Các em bà thương bà lắm. Lúc thì lo dọi mái nhà tranh đã dột, lúc thì các cháu mang bó rau, hủ mắm đến cho bà. Bà cũng có một người con trai, nhưng vì cuộc sống mưu sinh lại lấy vợ miền tây nam bộ nên ở trong ấy. Thỉnh thoảng mới đưa vợ con về thăm mẹ. Sau ngày giải phóng, cái khó cái khổ không chỉ riêng ai.
Bà Tư nhất quyết không theo con trai vì một nỗi sợ con vướng mình mà thêm khổ. Một nỗi bà không muốn bỏ quê cha đất tổ mà đi. Và một điều sâu thẳm từ trong trái tim, bà muốn ở đây, ở lại quê hương để chờ ông. Sau hiệp định đình chiến ngày 20.7.1954 giữa ta và Pháp, trong đoàn người từ Nam tập kết ra Bắc có ông Tư. Lúc tạm biệt chia tay, ông Tư hẹn bà cùng con trai nhỏ sau 2 năm sẽ về đoàn tụ. Vậy mà chiến tranh không nói trước được điều gì. Cuộc trường chinh thống nhất đất nước kéo dài và lời hẹn 2 năm đã không còn giới hạn. Ông bà chờ đợi ngày hội ngộ trong ngày thống nhất non sông.
Rồi ngày đó cũng đến, nhưng không phải lả 2 năm mà hơn 20 năm.
Hơn 20 năm những người như bà Tư nhiều lắm. Những người phụ nữ ấy vừa sống trong vùng địch, vừa lao động sản xuất, vừa là những cơ sở của cách mạng, vừa kiên cường bất khuất trong đấu tranh. Niềm tin sắc đá vào ngày thống nhất và đoàn tụ luôn luôn hiện hữu trọng trái tim của mọi người. Ngày thống nhất, bà Tư dõi mắt và nghe tin. Cứ có chuyến xe từ Bắc vào và dừng trên đoạn đường quốc lộ qua thôn, thì lòng bà khấp khởi.
Và ông Tư đã về sau đó nhiều năm. Không chỉ bà mà bà con họ hàng, làng xóm đều đến chia vui cùng bà. Ông kể cho mọi người nghe những năm tháng dài và cuộc sống ngoài miền Bắc. Ông chặt tre, chẻ lạt, cắt tranh dọi nhà cho bà. Mái tranh vách đất của bà có hai dáng người vào ra với hai mái tóc đã bạc. Ông ở với bà thật lâu. Rồi ông trở lại miền Bắc. Nơi đó còn có người vợ thứ hai và các con của ông đều đã trưởng thành. Ban đầu bà cũng giạn dỗi ông nhiều lắm. Nhưng rồi sau nhiều ngày suy nghĩ, bà không còn giận ông nữa.
Tất cả vì hoàn cảnh. Hơn 20 năm, ông cũng là người bằng da bằng thịt chứ có phải bằng sắt bằng đồng gì. Hơn 20 năm bao nhiêu mất mát trên khắp cả non sông chứ đâu riêng gì mình bà. Ông đã nguyện vẹn về đây bên bà, há không phải là điều tốt đẹp nhất sao. Bao gia đình chồng, con vào chiến trường không trở lại. Họ đã hi sinh cho ngày thống nhất bằng cả máu xương, những người mẹ, người vợ không có cơ hội gặp lại người chồng, con của mình đó thôi. Tất cả đều đã hi sinh cho nền độc lập dân tộc thống nhất đất nước. Vậy thì hà cớ gì bà phải trách ông, phải giận dỗi cho nỗi đau biến chứng. Hà có gì phải thêm nỗi đau, khi mà tất cả chúng ta đều có chung một niềm hạnh phúc lớn. Bà đã đợi và ông đã về, vậy là đủ lắm rồi.
Một thời gian sau ngôi nhà của bà Tư bỗng rộn rã. Ông Tư cùng người vợ và các con từ ngoài miền Bắc đã về. Hai người phụ nữ tóc đã trắng nhìn nhau giây lát rồi... tiếng nấc bật lên. Các con ông Tư và người vợ hai đều khóc:
Má ơi! Con là con của ba cũng là con của má đây. Má đã chịu khổ nhiều quá má ơi! - Chị ơi! Em thương chị lắm. Cảm ơn chị vì tất cả. Một cảnh xum họp thật sự và đầy xúc. Không có sự oán hờn, ghen ghét. Các con của hai bà có thêm anh chị em, và tất cả họ đều có thêm một người mẹ. Hai người phụ nữ ấy có thêm người chị em với tấm lòng bao dung nhân hậu. Họ hàng bà Tư ai cũng vui mừng cùng bà. Từ đây bà có một đại gia đình hạnh phúc. Bà Tư được đi ra miền Bắc. Bà kể: ai cũng thương bà. Các con của ông đưa 2 người mẹ đi thăm quan nhiều nơi mà bà chưa bao giờ biết.
Chúng nó hiếu thảo và lễ phép lắm, dắt bà đi mua nhiều thứ lắm. - vậy tối thì ông ngủ với ai? - Bà hai bắt ông phải ngủ với bà. Bà Tư cười đôn hậu kể chuyện với các cháu. Những ngày ở miền Bắc bà Tư không thấy mình bị lạc lõng. Nhưng bà cũng muốn trở về ngôi nhà của mình. Các con miền Bắc đưa bà về lại miền Trung. Từ đó họ vẫn thường xuyên vào ra thăm nom bà. Ông Tư ra vào hai miền. Ông Tư từ giã cõi đời về bên kia thế giới trong vòng tay chăm sóc của các con ông ngoài Bắc. Vài năm sau bà Tư cũng về với tổ tiên. Các con ông bà trong Nam, ngoài Bắc về lo chu toàn mọi việc. Hẳn là hai ông bà cũng an lòng nắm tay nhau bên kia thế giới. Đâu chỉ có những hi sinh bằng xương máu, có những sự hi sinh thầm lặng cùng những nghĩa cử cao đẹp đã đi qua một thời kì như vậy đó.
Chuyện làng quê