link tải gowin99 mới nhất

Chuyện tình của cô hộ lý

Có hộ lý mới anh em ơi ! Vừa hét, vừa kéo, anh thương binh tên Hoà cụt một chân đẩy một cô gái nhỏ thó, mặc chiếc áo chàm đã cũ vào phòng . Gọi phòng cho nó oai, chứ ngày đấy trong lúc chuẩn bị chiến dịch, thương binh nhiều, ngày nào cũng cáng về từ 5-7 thậm chí 20-30 người từ nặng đến nhẹ...

Nên toàn là lán dựng tạm, dân quân, du kích, hộ trát vách, lợp rạ, tranh...xếp 50-70 người một gian, giường là những chiếc chõng tre, hoặc phản kê sát vào nhau.

Cô gái e lệ nép sát vào tường lán cúi chào mọi người, giọng lí nhí, một bên thái dương mái tóc xoăn tự nhiên che gần hết( sau này mọi người mới biết là che một vết sẹo to). Da cô không trắng như những cô gái Tày, Nùng ở những bản quanh đó, nhưng mịn màng, và đặc biệt là đôi mắt đen láy, to tròn, sâu thẳm như hút hồn, đôi lông mày dài gọn không tỉa tót, ưa nhìn, nụ cười e lệ còn đọng chút ngây thơ, hồn nhiên như cây cỏ , giọng nói trẻ con làm tất cả các anh chàng từ mù, què cụt đều nhổm dậy và im lặng đến bất ngờ.

--Này này, cô du kích này điều về đây bổ sung cho trại , cấm cậu nào bắt nạt nhé.

Ai cho cậu đưa cô ấy vào đây.?

Một giọng nói ấm áp nhưng trầm ổn vang lên.

Hoà vội vàng quay về phía người nói:

-Bố ơi! Con dắt vào giới thiệu cho anh em thôi mà.

--Cháu chào giám đốc ạ!

Thôi được rồi, lũ này nó nghịch như quỉ, có gì cứ bảo bác nhé.

--Dạ! Cháu cảm ơn bác ạ .

-- Đi theo bác

Cô gái len lén quay ra theo ông giám đốc.

Rồi! Trưa đấy mọi người thấy cô chia cơm canh dưới nhà bếp...bê lên cho thương binh nặng, bón cho các anh...khi rỗi rãi cô làm hết mọi việc có thể, từ thay băng, bê bô...chỉ trừ thay quần cho mấy anh thì người nhẹ làm cho người nặng.

Cả trại trừ bà vợ giám đốc, cô con gái của ông và một bà quét dọn đã 50 ra thì mình cô là nữ, tha hồ trêu chọc đùa vui, khiến cho cô khóc rồi... cười ...bận bịu cả ngày. Nhưng tuyệt đối không ai dám bắt nạt cô cả.Cô như báu vật của cả trại thương binh. Thậm chí có lần các anh kêu cô ngồi cả tiếng để thay nhau hát cho cô nghe...

Rồi họ dạy cô hát, cô hát không hay, nhưng cái giọng trong trẻo như bé con được mọi người yêu thích, Không biết vì cô là số ít, hay vì cô là một cô gái chăm chỉ, dịu hiền, mang hương rừng gió núi...hay vì cô khéo tay, hay làm...từ khâu vá cho đến gói bánh chưng, nấu canh trứng kiến ... Các anh đều thích, vắng cô mọi người cứ như là không có động lực vậy. Chả thế mà cô chả nghỉ được ngày nào. Có lần cả trại bỏ ăn chỉ vì không thấy cô đến làm. Nhà cô ở bản Nà Tềnh chỉ cách trại có một con dao quăng, sáng gà gáy bốn lượt cô có mặt ở trại, mà tối con gà lên chuồng gần gáy lần một cô mới về đến nhà. Ai cũng muốn cô ở lại, người đòi cô lau hộ cái tay, chàng đòi khâu hộ cái áo ...chỉ mấy anh lớn tuổi chút thì nạt mấy cậu trẻ tha cho cô về mai cô còn đi làm.

Ngày đấy trên chiến khu, trại thương binh nằm ngay dưới thung lũng, xung quanh là núi đá, đường về bản vắng tanh, khuya càng vắng, Ông giám đốc cử các chàng thương bình nhẹ nay anh này, mai chàng khác đưa cô về, nhưng cô đều từ chối.Cha cô một ông thầy mo, kiêm dạy võ người Nùng luôn đến đứng ở cổng trại đón đưa cô về.

