"Thủ đô gió ngàn" trên đỉnh đèo De trước ngọn núi Hồng kia đâu chỉ là sự tri ân, trả nghĩa (đền thờ Bác Hồ trên đỉnh đèo De là công trình của Thủ đô Hà Nội tặng "Thủ đô gió ngàn" nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) mà còn là lời đáp cho một câu hỏi: “Mình về mình có nhớ ta?” hay “Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng/ Phố đông còn nhớ bản làng/ Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng” …
Từ Hà Nội, chúng tôi theo cao tốc lên Thái Nguyên rồi rẽ trái đi qua huyện Phú Lương về Định Hoá để đến với Thủ đô gió ngàn của thời kháng chiến chống Pháp. Đường về huyện Định Hoá bây giờ so với hơn chục năm về trước đã được mở rộng và thảm nhựa khá đẹp khiến cho hành trình đưa học sinh về nguồn của chúng tôi khá thuận lợi. Những chuyến xe lăn bánh đều đều đưa thầy trò chúng tôi đi qua những đồng lúa, nương ngô; uốn lượn quanh co dưới những tán cọ, đồi chè thấp thoáng, ẩn hiện bên những triền núi, lưng đồi. Cứ thế, theo bánh xe bon bon, giữa bốn bề phong cảnh bát ngát một màu xanh mướt, chúng tôi thấy xứ chè hiện lên trong tầm mắt thật hữu tình. Đồi tiếp đồi, núi liền núi, mây chồng mây; chỉ trong chốc lát đèo De, núi Hồng - những địa danh lịch sử của Định Hoá trong thơ Tố Hữu: “Tin vui chiến thắng trăm miền/ Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về/ Vui từ Đồng Tháp, An Khê/ Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng” (Việt Bắc) được thuộc lòng thời còn đi học và từng vang lên trong những giờ giảng bỗng sừng sững hiện lên trước mắt khiến cho thầy trò ai nấy đều phấn khích, háo hức và hồi hộp, nhất là khi xe dừng bánh tại Phú Đình: trái tim của Thủ đô gió ngàn.
Nơi dừng chân đầu tiên của thầy trò ở thủ đô kháng chiến một thời là nhà tưởng niệm Bác Hồ (còn gọi là đền thờ Bác). Ngôi đền thiêng ấy được làm trang trọng trên một quả đồi hình mu rùa, giữa đỉnh đèo De đêm ngày lộng gió. Ngắm nhìn công trình tưởng niệm và địa thế ngôi đền chúng tôi không khỏi thích thú, thán phục. Đúng là một công trình tâm linh tôn nghiêm và xứng tầm hoà trong khung cảnh của núi đồi xanh mát cây lá. Từ chân đèo De lên đến đỉnh đèo, nơi đặt nhà Dâng hương (đền thờ) phải đi qua 194 bậc gạch, nhìn tựa như một thân rồng uốn lượn làm thành con đường dẫn lên đền thờ Bác. Những người phong thủy bảo rằng đền thờ Bác tọa ở vị trí vô cùng đặc địa: “tựa sơn đạp thủy”, ba bề có núi non che chắn. Mặt nhìn về hướng Nam, phía trước là cánh đồng Tỉn Keo, Nà Lọm cùng suối, thác nước Khuôn Tát như dải lụa trắng mềm mại buông nơi trên bờ vai nàng sơn nữ kiều diễm; lưng tựa vào núi Hồng; bên tả có thanh long, bên hữu có bạch hổ. Công trình nhà lưu niệm Bác có các hạng như: mục Tứ trụ, Tam quan, Nhà dâng hương và trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tư liệu về bác. Dưới chân đèo là cổng Tứ trụ. “Thân rồng” từ cổng Tứ trụ lên nhà Dâng hương được chia thành hai phần. Phần đầu gồm 115 bậc tượng trưng 115 năm kỷ niệm ngày sinh của Bác (tính đến thời điểm xây dựng công trình). Phần sau là 79 bậc tượng trưng cho tuổi đời bảy chín mùa xuân của Bác. Giữa hai phần là nhà Tam quan. Nhà tưởng niệm rất rộng, hơn 600 m2 gồm hai tầng lợp ngói đỏ và làm theo kiến trúc đền đình truyền thống của người Việt. Xung quanh đền là một rừng cây xanh mướt gồm rất nhiều cây cổ thụ và các loại cây quý giá trên mọi miền Tổ quốc được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân khắp nơi dâng về. Trong đền thờ có đặt bức tượng bán thân chân dung Bác bằng Đồng, cao 99 cm cùng hoành phi câu đối và rất nhiều đồ thờ theo phong tục Việt Nam.
