Có bao giờ tôi tìm hiểu cỏ bồ đề là loại cỏ gì khi mà có một người bạn đặt câu hỏi này cho tôi.
Cỏ bồ đề là tên gọi của cỏ ý dĩ, mọc đầy ở quê, nơi các mô đất hoang, bờ mương hay dọc triền đê .
Nó họ lúa. Hạt cỏ ý dĩ trắng như hạt ngọc, trẻ con lấy chơi, xâu chuỗi thành cườm đeo tay, người ta gọi là cỏ bồ đề.
Trở lại với câu đồng dao trên.
Câu hát nhắc tới ngựa Ông, là ngựa của ai? Ông nào được nhắc đến ? Cỏ Bồ Đề này là địa danh? (tôi viết hoa chữ Ông và Bồ Đề nhé).
Tương truyền năm 1427, Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn tiến qua sông Nhị Hà ( một cái tên khác của Sông Hồng) tiến đánh thành Đông Quan ( Hà Nội) lật đổ ách cai trị của quân nhà Minh, giải thoát nhân dân ta khỏi lầm than khổ cực. Quân giặc thật tàn ác, chúng:
" Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ"
( Bình Ngô đại cáo- Nguyễn Trãi)
Ông cho đóng quân và dựng dinh ở một xã ven sông Hồng, trong dinh có hai cây bồ đề nên dinh được gọi là dinh Bồ Đề. Hàng ngày ông lên tháp cao để quan sát quân địch bên trong thành Đông Quan, cùng các tướng bàn kế hoạch tiêu diệt địch. Nhân dân cắt cỏ mọc xung quanh dinh Bồ Đề cho ngựa của nghĩa quân ăn, cỏ đó gọi Cỏ Bồ Đề.
Cuộc kháng chiến thắng lợi, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua , niên hiệuThuận Thiên ( Lê Thái Tổ) lập ra triều đại nhà Hậu Lê, ông trở thành người anh hùng dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo, thông báo với thiên hạ chiến công lãy lừng của quân dân ta.
Hiện nay ở Hà Nội có phường Bồ Đề, quận Long Biên, câu đồng dao tôi cho rằng là hợp lý với điển tích này.
Có một dị bản khác để giải thích ý nghĩa câu đồng dao trên.
Có một xóm Bồ Đề, xã Quần Anh, Hải Hậu, Hà Nam vào thế kỷ 15 có ba ông gọi là Phó Ba tướng quân đời nhà Lê đã có công khai phá đất hoang lập ra xóm làng lấy tên Bồ Đề. Mỗi khi các ông cưỡi ngựa về thăm dân làng, bà con vui mừng giục nhau cắt cỏ cho ngựa các ông ăn.
Điển tích này gắn bó với lịch sử hình thành địa phương của bà con xóm Bồ Đề.
Câu hát đồng dao lưu truyền trong dân gian ghi nhớ công lao của các anh hùng đã có công giữ nước đánh thắng ngoại xâm. Câu ca này đã đi vào đời sống các tầng lớp nhân dân và sẽ không mai một theo thời gian.
" Nhong nhong ngựa Ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn".
Chuyện làng quê