Làng tôi chính là nơi gắn liền với tuổi thơ nghèo khó, nhưng cũng là nơi cho tôi sự trưởng thành từ trong gốc rạ, lớn lên trên những luống cày và thành người bằng sự dạy dỗ, yêu thương của gia đình, của bà con thân tộc!
(Câu chuyện tôi kể dưới đây không phải chuyện hư cấu, không phải chuyện người khác, mà là câu chuyện có thật và tôi là thằng bé con nhà nghèo ấy!)
Phần 1: "Rừng động"
Năm đó, hình như là năm 1987, 1988 gì đó mà lâu quá tôi không nhớ rõ. Sau tết, những đám lúa đã mọc ba lá và phủ cánh đồng một màu xanh rì. Lúc này, các chị, các mẹ đang cong lưng ngoài đồng để làm cỏ cho lúa.
Thời điểm này, trâu bò trong làng phải thả vào các khe núi, vì ở đó có những cánh đồng bậc thang đã bị bỏ hoang từ lâu, cỏ mọc nhiều nên trâu bò dễ kiếm nguồn thức ăn. Còn ở những cánh đồng được cày cấy, trâu bò không thể thả vì thiếu cỏ, và sợ lũ nghé con nhảy lung tung giẫm nát ruộng lúa.
Nhà tôi có hai con trâu, một con trâu mẹ và một chú nghé con mới được vài ba tháng tuổi, dĩ nhiên trâu nhà tôi cũng phải thả theo đàn trâu của làng để vào núi kiếm ăn như vậy. Việc chăn đàn trâu, bò trong làng được giao cho đám trẻ mà phần lớn là học sinh, trong đó có tôi một buổi chăn trâu và một buổi đi học.
Tôi nhớ, câu chuyện xảy ra vào cuối tháng Giêng, những ngọn đồi ở quê tôi được phú kín màu tím và nâu của cây đót. Loài cây được lấy bông để làm chổi quét nhà, nhưng tôi chưa thấy ai làm chổi đót mà xây được biệt phủ như người ta đã nói.
Vì tôi thấy, những người nghèo như gia đình tôi và nhiều gia đình khác mới đi chặt cây đót về bán kiếm tiền mua gạo, chứ chẳng thấy ai giàu. Nhưng thôi. Chuyện chặt đót, mua bán chổi đót để xây nhà, mua đất là câu chuyện mang tính trào phúng, phiếm đàm nên không bàn làm gì!
Năm đó, những ngọn đồi ở quê tôi cây đót trổ bông nhiều lắm! Mỗi buổi sáng, tiếng những người đi chặt đót hú nhau để đi lên rừng vang khắp làng.
Và mẹ tôi, một người phụ nữ ở quê phải luôn dậy sớm để nấu cơm, gói cơm vào chiếc mo cau, thêm bình bi đông nước chè xanh để ba tôi cùng những người đàn ông lên rừng chặt đót.
Khi mẹ tôi nấu cơm, gói cơm thì ba tôi cũng mài xong con rựa bén ngót, bỏ chùm thuốc rê vào túi ni lông, châm dầu và thay viên đá cho chiếc hộp quẹt "đá lửa" ngày xưa. Khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, ông ăn vội chén cơm rồi lấy sợi dây mây xỏ ngang hai đai dưới của chiếc túi vải mà mẹ tôi đã bỏ sẵn gói cơm, bình nước, còn hai đầu sợi mây thì ông buộc lại trên miệng chiếc túi, tạo thành cái balo rồi mang vào vai. Tay ông cầm con rựa, chân mang dép cao su và bắt đầu cho một ngày lên rừng, chặt đót để kiếm tiền cho tôi ăn học.
Tôi đi học buổi sáng, nên việc lùa trâu vào núi do chị tôi chịu trách nhiệm. Đàn trâu phải được lùa vào sâu trong hẻm núi, để chắc chắn không con nào có thể quay về ăn lúa, ăn khoai ngoài làng. Và khi đã xong việc, chị tôi cùng nhiều người quay về để đi đãi vàng sa khoáng. Chuyện chiều vào trong núi lùa trâu về là chuyện của tôi, và một số anh, chị lớn hơn tôi một chút.
