Bên cạnh câu chuyện của các vị khách mời, như Thượng tướng Võ Văn Tuấn, NSƯT Chiều Xuân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng, nhà văn Đỗ Bích Thúy, nhà báo Ngô Bá Lục thì âm nhạc vang lên cũng đã gợi lại những điều đáng suy ngẫm về mùa cuối cùng trong năm. Lâu nay chúng ta mới chỉ hát hoặc nghe hát những ca khúc về mùa đông chứ gần như chưa ai đúc kết về một mùa đông trong âm nhạc Việt. Trong chương trình Quán thanh xuân, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đã phân tích và chỉ ra điều này.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì nhắc đến những ca khúc về mùa đông phải đến kể đến hai ca khúc “Đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và “Buồn tàn thu” của nhạc sĩ Văn Cao. Đây có thể coi là mở đầu cho dòng âm nhạc về mùa đông. “Đêm đông” là ca khúc mà nhạc sĩ gốc Thừa Thiên Huế sáng tác tại Hà Nội trong hoàn cảnh đêm cuối năm ông không có tiền bắt chuyến tàu cuối cùng về quê ăn Tết. Đêm ấy đi bộ trên những con phố Thủ đô khiến chàng thanh niên 20 tuổi dạt dào cảm xúc để sáng tác ca khúc nổi tiếng này. Cũng đúng năm ấy (năm 1939), nhạc sĩ Văn Cao lúc đó ở Hải Phòng đã sáng tác ca khúc đầu tay “Buồn tàn thu”. Với ca khúc này Văn Cao đã dần hé lộ một tài năng âm nhạc hiếm có của nước nhà.
Trong những ngày mùa đông này, chúng ta vừa phải đón nhận một tin buồn, nhạc sĩ Phú Quang – người được mệnh danh là “ông hoàng nhạc tình mùa đông” vừa rời cõi tạm. Mùa đông vốn dĩ đã gắn với những ký ức buồn nay càng buồn hơn… Từ bài thơ “Em ơi Hà Nội phố” do nhà thơ Phan Vũ sáng tác sau những ngày Hà Nội xơ xác vì bom B52 vào mùa đông năm 1972, nhạc sĩ Phú Quang đã phổ nhạc thành ca khúc làm lòng người da diết buồn và nhớ Hà Nội, nhớ mùa đông của mảnh đất này nhiều hơn.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh ra ở Phú Thọ, 5 tuổi thì về sinh sống ở Hà Nội và rời Hà Nội năm 1986 để vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 20 năm. Thời gian sống ở phương Nam, ông đã sáng tác nhiều bài hát về mùa đông Hà Nội để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Nổi bật nhất có lẽ phải kể đến bản tình ca bất hủ “Nỗi nhớ mùa đông”. Ca khúc ra đời khi nhạc sĩ nhớ da diết cái lạnh của Hà Nội, nhớ mùa đông “buốt da buốt thịt” của miền Bắc. Đây cũng là một trong những ca khúc ghi dấu ấn Phú Quang mạnh mẽ nhất trong lòng khán giả của nhiều thế hệ. Trong đoạn băng phát trong chương trình Quán thanh xuân, ông chia sẻ: “Những ngày sống ở Sài Gòn, tôi viết nhiều bài mùa đông vì nhớ Hà Nội quá. Nghiệm ra, mùa đông con người hay thu mình lại và như thế sẽ bình tĩnh suy nghĩ hơn về mọi điều”.
Miên man theo cảm xúc của những ca khúc về mùa đông, người nghe còn không khỏi bồi hồi, xao xuyến với “Phố mùa đông” của nhạc sĩ Bảo Chấn, “Nơi ấy” của Ha Okio, “Mùa đông sẽ qua” của nhạc sĩ Huy Tuấn hay “Những mùa đông yêu dấu” của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Ca khúc chủ đề của chương trình lấp lánh giá trị nhân văn cao đẹp như nhạc sĩ Đỗ Bảo từng trải lòng mình: “Mùa đông làm cho con người đến gần nhau hơn, muốn sưởi ấm cho nhau…”.
Ngay tại sân khấu của chương trình, ca sĩ Thùy Dung đã thể hiện ca khúc “Khoảnh khắc”, một sáng tác nổi bật của nhạc sĩ Trương Quý Hải. Thùy Dung chia sẻ khi được biên tập của chương trình gọi điện thông báo sẽ hát ca khúc này, cô đã bật khóc, bởi với cô thì “Khoảnh khắc” đã gắn bó với mình từ khi còn rất trẻ, mang theo biết bao kỷ niệm thật khó phai mờ. “Khoảnh khắc” là ca khúc mà nhạc sĩ Trương Quý Hải sáng tác trong thời điểm mùa đông lạnh giá khi anh tham gia trại sáng tác cùng các nhạc sĩ. Điều bất ngờ là ngay trên sân khấu đã có phần giao lưu giữa ca sĩ Thùy Dung và nhạc sĩ Trương Quý Hải, nữ ca sĩ còn đùa rằng mình sẽ hát bài này đến năm 92 tuổi.
Chương trình Quán thanh xuân số tháng 12 với chủ đề “Những mùa đông yêu dấu” khép lại nhưng đã mở ra trong lòng khán giả biết bao ký ức. Có thể đó là một thời đầy những thiếu thốn, khó khăn nhưng đã gọi lại trong lòng người xem những điều thật tốt đẹp.