Thành ngữ ở vùng ven biển Thái Bình có câu: "CUA CÓ CÀNG, BỚP CÓ GAN". Cua có càng, cái ấy dễ ợt rồi. Nhưng Bớp có gan là sao?
Con cua sống trong hang. Chúng tự đào hang để trú ẩn. Cua là loài ăn thịt. Nó cũng là loại sát thủ ghê gớm. Thường thì khi nước rặc (nước triều rút), cua kiếm ăn. No cái bụng rồi thì nó chui vào hang nằm ngủ. Lớp phù sa lấp đầy cửa hang. Người vùng biển có nghề mới có thể bắt được cua. Không khéo sẽ bị hai cái càng lực lưỡng của nó tấn công, rất nguy hiểm. Thịt cua thì rất ngon rồi. Người ít tiền bây giờ chả dám mua đâu. Thứ này đã thành đặc sản cho người giàu.
Còn con cá bớp thì sao? Cá bớp cũng là loài cá ăn thịt. Nó nhỏ thôi, nhưng da nó trơn, có thể uốn lượn, trườn mình trên lớp phù sa bóng loáng. So sánh về "vốn tự có", thì cá bớp chả ăn nhằm gì với loài cua kia. Vậy nhưng, một khi "kẻ cắp bà già gặp nhau" thì chả biết mẽo nào hơn.
Đây nhé! Cá bớp tuy nhỏ con, nhưng mà khi chiến đấu, nó lại rất có bản lĩnh. Nó có ý chí, gan lỳ, và cả thông minh nữa.
Để tấn công con cua trong hang, cá bớp bèn thò cái đuôi của nó vào hang cua. Cái đuôi nó đảo qua đảo lại, cố tình gây sự. Con cua trong hang tức giận, liền dùng cái càng sát thủ của nó kẹp chặt đuôi cá bớp. Khi ấy, cua cũng rụng mất cái càng. An toàn rồi thì con cá bớp liền chui vào trong hang, tiêu diệt con cua bằng cách lấy cái miệng sắc lẻm của nó rỉa thịt cua mà chén. Cua chết rồi thì cá bớp chiếm luôn căn hầm cố thủ của đối phương, khỏi mất công đào đắp.
Dân biển đi bắt cua, thường thấy trong hang cua có cái xác cua trong đó. Đấy là hậu quả của một cuộc chiến giữa cua và cá bớp.
Câu chuyện "cua có càng, bớp có gan" là vậy!