Cách đây vài chục năm, hồi đội bóng Cựu cầu thủ Công an Hà Nội mới thành lập, khó mọi bề. Ông Thọ “gáo” - người thành lập đội - cứ loay hoay lo tiền sân tiền tập cho anh em cũng đủ toát mồ hôi. Vậy mà những ngày khó khăn thời bao cấp đấy, có một đội bóng mến mộ danh tiếng đội CAHN, thường mời sang sân của Hàng không Việt Nam bên Gia Lâm thi đấu. Kết thúc trận đấu dù thắng dù thua, đội Cựu cầu thủ CAHN luôn được chủ nhà mời ở lại dự liên hoan.
Phụ trách đội bóng kiêm cầu thủ đội Hàng không Việt Nam là ông Nguyễn Sỹ Hưng tức Sỹ Hưng, cán bộ lãnh đạo Hàng không Việt Nam.
Trước khi làm Chủ tịch HĐQT của Vietnam Airlines, ông Sỹ Hưng là cầu thủ của đội Thanh niên Hà Nội, sau đó nhập ngũ và học bay tại Đông Bắc (Trung Quốc). Về nước, ông là phi công chiến đấu, được biên chế về Phi đội 1 Trung đoàn 921. Ông đam mê nghiên cứu lý luận chính trị và khoa học, đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đề tài Tâm lý học Hàng không. Ông trở thành giảng viên của Học viện PK-KQ đến năm 1991, ông chuyển về công tác tại Cục Hàng không dân dụng rồi Vietnam Airilines đến khi nghỉ hưu.
Những lần đội Cựu cầu thủ CAHN sang Gia Lâm thi đấu, nhóm cầu thủ từ Thanh niên Hà Nội chuyển sang như các ông Điệp “lùn”, Đặng “cóc”, Chi “tơ”, Quang B, Học “ngớ”… các anh lớn như Thọ “gáo”, Sơn “min”, Du “cò”, Dư “cá ngão”, Độ “trây”, Thịnh “cơm”, Ngọc “tráp”, Hiển “Coóc”…và lúc đấy nếu anh Thành C, anh Hiếu “trâu” có mặt tại Việt Nam, đều không bỏ sót cuộc giao lưu với đội của ông Sỹ Hưng.
Những lão cầu thủ này đều quen biết ông Sỹ Hưng khi còn đá bóng ở Thanh niên Hà Nội. Vừa đá trên sân, các ông vừa đùa cợt với nhau, như chưa từng có chuyện ông Sỹ Hưng khi này đang là sếp lớn của ngành hàng không.
Lúc ở đội Thanh niên Hà Nội, ai cũng biết ông Sỹ Hưng là con ông Đồng Sỹ Nguyên, khi đấy là Chính ủy Quân khu 4 rồi làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ đội tình nguyện Trung Hạ Lào. Cũng có người thắc mắc ông Nguyên họ Đồng, sao ông Sỹ Hưng là họ Nguyễn. Sau mới biết cụ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, tham gia cách mạng nên phải lấy bí danh. Thắc mắc vậy thôi nhưng đám cầu thủ trẻ ai cũng quý ông Sỹ Hưng. Là con lãnh đạo cao cấp nhưng trong sinh hoạt, trong tập luyện, không hề có sự khác biệt giữa con thường dân và con cán bộ.
Ngành thể thao hồi đấy cũng có ông Hoàng Vĩnh Giang,ông Nguyễn Lưu và một số người khác là con cán bộ cao cấp tham gia, nhưng đã tham gia thể thao, không có chỗ cho sự phân biệt đẳng cấp xuất thân.
Ông Sỹ Hưng ngoài việc là cán bộ quản lý, còn đam mê viết lách. Ông đã có một số tác phẩm, trong đó có hai cuốn được ngành Hàng không và Không quân Nhân dân Việt Nam trân trọng : Cuốn “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975)” và cuốn “Chiến tranh trên không ở Việt Nam (1965-1973) - Phía sau những trận không chiến” viết cùng Trung tướng AHLLVT Nguyễn Đức Soát. Đây là 2 cuốn sách được các phi công, các nhà nghiên cứu đánh giá là “Tiểu bách khoa” về những trận không chiến tại Việt Nam.
Viết về đề tài không chiến tại Việt Nam, ông coi đấy là sự tri ân các đồng đội trong chiến tranh Vệ quốc. Chính ông Nguyễn Sỹ Hưng cũng là người đề xuất tổ chức Vinh danh và vĩnh biệt huyền thoại MIG 21 sau 50 năm tròn phục vụ trong Quân chủng Không quân.
Đối với các đồng đội xưa ở đội Thanh niên Hà Nội, ông làm Trưởng Ban liên lạc các cầu thủ của đội kiêm Chủ tịch Hội cựu cầu thủ Thanh niên Hà Nội. Ông coi đây lại là nghĩa vụ để ông gắn bó khi sức khỏe và thời gian còn cho phép.
Các cựu cầu thủ Thanh niên Hà Nội đều chu đáo thăm nom nhau những khi nhà ai có việc hoặc ốm đau và đều đặn tổ chức các buổi gặp mặt thường niên. Chỉ tiếc tuổi các cựu cầu thủ Thanh niên Hà Nội đều đã cao, nếu không, trong bóng đá phong trào tại Hà Nội sẽ xuất hiện Đội bóng đá Cựu cầu thủ Thanh niên Hà Nội – Cái nôi và là bệ phóng của bóng đá Hà thành xưa.