Chuyện cưới vợ dưới đây do chính ông kể trong hồi ký của mình là một minh chứng cho điều đó.
Ấy là sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, được về Bộ dự tổng kết, Hoàng Đan được chị gái đầu giới thiệu bà Nguyễn Thị An Vinh (là vợ của ông sau này). Tuy chưa hỏi ý kiến nhưng gia đình ông đã trao đổi với mẹ cô Vinh và cô, đặt vấn đề hỏi vợ cho Hoàng Đan và nhận được sự đồng ý của hai người. Sau này, lúc sinh thời ông nói vui với bà: “Người ta chưa hỏi đã đồng ý”, còn bà thì đáp lại: “Anh cưới vợ không một bát nước lã”.
Thiếu tướng Hoàng Đan kể:
Năm 1953, khi hành quân đi Chiến dịch Thượng Lào, dừng lại Đô Lương, tôi tạt về nhà được 2 giờ. Đã được báo trước nên hai gia đình đều có mặt ở nhà chị tôi. 11 giờ đêm tôi mới về đến nhà, 1 giờ sáng đã phải đi ngay để kịp giờ hành quân tiếp. Trong thời gian 2 giờ, mọi người lo bữa ăn đêm và hỏi thăm tình hình của nhau nên tôi không thấy hai gia đình trao đổi gì trước mặt chúng tôi cả. Còn chúng tôi hỏi thăm nhau vài ba câu, chưa hề nói câu nào gọi là thổ lộ tình yêu. Giữa đông người, chúng tôi chỉ nhìn nhau chứ không được nắm tay. Qua lần gặp đó, hai bên ngầm hiểu mọi việc đã “an bài”. Lễ ăn hỏi như ngày nay thế là đã xong: Ăn thì có cháo gà, hỏi thì không ai hỏi gì cả. Sau “lễ ăn hỏi” đó, tôi được biết Vinh ra Việt Bắc học chuyên môn, và chị tôi nhất quyết muốn giữ cho em mình nên để Vinh đi học. Một lần trên đường đến hội nghị, tôi tạt vào thị xã Thái Nguyên hỏi thăm, được biết Vinh học ngành thuế vụ của Bộ Tài chính, đã tốt nghiệp và lên Lạng Sơn nhận công tác. Sau tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi xin phép đi Lạng Sơn. Hơn 1 ngày đi xe đạp, tôi tìm được cơ quan thuế của thị xã. Ở đây, Vinh cũng đã báo cáo cho cơ quan biết mình có người yêu là bộ đội nên tôi được đón tiếp thân mật. Khi đặt vấn đề tổ chức cưới, mọi người rất ủng hộ nhưng thời đó bộ đội chưa có lương, cán bộ cũng chỉ có tiền ăn và một ít tiêu vặt. Vậy là cả tôi và Vinh đều không có tiền, tổ chức đám cưới thế nào đây. Cuối cùng, chị Cúc-Bí thư chi bộ cơ quan Vinh đưa ra ý kiến: Bữa ăn sẽ lấy tiêu chuẩn của các anh chị em Ngày Quốc khánh (ứng trước) sẽ gấp đôi ngày thường; áo quần quỹ phụ nữ cho đủ mua hai thước vải. Quần là quần đen, đám cưới tổ chức buổi tối nên quần mới cũng như quần cũ nên không cần may. Giường ghép 2 giường cá nhân là xong. Chăn chiếu mùng màn dùng cái sẵn có của cô dâu. Thế là cũng xong đám cưới, vẫn trang trọng. Đám cưới “không một bát nước lã”
Theo QĐND/ Trái tim người lính