Trong đám trẻ chăn trâu ngày đó, tôi là thằng nhỏ nhất. Nhỏ cả về tuổi tác và hình thể.
Mọi thứ được diễn ra êm đềm hàng ngày như chiếc đồng hồ quả lắc tích tắc... tích tắc..., cho đến một hôm làng tôi bị mất hai con bò.
Hồi đó, quê tôi có một bác lớn tuổi làm trang trại trồng dưa, trồng mía bên kia sông, bác ấy nhận giữ bò (chăn bò) cho nhiều hộ gia đình mà ở quê tôi gọi là giữ rẻ. Ngoài giữ bò cho nhiều người, bác còn nhận giữ cả một đàn bò của công ty trồng trọt, sản xuất nông nghiệp. Cả đàn chắc phải hơn một trăm con, là tôi đoán vậy!
Bác ấy làm chuồng cho đàn bò trên một bãi bồi, bãi bồi đó được tạo ra tại điểm tiếp giáp giữa con suối nhỏ chảy ra từng những cánh rừng mà bọn tôi thả trâu với dòng sông quê tôi. Chắc do những trận lụt triền miên, nên điểm tiếp giáp giữa suối và sông thường tạo thành một ngã ba mà phía thượng nguồn nước được lắng lại. Lâu dần, theo thời gian tạo thành bãi bồi như vậy.
Chuyện mất bò được phát hiện khi sáng sớm hôm sau, người dân thấy đàn bò kéo nhau về làng và rất hoảng loạn. Chúng nhảy lung tung, giẫm đạp ruộng lúa, phá nát nhiều đám khoai, đám đậu. Khi mọi người lùa được về một đám đất trống, rộng cuối làng để kiểm tra thì bác ấy phát hiện mất hai con bò.
Đàn bò rất đông, nhưng nhờ kinh nghiệm và bác có đánh dấu bò để phân biệt bò của nhà ai, nên chuyện đó không khó.
Lúc đầu, ai cũng nghĩ là bò bị bắt trộm. Và đối tượng khả nghi rất rộng. Lý do, lúc đó dân buôn chuyến, lên miền ngược để trao đổi hàng hóa với các buôn, làng người dân tộc Kor thuộc huyện Bắc Trà My bây giờ và đi ngang làng tôi, đi ngang bãi bồi có chuồng bó của bác ấy mỗi ngày! Dù không ai nói thẳng ra những nghi vấn ấy giữa đám đông, nhưng nhiều người nghĩ như vậy. Và họ xầm xì với nhau khi uống nước chè xanh, hay uống ly rượu đế ở cái quán nhỏ đầu làng.
Hai ngày sau, khi mấy người đi chặt đót phát hiện xác hai con bò nằm trong chân núi, mỗi con nằm cách nhau vài trăm mét và chỉ còn một phần thịt. Xung quanh đầy dấu chân cọp, thì mọi người vứt đót và hú nhau quay về làng. Những người buôn hàng chuyến được “giải oan”, và thủ phạm bắt bò đã mang lại cho cả làng một nỗi sợ khủng khiếp!
Lúc đó, đi đâu, ở đâu làng tôi ai cũng thì thầm "rừng bị động", “Ông Thầy” về để ám chỉ cọp về làng.
Ngày hôm ấy, cái ngày mà người ta đi rừng và phát hiện xác hai con bò bị cọp bắt và ăn thịt, tôi đi học về và không hề biết gì hết. Giống như mọi ngày, sau bữa cơm trưa tôi đội nón, chân đi dép nhựa và cầm cuộn dây thừng để cùng mọi người vào chân núi lùa trâu về.
Khi đi đến cuối làng, nơi bọn trẻ chăn trâu tụi tôi thường tập trung lại để chờ nhau cho đủ người để đi lùa trâu thì tôi thấy có nhiều người lớn là cha, là anh của những đứa trẻ cùng chăn trâu với tôi có mặt. Họ cầm rựa, cầm giáo và mặt ai cũng căng thẳng, lúc này tôi mới biết có chuyện chuyện cọp về làng bắt bò, chứ không phải bò bị trộm. Và lúc đó, cụm từ “rừng động" được chuyền đi nhanh và phủ hết xóm.