Dường như đã trở thành lệ, cứ ngày cuối tuần và chủ nhật con cháu khắp nơi lại về đây quây quần bên Bác. Bởi thế, cùng thầy trò chúng tôi đến dâng hương tưởng niệm Bác hôm nay cũng có nhiều đoàn đại biểu ở các nơi khác. Từng đoàn người từ khắp mọi miền nối đuôi nhau vào dâng hương viếng Bác. Trong thanh âm vang vọng của tiếng chuông ngân; giữa hương thơm dịu nhẹ, phảng phất của trầm nhang; con cháu lặng im tưởng nhớ đến Người với một tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ xiết bao; trong những nỗi niềm trân trọng, yêu thương vô hạn cho dù “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim”.
Từ đền thờ Bác, chúng tôi tới thăm khu di tích lịch sử cách mạng trên đồi Tỉn Keo, đại bản doanh của chiến khu Việt Bắc, đây là nơi ở và làm việc lâu nhất của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ ở An toàn khu Định Hóa (gần 2800 ngày, từ ngày 20 tháng 5 năm 1947 đến ngày 12 tháng 10 năm 1954). Tỉn Keo theo tiếng Tày có nghĩa là chân đèo. Tỉn Keo ở ngay dưới chân đèo De, cách đền thờ Bác khoảng gần 1 km. Cụm di tích đồi Tỉn Keo, suối Khuôn Tát, gốc đa cổ thụ và những thước phim hiếm hoi ghi lại sinh hoạt của Bác ở Phú Đình dường như vẫn còn đó, lưu dấu bóng hình Bác và Trung ương trong những ngày gian khó của cuộc kháng chiến trường kỳ. Trên đồi Tỉn Keo chiếc lán đơn sơ của Bác, từng được coi là “Phủ chủ tịch” một thời làm theo kiểu nhà sàn chủ yếu bằng những thân vầu, thân bương, lợp lá cọ được phục dựng trên đỉnh đồi xanh rợp. Trước cửa “Phủ” vẫn còn nguyên bụi râm bụt Bác trồng cho vợi bớt nỗi nhớ quê hương sau bao năm trường xa cách buổi nay vẫn đơm bông rực rỡ. Ngắm nhìn những chiếc lán đơn sơ và tìm hiểu những thông tin trong nhà truyền thống, thầy trò chúng tôi không khỏi bất ngờ, kính phục. Cuộc sống kháng chiến đầy gian khó đến như vậy. Nhưng chính cái chốn gian khó này lại là nơi Bác và Bộ Chính trị làm việc, tiếp các đoàn ngoại giao và đoàn điện ảnh của Liên Xô do đạo diễn Roman Karmen đưa đến để làm bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Và đây cũng là nơi ra đời không ít các văn bản, những quyết định quan trọng của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Tiêu biểu như: Sắc lệnh số 206 (19/8/1948) thành lập Hội đồng quốc phòng tối cao; Qui định tổ chức mới của Bộ Tổng tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam (11/7/1950); Thành lập Đảng uỷ mặt trận và Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới (25/7/1950). Đặc biệt, trên chính đỉnh đồi Tỉn Keo, Người đã chủ trì hội nghị của Bộ chính trị và quyết định thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 của Tổng quân uỷ (10/1953); mở chiến dịch và chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi (6/12/ 1953) làm trấn động địa cầu, buộc Pháp phải ký kết hiệp định Giơnevơ đình chỉ chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp ở Việt Nam – Lào – Cămpuchia, miền Bắc Việt Nam (từ vĩ tuyến 17) được hoàn toàn giải phóng và hẹn tháng 7 năm 1956 sẽ tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tất cả những dấu xưa dường như vẫn hiện về trong trí tưởng tượng của mỗi người qua từng miền ký ức giữa mênh mông dặm dài yêu thương trên từng bờ suối, bụi tre. Hình như đâu đó trong không gian Phú Đình ta như vẫn thấy hình bóng của người như thể: “Nhớ Người những sớm tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo /Người đi rừng núi trông theo bóng Người”
