link tải gowin99 mới nhất

Đọc thơ - Nhớ người "xa vắng"

“ XA VẮNG “ bài thơ của anh do Giáo sư , Tiến sĩ khoa học Xuân Đào – con trai Cụ Nguyễn Tuân - phổ nhạc , ghi âm .

Lâu lắm , anh " lặn “ đâu mất trên chiếu làng thi nhân ?

dt2-1622367257.jpg
 Đôi mắt thi nhân

Nhà báo, nhà thơ Vũ Duy Thông, tôi thân anh từ thuở anh mới vào nghề viết baó . Bài thơ “ Từ góc phố này “ – một cậu bé đã sống với xiết bao kỷ niệm thân thương … rất rất tuổi học trò , đăng tải trên Báo Văn Nghệ . Rồi đến bài thơ “ Bè xuôi Sông La “ của anh , giải thưởng thơ Hội Nhà Văn VN [ hay báo Văn nghệ tôi cũng không nhớ rõ ] - cái hồi anh mới vào nghề , phóng viên VNTTX thường trú tại Hà Tĩnh . Bài thơ đã đi vào giáo khoa - ngợi ca vẻ đẹp giàu của “rừng vàng biển bạc “ nước ta với tên từng loài gỗ quý .

Qua mấy thập kỷ rồi tôi vẫn nhớ hai bài thơ ấy của anh . Với bạn bè trang lứa sinh viên mới rời ghế nhà trường thuở ấy , tên anh khá thân thuộc .

Cách nay có dễ gần hai năm tôi điện thăm anh , trong tiếng nói khàn khàn , anh bảo rằng bệt hông - xương khớp gì đó – đi lại khó khăn lắm … Định đến thăm anh mà lần lữa , chưa đến được .

Nhớ anh . Mấy hôm nay tôi đang đọc cuốn thơ “ CON BỒ CÂU THA ĐI MỘT CỌNG CỎ " của anh .

&

Tôi đọc đi đọc lại mấy bài có tứ thơ , câu thơ lạ : Làn mây tháng giêng . Nghe cu gù trong thành phố . Cây chim về làm tổ . Dây mồng tơi Hoàng thành . Cây lộc vừng hoa trắng . Đồi hoang . Cỏ mọc . Mưa .Ý nghĩ ngày thu ….

Mỗi câu thơ dường như có sợi tơ nối liền nỗi niềm tâm tư với ngoại cảnh ; tinh tế , non tơ và đa cảm .

“ THÁNG GIÊNG ngon như cặp môi gần “ – Xuân Diệu – khi đang yêu . Còn anh , Vũ Duy Thông :

“ Làn mây THÁNG GIÊNG như có gì muốn nói …

Giêng , ngày rộng tháng dài . Buồn , lẻ loi :

Chỉ một người ngồi đếm lá rơi …

Đếm thời gian lọt kẽ tay …

Xin em đừng khóc

Chiều nay vẫn còn một người nấn ná

Đợi nghe làn mây tháng giêng đang muốn nói gì

“ Mùa đông “ – Trang 56

: Cây bằng lăng giơ lên trời chùm quả khô

và thân cành khô khẳng

Cây không lá bầu trời hoang vắng

Cây bàng , cây phượng vĩ u buồn ….

……………………

Hoa nở cô đơn

Mùa đông và mùa xuân ngoài cửa cài then …

Thì ra người buồn , cảnh cũng buồn !

Trưa , trong thành phố nghe tiếng chim gù …Xa vắng và bất chợt . Gợi nhớ những cánh đồng :

Lúa chín vàng cành tre đung đưa gió hè …

Anh thương con chim :

Nó gáy vì chiếc lồng quá chật hẹp , vì nắng nóng ngột ngạt …

Nhà thơ tự hỏi :

Hay một nỗi niềm nào đó trong ký ức ?

