sóc mẹ già.

        Cho đến một ngày, anh con trai thứ hai của mẹ trong một đêm ngủ mơ gặp được anh Cả của mình. Anh Cả nói rất rõ ràng, từng lời, từng chữ:

-Anh đã hy sinh ở đồi 405 Vĩnh Linh. Các em hãy mau vào đón anh về!

 Cũng không rõ nguồn tin của giấc mơ có đúng không nhưng mong mỏi đưa anh về với quê hương nên dù chỉ là thông tin mỏng manh, ba anh em cũng nhất quyết  thu xếp công việc cơ quan và gia đình lên kế hoạch tìm kiếm anh.

        Kế hoạch lên đường tìm kiếm mộ anh Cả đã được cả nhà nhất trí. Thời gian cũng đã định rồi, phải đi ngay vì trong giấc mơ anh Cả cũng có giục mau vào đón anh. Thời điểm đó, anh hy sinh cũng đã được 30 năm. Anh Hai có một cô con gái mới 12 tuổi. Có một điều lạ, cô bé cứ nằng nặc đòi theo bố và các chú đi tìm bác. Anh đành cho con đi, không ngờ cô bé sẽ  là cầu nối duyên giữa người trần với thế giới tâm linh.

        Mọi người ngỡ ngàng khi thông tin tưởng là mơ hồ kia không ngờ là có thật. Trên bản đồ quân sự của Thị đội, nơi họ đến trình bày và xin phép giúp đỡ có một địa điểm được đánh dấu, xưa kia nó là ngọn đồi 405, cách đó 70 cây số.

        Cuộc tìm kiếm được bắt đầu với những ngày trên đường đồi hoang vu. Khi còn cách khoảng dăm cây số thì đến điểm đánh dấu là đồi 405, trời đã chuyển về chiều, những ngọn nắng đã yếu ớt. Mọi người bàn nhau dừng chân ăn tạm  lót dạ và phân công chặt cành cây quây chỗ nghỉ qua đêm, sáng mai đi tiếp. Đúng lúc đó, cô bé 12 tuổi con của anh Hai vừa chạy đi, vừa gọi với lại :

- Các em ơi hãy theo anh .

Mọi người kinh ngạc vì cô bé con gọi mọi người là " các em ". Bố đẻ nó và hai người chú còn kinh ngạc hơn vì giọng nói không phải của con trẻ, nghe lạ lắm phát ra từ miệng cô bé. Tuy vậy, họ cũng lập tức chạy theo. Nó chạy rõ nhanh, họ chạy theo thở hổn hển mới bắt kịp.

- Không thể chậm được các em ơi. Nhanh chân lên! Các em phải làm xong ngay đêm nay, anh sẽ hướng dẫn.

       Mọi người chạy kịp lại gần cô bé, lên tới đỉnh ngọn đồi. Trước mắt họ là ba ngôi mộ. Họ đưa mắt nhìn, xót xa trong lòng. Mưa nắng, gió bão, thời tiết khắc nghiệt cùng với năm tháng đã bào mòn những ngôi mộ. Cô bé chỉ vào một trong ba ngôi mộ đã trơ lớp sỏi đá :

- Anh nằm đây. Các em đào nhanh lên đi!

Họ đào bới một lúc thì cô bé hối hả:

-  Đã tới xương cốt rồi, các em nhặt đi!

- Sao ít thế anh ơi

Giọng nói lạ xót xa thốt ra từ miệng cô cháu gái:

- Anh chết vì trúng bom, xương cốt không còn là bao. Các em gói lại rồi ra về. Tối quá rồi!

        Trong đêm hôm đó, họ trở về ngay thị trấn Vĩnh Linh. Cuộc trò chuyện của những người đàn ông nở như ngô rang. Họ vui mừng vì đã mang được nắm xương của anh trai về với mẹ già. Mẹ đã bao đêm ngóng trông con trở về. Cháu bé trên xe vẫn là hiện thân của anh Cả. Anh em hội ngộ vui và cảm động, chuyện trò không dứt. Anh Cả lo lắng cho sức khỏe của mẹ, cứ hỏi thăm mẹ suốt. Còn một người anh không nói tới nhưng trong tâm thức, anh luôn nhớ nhung khôn nguôi. Anh Hai đã gọi điện về nhà, báo cho mọi người để chuẩn bị làm lễ long trọng đón di hài anh Cả về với quê hương. Một lúc lâu sau, cô bé đã trở lại bình thường và không nhớ mọi chuyện đã xảy ra.