Lúc băng qua con sông để vào núi lùa trâu, nhìn mặt ai cũng im im, lầm lỳ. Họ ít nói, con rựa lăm lăm trong tay và đi với thái độ cảnh giác cao, xen lẫn sợ sệt! Nhìn thái độ đó, thằng bé con như tôi bước nhanh, hai chân bám theo sát mọi người. Lúc đó, chỉ mình tôi là trẻ con, vì ba tôi đi chặt đót ở núi khác nên chuyện cọp về làng ba tôi chưa biết. Mà tôi thì không thể không đi lùa trâu vì nhiều lẽ!
Cánh đồng Phước Đàn, nơi đàn trâu làng tôi được thả tiếp giáp với những ngọn núi của Bắc Trà My. Đây là cánh đồng được khai hoang từ thời xa xưa, rồi chiến tranh xảy ra, nhà cửa bị bom đạn cháy hết, người ta bỏ làng, đồng bị bỏ hoang nên những đám cây mua mọc rải rác khắp đồng một . Mùa xuân, bông mua nở một màu tím rực, nhưng lúc ấy ai còn để ý nữa!
Khi tìm thấy đàn trâu, ai cũng vui, hí hửng chạy nhanh để lùa trâu về. Còn tôi, tìm mãi, ngó quanh, chạy nhanh khắp những chỗ mà đàn trâu thường ăn cỏ mà không thấy hai mẹ con con trâu nhà mình!
Tôi nhìn về phía chân núi, nhìn về phía rừng xanh với một nỗi tuyệt vọng. Lúc này, một nỗi lo sợ vu vơ xâm chiếm đầu óc một thằng bé mới 13 tuổi như tôi. Nước mắt bắt đầu rơi vì sợ trâu nhà mình đã bị cọp bắt.
Dù lo sợ, nhưng tôi vẫn tự an ủi và hy vọng là hai mẹ con con trâu nhà mình vẫn đang gặm cỏ đâu đó, nên đôi chân vẫn đi ngược về phía rừng để tìm.
Những người tìm được trâu họ vội lùa về làng, nhiều người nhìn tôi ái ngại và bảo: Về đi. Về kêu ba tôi đi tìm! Nhưng tôi lắc đầu. Và thật tình, lúc đó tôi rất oán hận những kẻ bỏ tôi lại một mình trong cánh đồng hoang ấy! Trong đó, có cả người anh là bà con thân tộc với tôi! Dù chuyện đã mấy chục năm, nhưng điều này tôi vẫn chưa quên!
Lúc đó, dù còn nhỏ, nhưng tôi ý thức được hai mẹ con con trâu là tài sản lớn nhất của gia đình tôi, nên tôi không bỏ cuộc.
Tay xách đôi dép nhựa, tôi lội dưới những đám sình giữa đồng, vì không dám đi sát chân núi và đi khoảng hơn chừng 500 mét, tôi thấy con trâu mẹ của gia đình tôi đang gặm cỏ trên đám ruộng hoang sát với dãy núi xanh. Một sự vui mừng không thể tả!
Tôi xách đôi dép và chạy như tên về phía núi, con trâu mẹ thấy tôi thì lắc lắc cái đầu với cặp sừng cong vút như chào hỏi.
Thì ra, do nghé con nằm trong bụi mua để nghỉ ngơi, nên trâu mẹ gặm cỏ xung quanh chứ không theo đàn ra đồng lớn để về.
Tôi vút roi nhẹ vào con nghé và lùa hai mẹ con trâu đi về!
Lúc này, chiều xuống rất nhanh! Mới đó mà cánh đồng hoang sát bìa rừng chẳng còn chút nắng. Tôi lùa trâu đi nhanh, và nỗi sợ tiếp theo cũng lớn nhanh theo từng ngọn gió chiều thổi trên những tán cây của rừng xanh heo hút! Gió chiều thổi mỗi lúc càng lớn khiến cho những cành khô gãy kêu răng rắc, và trong một không gian như chiều hôm ấy, đi cùng với câu chuyện cọp về bắt bò khiến một đứa trẻ 13 tuổi là tôi chỉ còn biết hy vọng vào sự may mắn!