Thế là nỗi buồn cứ nhè nhẹ dâng lên với biêt bao “ bất chợt “ :

Bất chợt nhìn qua cửa sổ một chiếc lá rơi …

Chạm ô cửa , chiếc lá bay vèo

Tôi bâng khuâng nhìn theo …

…buồn xấm xót

Buổi trưa , nghe tiêng cười nhà ai

Vọng qua bê tông sắt thép, những ngõ hẹp

Tan trong mây trời

Không biết có tôi và không dành cho tôi

Đang hờn ghen vô lý nhưng có thực

Không có mình người ta vẫn hạnh phúc

Nhà thơ tự bạch :

Tôi ngồi nghĩ vẩn vơ và bật khóc

Anh tự nhủ :

Mình cần biết bao những nơi mình vắng mặt

Nghĩa là nén lại những “ hờn ghen vô lý “ , tìm niềm vui trong sự nghiệp . Tôi đoán vậy?

&

Mỗi chúng ta ai mà chẳng vấn vương với quê mình từ tuổi thơ cho đến bạc đầu , về cõi . Ông thầy của tôi , nhà triết học Trần Đức Thảo trước giờ lâm chung , giữa kinh thành Paris hoa lệ , ông trối –trăn được về an nghỉ với các bậc tiền nhân ở làng Châu Khê –Từ Sơn –Kinh Bắc .

Trong tập thơ “ Con bồ câu tha đi một cọng cỏ “ Vũ Duy Thông có nhiều bài thơ trăn trở yêu thương làng quê của mình thời xa vắng , Đông Anh –Đa Phúc : “ Làng tôi “ :

Tháng ba

Cái đói hiện ra

Trắng răng vàng mắt

Tháng mười

Chân nẻ toác

Máu thấm dõng cày

Đời nối đời rau lang

Đời nối đời khoai sắn …

Làng tôi

Có người mang hồn quê đi tứ xứ

Đứng khóc nửa đêm

Không nhớ lối về ….

Ấy là một vùng trung du nghèo :

Đồi hoang lăn lóc sỏi …

Chỉ có cỏ lau trắng

Lắt lay trong gió thổi …

Đồi hoang

Cào cào đập cánh sập sè

Chuồn chuồn bay vu vơ ,,,

Làng tôi có năm rất nhiều người chết đói

Những người sống khiêng người chết lên đỉnh đồi

Trong hoang hôn tím tái

Bất ngờ bìm bịp kêu

bờ bụi

chỉ có cóc kèn và cỏ gai

Ấy là dòng sông chết :

Nơi sông xưa giờ là đất

Giờ là cát

Là con đường im mát

Bình yên những trưa hè

Con đường sớm tối em đi

Nón lá nghiêng che …

Dòng sông ấy mùa lũ còn hoài vọng trong anh nỗi buồn man mác :

Cánh cò mặt nước tím sẫm buổi chiều

Con thuyền cô liêu

Chim trong xa ngái

Bến khuya ai lội

Bì bõm nước dòng

Bim bịp thảng thốt ngoài sông …

Đã đi góc bể chân trời , Vũ Duy Thông nặng lòng với chốn quê nghèo miềm trung du thời xa vắng. .. Không đồi cọ rừng chè mà chỉ là những dãy đồi hoang cỏ dại , dân nghèo tha hương tứ xứ . Quê ngoại tôi cũng trung du , càng gần dưới xuôi càng lắm đồi trọc bạc màu nên tôi rất thấm thía những cảnh-tình trong thơ anh .

&

Có ba CHỮ NHÂN trong hai bài thơ : “ Con bồ câu tha đi một cọng cỏ “ và “ Cây chim về làm tổ " .

NHÂN BẢN – NHÂN SINH – NHÂN QUẢ !

