Điều dưỡng, góc nhìn về sự tận tụy
Khi nói đến người thầy thuốc, người ta luôn nghĩ về các bác sĩ. Nhưng, để cứu chữa, chăm sóc cho một bệnh nhân thì vai trò của người điều dưỡng, y tá vô cùng quan trọng. Và với ngành y tế hiện đại, thì y tá đã không còn nữa, thay vào đó là điều dưỡng – người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân, thực hiện các y lệnh theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.
Nghề y, một nghề đã có từ lâu đời và bao gồm các bác sĩ (những người khám, chữa bệnh theo phương pháp hiện đại – Tây y) và cả các lương y (chữa bệnh theo phương thức cổ truyền – Đông y) thăm khám, điều trị, cứu chữa bệnh nhân đều được người đời ghi nhận với danh xưng “thầy” chứa đầy sự tôn kính.
Ai cũng biết hành nghề y là một công việc mang đầy tính rủi ro với nghề nghiệp, nhưng cũng là một công việc, một nghề nghiệp mang đậm tính nhân văn, sự yêu thương lớn hơn mọi thứ. Có hạnh phúc nào hơn khi một người hành nghề y chứng kiến người bệnh của mình được khỏe mạnh do chính công sức, kiến thức và cả sự tận tụy của mình mang lại.
Và, để có được điều đó không thể không nhắc đến những người làm công việc điều dưỡng. Họ là những người tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày, hàng giờ. Họ là những người chắm sóc, băng bó và rửa từng vết thương, truyền từng bình dịch chuyền và tiêm từng mũi thuốc.
Với mục đích ghi nhận, tôn vinh và tri ân đối với những người thầy thuốc nhân ngày 27-2. Bài viết này xin giới thiệu những tâm sự của một điều dưỡng trưởng, một người với hơn 10 năm công tác để giúp bạn đọc có một cái nhìn, một góc nhìn sâu hơn về công việc, cũng như những khó khăn mà mỗi điều dưỡng phải đối mặt hàng ngày.
Tại Khoa Nội tiết của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, phóng viên đã được tiếp xúc với chị Trương Thị Quỳnh Trang - Điều dưỡng trưởng của Khoa.
Khi được hỏi về đặc thù của công việc, chị Quỳnh Trang cho biết: Chăm sóc một bệnh nhân luôn có những khó khăn nhất định, nhưng đối với những bệnh nhân của khoa nội tiết thì khó khăn hơn nhiều. Đây là một khoa mà bệnh nhân phần lớn là những người lớn tuổi với nhiều bệnh nền cùng một lúc. Khi được đưa vào viện thì tình trạng luôn ở diễn tiến nặng nên việc chăm sóc, điều trị vô cùng khó. Chưa nói đến tâm lý của người bệnh lớn tuổi thường hay khó tính, và cũng rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, chăm sóc cho những bệnh nhân ở đây, ngoài yếu tố chuyên môn cần phải kết hợp cả yếu tố tâm lý để người bệnh thấy được an ủi, được quan tâm và yêu thương.
Theo chị Quỳnh Trang, phần lớn, bệnh nhân khoa nội tiết là những người có bệnh mãn tính với tình trạng bệnh lý kéo dài qua nhiều năm. Do đó, bệnh nhân hay bị suy sụp, bi quan về sức khỏe của bản thân. Cũng có bệnh nhân vì lý do trên nên dẫn đến những chuyển biến tâm lý bất ngờ, đôi khi không chịu hợp tác trong công tác điều trị, và mỗi lần như thế thì người điều dưỡng lại phải dỗ dành, động viên để người bệnh lắng nghe và chịu hợp tác.
Ngoài ra, việc thực hiện chế độ ăn uống của bệnh nhân để đảm bảo hồi phục sức khỏe, vừa tránh tình trạng làm cho bệnh diễn tiến nặng thêm, thậm chí gây ra biến chứng cũng là một vấn đề. Đối với các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, và đã có những biến chứng nhất định buộc phải thực hiện chế độ ăn theo chỉ định của bác sĩ thì việc vệ sinh, chăm sóc các vết thương vô cùng quan trọng.
Ở tình trạng này, bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch nên vết thương (nếu có) rất dễ bị nhiễm trùng. Nên đòi hỏi người điều dưỡng của khoa phải cẩn thận, tỉ mỉ chăm sóc thật kỹ thì bệnh nhân mới khỏi, và thời gian chăm sóc điều trị cho một bệnh nhân như vậy phải mất từ 03 tuần đến một tháng.
Cũng vì thời gian nằm viện lâu ngày, nên bệnh nhân dễ cáu gắt, khó chìu. Nhưng trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với nghề mà bản thân đã chọn nên người điều dưỡng phải tập làm quen, chịu đựng và nhẫn nại để người bệnh được chăm sóc một cách tốt nhất.
Thậm chí, có những lúc phải đứng im để chờ cho bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đúng liều tránh tình trạng bệnh nhân vì buồn mà bỏ thuốc không chịu uống.
Bệnh tật mà, đâu có ai muốn. Vì vậy, là người trực tiếp trao đổi và chăm sóc bệnh nhân nên người điều dưỡng phải có sự lắng nghe, phải có sự động viên để bệnh nhân yên tâm điều trị. Đó cũng là một liệu pháp tâm lý giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe – chị Trang nói thêm.
Ai cũng biết, để khám bệnh, chẩn đoán rồi đưa ra một phác đồ điều trị đúng đắn giúp bệnh nhân mau hồi phục sức khỏe là công sức của các bác sĩ. Nhưng, để những phác đồ điều trị ấy, những y lệnh được thực hiện đúng và đầy đủ thì công sức của người điều dưỡng là không hề nhỏ.
Vì thế, bên cạnh những bác sĩ, phía sau những bệnh nhân là những người điều dưỡng. Những người với công việc hàng ngày, lặng thầm và bằng tất cả tình thần, trách nhiệm để giúp người bệnh vượt qua nỗi đau của bệnh tật!
NDHA