       Buổi lễ đón tiếp di hài anh Cả trở về được chính quyền xã, Hội Cựu chiến binh tổ chức rất long trọng, thật sự xúc động. Họ hàng, bà con trong xã đến dự rất đông.

      Trước đông đủ mọi người, trong làn khói hương mỏng manh, đột nhiên cháu bé con anh Hai đứng dậy. Cô bé vừa nói, vừa khóc, giọng lạ :

- Thưa bà con cô bác, thưa mẹ và các em lẽ ra con được trở về lâu rồi. Con đã mong đợi ngày này...

Rồi cô bé cầm lấy tay cha của mình( tức là anh Hai) mà rằng :

-  Lúc anh lên đường, em mới có sáu, bảy tuổi. Em níu áo đòi anh mua kẹo cho khi anh đi về, em có còn nhớ ?!

Anh Hai nghẹn ngào:

- Thôi anh đừng khóc nữa! Anh cho chúng em biết anh mất ngày nào để còn làm giỗ.

- Anh mất 9 giờ sáng ngày 9 tháng 2 năm 1966.

À, hãy cho anh gặp người vợ ngày ấy của anh!

       Chị vợ anh cũng có mặt lẫn trong đám đông. Chị đứng phía sau những người họ hàng và đang nức nở, không kìm được.

Cô bé nói tiếp:

- Đó là người phụ nữ sau khi chồng lên đường ra mặt trận đã sinh cho anh một đứa con  nhưng thằng bé không nuôi được. Người vợ ấy vẫn một lòng chờ đợi, nay đã ở tuổi 55.

Cô bé lại gần đám đông và cầm lấy tay chị rồi nói:

- Anh đã viết rất nhiều thư cho em, em có nhận được không?

- Dạ, có

-  Bài thơ anh gửi Tết năm 1965, em có còn thuộc?

- Đã mấy chục năm trôi qua, em luôn dành thời gian để nhớ tới anh thôi.

- Vậy thì em thương yêu, hãy để anh đọc lại bài thơ.

Cháu bé đọc lại bài thơ ngày xưa anh gửi cho chị trong tiếng khóc nghẹn. Vợ anh, chị cũng nức nở. Mọi người chứng kiến không cầm được nước mắt.

Bài thơ ý đây:

         Đêm giao thừa

         Đón xuân trên trận địa

         Anh gửi lại tình thương

         Chút tình ở chốn tiền phương

         Chẳng có gì cho em

         Mặn mà tình nghĩa truân chuyên

         Mong em giữ trọn lời nguyền trăm năm...

        Cuối cùng cô bé nhận xét: Trong gia đình nhà ta, các chị em dâu hay có lời to, tiếng nhỏ cãi cọ lẫn nhau. Các em có thương mẹ và anh thì nên đóng cửa bảo nhau, nghĩ đến hạnh phúc lâu dài...

Cô bé lặng người đi một hồi lâu, sau đó trở lại trạng thái như người vừa qua một giấc ngủ...

        Câu chuyện trên là có thật. Chuyện xảy ra với gia đình nhà họ. Người liệt sỹ đã trở về quẻ hương là anh Nguyễn Văn Tự. Anh Hai trong truyện tên là Nguyễn Văn Phùng, ở tại xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.  Cháu gái được người bác liệt sỹ nhập vào tên là Nguyễn Thị Hằng. Bác trai hy sinh cách đấy 30 năm nhập vào cháu gái 12 tuổi( tức là cháu được sinh ra khi bác mất đã khá lâu), chứng tỏ sợi dây duyên giữa những người trong gia đình gắn kết rất chặt chẽ.

      Thế giới tâm linh thật kỳ diệu! Qua 30 năm dù âm dương cách biệt nhưng tình thân gia đình đã kết nối họ lại với nhau; mẹ con, anh em, chồng vợ sum họp, lưu truyền một câu chuyện xúc động lòng người.

Trái Tim Người Lính