Đầu tháng 4/1971, sau khi tôi bị thương nặng trên đường chuyển ra miền Bắc, sợ tôi không qua khỏi do đường quá khó, anh em tải thương ô tô buộc phải đặt tôi lại nơi giao nhau của tuyến giao liên bộ và đường chiến lược 29 ở một khu rừng tây Quảng Trị. Đang đêm, quá may mắn có một đoàn cán bộ Dân Chính Đảng từ miền Nam ra miền Bắc. Họ nhìn thấy tôi đang hôn mê trên võng bên gốc cây vệ đường và đã thay nhau cáng soi đèn pin tìm cơ sở quân y cách đó hơn 1 tiếng đồng hồ. ( Việc này mãi tới sáng ngày hôm sau, khi qua cơn hôn mê, tôi mới được nghe kể lại. Bàn giao xong cho đội Điều trị, đoàn cán bộ lại tiếp tục lên đường ).
Tiếp nhận tôi trong khi đang hôn mê, Bác sĩ và anh chị em đã tiến hành cấp cứu, điều trị. Mấy ngày sau tôi mới biết, đây là một Đội Điều trị dã chiến của Đoàn 559. Người trực tiếp cấp cứu, điều trị cho tôi là Bác sĩ Lợi. Trong Đội Điều trị còn có anh Thơm quân y sĩ quê Nghi Lộc ( Nghệ An ) và cô Y tá tên là Huệ. Điều trị qua cơn cấp cứu, sức khoẻ tạm ổn định, các anh tiếp tục cho cáng thương chuyển tôi ra miền Bắc. Ngày 19/5/1971, ô tô cứu thương đưa tôi về đến Quân y viện 108. Và, sau 3 tháng tôi được chữa lành vết thương, trở về đội ngũ.
Ngần ấy năm sau chiến tranh, tôi đã tìm gặp được nhiều đồng đội và cũng đã đến thăm nhiều gia đình của các đồng đội cùng đơn vị chiến đấu đã hy sinh. Duy chỉ Bs Lợi - người cấp cứu cho tôi - là chưa tìm được. Tôi kiên trì hỏi thăm, tìm hiểu từ nhiều nguồn, cố tìm bằng được.
Tôi đã hỏi thăm qua Trung tướng Nguyễn Văn Thảo năm nay hơn 90 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Quân y TCHC, nguyên Trưởng phòng Quân y BTL 559 trong kc chống Mỹ; hỏi thăm các anh từng là cán bộ của BTL 559 : Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Đại tá Hà Văn Sỹ, Đại tá Trình Tường, ... và chị Lê Thu Huệ. Hễ ai có liên quan đến BTL 559 là tôi hỏi.
Tìm hiểu, xác minh qua nhiều người, cuối cùng may mắn là tôi đã tìm ra Bs Lợi phụ trách Đội Điều trị 7, Binh trạm 29 thuộc BTL 559. Hiện, cư trú tại nhà Số 7 ngõ 139 phố Nguyễn Thái Học ( Hà Nội ).
Đã gọi điện thoại trước, theo hẹn, sáng nay, 28/11/2021, tôi cùng chị Lê Thị Huệ đã tìm đến nhà Bs Lợi.
Tròn nửa thế kỷ, tôi mừng mừng tủi tủi khi gặp được một trong những người đã cứu sống mình khi thập tử nhất sinh. Dĩ nhiên là, tôi kể lại sự tình thì Bs Lợi mới hình dung ra được. Bởi, trong chiến tranh có rất nhiều thương binh đã được anh cứu chữa. Anh không tài nào nhớ hết. Mặc dù thời gian xa cách đã quá lâu, nhưng tôi vẫn nhận ra anh với dáng người tầm thước, ánh mắt và gương mặt lành hiền.
Trò chuyện thân thiết bên nhau, tôi biết thêm rằng: Tên đầy đủ của anh là Nguyễn Mạnh Lợi, sinh năm 1947, người Hà Nội gốc, vào chiến trường Trường Sơn sớm, lúc đầu là Y sĩ ngoại khoa, sau đó được cử đi học chuyên tu Bác sĩ, công tác ở Đội Điều trị 7. Sau chiến tranh chống Mỹ, anh về công tác ở Trung đoàn 15, Binh trạm 12. Tiếp đó, chuyển về làm Bệnh xá trưởng Quân khu Thủ đô. Anh nghỉ hưu năm 2001 với bậc quân hàm Thượng tá. Vợ anh là chị Đậu Thị Huân cùng sinh năm 1947, quê ở Thạch Mỹ ( Thạch Hà, Hà Tĩnh ), vốn là Y tá, rồi Y sĩ cùng đơn vị với anh. Anh chị cưới nhau từ cuối năm 1971. Sau ngày giải phóng miền Nam, chị chuyển ngành về Cục Người Có Công thuộc Bộ Lao động - TB & XH, rồi nghỉ hưu. Hiện, anh chị có 2 con, 3 cháu. Con trai đầu tên là Nguyễn Mạnh Hà sinh năm 1972.
Sáng mùa đông trời dịu mát, trong căn phòng nhỏ, chúng tôi gồm bốn CCB đều trên 70 tuổi ngồi bên nhau chuyện trò ôn lại kỷ niệm một thời thanh xuân hoa lửa.
Phần tôi, dẫu cấp cứu & điều trị ở Đội Điều trị chỉ mấy ngày thôi, nhưng trọn đời tôi không bao giờ quên trách nhiệm & tình nghĩa mà các anh chị đã dành cho tôi trong thời khắc mong manh sinh tử.
Người xưa dạy : “ Thi ân bất cầu báo/ Thụ ân bất khả vong “ ( Nghĩa là: Giúp ai điều gì thì chẳng nên mong báo đáp . Được ai giúp điều gì thì không bao giờ được quên ).
Hôm nay tôi vui mừng đã làm được điều mong ước bấy lâu của mình!
Theo Trái tim người lính