Trước mặt , con bồ câu

Tha đi một cọng cỏ …

Phải rất nhiều cỏ khô mới thành chiếc tổ

Thành chiếc tổ mới có cuộc trở dạ

Có cuộc trở dạ mới có tuổi thơ ,,,

Con bồ câu

Tha đi một cọng cỏ

Cho một cuộc trở dạ

Và cho một mùa đông sắp về …

Ôi ! Phải vậy thay , quy luật muôn đời của tình yêu , sức sống , sinh nở , mái ấm gia đình !

Và , một bài thơ khác “ Cây chim về làm tổ “ . Tôi cứ hình dung thi sĩ Vũ Duy Thông đứng trước cây có con chim về làm tổ , mắt lim dim trầm ngâm :

Không biết vì sao giữa ngàn cây

Cây ấy chim lại về làm tổ

Phải chăng ngày xưa có ai đã dừng chân

Đỡ cây dậy sau dập vùi bão tố

Với niềm tin cây sẽ lại xanh non …

Cây hay người đây , tôi-bạn đọc – tự hỏi : Ai đây ? Tôi đọc tiếp …

Thi sĩ dồn dập tự hỏi “ Không biết vì sao ? “ và tự trả lời “ Phải chăng … “ . Cây ấy từng cho trái ngọt nuôi kẻ đói , từng tòa hương thơm cho người lạc lối, từng nảy lộc soi đường cho người phân vân trước ngã rẽ cuộc đời . Dưới gốc cây ấy , em từng đứng chờ anh

“ Tình yêu giữ lại tuổi xuân như cánh ong giữ mật “

Và , hai câu cuối bài thơ như một triết lý :

Điều không biết ấy làm nên cuộc đời ,

làm nên rừng xanh

Và tình yêu chúng mình …

Con bồ câu tha từng cọng cỏ về kết tổ , chuẩn bi trở dạ sinh nở , chống cái lạnh giá mùa đông … Một cây trong ngàn cây được chim về làm tổ … khiến lòng ta dịu mềm , yên ả giữa cuộc sống bon chen , xô bồ …Phải vậy không bạn nhỉ ?

Không hiểu sao , đọc thơ anh trong tập thơ “ Con bồ câu tha đi một cọng cỏ “ tôi cứ liên tưởng tới hai nhà thơ Nga Mai-a và Ép –tu [ Mai-a- cốp-ski , Ep-tu-sen-cô ]- đương nhiên mọi so sánh đều khập khiễng – Thơ không vần , không dễ đọc , nhịp điệu gập gềnh nhưng ý thơ sâu sắc ; có khi ngập ngừng , ngỡ ngàng … lời thơ gợi cảm , thi vị … dẫn dòng suy tưởng của tôi vào góc nhìn nhân bản ; nhìn chim , nhìn cây mà thấy thêm cái lẽ CHÂN THIỆN MỸ ở đời .

Anh ! Vũ Duy Thông , một trong mấy đồng nghiệp của tôi " công thành danh toại “ cả trong làng báo lẫn làng văn .

Phóng sự điều tra của anh về “ Ngành than trước ngưỡng báo động “ từng gây chấn động dư luận một thời . Giải thơ Văn nghệ khi tuổi đời còn còn rất trẻ, mới bước chân vào nghề báo .

Mấy cái ghế anh ngồi đủ “ oách “ : Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ VN [ Hội Liên hiệp Văn nghệ VN ] một thời gian rồi bảo vệ luận án Tến sĩ Mỹ học [1996] , Phó giáo sư Văn học [ 2003 ] , nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí –Ban Tuyên huấn TƯ , Phó TBT Báo Điên tử của TƯ Đảng .

Vũ Duy ơi ! Tuổi U80 , đồng môn của anh , một số bút lực còn dồi dào , còn sức sáng tạo . Chúc anh bình phục để có thêm ‘ tơ vàng’ , “ mật ngọt “ cho đời !

Xin mượn câu thơ anh , kết bài viết này :

“ Mình cần biết bao những nơi mình vắng mặt “ { Trong bài thơ “ Nghe cu gù trong thành phố “ }.

( Trích “ Nguyễn Văn Trường tự sự " )