Nhưng như số mệnh, một lần trong bản có đám, là thầy mo nên cha cô phải đi làm lễ cho họ, thế là ba ngày, ba đêm ông không đến được, các chàng thi nhau xung phong đưa cô về. Lần này, Ông giám đốc chỉ cử mỗi anh tiếp phẩm của trại cũng là thương binh sọ não loại 2/4, lớn tuổi, chững chạc, không trêu ghẹo, đùa cợt cô bao giờ đưa cô về...rồi họ nên duyên...Ai cũng bất ngờ, khi anh báo cáo tổ chức.

Thì ra, chẳng phải đưa nhau về mấy buổi ấy, mà sau những buổi cô cùng anh đi gánh rau, đong gạo, rồi anh giúp cô việc bếp núc... chàng hạ sĩ rủ rỉ rù rì đã lọt vào mắt cô gái Nùng hộ lý. Đã có anh chàng khóc rấm rứt vì thua anh hạ sĩ, hẹn anh ra sau đồi tỉ thí... Ông giám đốc biết được phạt mỗi anh phải cọ chảo, rửa soong nồi một tháng.

Ngày cưới cô, cả trại được một ngày vui nghiêng ngả...Ông giám đốc trại chính là bố nuôi anh chàng hạ sĩ đứng ra tổ chức. Đám cưới làm theo nếp sống mới, chỉ có kẹo lạc bà chị dâu nhận chú rể làm,thuốc lá rubi ông giám đốc cho và nước vối cô dâu chú rể hái ở rừng về. Khách là 600 anh em thương bình của trại, đại diện nhà trai là vợ chồng ông giám đốc, và vợ chồng ông anh nhận cũng là thương binh trong trại, Đại diện nhà gái chỉ mỗi ông bố, còn mẹ cô dâu không đồng ý vì chê chú rể vừa thân cô thế cô, trên răng dưới cát tút... lại già ( trên cô dâu một giáp, nhưng mãi sau này mới biết hơn hẳn cô 20 tuổi). Hai ông bố thống nhất không nhận quà mừng của ai, mỗi cô em gái nhận( con ông giám đốc) tặng hai anh chị một cây kim và một cuộn chỉ theo lời bà mẹ nhận : " Để hai anh chị gắn bó bên nhau , không thể thiếu, để bàn tay chị vá lành mọi vết rách của đời hai anh chị..." Kỷ niệm ấy mãi mãi đi theo họ suốt đời, cứ mỗi khi có việc gì nhắc về thời xa xưa là lại được kể lại, và nhất là khi con cái lớn khôn, họ đều lấy đó làm lời răn dạy "Vật chất không làm nên hạnh phúc".

Tuy vậy trong suốt cuộc đời mưu sinh, họ luôn chật vật, khó khăn, duy có điều họ chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn cho số phận, những tiếng cười pha lẫn hài hước trong bữa cơm luôn làm cho các con yêu thích. Những miếng thịt thỏ sào (củ cải), Thịt kho ( xu hào kho ), hay thịt trâu dai nhanh nhách( rau muống ) luôn là đề tài để các con kể lại)...

Nhưng ông bố vợ lại thích vì anh con rể, vừa hiền lại chịu khó, biết đối nhân xử thế như ông vẫn nói

-- Thằng khươi* này tốt vớ, nó là cái vai tốt cho con gái tao .

Đúng vậy, sống cả đời chưa bao giờ cô phải phiền lòng vì anh, trừ một lần cô nấu cơm quên một xuất phải nấu nát cho anh Ba, một thương binh nặng khó tính, anh kêu cô lại hỏi, cô nói lý do con quấy, quên vậy là anh ta kêu ầm ĩ gây sự...sau này mới biết là các anh đánh đố làm sao để cô bị chồng mắng, thế là bực quá, cô bị chồng tát một cái ( Mãi sau này hai vợ chồng cô vẫn nhắc chuyện "Một cái tát, ba đêm làm kiểm điểm" để vui và cũng là để nhắc nhở con cháu ( Vì sau đó anh chồng bị ông giám đốc bắt họp kiểm điểm tại trại ba đêm liền)...

Cả hai người họ đã về với tiên tổ mấy chục mùa thu qua, nhưng chuyện tình của họ mãi mãi là một kỷ niệm đẹp trong lòng các con. Cứ đến ngày giỗ, không cao lương mỹ vị, nhưng những lời kể về tình yêu của hai người cứ như một vị ngọt đằm thắm , ấm nồng trong lòng các con mãi mãi.

PT

Theo Chuyện làng quê