Non nước của vùng đất Phú Đình rất đắc địa, khi đánh có thể tiến công, khi lui có thể phòng thủ (tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ) được Bác Hồ lựa chọn làm đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp bây giờ so với gần một trăm năm trước đây hẳn đã khác xa. Cuộc sống thời hiện đại đã làm đổi thay không ít diện mạo núi rừng xưa cũ. Trường học, đường đi, nhà máy, homstay, bản làng, công sở sáng rực ánh điện ... làm cho cả vùng An toàn khu hiện lên khá trù phú. Những con đường cũng đã được mở rộng “thênh thang” trải nhựa uốn lượn dưới chân núi, bên triền đồi chứ không gập ghềnh, khúc khủy, heo hút. Những núi đồi hoang sơ, thưa thớt mấy bóng nhà sàn nghèo nàn lúp xúp ẩn hiện bên núi, trên đồi của cái thời “nếm mật nằm gai” nay đã trở thành một thứ “đặc sản” của ngành công nghiệp không khói. Núi đồi, sông suối vẫn vậy. Núi thấp chạy dài xen lẫn đồi thưa, tỏa bóng đại ngàn in hình trên suối mát, quện với trăng thanh; lúa xanh thì con gái hòa cùng mơn mởn ngô khoai trên những ruộng phẳng, đồng cao. Cảnh ấy bất giác khiến ta lại nhớ đến mấy bài thơ Người làm giữa những ngày gian khó trên chính cái mảnh đất linh thiêng và cũng rất hữu tình này: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya chưa vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” (Cảnh khuya) hay “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạt cũ với xuân này”(Cảnh rừng Việt Bắc). Ra thế mới hay cái “thần” của người và cảnh nơi đây là vậy. Bảo sao sơn kỳ thủy tú ấy chẳng làm nên những huyền thoại diễm lệ để mà rồi lại lấy đi không ít nước mắt của con người suốt bao đời nay. Hóa ra cội nguồn của cách mạng ấy cũng chính là cội nguồn của một thiên tình sử đầy nước mắt và góp phần làm nên một xứ chè nức tiếng (chè Tân Cương). Nước non đèo De núi Hồng giờ đây vẫn tuôn chảy đêm ngày và cần mẫn gom những làn trong mát làm thành dòng sông đưa nàng Công tìm về bên chàng Cốc (Thác, suối Khuôn Tát là thượng nguồn của dòng sông Công).
Trái tim của thủ đô gió ngàn mãi vẫn còn đó. Một An toàn khu anh dũng, kiên cường - “Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây/ Núi giăng thành luỹ sắt dày/ Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, một An toàn khu sắt son, chung thuỷ - “Mình về với Bác đường xuôi/ Thưa dùm Việt Bắc không nguôi nhớ người”. Có lẽ vẫn chưa đủ, còn nữa một An toàn khu nhân hậu, bao dung - “Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa chăn sui đáp cùng”. Bởi thế nghĩa tình của Thủ đô Hà Nội với Thủ đô gió ngàn trên đỉnh đèo De trước ngọn núi Hồng kia đâu chỉ là sự tri ân, trả nghĩa (đền thờ Bác Hồ trên đỉnh đèo De là công trình của Thủ đô Hà Nội tặng Thủ đô gió ngàn nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) mà còn là lời đáp cho một câu hỏi: “Mình về mình có nhớ ta?” hay “Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng/ Phố đông còn nhớ bản làng/ Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng” … Ngôi đền ấy là sự nhớ ơn Bác; là nén nhang kết nối tri ân; là sợi dây kết nối giữa miền ngược và miền xuôi và cũng là ước mơ mong mỏi về một ngày mai: “Mình đi ta hỏi thăm chừng/ Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui”.