Ở cái làng Văn Xá này mọi người đều đề cao tính đoàn kết giữa anh em nội tộc, bởi vậy dù bận rộn kiếm tiền nhưng hễ ông trưởng họ triệu thỉnh, dù ở đâu tôi cũng vội quay xe về ngôi từ đường ngay không hề chậm trễ. Đặt trước mặt tôi bát mì tôm vừa đổ nước sôi và úp đĩa cho chín, ông trưởng họ không quên kèm thêm hai chiếc kẹo Sìu Châu vốn chỉ dành đã khách quý. Bằng một giọng nghiêm trọng, ông đi ngay vào phần chính:
-Năm nay anh tổ chức cưới cho con bé Thoa, sang năm sẽ lấy vợ cho thằng cu Thược, như vậy một đi một về là vừa đẹp.
Vừa ăn bát mì tôm nóng hổi, tôi vừa góp lời:
-Vâng, bác trưởng cưới con đầu, cháu sớm nên bọn xem sẽ xúm vào một tay. Giá kể đợi sang tháng mát trời thì vừa đẹp, bây giờ vẫn đang mùa hạ nên ăn cỗ khí nóng.
Bắn một bi thuốc lào rồi khoan khoái nhả khói lên trần nhà, ông trưởng họ giải thích rõ:
-Chú chạy xe ôm mà không cập nhật tin tức, xăng dầu lên giá ầm ầm do chiến sự bên Uy Kiên, anh sợ giá cả leo thang nên hối nhà trai tổ chức sớm. Nói như các cụ là “cưới chạy xăng”
Ngày xưa ở làng hay có kiểu cưới chạy tang nhằm lo vuông tròn việc hỷ rồi quay sang lo việc hiếu, đây là lần đầu tiên tôi nghe đến đám cưới chạy xăng. Biết tính ông trưởng họ luôn tính sâu xa mọi nhẽ, nhưng nếu nước dâng thì thuyền cũng dâng, xăng tăng giá khiến mọi thứ tăng theo cũng chẳng đến mức phải lo xa quá. Tỏ ra là người hiểu biết, tôi nói ngay:
-Bác trưởng tính xa hơn cả Bộ Công thương, họ đã có quỹ bình ổn xăng dầu rồi sao phải cưới vội.
Chẳng buồn chấp nhặt lời nói của kẻ chỉ nghe thời sự trên vê tê vê, ông trưởng họ nhắc tôi diện áo the khăn xếp rồi ra cổng đón đoàn nhà trai đến dạm ngõ. Do sợ tắc đường nên họ sẽ có mặt tại đây vào lúc 7 giờ sáng, sau khi trao đổi và thoả thuận xong xuôi, chậm nhất là 8 giờ đã giải tán. Chẳng cần quá giỏi toán tôi cũng biết, như vậy mình không mất một buổi đi đong khách ngoài đường.
Nhà trai từ Hà Nội về làng đúng giờ đã hẹn, ngoài bà mẹ chồng tương lai cùng chú rể, tôi thấy họ còn đi thêm năm người như vậy vừa xoẳn con xe bảy chỗ. Nhìn con xe biển vàng rực như màu lúa chín ngoài đồng, do chạy xe ôm trên phố nhiều nên tôi đoán ngay đây là xe chạy dịch vụ, như vậy nhà chú rể cũng thường thường bậc trung. Chưa cần biết ông trưởng họ nói gì, tôi đoán ngay chắc chắn sẽ có bài văn mẫu bao năm các cụ để lại, hễ con cháu trong họ là gái đến ngày đón nhà trai, bao giờ các cụ cũng lôi bài văn mẫu ra để thách cao dao bầu, đại loại như thế này “họ nhà tôi rất đông lại có nề nếp gia phong, do vậy cháu xyz vu quy ít nhất phải xin ngàn cau để chia cho cả họ, ngoài ra sẽ xin thêm 9 cái lễ gọi là tùng tiệm để dâng lên cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ abcd”. Đúng như tôi dự đoán, hết tuần trà thứ nhất, đợi bà thông gia tương lai đứng lên thưa gửi đôi lời, ông trưởng họ nhà tôi khẽ e hèm một tiếng rồi bắt đầu đọc bài văn mẫu, tuy nhiên không như tôi nghĩ bởi ông có chỉnh sửa cho hợp cảnh:
-Thưa bà, họ nhà tôi rất đông lại có nề nếp gia phong, do vậy cháu Thoa vu quy, ít nhất phải xin ngàn lít xăng để chia cho cả họ, ngoài ra tôi xin thêm chín cái lễ gọi là tùng tiệm để dâng lên cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ”.