Tôi đi sát hai mẹ con con trâu, mắt cứ nhìn quanh, thi thoảng ngoái đầu nhìn phía sau và tưởng tượng một hình ảnh vằn vện xuất hiện.
Thế mới biết, khi sợ hãi người ta thường tưởng tượng ra mọi thứ!
Khi tôi lùa trâu ra giữa ngọn đèo nhỏ chia cách những cánh đồng, hai bên là rừng dây, những cánh đồi đầy cây sim và mua thì nghe cái roạt. Úi trời! Sợ muốn đứng tim.
Thì ra, đó là con trâu đực đầu đàn. Nó là con trâu cha của con nghé nhà tôi. Cũng không riêng nghé nhà tôi, mà hình như nghé con cả làng này đều là con của nó. Vì nó là con trâu đực trưởng thành duy nhất có mặt trong đàn. Loài trâu có đặc tính, một đàn không thể có hai con đực trưởng thành, vì chúng sẽ húc nhau đến chết. Nếu một con thua trận chiến hôm nay, thì những ngày sau chúng sẽ tiếp tục húc nhau, đến khi nào một con phải bỏ đàn rời đi hoặc bị chết thì thôi. Thực tình mà nói, tôi chẳng hiểu lý do gì mà nó, con trâu Xe ấy lại tách đàn rồi quay lại để đi cùng với hai con trâu nhà tôi. Phải chăng nó cũng có linh cảm về sự nguy hiểm nào đó mà cố tình chờ để bảo vệ hai mẹ con trâu nhà tôi và bảo vệ cả tôi!
Lúc đó, tôi nhìn nó và mừng rơi nước mắt! Tôi cảm ơn nó! Nó là con trâu to nhất vùng, nặng chắc hơn một tấn với cặp sừng rộng, cong vút và cái mũi lúc nào cũng khịt khịt, hai con mắt đỏ lòm. Nhìn nó hung dữ lắm nhưng chẳng làm tôi sợ. Trái lại, nó rất thân thiết với tôi! Mỗi khi đến mùa gặt, cánh đồng trở nên rộng thênh thang thì tôi thường hay cưỡi nó, lùa nó xuống sông và tắm mát cho nó. Chỉ cần đứng trước đầu, đưa tay vỗ vỗ cái đầu là nó cúi xuống, tôi đứng trên gốc sừng và nó ngẩng nhẹ là tôi đã ở trên lưng cưỡi nó thoải mái!
Có nó, có con trâu đực đầu đàn ấy khiến tôi trở nên tự tin. Nỗi sợ cọp thoáng chốc bay đi mất!
Nhưng cũng chỉ được vài phút, thì nỗi sợ lại ập đến.
Tôi đi sát vào con trâu đực. Và lúc này, tôi xem nó là thần hộ mệnh!
Khi tôi lùa hai con trâu nhà mình và con trâu đực ấy ra khỏi bìa rừng, tới bãi bồi ven sông thì nắng chiều cũng đã tắt sau dãy núi Dương Ngang. Lúc này, ba tôi cũng vừa tới!
Tay ông cầm cây mác có cán tre, lưng giắt con dao và thêm một cái đèn pin. Thấy tôi, ông mừng quýnh, ông ôm tôi trong vòng tay và rơi nước mắt!
Tôi nhìn bên kia sông, có mấy người bà con họ hàng đứng trông ngóng. Họ ngóng vì chuyện hai mẹ con trâu nhà tôi chưa tìm được, và thằng bé là tôi còn ở trong núi tìm trâu khiến mọi người lo nghĩ vu vơ!
Lúc lùa trâu lội qua sông, tôi và ba mình cũng lội qua và ông quay mặt nhìn về phía những ngọn núi.
Tôi không biết lúc đó ba tôi đang nghĩ gì, còn tôi thì chỉ lo bài tập của ngày mai hơn là chuyện cọp về làng, hay nỗi sợ mà tôi vừa trải qua!
(Còn nữa)