Vụ thách cưới không đòi trầu cau lại đòi tận năm thùng phuy xăng khiến bà thông gia tương lai lăn đùng ngã ngửa, nhưng do thường xuyên xếp hàng mua xăng cả tiếng đồng hồ, tôi phải thán phục ông trưởng họ dù đã hiu nhưng không hắt, bởi ông dám bỏ văn mẫu của tổ tiên khi đưa hơi thở cuộc sống vào ngày trọng đại của con gái mình. Chẳng cần biết ông trưởng họ sẽ làm gì với cả ngàn lít xăng, tiễn khách xong tôi dắt con xe đờ rim ghẻ đi kiếm cuốc khách, bởi chỉ hai tuần nữa đã phải lo tiền mừng cưới rồi. Đúng ngày ăn hỏi nhà trai dù xa nhưng vẫn thuê chín chiếc xích lô lọng vàng đi dọc con đường làng, tuy nhiên thay vì bưng tráp đựng bánh phu thê cùng mâm trầu cau phủ vuông vài đỏ theo truyền thống, trên mỗi con xe xích lô có một can xăng loại 50 lít màu xanh có buộc nơ đỏ và dán chữ hỷ. Nhìn gương mặt nhễ nhại mồ hôi của mấy ông đạp xích lô, tôi cảm thông cho họ vì phải chở người cùng 50 lít sính lễ tương đương 50 cân chẳng ít. Nhẩm tính nhanh trong đầu, vị chi chín can xăng là 450 lít, như vậy còn thiếu 550 lít mới đủ sính lễ.
Biết tính ông trưởng họ chi li, tôi sợ ông huỷ hôn ngay nếu chẳng nhận đủ, tuy nhiên sự lo lắng của tôi hoá thừa, bởi đi sau đoàn xích lô lọng vàng có đoàn xe ba bánh của bên thương binh, trên mỗi xe có một thùng phuy sơn đỏ dán giấy trang kim vàng óng, như vậy số xăng còn lại được nhà trai biện lễ không thiếu một giọt. Sau khi thỉnh chuông mời tổ tiên về chứng giám cho đôi trẻ đẹp duyên vợ chồng, quan viên hai họ được mời trầu, mời thuốc và ăn kẹo. Của đáng tội nhìn 9 can xăng bày trước bàn thờ, nói dại mồm nếu rụng tàn hương hay ông nào vô ý hút thuốc rồi vảy tàn, nghĩ đến đó khiến tôi chẳng còn tâm trí ngồi tiếp khách. Sau khi nhà trai ra về, gọi tôi vào rót đầy bình xăng vào con xe máy, ông trưởng họ sai đám con cháu sang chiết từ can xăng sang những can nhựa có loại 1 lít, có loại 3 lít. Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích rõ:
-Thay vì đi mời cưới đưa tấm thiệp hồng cùng quả cau héo, dăm cái hạt sen chảy nước cùng túi trà mốc, anh gửi mỗi nhà cái can 1 lít xăng để họ đỡ phải xếp hàng mua rồi lỡ giờ đẹp của cháu Thoa. Riêng chú đổ đầy bình vì còn chở anh đi mời cưới, như vậy vẹn cả đôi đường.
-Nhưng còn can 3 lít thì sao.
-Họ nhà mình nhiều người có ô tô, dù 3 lít chỉ đủ tráng bình chẳng khiến kim xăng nhúc nhích, nhưng thôi của ít lòng nhiều.
Tầm nhìn xa của ông trưởng họ được đền bù xứng đáng, bởi trước đó cả tuần nhiều cây xăng treo biển hết hàng nghỉ bán, có người chạy nửa vòng thành phố rồi xếp hàng đến khuya mới đổ được bình xăng. Đến lúc này không những họ của tôi mà cả làng Văn Xá đều thán phục thiên nhãn của ông trưởng họ. Ngày cưới mọi người đến đông đủ, dù ở quê nhưng học theo thành phố, không có cảnh cô dâu cùng bố mẹ đi chúc tụng các bàn rồi mọi người tranh nhau nhét phong bì, ngay ở ngoài sảnh đã có cái hòm hình quả tim do tôi mua trên phố Hàng Mã để mọi người nhét tiền mừng. Tuy vậy do nhiều người không sẵn tiền mặt, họ rút xăng từ xe máy rồi xách chai 0,65 lít mang sang mừng cưới. Ngày trước đám cưới nhiều vàng đeo nặng cổ cô dâu là sang, nhưng đám cưới con gái ông trưởng họ còn sang hơn vì các ông chú, bà thím nhất loạt xách can xăng sang mừng cho cháu gái ngày vu quy. Một lần nữa tôi chỉ lo nhỡ có tàn lửa bay qua, nói dại mồm nhưng thôi chẳng dám nghĩ tiếp.
Sau đám cưới vài ngày, ông trưởng họ nhờ tôi vần hai thùng phuy đựng xăng xuống ao, kiểu như người ta ngâm tre trước khi làm nhà. Bồi dưỡng cái kẹo Sìu Châu cho tôi, ông rỉ rả nói, xăng để dưới ao cho an toàn không lo cháy nổ, sang năm anh tổ chức cưới cho thằng Thược, biết đâu nhà gái cũng thách cưới bằng xăng, khi đó mình không bị động. Các cụ nói “gần đèn thì sáng” chẳng có sai, tôi vinh dự được góp mặt cùng ông trưởng họ từ buổi dạm ngõ đến lễ ăn hỏi và ngày vu quy của đứa cháu gái nên khôn ra ít nhiều. Chỉ tay vào con xe đờ rim ghẻ của mình, tôi ngậm ngùi nói:
-Học theo bác nên từ mai em thay đổi cách chở khách, ai muốn đi xe tự mang xăng đến đổ vào bình, em chỉ lấy tiền công vận chuyển. Đổ nhiều hay ít phụ thuộc vào quãng đường xa hay gần, tính ra mình tiết kiệm được khối thời gian xếp hàng mua xăng.
Chuyện Làng Quê